Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng cơ bản theo tuyến tính về giao thông (đường Bắc Nam, sông Hàn và sân bay) từ thời Pháp thuộc cho đến chiến tranh chống Mỹ. Thành phố đã phát triển thật năng động kể từ ngày trực thuộc Trung ương, nhưng phải chăng đến nay Đà Nẵng cần có khoảng lặng cần thiết để rà soát lại công việc đã qua và hoạch định ra hướng đi mới, phù hợp với vị thế trung chuyển, vai trò phát triển dịch vụ – kỹ thuật – công nghệ cao, thành phố thông minh phục vụ công cuộc phát triển kinh tế toàn miền Trung của mình?
Qua trao đổi với bạn bè trong giới kiến trúc, xây dựng trong nước và cả người nước ngoài, ai cũng nhìn nhận Đà Nẵng là một thành phố năng động – đang ở trên tuyến đầu phát triển, vào thời kỳ đất nước hội nhập và toàn cầu hóa, có nhiều khả năng trở thành một trong các đô thị thông minh đầu tiên ở Việt Nam.
Các dự án xây dựng ở đây khá táo bạo, đồng hành với một phong cách quản lý mạnh dạn, một thời từng gây không ít tranh luận, nhưng rõ ràng là kịp thời và hiệu quả. Dĩ nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít điểm chưa hoàn thiện, nhưng nhìn chung có thể khắc phục được – nếu lãnh đạo được tham mưu kịp thời và đúng hướng.
Phát triển trong 20 năm đổi mới
Kể từ thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng ngày càng thay thế dần vị trí cửa khẩu Hội An và xác định rõ cảng biển và đầu mối giao thông chiến lược nổi bật của mình vào thời Pháp thuộc. Sự xuất hiện đầu mối tuyến xe lửa toàn miền Trung rồi căn cứ hải quân, sân bay (thành lập vào năm 1940) nhấn mạnh vị trí giao thông, căn cứ chiến lược vào lõi kinh tế – kỹ thuật của thành phố này.
Từ khi trở thành TP trực thuộc Trung Ương, Đà Nẵng càng xác định rõ vai trò đặc biệt này. Nay diện tích do Thành phố quản lý đã có 1.256 km2, gồm 6 quận và 2 huyện (bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa), với gần một triệu dân. Sông Hàn, trục đường Bắc Nam (đường xe lửa xuyên Việt, quốc lộ 1A) nay tăng cường thêm đường Trường Sơn ở phía Tây, Tuyến đường ven biển phía Đông. Sân bay quy mô quốc tế tạo thành những tuyến giao thông hàng đầu theo chiều dọc. Bốn cây cầu bắc qua sông Hàn, Đường 14 (tiến sâu về phía Tây nối kết đường Trường Sơn) tạo thành những trục giao thông theo chiều ngang…
Kinh tế Đà Nẵng đã phát triển nhanh so với cả nước khi thu nhập bình quân đầu người đạt 1.500 USD/năm. Thành phố đã xây dựng được nhiều công trình quy mô lớn: hoàn thiện cảng Tiên Sa nay tăng cường thêm cảng Liên Chiểu, các khu công nghiệp Hòa Khánh (640ha), Hòa Cầm (137ha), hầm Hải Vân (rút ngắn khoảng cách với Huế), khu nghỉ mát Bà Nà ở vùng núi phía Tây, dần hình thành phức hợp công viên tự nhiên Ngũ Hành Sơn, dãi bờ biển du lịch phía Đông…
Lõi kinh doanh trung tâm CBD (Central Bussiness Dictric) đang hình thành với sự phát triển của nhà cao tầng, trung tâm thương mại – dịch vụ, sinh hoạt văn hóa – xã hội đã tạo cho Đà Nẵng dáng dấp một trung tâm kinh tế lớn nhất miền Trung, một siêu thị đô thị – đa trung tâm.
Hình mẫu phát triển đô thị thời toàn cầu hóa
Không ít học giả nước ngoài đã chọn nghiên cứu Đà Nẵng như một thành phố tiêu biểu, mạnh dạn tự lực phát triển sau đổi mới. Cuối năm 2008, tình cờ trong một cuộc Hội thảo quốc tế về đô thị Đông Nam Á ở TP.HCM, tôi gặp Giáo sư Christian Taillard – Ông là nhà nghiên cứu đô thị lâu năm thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khá công phu về Đà Nẵng kéo dài trong nhiều năm. Taillard cho rằng: từ một thành phố quy hoạch xây dựng theo tuyến tính về giao thông (sông Hàn và sân bay) từ thời Pháp thuộc cho đến chiến tranh chống Mỹ, rồi bước vào thời kỳ phát triển sau chiến tranh, Đà Nẵng đã phát triển theo hướng một siêu đô thị – đa trung tâm. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa Đà Nẵng chỉ mới diễn ra ở các trục giao thông chính và các khu đô thị, khu công nghiệp mới, chứ chưa tác động bao nhiêu đến cơ cấu thôn làng ở các lõi giữa. Cho nên cảnh quan đô thị Đà Nẵng ngày nay là một sự đan xen hai yếu tố đô thị và nông thôn. Đây có lẽ là hình mẫu chung cho nhiều thành phố đang phát triển nhanh ở một đất nước có 70% dân số nông thôn như nước ta.
