Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / TẤM CHI PHIẾU KỲ LẠ

TẤM CHI PHIẾU KỲ LẠ

TẤM CHI PHIẾU KỲ LẠ

Câu chuyện sau đây tôi kể về một người lái buôn ở Herat, nước Afghanistan. Anh ta có lẽ là người buôn bán khôn ngoan và ngay thẳng nhất mà tôi đuợc biết.

Hồi ấy tôi có chuyến du lịch đến thành phố cổ Herat, nơi đây tôi trọ trong một ngôi nhà trước đây là một đền thờ của người Hồi. Ngôi nhà đơn sơ, sàn bằng đất nện. Mới bước vào chỗ ở mới được vài phút, thì một người đàn ông gầy gò có mái tóc đen dài và nụ cười tươi trên môi cũng đi theo vào phòng tôi. Anh ta trải trên sàn khoảng 20, 30 tấm thảm Ba Tư đẹp tuyệt, những thứ tôi chưa từng thấy bao giờ. Mỗi tấm đều có những hoa văn độc đáo, nhiều hoa lá và biểu tượng rất bắt mắt. Và màu sắc của chúng mới rực rỡ làm sao: nào đỏ, vàng, xanh tươi, xanh nõn…

Thoạt đầu tôi nghĩ chắc đây là thảm người chủ nhà trải cho khách. Nhưng anh ta đã đưa tôi một mẫu giấy cỡ danh thiếp, trên đó nguệch ngoạc mấy dòng bút chì: Muhammed Zaqir, chuyên buôn bán thảm ở Herat. Tôi hoảng hốt: “Không! Không! Không mua thảm!”. Anh ta vẫn cười tươi, bảo: “Tôi để thảm lại đây nhé, ông cứ xem đi, rồi ông sẽ thích”. Và trước khi tôi kịp chối từ, anh ta đã cưỡi lạc đà đi mất.

Tối hôm đó anh ta trở lại: “Ông đã bao giờ thấy tấm thảm đáng yêu như thế này chưa? Chúng do bạn tôi dệt đấy, gởi đến từ Mashhad, Bukhara và Samarkand”. Rồi anh ta biến đi.

Hôm sau nữa, khoản gần trưa anh ta lại tới. “Tôn ông Michener – ông là người Đức ạ?”. Khi tôi bảo tôi là người Mỹ, và ở Pennsylvania, anh ta nói: “Chắc là bốn hay năm tấm thảm đây của tôi làm đẹp thêm căn nhà của của ông ở Pennsylvania lắm”.

– Nhưng tôi đâu cần thảm. Không cần thật đấy mà.

– Chúng mà lại không làm đẹp Pennsylvania lên à? Vừa nói anh ta vừa dùng ngón chân hất chiếc thảm phía trên, để lộ ra những tấm thảm đẹp đẽ bên dưới. “Ông thích tấm lớn màu vàng này chứ, 600 đô đấy. Khi thấy tôi há hốc miệng ra vì kinh ngạc, anh ta lẹ làng trưng ra mấy tấm nhỏ hơn:

– Tôn ông Michener ạ, ông thật có mắt tinh đời. Tấm này là hàng Trung Quốc đây, dệt bằng tơ và len. Ông nhìn những nút nhỏ này này. Rồi anh giảng cho tôi một thôi một hồi về quy trình dệt thảm: nào vẽ mẫu, những hoa văn, cách pha màu, các loại nút thắt… Nghe anh ta nói thực là hấp dẫn.

Anh-Man-Hinh-2023-05

Vào ngày thứ ba, anh ta ngồi uống trà với tôi, vừa lần lượt đánh gục từng sự phản kháng của tôi: “Ông nói không thể mang chúng theo được chứ gì? Tôi sẽ gửi chúng cho ông, có lạc đà đây, rồi chuyển bằng tàu thuỷ đến Karachi, bằng xe lửa đến New York, rồi chở xe tải đến Pennsylvania, tận nhà ông”. Anh ta lật cho tôi xem cuốn sổ ghi địa chỉ những người mua thảm của anh ta ở nhiều nơi trên thế giới. Hàng của anh ta nhiều khi lấy ở những nơi thật xa như Mahhad ở Iran và Bukhara ở Uzebekistan. Và rõ ràng anh thường xuyên chuyển đi bằng lạc đà. Những cuốn sổ cũng dán đầy những hoá đơn, thư từ của khách hàng báo tin họ đã nhận được thảm. Cuối cùng anh ta bảo tôi:

– Tôn ông Michener, tôi để lại cho ông 4 tấm này, giá đặc biệt 450 đô la, giá rẻ không nơi nào có.

– Nhưng tôi không có đô la Mỹ.

Tôi vừa nói xong, anh ta đã kê ra một loạt các loại ngoại tệ có thể lấy được: bảng Anh, rupi Ấn Độ, tiền Iran, Pakistan, Afghanistan.. Tôi đưa tay chặn lại”.

– Muhammed bạn ơi, tôi không có tiền, không có đồng nào hết.

– Tôi biết, tôi biết! Anh ta kêu lên. Nhưng ông là người lương thiện mà, tôi lấy séc cũng được.

Buồn rầu, tôi nói: “Nhưng tôi cũng không còn séc”. Anh ta lại kêu lên, không sao, tôi tin ông. Ông vẽ cho tôi một tờ séc đi!

Và lần đầu tiên trong đời tôi vẽ một tờ séc rồi điền vào đó số tiền chuyển cho Muhammed Zaquir, người mà sau đó gói 4 tấm thảm tôi vừa mua vứt trên lưng lạc đà rồi biến mất.

Khi tôi trở lại nhà ở Pennylvania, những ngày sau đó liên tục tôi nhận được hai loại thư. Loại thứ nhất đại khái đều có nội dung na ná như sau:

“Gởi ông Michenner. Đại lý hãng tàu ở Intanbul có nhận một kiện hàng gởi đến địa chỉ ông. Xin ông gởi cho chúng tôi một séc 19,5 đô la Mỹ, chúng tôi sẽ chuyển hàng đến ông”. Sau đó các thư gửi từ Karachi, Trieste, Marseille và nhiều địa chỉ khác… cứ thế trong vòng 3 năm trời. Luôn luôn số tiền trong thư yêu cầu không bao giờ quá 20 đô, và nó khiến tôi tặc lưỡi: “Kệ cha nó, cứ gửi tiền đi. Mình đã dấn vào chuyện này sâu quá rồi, mất thêm mấy chục đô nữa không sao”.

Loại lá thư thứ hai đến chậm hơn, sau đây là một lá thư tiêu biểu:

“Tôi là đại sứ Italia tại Kabul. Trước đây tôi phục vụ tại Herat và có biết một thương gia bán thảm. Anh ta có cho tôi xem tấm séc kỳ lạ của ông, và hỏi rằng liệu tấm séc có được thanh toán không? Tôi đã đoán chắc rằng tấm séc sẽ được chi trả, nhưng khi hỏi vì sao anh ta vẫn chưa chịu gửi đi lĩnh cho sớm, anh ta bảo: “Tôn ông Michener là người rất tuyệt, Michener là một cái tên đẹp. Tôi đã từng đưa tấm séc cho nhiều người như ông xem, và ai cũng mua thảm của tôi. Tôi còn giữ để mà tiếp thị.

Thế đấy! Nhiều lá thư có nội dung tương tự đã đến từ nhiều người khác nhau: Thương gia Pháp, những người du lịch Anh, các viên chức Ấn… ai cũng đều từng ở trong ngôi đền cổ tại Herat kia cả.

Rồi cuối cùng, các tấm thảm cũng đến nhà tôi, kèm theo nó là một mớ hoá đơn, vận đơn và nhiều giấy tờ hải quan… đủ để trưng trong cả một viện bảo tàng. Và tấm séc viết tay của tôi, sau gần 5 năm được làm vật quảng cáo, cũng trở về với tay tôi, sau khi tôi đã gửi đi tổng cộng đúng số tiền tôi ghi trên séc cho nhiều địa chỉ khác nhau.

Tôi quá thích những tấm thảm xinh đẹp ấy. Nhưng có lẽ điều hạnh phúc nhất là trong trí nhớ của tôi, vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh người bán thảm ngay thẳng ấy, người đã bỏ ra 4 ngày khéo léo thuyết phục tôi mua thảm, và nhận nơi tôi một tấm chi phiếu kỳ lạ nhất trên đời.

Huỳnh Tấn Phúc
(Dịch từ Reader’s Digest 5/92)

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …