Cơ sở hạ tầng là nền tảng của đô thị, tất cả các hoạt động đời sống, kinh tế xã hội đều tồn tại và phát triển trên nền tảng này. Nên muốn nâng cao đời sống kinh tế và xã hội của đô thị cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
Do là bộ xương của đô thị nên cần được đầu tư trước nhưng lại có vốn đầu tư lớn (giá trị cơ sở hạ tầng thường chiếm ½ giá trị đầu tư các công trình trong đô thị); Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật có ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực đô thị và có tính dài hạn, vốn đầu tư lớn nên việc quyết định đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật cần có quy hoạch, định hướng lâu dài và được xem xét cẩn thận nhiều yếu tố.
Ngân sách nhà nước còn hạn chế chỉ đáp ứng 5 đến 10% chi phí cho đầu tư hạ tầng trong chương trình phát triển đô thị, nên nhà nước chỉ tổ chức quản lý thông qua quy hoạch và có cơ chế chính sách đầu tư thông thoáng là chủ yếu qua đó làm tăng giá trị đất quy hoạch nhằm tạo nguồn tái đầu tư.
Vì vậy, việc tư nhân hóa trong phát triển hạ tầng sẽ là giải pháp cho đô thị hiện nay, cũng như các đô thị lớn trên thế giới đều đã làm theo cách này.
Thực trạng về đô thị tỉnh Bình Định
Về cấp nước: tỷ lệ cấp nước chỉ đạt dưới 70%, chủ yếu sử dụng nước ngầm, trạm cấp nước nhỏ lẻ, phân tán, tỷ lệ thất thoát nước còn cao, tính hỗ trợ vùng chưa có, công nghệ kiểm soát chất lượng còn thủ công chưa được cải tiến và cập nhật công nghệ mới. Trong khi đó, nhu cầu về chất lượng dịch vụ cũng như sản lượng ngày một tăng cao.
Về xử lý nước thải: chỉ riêng đô thị Quy Nhơn có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, công suất mới chỉ đạt trên 14.000 m3/ngày đêm, tỷ lệ thu gom đạt 30%.
Chất thải rắn đô thị: tỷ lệ thu gom đô thị đạt trên 80%, tuy nhiên công nghệ xử lý hiện nay chủ yếu là chôn lấp chiếm nhiều đất nhưng khó đảm bảo về môi trường, chỉ riêng thành phố Quy Nhơn có hệ thống xử lý nước rỉ rác đạt chuẩn, tuy nhiên hoạt động chưa hiệu quả; khả năng tái chế rác còn nhiều hạn chế cũng như giải pháp phân loại rác tại nguồn triển khai chưa đạt hiệu quả.
Chống ngập đô thị: qua vài năm gần đây, việc đô thị hóa nhanh nhưng kinh phí đầu tư cho công tác chống ngập chưa nhiều nên có hiện tượng ngập úng cục bộ đô thị Quy Nhơn, An Nhơn. Việc nạo vét và cứng hóa kè trên các dòng sông qua đô thị cần lượng vốn quá lớn, hiệu quả mang lại chưa cao.
Giao thông đô thị: (phân luồng giao thông tuyến nội thành); tuyến phố cảnh quan chưa nhiều, giao thông đối ngoại còn hạn chế, tốc độ giao thông chậm.
Cây xanh đô thị: tỷ lệ cây xanh đô thị đạt thấp, công viên chưa nhiều, đặc biệt các khu vui chơi giải trí cho trẻ em; chất lượng và chủng loại cây xanh chưa được đầu tư nghiên cứu cho phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và văn hóa địa phương.
Nghĩa trang: việc mai táng chủ yếu là địa táng nên chiếm nhiều diện tích đô thị, ảnh hưởng lớn đến môi trường trong khi hình thức hỏa táng chưa được đầu tư hoặc các công viên nghĩa trang với tỷ lệ cây xanh cảnh quan lớn chưa được hình thành tại các đô thị Bình Định.
Nhu cầu đầu tư
Hiện nay, Sở Xây dựng Bình Định đang tổ chức xây dựng Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định kèm theo Danh mục Đầu tư đồng bộ các Công trình hạ tầng Đô thị theo từng giai đoạn ngắn hạn đến dài hạn và dự kiến tổng mức đầu tư. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào giải pháp nguồn vốn tư nhân thông qua các phương thức đầu tư xã hội hóa và đối tác công tư.
Đến nay, tỉnh Bình Định đã thu hút một số dự án đầu tư hạ tầng bằng nguồn vốn tư nhân hóa vào các lĩnh vực như cấp nước sạch, công viên nghĩa trang và giao thông đô thị (Nhà máy xử lý nước Hà Thanh công suất 30.000 m3/ngày đêm theo hình thức BOO, công viên nghĩa trang Quy Nhơn diện tích trên 50ha, hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị mới, đường Điện Biên Phủ nối dài và hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa theo hình thức hợp đồng BT). Tuy nhiên, việc thu hút các nguồn lực tư nhân đầu tư vào hạ tầng đô thị chưa nhiều, chủ yếu tập trung tại đô thị Quy Nhơn.
Giải pháp thu hút đầu tư
Công khai danh mục các công trình hạ tầng kỹ thuật kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn tư nhân; Tăng tính hấp dẫn của các dự án thông qua việc tính đúng, tính đủ các chi phí dịch vụ công ích đô thị, xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư; xây dựng quỹ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng khung thông qua các dự án đầu tư bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Trần Quang Minh
(Đô thị & Phát triển số 73 / 2018)