Vào giai đoạn đất nước chuyển mình đô thị hóa nhanh chóng, Đà Nẵng là thành phố mạnh dạn đi đầu trong việc thể nghiệm một phong cách phát triển đô thị kiểu mới, vừa dung hòa được phát triển kiểu kinh tế thị trường, vừa tạo được sự đồng thuận xã hội, từng bước tiến lên từ một đất nước còn kém phát triển.
Cần chú ý vấn đề tác động môi trường
Gần đây, cả nước xôn xao về các công trình quy mô thật lớn và khá táo bạo đang triển khai như Tòa cao ốc Trung tâm Hành chính tập trung cao tầng, Khu Phức hợp đô thị hiện đại lấn vịnh biển Đa Phước do Hàn Quốc đầu tư.
Cách đây không lâu, tôi đã tham gia nhóm chuyên gia kiến trúc – đô thị, tiến hành cuộc hội thảo với nhiều chuyên gia tại Đà Nẵng và sinh viên tại trường Đại học Duy Tân. Nhóm gồm bà Kathrin Moore (từng là trưởng nhóm quy hoạch SOM (Mỹ) thiết kế khu đô thị mới Nam Sài Gòn vào những năm 1990) và Ngô Viết Nam Sơn (Tiến sĩ kiến trúc hành nghề giảng dạy ở Bắc Mỹ). Chúng tôi đã cùng trao đổi kinh nghiệm xây dựng đô thị, trình bày kinh nghiệm xây dựng trên thế giới, tìm ra giải pháp để gắn kết công tác quy hoạch, xây dựng đô thị hiện đại phù hợp với điều kiện khí hậu, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam. Sau đó, chúng tôi đã tham gia phương án tham gia phương án góp ý quy hoạch Đà Nẵng theo hướng mới.
Bàn bạc về các dự án lớn đang triển khai ở Đà Nẵng, chúng tôi thực sự e ngại về nạn giao đất cho các công ty khai thác “resort” bít kín bãi biển, rừng dương trên các đồi cát ven biển đang biến mất, tác động không mấy thuận lợi lên môi trường rất nhạy cảm của vịnh biển khi phương án xây dựng của Hàn Quốc xuất hiện…Đáng ra các chuyên gia môi trường và kiến trúc – quy hoạch phải sớm mạnh dạn tham mưu lãnh đạo thành phố về các mặt này.
Vai trò cái lõi dịch vụ – kỹ thuật – công nghệ cao toàn vùng
Đà Nẵng ngày càng được xác định như một trung tâm dịch vụ – kỹ thuật cho toàn khu vực miền Trung. Tuy thế trong công tác yểm trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay là trung chuyển hàng hóa và nhất là du lịch, thành phố Đà Nẵng chưa được trang bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng như sân bay đẳng cấp quốc tế, cảng biển container, đón được tàu du lịch cỡ lớn…
Thành phố nên tập trung đẩy mạnh ưu thế dịch vụ – kỹ thuật hơn là chạy theo mốt thời thượng trước mắt là lập các khu du lịch riêng cho mình. Nhiều người cho rằng vị trí Đà Nẵng không mấy thuận lợi cho du lịch (nhiều ngày hứng gió bão mạnh trong năm). Nạn môi trường tự nhiên bị phá hủy và bê tông hóa làm thành phố nóng hơn vào mùa nắng, lạnh hơn vào mùa đông. Dư luận lâu nay vẫn còn xôn xao về những bất cập trong việc chia lô bán sạch đất bãi biển, việc chiếm dụng các rẻo đất triền núi Sơn Trà xây các khu gọi là “resort” rất lôm côm… Tôi từng trú ngụ mấy năm ở bang Florida, nổi tiếng về du lịch bãi biển ở Mỹ, tại đó người ta không bao giờ giao đất nằm sát biển cho tư nhân khai thác xây dựng khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí. Bãi biển là không gian vui chơi giải trí mà toàn cộng đồng phải được ưu tiên sử dụng.
Ngoài vai trò cảng biển trung chuyển lớn, TP Đà Nẵng nên mở thêm khu bến thuyền (phục vụ du thuyền, kiểu “Marian”). Thành phố lâu nay đã chủ trương đúng khi khuyến khích xây dựng văn phòng, khách sạn quy mô lớn, nhưng nên kết hợp với sinh hoạt trung tâm hội nghị phục vụ họp mặt nghề nghiệp, đại hội chuyên đề (convention), hội thảo quốc tế, kết hợp vui chơi giải trí dành cho gia đình người dự họp như thường thấy ở phương Tây.
Mấy năm gần đây, Đà Nẵng bận rộn với nhiều công trình bất động sản quy mô lớn, chuẩn quốc tế. Phải chăng nay là lúc thích hợp nhất để lãnh đạo thành phố dừng lại rà soát những điều đã làm được trong thời gian qua và cùng các chuyên gia đinh hướng quy hoạch phát triển lại cho một tương lai bền vững hơn, nhất là hướng phát triển thành phố thông minh hàng đầu của khu vực miền Trung.
Đà Nẵng, thành phố thông minh
Công nghệ thông tin đang được coi là nền tảng để xây dựng lên những thành phố kết nối, nơi có các tòa nhà thông minh, mọi quy trình sẽ được điều khiển từ xa hoặc tự động hóa mà không cần đến sự can thiệp của con người. Khu kinh tế tự do Songdo, Incheon của Hàn Quốc, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Shah Alam (Malaysia), Florida và New York (Mỹ) là các ví dụ điển hình về thành phố thông minh với khả năng áp dụng công nghệ vào quản lý và sinh hoạt. Tại Việt Nam, Đà Nẵng cũng đang quyết tâm xây dựng mô hình công nghệ cao này.
Giáo sư đại học Harvard là Michael Porter luôn nhắc ta rằng: muốn cạnh tranh thành công thì phải tạo được sự khác biệt. Về mặt năng lực cạnh tranh đô thị, Đà Nẵng có thể tận dụng các lợi thế so sánh sau:
- Hậu phát: là đô thị phát triển nên có thể rút ra các bài học, kinh nghiệm, biết tăng cường các thế mạnh và loại bỏ các sai lầm của các thành phố khác.
- Địa lý: do vị trí trung tâm giữa Nam – Bắc Việt Nam, gần Tây Nguyên, ở điểm cuối hành lang Đông Tây của tiểu vùng Mekong.
- Nguồn vốn trí tuệ và xã hội: nguồn nhân lực được đào tạo khá lớn, khoa học công nghệ phát triển, nào công viên phần mềm, khu đô thị công nghệ cao FPT, trung tâm công nghệ sinh học, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu.
- Trị lý đô thị (urban governance): với một chính quyền chủ trương cách tân, chịu lắng nghe ý kiến nhân dân và tư vấn khoa học – kỹ thuật.
Đà Nẵng ngày nay có đủ tiền để phát triển theo định hướng “thành phố thông minh”, tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ để sớm phát triển thành đô thị toàn cầu. Thành phố đang có những đặc trưng nổi bậc như sau: nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn đa quốc gia, tổ chức quốc tế, ngân hàng, hãng luật, công ty kiểm toán, sàn giao dịch chứng khoán; là nơi đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế; có nhiều ngoại kiều; sinh viên quốc tế; có nhiều cơ sở văn hóa nổi tiếng và nhiều di sản thế giới; có kết cấu hạ tầng đầy đủ và hiện đại; xã hội có mức sống cao , thoải mái và an ninh. Như vậy, thành phố sẽ sớm trở thành đô thị toàn cầu kết nối với đô thị các nước thậm chí còn nhiều hơn với đô thị trong nước.
Nhìn chung, trong chiến lược phát triển chung, Đà Nẵng luôn được xác định như cái lõi dịch vụ – kỹ thuật – công nghệ cao, hỗ trợ cho sự phát triển toàn miền Trung. Nhìn về toàn cảnh phát triển khu vực Đông Á mở ra Thái Bình Dương, Đà Nẵng là nhịp cầu kết nối trục phát triển Việt Nam từ Hà Nội – Hải Phòng đến TP.HCM – Cần Thơ, là cửa ngõ mở ra Biển Đông của đường Đông Tây Xuyên Á. Mong rằng khi xác định lại hướng quy hoạch xây dựng mới cho thành phố, chúng ta sớm rút tỉa những bài học kinh nghiệm ở các đô thị khác trên thế giới, phát triển Đà Nẵng theo chiều hướng kinh tế – nhân văn tích cực nhất.
Tài liệu tham khảo:
- Christiab Taillard, Từ đô thị háo tuyến tính ở vùng ven đến siêu đô thị đa trung tâm với các khu đô thị mới, trường hợp thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Hội thảo quốc tế “ Các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á”, TP.HCM, 12/2008
- Tương lai các thành phố thông minh tại Việt Nam, báo điện tử VNExpress 7/7/2011
- Phạm Sỹ Liên, Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị thông minh, tạp chí Kiến trúc Việt Nam, 03/2011
- Đà Nẵng – thành phố thông minh, báo Xây dựng 7/2011
- 5 năm tới, Đà Nẵng là thành phố thông minh, theo ICTnews, 10/10/2011
KTS Nguyễn Hữu Thái