Home / QUY HOẠCH / Quy hoạch đô thị Đà Nẵng dưới góc nhìn của người làm Sử

Quy hoạch đô thị Đà Nẵng dưới góc nhìn của người làm Sử

Di tích Chăm - Phong Lệ
Di tích Chăm – Phong Lệ

Đà Nẵng có một lịch sử quy hoạch đô thị chừng hơn một trăm năm, dài gần bằng lịch sử hình thành và phát triển của thành phố bên sông Hàn. Lịch sử Đà Nẵng mãi mãi ghi nhận và trân trọng công lao của các thế hệ chuyên gia quy hoạch và quản lý đô thị, trong suốt một thế kỷ lao động kỹ thuật và nghệ thuật, nhất là trong hai mươi năm vừa qua, bằng tấm lòng, tầm nhìn và sự hiểu biết về lịch sử, đã góp phần mang lại cho thành phố này một diện mạo đô thị đàng hoàng chững chạc như hôm nay.

Với một quỹ thời gian hạn hẹp, dưới góc nhìn của người làm Sử, tôi muốn nói lên vài suy nghĩ về quy hoạch đô thị Đà Nẵng đương đại, bắt đầu từ trường hợp một phế tích Champa ở quận Cẩm Lệ mới được khai quật khảo cổ mấy năm gần đây. Tôi còn nhớ năm 2015, chính quyền thành phố giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng đồ án quy hoạch Khu di tích Chăm – Phong Lệ để kịp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23 tháng 11 năm ấy.

Tôi không biết quy hoạch Khu di tích Chăm – Phong Lệ đến nay đã được phê duyệt chưa và dẫu được phê duyệt xong hay chưa được phê duyệt thì vào thời điểm này theo tôi cũng cần rà soát để bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. Hồi đó, được mời tham gia góp ý vào dự thảo đồ án, tôi có nói rằng để quy hoạch Khu di tích Chăm – Phong Lệ một cách tốt nhất trong khả năng có thể, nên chú ý đồng bộ cả hai phương diện bảo tồn di sản và phát huy giá trị di sản, theo hướng bảo tồn thật tốt để phát huy và ngược lại.

Chính vì vậy, theo tôi không gian quy hoạch Khu di tích Chăm – Phong Lệ không nên chỉ thu gọn trong phạm vi hơn hai nghìn rưỡi mét vuông chung quanh khu vực đang khai quật mà cần mở rộng thành một khu vực rộng gần mười lăm nghìn mét vuông như đề xuất của nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Đương nhiên đã là quy hoạch thì phải bắt đầu một lần, không nên tư duy theo kiểu trước mắt chỉ quy hoạch khu vực hai nghìn rưỡi mét vuông còn khu vực gần mười lăm nghìn mét vuông chờ tính sau. Người Đà Nẵng chúng ta nên học tập tư duy quy hoạch của người Khánh Hòa khi họ mở đường ven biển Nha Trang – Cam Ranh với dãi ngăn cách rộng gấp mấy lần hai làn đường.

Tuy nhiên nhìn vào dự thảo đồ án quy hoạch Khu di tích Chăm – Phong Lệ ở khu vực ngoài phạm vi khai quật khảo cổ của nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, tôi thấy đưa Miếu Bà vào là đúng, còn hai ngôi mộ cổ nếu qua nghiên cứu mà không có yếu tố Chăm thì có lẽ cũng nên di dời đến khu vực phù hợp hơn. Riêng hạng mục Nhà trưng bày, tôi thấy quy hoạch như vậy là chưa đủ tầm. Tôi đã nhiều lần phát biểu rằng ở Phong Lệ cần hình thành một Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở hai nhằm khắc phục tình trạng quá tải không thể khắc phục của Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở chính.

Muốn thế phải quy hoạch hạng mục này đủ rộng để ngoài việc có chỗ trưng bày toàn bộ cổ vật điêu khắc Chăm đã và sẽ phát hiện trên địa bàn Đà Nẵng (Phong Lệ, Khuê Bắc, Quá Giáng, Cấm Mít, Xuân Dương…), còn có chỗ phục dựng những tháp Chămpa nổi tiếng – tất nhiên dưới dạng mô hình; cũng như có chỗ để khách tham quan có thể nghe các nhà Chămpa học ở Đà Nẵng, ở trong nước cũng như đến từ nước ngoải, giới thiệu những thành tựu mới về nghiên cứu Chămpa nói chung và nghệt thuật điệu khắc Chămpa nói riêng, hay để thưởng thức các vũ công trình diễn những điệu múa Chămpa – từ múa dân gian cho đến múa cung đình, hoặc để mua những mặt hàng lưu niệm cao cấp khó có thể mua được ở đâu khác liên quan đến nền văn hóa Chămpa…

Đương nhiên để đáp ứng các yêu cầu cơ bản nêu trên, theo tôi không nên tích hơp vào quy hoạch Khu di tích Chăm – Phong Lệ những thứ không liên quan đến Chăm – có thể quy ho1ch hẳn một khu du lịch trên địa bàn Phong Lệ nhằm gắn kết với khu di tích Chăm – Phong Lệ theo tour tuyến du lịch đường bộ hoặc đường sông. Chính việc chỉ có những gì liên quan đến điêu khắc và rộng hơn là văn hóa Cha8mpa xưa mới làm nên giá trị kah1c biệt độc đáo của Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Phong Lệ sắp đến.

Nước mắm Nam Ô
Nước mắm Nam Ô

Điều quan trọng hơn là qua một trường hợp quy hoạch cụ thể như quy hoạch Khu di tích Chăm – Phong Lệ, có thể thấy tư duy quy hoạch không gian đô thị của Đà Nẵng tầm nhìn 2035 hoặc xa hơn nữa, cần gắn kết một cách tự giác và chủ động hơn với yêu cầu bảo tồn các di sản vật thể đang ngày càng trở nên hiếm hoi của người Đà Nẵng. Không hiểu sao mỗi lần nghĩ đến quy hoạch đô thị, lòng tôi cứ thầm mong các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị hãy quan tâm đến câu hỏi “nên giữ lại, đừng phá bỏ cái gì?” nhiều hơn, sâu sắc hơn là quan tâm đến câu hỏi “nên xây thêm, cần làm mới cái gì?”. Chẳng hạn về quy hoạch đô thị cảng biển quốc tế Vịnh Đà Nẵng – chứ không chỉ quy hoạch đô thị cảng biển quốc tế Liên Chiểu, tôi không quan tâm nhiều lắm đến câu hỏi “nên xây thêm, cần làm mới cái gì?”, mà ngược lại rất quan tâm đến câu hỏi “nên giữ lại, đừng phá bỏ cái gì?” ở những làng chài ven biển như làng nghề nước mắm Nam Ô…

Đương nhiên không xây thêm, không làm mới cái gì cả thì cũng không thể chỉnh trang đô thị theo yêu cầu quy hoạch, nhưng có lẽ chỉ nên đặt vấn đề xây thêm, làm mới cái gì đó sau khi đã trả lời rốt ráo câu hỏi “nên giữ lại, đừng phá bỏ cái gì?”. Chính vì các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị Đà Nẵng muốn giữ lại nguyên vẹn không gian kiến trúc của Bảo tàng Điêu khắc Chăm – báu vật quốc gia độc nhất vô nhị – nên đã cho thiết kế cầu Rồng theo một cách rất độc đáo: gắn kết cây cầu vào với phố phường – chứ không phải ngược lại, nói khác đi cầu Rồng chỉ có thể bắt đầu và kết thúc tại mép nước sông Hàn… Cũng do muốn bảo tồn nguyên vẹn đình làng Nại Nam mà các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị Đà Nẵng đã phải nhờ đến “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy di dời toàn bộ ngôi đình xưa cổ kính sang địa điểm mới – chứ không phải triệt hạ, phá bỏ tất cả để… trùng tu.

Sở dĩ tôi muốn nhắc lại câu chuyện “nên giữ lại, đừng phá bỏ cái gì?” trong quy hoạch đô thị hiện nay là bởi gần đây tôi được Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội thành phố mời góp ý dự thảo một chuyên đề về phát triển mạnh các ngành dịch vụ Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có liên quan đến việc quy hoạch một quảng trường trung tâm kéo dài từ đường Phan Châu Trinh cho tới mép nước sông Hàn, và do vậy mà có khả năng liên quan đến số phận lịch sử của chợ Hàn. Có người sẽ nói bận tâm làm gì một cái chợ truyền thống chỉ mới có bề dày lịch sử vài trăm năm, không còn phù hợp với đô thị hiện đại và cũng đã xuống cấp, thậm chí đã đến lúc phải nhường chỗ cho một siêu thị tầm cỡ…

Thực ra tôi cũng ý thức rất rõ rằng thương hải biến vi tang điền/cuộc đời dâu bể, rằng ở cõi nhân gian này có gì là vĩnh cửu đâu, kể cả vinh quang và quyền lực, nhưng vẫn không thể không đặt ra câu hỏi: liệu đời sống tinh thần của người Đà Nẵng có tránh khỏi tổn thương khi chợ-Hàn-mới sẽ không còn tọa lạc ở vị trí xưa nay và chợ-Hàn-mới sẽ không còn nằm cạnh/không còn nhìn ra sông Hàn? Theo tôi nếu hình thành quảng trường trung tâm ở khu vực này thì chỉ nên giới hạn quy hoạch trong không gian nằm giữa đường Trần Phú ở phía đông, đường Phan Châu Trinh ở phía tây, đường Nguyễn Thái Học ở phía nam và đường Hùng Vương ở phía bắc. Như vậy về phương diện giao thông chỉ phải xử lý hầm chui ở hai tuyến đường Yên Bái và Nguyễn Chí Thanh, và về phương diện bảo tồn di sản văn hóa – lịch sử, sẽ tránh cho chợ Hàn một cuộc… chia ly.

Chợ Hàn - Đà Nẵng
Chợ Hàn – Đà Nẵng

Cũng có người sẽ nói: nếu thế thì chỉ cần các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị cho chợ Hàn “độn thổ”/xuống hầm để gọi là một công đôi việc – vừa phát triển vừa bảo tồn – là được chứ gì. Tôi không nghĩ vậy, bởi như vậy sẽ chỉ có được cái chợ-Hàn-một-tuổi chứ không phải cái chợ-Hàn-mấy-trăm-năm-tuổi. Chẳng lẽ vì mục tiêu xây dựng ở Đà Nẵng một quảng trường trung tâm hoành tráng hơn Quảng trường Thời Đại bên New York mà đành phải nói lời chia tay với chợ-Hàn-mấy-trăm-năm-tuổi hay sao? Theo tôi nghĩ, trước khi quyết định số phận của chợ Hàn nhân danh sự phát triển mạnh các ngành dịch vụ như du lịch và thương mại, các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về những khuyết điểm thậm chí sai lầm trong vụ bán Sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh để xây dựng khu phức hợp thương mại-dịch vụ, cũng là nhân danh phát triển mạnh các ngành dịch vụ đấy thôi!

Nhân bàn chuyện chợ Hàn có khả năng “độn thổ”/xuống hầm, có thể thấy quy hoạch đô thị của Đà Nẵng đương đại không thể chỉ dừng lại ở việc hoạch định một diện mạo đô thị trên mặt đất mà đã đến lúc phải bắt đầu phác thảo một diện mạo đô thị trong lòng đất. Đà Nẵng đang tạo ra một không-gian-dưới-đất cũng khá sôi động ở khu vực Trung tâm hành chính thành phố, nhưng chủ yếu mới giải quyết được nơi để xe. Ở các nước phát triển, tầng hầm có thể vừa là nơi để xe, vừa là nơi kinh doanh thương mại. Chính vì thế khi phác thảo một diện mạo đô thị Đà Nẵng trong lòng đất, các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị cần tính toán đến “chức năng kép” này của các tầng hầm – đương nhiên không phải ở các tầng hầm đang có, và đương nhiên không phải để tạo cớ thẳng tay triệt hạ các di sản vật thể trên mặt đất, nhanh chóng đưa Đà Nẵng thành một thành phố không còn… ký ức!

BÙI VĂN TIẾNG

ĐT&PT Số 63/2016

 

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …