Home / QUY HOẠCH / Phát triển đô thị phải phù hợp với phát triển kinh tế xã hội

Phát triển đô thị phải phù hợp với phát triển kinh tế xã hội

Sức ép của phát triển thương mại dịch vụ gắn liền với kinh tế trí thức mà mảng phát triển này ngày càng chiếm tỉ lệ lớn hơn trong nền kinh tế. Chính nó đã tạo ra sức ép rất lớn lên việc phát triển của khu trung tâm hiện hữu ở các thành phố lớn, thể hiện cụ thể là sự phát triển đòi hỏi phát triển kiến trúc cao tầng ngày càng nhiều, ngày càng cao, lưu lượng xe cộ rất lớn, gây tác động không nhỏ đối với cấu trúc của các đô thị cũ.

Phát triển đô thị phải phù hợp với phát triển kinh tế xã hội

Ngày nay với sự tiến độ nhanh chóng của kỹ thuật công nghệ cao đã đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở mỗi nước tiến lên như vũ bão mà cốt lõi là sự phát triển của các đô thị.

Dường như những mô hình phát triển đô thị ở cuối thế kỷ trước không còn thích ứng nữa. Các đô thị, các siêu đô thị thường từ trung tâm phát triển lan tỏa ra theo các trục giao thông hướng ngoại của đô thị. Sự phát triển đó dựa vào sự hình thành một cách nhanh chóng các khu công nghiệp ở khu vực ngoại thành kèm theo những khu dân cư tự phát của những người nhập cư.

Những khu công nghiệp, nhưng do sự phát triển lan tỏa của đô thị lại biến nó thành những khu xen kẽ trong nội thành được mở rộng. Từ đó sinh ra những vấn nạn không thể tránh khỏi.

Đó là: Lấn chiếm đất đai nông nghiệp. San lấp sông rạch, phá hoại sinh thái, gây ngập úng  tràn lan.

– Thiếu nhà ở và không gian công cộng, phát sinh nhiều khu ổ chuột.

–  Rối loạn và tắc ngẽn giao thông

– Phát sinh các vấn nạn về xã hội và văn hóa

– Không kiểm soát nổi sự phát triển của đô thị, quản lý rất khó khăn phức tạp.

Cuối thế kỷ trước, người ta đã đưa ra mô hình phát triển nhiều thành phố vệ tinh xung quanh các đô thị lớn. Mô hình này cũng đã phát huy được phần nào tác dụng của nó, tránh được sự tập trung cao của đô thị và quản lý đô thị được dễ dàng hơn. Song những vấn đề như lấn chiếm đất đai, ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên vẫn chưa được giải quyết được. Mặt khác chính sự hình thành những thành phố vệ tinh đã làm nối dài các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tăng lượng giao thông lên rất lớn, làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường lan tỏa rộng hơn. Và quan trọng hơn cả là việc xây dựng những thành phố vệ tinh và được kéo dài các hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải cần đến vốn đầu tư rất lớn, rất không kinh tế. Nước Mỹ và nhiều nước khác đã có nhiều bài học về vấn đề này.

Ngày nay ở các thành phố lớn thường chịu 3 sức ép nặng nề, đó là:   

– Sức ép của phát triển công nghiệp, đòi hỏi sự hình thành nhiều khu công nghiệp xung quanh các thành phố lớn, đòi hỏi hệ thống giao thông lớn gồm có cảng biển, các đường bộ nối liền với nhau và nối liền với trung tâm chính của thành phố.

–  Sức ép của phát triển thương mại dịch vụ gắn liền với kinh tế tri thức mà mảng phát triển này ngày càng chiếm tỉ lệ lớn hơn trong nền kinh tế. Chính nó đã tạo ra sức ép rất lớn lên việc phát triển của khu trung tâm hiện hữu ở các thành phố lớn, thể hiện cụ thể là sự phát triển đòi hỏi phát triển kiến trúc cao tầng ngày càng nhiều, ngày càng cao, lưu lượng xe cộ rất lớn, gây tác động không nhỏ đối với cấu trúc của các đô thị cũ.

–  Sức ép của dân nhập cư, dân ở nông thôn, ở các tỉnh lẻ lũ lượt được kéo về thành phố lớn để kiếm sống ngày một nhiều, gây ra sự lấn chiếm đất đai, hình thành những khu ổ chuột, tạo ra một tầng lớp khá đông không có công ăn việc làm ổn định và thu nhập rất thấp, làm nên một gánh nặng cho đô thị. Và chính việc phát triển đô thị tự phát thường bắt đầu từ đây.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng giống như nhiều thành phố đang phát triển khác, do sự phát triển quá nóng, quá nhanh, nên giai đoạn đầu đã tập trung vào việc phát triển nhiều khu công nghiệp  sử dụng lao động không cần kỹ năng cao. Những tưởng lực lượng lao động sẽ được kéo từ thành phố ra, nhưng không phải thế! Đa số công nhân, là người ở tỉnh lẻ, ở các vùng nông thôn đổ về kéo theo một lực lượng nhập cư rất lớn. Khuyết điểm chính của ta là không thấy trước được hiện tượng đó, nên khi quy hoạch những khu công nghiệp ở xung quanh thành phố ta không đồng thời quy hoạch những khu dân cư tương ứng để tạo nên những khu vực đô thị mới. Ngược lại để cho nó hình thành những khu đô thị tự phát, gây rất nhiều trở ngại cho sự phát triển hài hòa của các thành phố.

Nay thì vấn đề đã rõ! Các thành phố trung tâm, các thành phố lớn sẽ hướng về phát triển kinh tế dịch vụ và công nghệ kỹ thuật cao là chính. Các khu công nghiệp thông thường có sử dụng lực lượng lao động lớn, có lực lượng vận tải lớn, các khu công nghiệp ô nhiễm, các cảng biển lớn, các đầu mối giao thông phải được đẩy lùi ra xa khỏi thành phố.

Đến giai đoạn này thì kinh tế thương mại dịch vụ và công nghệ cao đang phát triển mạnh cùng với sự phát triển văn hóa xã hội tương ứng và địa bàn hoạt động của nó chính là khu trung tâm đô thị. Đến lượt trung tâm chịu sức ép  ghê gớm bởi sự phát triển  của những kiến trúc cao tầng, những kiến trúc đồ sộ và nó đã có những tác động rất lớn đến các khu đô thị cũ và làm cho chúng ta không khỏi lúng túng.

Trước những sức ép như vậy rõ ràng phải tìm kiếm một mô hình phát triển đô thị phù hợp hơn. Về mặt chiến  lược của toàn quốc gia thì Nhà nước phải có chính sách xây dựng nhiều đô thị nhỏ với những chức năng khác nhau và phân bố rộng rãi trên toàn lãnh thổ, tránh sự tập trung quá lớn những đại đô thị, những siêu đô thị. Còn những thành phố lớn hiện nay như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…phải tìm ra một mô hình phát triển thích hợp để làm sao có thể phát triển mở rộng thành phố một cách thích ứng vừa làm sao cải tạo đô thị cũ một cách hài hòa và có hiệu quả. Đây chính là bài toán đặt ra cho việc đi tìm một mô hình phát triển đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội rất bức xúc hiện nay.

Dưới đây người viết xin đề cập đến một mô hình mới cho sự phát triển đô thị lấy thành phố Hồ Chí Minh làm ví dụ.

Mô hình phát triển thành phố đa trung tâm:

Thực ra mô hình phát triển thành phố đa trung tâm đã đề ra trong Quy hoạch Tổng mặt bằng Thành phố Hồ Chí Minh do Chính phủ phê duyệt từ năm 1992, nhưng đa trung tâm như thế nào, ở những vị trí nào và sẽ được quy hoạch ra sao thì nó đã không được triền khai ra một cách cụ thể và dường như nó đã bị chìm trong quên lãng trước sự tấn công ồ ạt của việc phát triển đô thị tự phát.

Hơn 10 năm trước đây, một tập đoàn của Đài Loan đã xin phép đầu tư xây dựng một khu đô thị mới ở phía Nam Sài Gòn có tên là khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Quy hoạch chung của khu đô thị mới này do Công ty S.O.M của Mỹ thiết kế và quy hoạch khu Trung tâm của nó do Công ty Kenjo Tange của Nhật Bản thiết kế. Nay thì nó đã hình thành một khu đô thị mới rất hiện đại mà cũng rất “ phong thủy” và một chút gì đó theo phong cách đô thị của Phương Đông. Nhiều người nói rằng ngay cả các nước Phương Tây cũng hiếm có được những khu đô thị như thế. Theo tôi thì về mặt xã hội cái đô thị này không phải không có vấn đề bởi bây giờ người ta đang gọi nó là đô thị của những người giàu có, khá giả, còn người nghèo, người thu nhập thấp thì đừng hòng bén mảng đến đây. Nhưng về mặt quy hoạch phát triển đô thị có định hướng, có tổ chức thì phải nói đây là một mô hình rất đáng để cho chúng ta nghiên cứu.

Khu Phú Mỹ Hưng vô hình chung đã trở thành một Trung tâm đô thị ở phía Nam Sài Gòn , và nó đã bắt đầu phát huy tác dụng của một khu trung tâm mới. Phú Mỹ Hưng bây giờ không chỉ đơn thuần là một  khu nhà ở cao cấp mà đã có những không gian công cộng, công trình công cộng, bệnh viện, những khu dịch vụ thương mại, văn phòng các Công ty…Ý đồ của họ là kéo những công trình muốn xây dựng ở khu Trung tâm Sài Gòn ra ngoài này. Vâng, họ có thể làm được, bởi Trung tâm chính Sài Gòn hiện đang bị dồn nén quá lớn. Và như trên đã nói vô hình chung nó đã làm được chức năng của một Trung tâm mới hỗ trợ cho trung tâm chính của Thành phố. Ngoài ra dựa vào cơ sở hạ tầng rất tốt của nó mà xung quanh đó đã rất nhiều dự án xây dựng khác “ ăn theo” mọc lên, như những khu nhà ở mới, khu dân cư mới.. Hình thành nhân tố cốt lõi cho sự phát triển của một khu vực đô thị.

Từ bài học này ta thấy việc Thành phố Hồ Chí Minh cần quy hoạch thêm nhiều Trung tâm mới là rất có lý. Tuy nhiên mô hình Thành phố vệ tinh nếu ta biết ứng dụng một cách thích đáng thì nó cũng có thể phát huy những giá trị vốn có của nó. Kết hợp mô hình đa trung tâm với mô hình thành phố vệ tinh, có lẽ đó là lời giải đáp bài toán những đô thị trong tương lai cho Thành phố Hồ Chí Minh. Phải nói rằng bây giờ mới đưa ra hồ sơ phát triển này là “ hơi bị muộn” và sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện, bởi quy hoạch xây dựng thành phố gần như đã bị nát vụn trước sự tấn công của đô thị tự phát. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ không thể để cho nó tiếp tục diễn biến xấu hơn. Phải có giải pháp cho tương lai ở một tầm nhìn xa hơn, phải tìm ra một lối thoát hữu hiệu  hơn, và đề xuất này với mong muốn vươn tới tầm nhìn đó. Theo sơ đồ này thì TP.Hồ Chí Minh ngoài Trung tâm chính Sài Gòn ra còn có 4 hoặc 5 Trung tâm khác ở hướng khác nhau của thành phố trong phạm vi bán kính 10- 15 km tính từ Trung tâm chính và một số Thành phố vệ tinh với những chức năng riêng ở những khoảng cách hơn.

Hiện tại đã có khu Phú Mỹ Hưng và có thể coi đó là một Trung tâm ở phía Nam thành phố – Trung tâm Nam Sài Gòn. Khu trung tâm này nằm trên giao điểm của trục đường Bắc – Nam và đường Nguyễn Văn Linh tức đường vành đai phía nam nối liền Đông – Tây, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương, Quốc lộ 1A và đường Nguyễn Văn Linh, hiện đã hình thành những khu công nghiệp, những khu dân cư sầm uất và là cửa ngõ hướng về đồng bằng sông Cửu Long, những yếu tố đó vô hình chung đã tạo thành nhân tố cho sự hình thành một trung tâm ở phía Tây Thành phố – Trung tâm Sài Gòn.

Trục Bắc Nam nối tiếp quốc lộ 22 lên Tây Ninh với giao điểm quốc lộ 1A ( đường vành đai phía Bắc thành phố) là vị trí có thể quy hoạch thành Trung tâm phía Bắc của thành phố. Nơi đây có khu phần mềm Quang Trung, các cụm dân cư đông đúc và là cửa ngõ giao thương với Campuchia. Đây hoàn toàn xứng đáng là Trung tâm Bắc Sài Gòn.

Về phía Đông có 2 vị trí có thể chọn làm Trung tâm Đông Sài Gòn. Vị trí thứ nhất là giao điểm giữa xa lộ Sài Gòn- Biên Hòa với đường vành đai phía Đông của thành phố. Nơi đây là khu Đại học Quốc gia, khu công nghiệp kỹ thuật cao…là điểm giao tiếp với Bình Dương, Đồng Nai và là cửa ngõ hướng ra miền Bắc. Vị trí thứ hai có thể chọn ở giao điểm của đường vành đai phía Đông với trục Đông – Tây nối với đường cao tốc tới Nhơn Trạch, Long Thành và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hai vị trí trên có thể hội tụ đủ những yếu tố để trở thành một Trung tâm ở phía Đông thành phố.

Các khu Trung tâm nói trên có các chức năng:

– Xây dựng các không gian công cộng, các công trình công cộng và phúc lợi xã hội phục vụ cho một khu vực đô thị theo từng hướng của thành phố.

– Kéo bớt các công trình thương mại dịch vụ từ Trung tâm  chính Sài Gòn ra và là đầu mối tiếp cận hơn với những hướng mà nó có thể giao tiếp.

– Làm hạt nhân cho sự tiếp tục phát triển mở rộng đô thị một cách có tổ chức.

Mỗi Trung tâm có thể dựa vào địa hình địa thế và những chức năng riêng để tạo cho mình có một nét đặc thù về cảnh quan, về kiến trúc, về sinh hoạt cộng đồng v.v…

Ngoài phương thức Đa Trung tâm, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hình thành thêm một số thành phố vệ tinh như dự kiến. Đó là TPVT công nghiệp Tây Bắc Củ Chi; TPVT công nghiệp nặng và cảng biển ở Hiệp Phước; Đô thị vệ tinh nghĩ dưỡng sinh thái ở Cần Giờ; khu đô thị mới ở Hóc Môn và có thể còn có một vài đô thị vệ tinh khác nữa..

Nếu mô hình phát triển Thành phố đa trung tâm kết hợp với các đô thị vệ tinh được thực hiện thì Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều cơ hội để đi đúng vào quỹ đạo phát triển của nó. Thành phố Hồ Chí Minh có thể có quy mô 10 triệu hay hơn 10 triệu dân và vẫn sẽ là động lực chính, là đầu tàu có công suất lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam.

KTS. Lưu Trọng Hải

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *