20 năm trực thuộc Trung ương là quãng thời gian đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của đô thị Đà Nẵng. Từ một thành phố trực thuộc tỉnh, Đà Nẵng đã trở thành đô thị loại 1- trung tâm cấp quốc gia, vững vàng và năng động trên con đường phát triển. Biểu hiện rõ ràng và tập trung nhất của sự phát triển đó là hình ảnh đổi mới từng ngày của không gian đô thị. Cho dù còn có những bất cập, song không thể phủ nhận những thành công của công tác quy hoạch xây dựng phát triển đô thị.
Trước đây, Đà Nẵng là một đô thị nhỏ bé với những khiếm khuyết, ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh và sự trì trệ của thời bao cấp, không gian đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, tương ứng với diện tích khoảng 5.600 ha. Các khu dân cư đa phần sống trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật kém, đặc biệt là các xóm dân chài. Những con đường đất trong đô thị còn khá phổ biến. Tình trạng ngập nước trong mùa mưa bão là thường xuyên. Nhiều khu vực và đường phố thiếu ánh điện. Đất nông nghiệp, mồ mả đan xen trong thành phố. Các cơ sở kinh tế manh mún, chắp vá lẫn lộn với khu ở. Không gian công cộng thiếu thốn, nghèo nàn. Bộ mặt kiến trúc đô thị sơ sài, thiếu quản lý…
Đến nay, ranh giới đô thị đã lên tới khoảng hơn 20.000 ha, gấp hơn 3 lần ranh giới cũ trong vòng 15 năm. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ. Các khu dân cư mới được quy hoạch khang trang, hiện đại. Các khu phố cũ được cải tạo nâng cấp. Các cơ sở kinh tế lớn được định hình rõ rệt. Các cơ sở kinh tế gây ô nhiễm môi trường được đưa dần ra khỏi trung tâm. Khả năng cung cấp hạ tầng điện, nước và các dịch vụ đô thị ở mức đảm bảo. Bộ mặt kiến trúc đô thị có tổ chức. Điều kiện vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt…
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013, công tác triển khai quy hoạch chung và quản lý đô thị đã thực hiện khá tốt và có định hướng phù hợp. Tiến độ triển khai các dự án được đẩy mạnh trong những năm gần đây nhất, kết quả có thể lược khảo qua những thông số công việc từ năm 2010 đến tháng 9/2015 được tổng cộng như sau: Giới thiệu địa điểm xây dựng công trình 670; Thẩm định đồ án quy hoạch 1216; Cấp giấy phép xây dựng công trình 9083; Cung cấp thông tin quy hoạch 16186; Thẩm định thiết kế, dự toán công trình 2854. Với khối lượng công việc nêu trên cho thấy những nỗ lực rất lớn từ các cấp, các ngành và nhân dân địa phương có thể xem là những kinh nghiệm quý báu.
I. Những tác động để phát triển thành phố Đà Nẵng
– Ngày 01 tháng 01 năm 1997 Thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa IX kỳ họp thứ 10 phê chuẩn ngày 06/11/1996 việc chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại để thành phố Đà Nẵng bứt phá đi lên phát triển cùng các Đô thị trên cả nước.
– Ngày 15/07/2003 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 145/2003/QĐTTg công nhận Thành phố Đà Nẵng là đô thị loại I, trở thành một trong bốn Thành phố lớn quan trọng của cả nước là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng.
– Ngày 30/12/2003, Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ đón nhận và công bố Quyết định số 145/2003/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ.
– Ngày 16/10/2003, Bộ Chính trị – BCH Trung ương Đảng ban hành nghị quyết số 33/NQ – TW đồng ý cho Đà Nẵng được áp dụng cơ chế riêng để xây dựng phát triển Thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành Đô thị hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung – Tây Nguyên. Trong những năm 1997 đến 2005 với sự quyết tâm, nỗ lực, kiên trì bền bỉ, sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo cùng quân và nhân dân thành phố đã “tạo nên sự đổi thay một cách sâu sắc và toàn diện diện mạo của Thành phố…”
– Sự thay đổi nhanh chóng về cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường sinh thái, chất lượng dịch vụ lành mạnh, năng lực cạnh trang cấp tỉnh (PCI) luôn đứng trong nhóm dẫn đầu (đặc biệt trong 3 năm liền 2008, 2009, 2010 Đà Nẵng được xếp thứ nhất). Đà Nẵng trong 20 năm qua đã được bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước biết đến không chỉ bởi Đà Nẵng có thiên nhiên cảnh quan kỳ thú, hấp dẫn; Người Đà Nẵng hiếu khách, hiền hòa, chân thực mà còn bởi “Đà Nẵng đã có những tiến bộ lớn lao để trở thành một thành phố thân thiện, an bình và có cuộc sống tốt”
– Có thể nói, thời kỳ sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương; Được công nhận là Đô thị loại I cấp Trung ương, được Bộ Chính trị – BCH Trung ương ban hành Nghị quyết 33/NQ – TW. Các cấp lãnh đạo và nhân dân thành phố đồng thuận, mạnh dạn, linh hoạt, tầm nhìn và ước mơ hiện thực đã kiên trì, bền bỉ sáng tạo đã tạo dựng “một diện mạo mới của Đô thị Đà Nẵng rộng mở, hiện đại, mỹ quan, nếp sống văn minh, môi trường và chất lượng dịch vụ lành mạnh”. Mọi người dân Thành phố Đà Nẵng có thể tự hào khẳng định: Đô thị biển loại I Đà Nẵng đã, đang là một Thành phố trẻ trung, năng động, đầy sức sống được gắn kết hài hòa với thiên phiên phong phú đa dạng của sông, biển, núi, hòa quyện, phát triển và vẫn cần tiếp tục tìm giải pháp phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
– Trong suốt chặng đường phát triển 20 năm qua của Đà Nẵng, đội ngũ những người làm công tác khoa học, công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trên cả nước và quốc tế đã tâm huyết, nhiệt thành cống hiến, đóng góp cho đô thị Đà Nẵng phát triển nhanh, xứng tầm là Đô thị hạt nhân trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung – Tây Nguyên; Họ là những chuyên gia kinh nghiệm hàng đầu trong Quy hoạch, Kiến trúc, Xây dựng, Hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, môi trường sinh thái … Đã, đang và tiếp tục hiến kế, đóng góp những ý tưởng sáng tạo táo bạo, độc đáo, thiết thực, hiệu quả cho một diện mạo mới của Đà Nẵng phát triển đến năm 2030; Tầm nhìn đến năm 2050, đó là những ý tưởng :
-Thành phố xanh.
-Thành phố môi trường.
-Thành phố thông minh.
-Thành phố điện tử viễn thông.
-Thành phố khoa học công nghệ.
-Thành phố tín dụng, tài chính ngân hàng.
-Thành phố giáo dục đào tạo.
– Thành phố sự kiện
II. Những thành tựu đạt được trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng
Có thể nói quy hoạch và phát triển đô thị của thành phố Đà Nẵng trong chặng đường với hai thập kỷ qua và cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại cần phải giải quyết để hướng tới sự phát triển bền vững. Song, chúng ta không thể phủ nhận sự thành công của Đà Nẵng hôm nay mà phải thừa nhận sự thành công đó là sự nỗ lực, quyết tâm của mọi tầng lớp nhân dân thành phố qua những nhận xét sau:
- Lãnh đạo Đảng và chính quyền luôn quan tâm đặc biệt đến công tác quy hoạch xây dựng đô thị, xem đó là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu. Phát huy mọi nguồn lực có thể để tập trung cho sự nghiệp phát triển đô thị. Các đồng chí lãnh đạo định kỳ nghe báo cáo và chỉ đạo kịp thời các vấn đề hết sức cụ thể, thường xuyên kiểm tra thực tế tình hình thực hiện, sắp xếp lịch tiếp dân giải quyết các kiến nghị. Yếu tố thành công nhất của ý chí lãnh đạo là lòng quyết tâm rất cao, là sự lôi cuốn được niềm tin, sự đồng thuận của cộng đồng xã hội và đặc biệt là lòng nhiệt tình cao độ của các lực lượng trực tiếp tham gia thực thi những ý chí đó. Điều đó đã tạo nên được một sức mạnh tập thể to lớn hiếm thấy. Với sức mạnh này, Đà Nẵng đã dám làm những việc mà nhiều năm trước đó ít ai dám nghĩ như: giải toả hàng vạn ngôi nhà để mở những tuyến đường huyết mạch như đường Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng Đông (nay là đường Trần Hưng Đạo), Ngô Quyền, Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Trường Sa, Hoàng Sa, thu hồi chuyển đổi hàng nghìn hecta đất để mở rộng các khu đô thị Tây Bắc; Nguyễn Tri Phương – Trường Sa, Thuận Phước, Bắc Mỹ An, Hoà Hải…, kè sông, kè biển, bảo tồn cảnh quan để khai thác các giá trị còn tiềm ẩn …
- Chính sách đầu tư đồng bộ, các dự án đầu tư luôn phải đảm bảo cân đối được quỹ đất tái định cư và các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật. Các thiết chế xã hội cũng luôn được lồng ghép thận trọng trong các đồ án quy hoạch nhờ sự phối hợp chặt chẽ và kịp thời giữa các cấp, ngành, các địa phương. Trong trường hợp các dự án riêng biệt không cân đối được quỹ đất tái định cư thì các yếu tố đó sẽ được cân đối lại bằng các dự án lân cận trên cơ sở phù hợp quy hoạch trên diện rộng. Vấn đề này được minh chứng trên thực tế là các khu quy hoạch mới có giá trị cao hơn hẳn khi chưa đầu tư. Các hộ dân tái định cư được sống trong môi trường mới có dịch vụ xã hội tốt hơn và nhanh chóng ổn định được cuộc sống. Ví dụ tiêu biểu là khu vực đường Nguyễn Văn Linh, Trần Thị Lý, Hàm Nghi sầm uất hình thành từ dự án Bàu Thạc Gián-Vĩnh Trung; khu dân cư Tuyên sơn hình thành từ khu vực thấp trũng; những đường phố Bạch Đằng Đông, 2 tháng 9, 3 tháng 2 cũng hình thành từ những xóm nhà chồ hay ruộng rau muống…Các trung tâm đô thị mới Tây Bắc, Trường Sa, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn được hình thành từ các khu vực kém phát triển nay đã định hình rõ nét. Cùng với việc đầu tư các khu quy hoạch mới, Thành phố cũng rất quan tâm việc chỉnh trang nâng cấp hạ tầng cho các khu ở cũ. Kể từ khi thành phố trực thuộc Trung ương cho đến nay Đà Nẵng đã nâng cấp cải tạo hàng trăm km đường nội thị, kiệt hẻm, hàng trăm km mương thoát nước, tuyến điện chiếu sáng; bê tông hoá phần lớn hệ thống giao thông nông thôn. Vấn đề thoát nước đô thị và vệ sinh môi trường được chú trọng đầu tư. Bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới, hệ thống thoát nước đô thị đã thực hiện được giai đoạn 1, giải quyết căn bản nạn ngập lụt trong đô thị; các khu xử lý nước thải đang được triển khai xây dựng. Nghĩa trang Hoà Sơn rộng hàng trăm ha được hình thành, đã quy tập di dời được hàng vạn mộ trong thành phố.
- Khai thác du lịch cũng là lĩnh vực rất được quan tâm. Các khu vực chính đã và đang triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng là bán đảo Sơn Trà với các khu du lịch nội địa, biệt thự, nhà hàng; vệt du lịch dọc tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa – Nguyễn Văn Thoại đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước; khu đô thị Đa Phước, các khu vực Nam Ô, Nam Hải Vân cũng đã được quy hoạch và lên kế hoạch đầu tư ban đầu…Các khu công nghiệp Hoà Khánh, Liên Chiểu, Hoà Cầm, khu công nghệ cao có tổng diện tích gần 900ha đang dần được lấp đầy. Khu công nghiệp dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang đang thu hút đầu tư. Khu cảng địa phương và hậu cần cảng Tiên Sa đã quy hoạch mở rộng, đang từng bước đầu tư. Cảng Liên Chiểu, khu kho tàng sau ga đường sắt mới, các cụm công nghiệp nhỏ…cũng đang được quy hoạch và đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, những khu vực có ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường, di sản thành phố đều thận trọng cân nhắc trước khi cấp phép triển khai dự án.
Ngoài ra cũng cần phải kể tới một số dự án tiêu biểu như dự án cấp nước thành phố, dự án nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng, cầu Thuận Phước, cầu quay sông Hàn, Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn, cầu vượt Hoà Cầm, Cầu vượt Ngã ba Huế, Trung tâm hội chợ triển lãm, Nhà biểu diễn đa năng, Khu Liên hợp TDTT Hòa Xuân, hệ thống bệnh viện, trường học, Thiết chế văn hóa…Chính sách đầu tư đồng bộ trong một thời gian tuy không dài nhưng đã đem lại cho thành phố một diện mạo và sức sống mới. - Chính sách giải phóng mặt bằng và tái định cư trong thời gian qua, Thành phố đã phải giải toả hơn 100 nghìn hộ dân. Để thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ và khó khăn như vậy cần phải có sự đồng thuận xuyên suốt từ các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền cho đến các đoàn thể quần chúng cộng với sự quyết tâm cao độ và Đà Nẵng đã làm được như vậy. Bên cạnh đó còn phải có các chính sách tái định cư phù hợp, đồng thời với việc sử dụng các công cụ pháp lý một các sáng tạo, linh hoạt. Về khai thác quỹ đất để đầu tư hạ tầng là chính sách mà Thành phố đã thực hiện một cách kiên định trong những năm qua. Cho dù còn nhiều tranh luận về vấn đề này nhưng phải nhìn nhận đây là biện pháp hữu hiệu để đạt được mục đích nhanh chóng phát triển đô thị trong một thời gian ngắn trong điều kiện có xuất phát điểm thấp. Nhờ chính sách này, cùng lúc có thể đạt được các mục tiêu giải toả nhanh, tái định cư đầy đủ, có hạ tầng tương đối đồng bộ.
- Các tổ chức tư vấn và các hiệp hội nghề nghiệp được huy động tham gia tích cực vào công tác thiết kế và phản biện. Trên địa bàn thành phố có nhiều đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch thuộc địa phương và trung ương hoạt động có hiệu quả, trong đó Viện Quy hoạch thành phố đóng vai trò chủ lực. Hàng năm các đơn vị tư vấn thực hiện hàng trăm đồ án quy hoạch các loại. Các hội Quy hoạch, Xây dựng, Kiến trúc sư đã phát huy được vai trò tư vấn và phản biện, tham mưu tích cực cho các cấp lãnh đạo. Trong nhiều trường hợp, thành phố đã vận động nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí, đất đai để thực hiện các dự án. Phổ biến là chính sách “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được áp dụng nhiều cho việc mở rộng, nâng cấp hạ tầng cho các tuyến đường, tuyến kiệt hẻm. Cũng có những dự án mở rộng đường lớn như đường Lê Duẩn, Điện Biên Phủ, nhân dân tự nguyện hiến đất mặt tiền. Dự án cầu quay sông Hàn có sự đóng góp tích cực về kinh phí của nhân dân toàn thành phố…
- Việc triển khai ồ ạt các đồ án quy hoạch chi tiết mà vẫn đảm bảo được tính thống nhất toàn cục là nhờ thực hiện một cách khoa học dựa theo đồ án quy hoạch chung. Để đảm bảo cho việc kết nối các đồ án quy hoạch chi tiết và theo dõi tình hình phát triển đô thị, UBND thành phố đã giao cho Sở Xây dựng tổ chức thành công việc hệ thống hoá toàn bộ các đồ án trên địa bàn thành phố trên nền địa hình số hoá theo hệ thống cao độ, toạ độ quốc gia. Nhờ đó việc kiểm soát các đồ án rất thuận tiện, đồng thời có khả năng khai thác và cung cấp thông tin phối hợp cho các đơn vị khác. Bên cạnh việc tuân thủ quy hoạch chung, trong nhiều trường hợp cũng có những sự điều chỉnh linh động theo tình hình thực tiễn. Những ví dụ tiêu biểu là việc đề xuất đầu tư xây dựng cầu Thuận Phước được Chính phủ chấp thuận. Việc khai thác sớm các khu vực Bắc Mỹ An, Hoà Hải, Nam Cẩm Lệ, mở rộng KCN Hoà Khánh, khu cảng địa phương, lấn biển Thuận Phước…là những dự án đi trước tiến độ nhưng không phá vỡ quy hoạch chung. Các đồ án quy hoạch sau khi được phê duyệt đều được công bố công khai theo quy định…
III. Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc
Nếu đi sâu phân tích thêm một số yếu tố khác, có thể thấy được nhiều điểm hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua làm cho công tác quy hoạch đô thị, nhất là khả năng định hướng trong quy hoạch đô thị bị hạn chế, từ đó đã khách quan làm tác động tiêu cực đến công tác khai thác đất đô thị. Một trong những yếu tố chính đó là:
– Thời gian triển khai các dự án còn chậm mà thường được gọi là “quy hoạch treo”.
Nguyên nhân chính là do công tác điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng đất chưa sát thực tế, phải giải toả đền bù khối lượng lớn, công tác đánh giá năng lực đầu tư và cân đối nguồn vốn chưa được chú trọng. Ngoài ra, công tác dự báo quy hoạch không mang tính tổng thể nên hiệu quả của dự án chưa cao… Tuy lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo rà soát tính khả thi của từng dự án và các cơ quan liên quan đã thực hiện công tác điều chỉnh, nhiều dự án đã được tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh được tiến độ, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều dự án lớn đang “đắp chiếu” nằm chờ động thái của nhà đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, trên toàn thành phố còn khoảng 302 dự án chưa được triển khai.
– Khớp nối hạ tầng chưa đồng bộ:
Công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng của các dự án còn nhiều hạn chế dẫn đến việc tồn tại một số vấn đề kỹ thuật hạ tầng chưa khớp nối đồng bộ giữa khu quy hoạch và khu vực giữ lại chỉnh trang. Vấn đề này những năm gần đây đã có sự giải quyết tích cực, tuy nhiên.
– Vấn đề quy hoạch nông thôn và chuyển đổi đất nông nghiệp còn nhiều bất cập:
Thành phố Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I, theo quy định tỷ lệ đất phi nông nghiệp là 80%, do vậy xu hướng phát triển đô thị và sử dụng các vùng đất thuận lợi cho phát triển đô thị là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên thực tế sự phối hợp và khả năng đầu tư xây dựng các dự án còn chưa đồng bộ, hiện tượng quy hoạch “da beo”, quy hoạch theo kiểu “gặm nhấm” vào các làng quê sinh thái, chưa được cân nhắc tính toán kỹ lưỡng… dẫn đến việc đề xuất sử dụng đất còn tuỳ tiện, chưa có sự cân bằng và sự chuyển tiếp hợp lý giữa đô thị và nông thôn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các khu vực nông thôn sẽ rơi vào quá trình đô thị hoá cưỡng bức, mất phương hướng và mất bản sắc, nguy cơ xoá sổ và phá vỡ nhiều cấu trúc không gian truyền thống vốn dĩ có giá trị văn hoá lâu đời;Vấn đề quy hoạch nông thôn chưa được nhìn nhận đúng mức, thực tế quy hoạch nông thôn mới chưa phát huy được vai trò định hướng, ngược lại đã làm hạn chế tính linh hoạt trong sử dụng đất tại các địa phương; Công tác chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho cư dân diện tái định cư còn nhiều lúng túng và chưa triệt để.
– Vấn đề Quy hoạch và Môi trường:
Việc đề xuất cốt san nền xây dựng các khu dân cư trong khu vực nội thành, những khu vực vốn dĩ không bị ngập úng… chưa được tính toán tận dụng tốt yếu tố địa hình khu vực, dẫn đến phải sử dụng một khối lượng lớn đất đắp gây lãng phí tài nguyên đồng thời làm phát sinh lượng lớn xe chở đất, cát san nền ra vào thành phố đã gây ô nhiễm môi trường ở một số khu vực, một số trục đường chính của thành phố trong một thời gian khá dài nhưng chưa có được những giải pháp khắc phục hiệu quả; quy hoạch khai thác khoáng sản chưa được nghiên cứu, kiểm soát tốt đã làm cho môi trường cảnh quan đô thị ở một số khu vực bị suy thoái nghiêm trọng; nhiều dự án lấn biển, lấn sông, công trình xử lý môi trường… sắp triển khai nhưng chưa đánh giá hết tác động môi trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho đô thị; các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư cần phải sớm quy hoạch các cụm công nghiệp và có kế hoạch cụ thể để thực hiện di dời.
– Vấn đề quy hoạch đô thị và tổ chức giao thông đô thị còn nhiều điểm lệch pha:
Quy hoạch đô thị đã dần xác định được hệ thống hạ tầng khung cho đô thị, trong đó hệ thống giao thông vành đai, giao thông trục của thành phố đã được quan tâm đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, tại khu vực trung tâm đô thị cũ việc tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, hiện tượng ùn tắc giao thông giờ cao điểm đã bắt đầu xuất hiện và diễn ra tương đối thường xuyên tại một số khu vực. Vấn đề đậu đỗ xe ô tô tại các tuyến đường chật hẹp tại khu vực trung tâm đô thị đã trở nên phức tạp và gây ùn tắc giao thông cục bộ, tuy nhiên chưa có giải pháp xử lý thích hợp, chưa đầu tư hệ thống giao thông tĩnh thích hợp.
– Hệ thống văn bản pháp luật đã ban hành còn nhiều bất cập như:
+Luật Đất đai 2013 đã quy định về việc xác định mục đích sử dụng đất, quy trình giao nhận quyền sử dụng đất… đã cơ bản khắc phục được tình trạng buông lỏng quản lý sử dụng đất đai. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những yếu tố đóng khung khá chặt, làm cho tình hình thanh khoản của thị trường bất động sản của cả nước nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng.
+Nghị định 11/2013/NĐ của Chính phủ: Quy định lấy ý kiến Bộ Xây dựng đối với những trường hợp chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở, đã phần nào làm cho các dự án chậm tiến độ và phát sinh thêm thủ tục hành chính về đất đai.
+ Một số văn bản Trung ương chưa cho phép bán nhà ở xã hội được đầu tư từ ngân sách, đã làm cho tính thanh khoản của loại hình nhà ở này thấp. Trong khi đó thời gian qua, thành phố đã đầu tư và lượng tồn kho căn hộ loại này còn khá nhiều, cần được giải quyết để thu hồi vốn đầu tư.
– Một số Dự án do Trung ương đầu tư chậm được triển khai thực hiện như:
Di dời ga đường sắt, Đường sắt 2 chiều Đà Nẵng – Dung Quất, Hầm đường sắt Hải Vân, Làng Đại học Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu… có ảnh hưởng không nhỏ đến sức hút đầu tư vào các dự án bất động sản của thành phố.
– Vấn đề quy hoạch và phát triển bền vững:
Điểm lại tình hình phát triển đô thị, có thể thấy ít nhiều sự mất cân bằng về sử dụng đất. Tỷ lệ đất ở cao do chia lô nhiều, tỷ lệ đất công trình công cộng, cây xanh, thể thao, mặt nước còn thấp. Không gian các trung tâm còn bó hẹp theo trục đường. Chưa chú trọng tổ chức các không gian mở, đặc biệt thiếu các quảng trường lớn. Các vấn đề về phát triển khu vực ven đô, giao thông công cộng,… chưa được quan tâm đúng mức, đã ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng “Thành phố môi trường” và thương hiệu của thành phố.
– Yếu tố tiện ích đô thị chưa được chú trọng:
Nhìn chung, việc nghiên cứu các đồ án quy hoạch, nhất là các khu dân cư, khu tái định cư, khu đô thị mới hiện nay chỉ mới đáp ứng đảm bảo cân đối đủ các loại đất thương phẩm, hệ thống hạ tầng đấu nối. Công trình hạ tầng xã hội chưa được quan tâm cân bằng sử dụng đất đúng mức. Các khu dân cư thường giống nhau về giải pháp chia lô và có không gian lặp đi lặp lại. Một số đồ án có yêu cầu tổ chức cảnh quan cũng còn sơ sài, chưa được nghiên cứu kỹ, mới chỉ hướng tới cái đúng chứ chưa tìm đến cái đẹp… Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tính hấp dẫn và giá trị thương mại sử dụng đất chưa cao cần thiết phải xem xét lại.
IV. Khắc phục những tồn tại, hạn chế, hướng tới một đô thị bền vững có thể đề xuất một số giải pháp như sau:
- Cần rà soát lại quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013. Theo đó cần thiết điều chỉnh nhiều chỉ tiêu để phù hợp với tình hình phát triển đô thị; bổ sung một số công trình kỹ thuật đầu mối, công trình trọng điểm có khả năng tác động tích cực đến nhu cầu phát triển của thành phố, tạo được sức hấp dẫn của đô thị.
- Tiếp tục chỉ đạo công tác rà soát quy hoạch, công bố quy hoạch định kỳ nhằm thông tin rộng rãi, công khai về quy hoạch, mặt khác phát hiện và xử lý kịp thời các dự án không khả thi, điều chỉnh quy hoạch hoặc huỷ bỏ quy hoạch.
- Thực hiện khớp nối và phủ kín quy hoạch chi tiết; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm hạn chế “quy hoạch treo” đồng thời tạo được sức hút trong đầu tư phát triển đô thị. Ngoài ra, cần tập trung các hướng chính phát triển không gian đô thị và các vùng ven. Quy hoạch mạng lưới giao thông, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng và phân đợt xây dựng đô thị phù hợp với điều kiện năng lực địa phương.
- Việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch là vấn đề quan trọng và cần phải được nghiên cứu một cách chặt chẽ. Quá trình lập quy hoạch phải thực hiện đúng các bước quy hoạch và phải quan tâm đến năng lực đầu tư, khả năng thực thi các ý đồ quy hoạch, nắm bắt kịp thời các biến động về kinh tế xã hội, xác định quy hoạch là dự báo chiến lược nhưng tính thực tế rất cao;
- Công tác lập quy hoạch cần có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, đặc biệt là giới chuyên môn: Lâu nay công tác lập quy hoạch thường do các đơn vị tư vấn nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của các cấp quản lý. Cách làm này chưa phát huy được trí tuệ cộng đồng và đôi khi thiếu sự ủng hộ của quần chúng. Gần đây, một số nghiên cứu như quy hoạch cảnh quan sông Hàn, hầm qua sông Hàn … có tổ chức các cuộc thi và lấy ý kiến cộng đồng, tuy nhiên số lượng còn hạn chế. Trong thời gian tới cần tạo điều kiện cho quần chúng tham gia nhiều hơn các ý tưởng quy hoạch, thực hiện đúng phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra;
- Cần đánh giá lại hiệu quả đầu tư: Trong khi đón nhận những thành công ban đầu, cũng cần tỉnh táo đánh giá hiêụ quả đầu tư trong một trường đoạn lớn hơn. Hiện nay đã nhìn thấy tỷ lệ xây dựng trên các lô đất đã khai thác là khá thấp trong khi lượng kinh phí giải toả và đầu tư hạ tầng là rất lớn. Có thể phải xem xét và điều chỉnh chính sách tái định cư sao cho hạn chế nhu cầu ảo, đầu tư lệch pha và hình thành một thị trường bất động sản ảo.
- Tiếp tục kiến nghị với các cơ quan Trung ương và Chính phủ để được điều chỉnh các văn bản pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển của địa phương.
V. Kết luận
Thành phố Đà Nẵng trong các giai đoạn xây dựng phát triển đều được lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, được các nhà khoa học trên cả nước, quốc tế tâm huyết, nhiệt tình cống hiến, được nhân dân thành phố Đà Nẵng đồng tình trong mọi chủ trương, được xác định nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển tổng thể kinh tế, xã hội quốc phòng.
Đà Nẵng ở “vị trí cuối của hành lang kinh tế Đông Tây mở ra biển Đông”, Đà Nẵng có bờ biển đẹp, địa hình phong phú, đa dạng: biển, núi, sông, đồng bằng, khí trời nắng gió hòa quyện hấp dẫn. Con người Đà Nẵng hiếu khách, nhân từ, chân thật, vị tha, cuộc sống tinh thần lành mạnh, có nếp sống đô thị văn hoá, văn minh, cần cù, chịu khó, ham học; Truyền thống đã nảy nở cho thành phố những di sản văn hóa, di tích lịch sử, những danh thắng huyền thoại “Rồng đẻ trứng Non Nước”, “Ngũ phụng tề phi”, điêu khắc làng nghề đá Non Nước …
Giai đoạn 1997- 2005, toàn không gian thành phố Đà Nẵng trở thành một đại công trường cho cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới cơ sở hạ tầng đã thay đổi diện mạo thành phố Đà Nẵng.
Giai đoạn 2005 – 2015, một diện mạo mới của một đô thị rộng mở hiện đại, mỹ quan, một đô thị trẻ trung, năng động phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đời sống mọi người dân đô thịtừ việc làm đến, ở, đi lại, hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi…ngày một nâng cao và hoàn thiện.
Giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố Đà Nẵng phấn đấu cho một Đô thị có khả năng chống chịu (trong chương trình khởi động 100 thành phố thế giới có khả năng chống chịu) để trở thành Thành phố trung tâm dịch vụ và du lịch quốc tế với không gian xanh của núi Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Phước Tường tiếp nối dãy núi Hải Vân – Bạch Mã trải mình lên Bà Nà – Núi Chúa, tiếp đến không gian rộng mở mặt nước Vịnh Đà Nẵng, biển Đông, sông Hàn, sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Cầu Đỏ, Túy Loan, sông Cu Đê, những di sản viện cổ Chăm, di tích thành Điện Hải, danh thắng Ngũ Hành Sơn với đa dạng hang động, chùa chiền, vườn tượng, làng nghề điêu khắc đá Non Nước, những di tích văn hóa lịch sử… cần được sáng tạo, đổi mới, táo bạo trong quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật sao cho hài hòa với thiên nhiên biển, sông, núi hòa quyện, đầu tư tương xứng, quản lý khai thác hợp lý để thành phố Đà Nẵng tiếp tục bứt phá, phát triển bền vững; Xứng đáng là Đô thị biển loại I, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung – Tây Nguyên, đáp ứng niềm tin của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, Nhà nước và nhân dân thành phố.
Cuối cùng, nhìn nhận một cách khách quan, công tác quy hoạch phát triển đô thị trong một chặng đường 20 năm qua tại Đà Nẵng đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi hẳn hình ảnh đô thị cả về lượng và chất. Và dù công tác quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm, thậm chí nhiều mặt phải sửa chữa và khắc phục thì với những gì đã và đang diễn ra hiện nay, cho phép chúng ta hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn của thành phố này.
Nguyễn Cửu Loan
* Bài được tuyển chọn đăng trên kỷ yếu Hội thảo 60 năm “Ngành xây dựng với sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam” do Bộ Xây dựng tổ chức và trên tạp chí Quy hoạch Đô thị số 32/2018 của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.
———-
Tài liệu tham khảo:
- Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 – Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng
- Các tài liệu, văn bản liên quan
- Hội thảo: Đà Nẵng, 20 năm Quy hoạch và phát triển (tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển phối hợp với Hội Quy hoạch – Kiến trúc – Xây dựng Đà Nẵng tổ chức)
- Hội Thảo: Những khó khăn – thách thức mục tiêu phát triển bền vững của TP. Đà Nẵng trong tương lai (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng và tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển tổ chức)