Home / TIN TỨC-SỰ KIỆN / Quảng Nam – Mảnh đất lịch sử hào hùng

Quảng Nam – Mảnh đất lịch sử hào hùng

Tối 24/3/2017, tại TP. Tam Kỳ, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập (1997-2017) và 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2017). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ.

Cùng tham dự buổi Lễ còn có: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và một số địa phương; các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh Quảng Nam…

Đọc diễn văn ôn lại chặng đường 20 năm tái lập tỉnh và 42 năm sau ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: “Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng hôm nay, chúng ta vô cùng xúc động nhớ lại những năm tháng hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi vinh quang, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam “trung dũng kiên cường”. Lịch sử hào hùng của mảnh đất này luôn khắc ghi công ơn của hơn 65.000 người con ưu tú của quê hương và trên khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu anh dũng, hy sinh ở chiến trường Quảng Nam, trong đó, có sự sẻ chia thật to lớn của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa trong những tháng năm kháng chiến trường kỳ. Quảng Nam cũng là địa phương có nhiều Mẹ VNAH được Nhà nước phong tặng với hơn 14.500 Mẹ, trong đó, hình tượng Mẹ Thứ – Quảng Nam đã hòa vào hồn thiêng dân tộc, kết thành Tượng đài anh linh Mẹ VNAH tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Xin gửi những tình cảm đặc biệt đến Đảng bộ và nhân dân Thành phố Đà Nẵng, người anh em ruột thịt của Quảng Nam, đã từng chia ngọt sẻ bùi, cùng sống, cùng chiến đấu trên quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng anh hùng. Sau chiến tranh, Quảng Nam – Đà Nẵng bắt tay ngay vào việc kiến thiết, hàn gắn lại những vết thương, những nỗi đau mất mát với một ý chí quyết tâm dựng xây lại quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, và kỳ tích Đại công trình thủy nông Phú Ninh, năm nay tròn 40 tuổi là minh chứng hào hùng cho ý chí quyết tâm đó.
Trước yêu cầu phát triển của đất nước, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã ban hành Nghị quyết chia tách và tái lập một số tỉnh, thành phố trong cả nước kể từ ngày 01/01/1997, trong đó có tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Việc chia tách Đà Nẵng thành thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam được tái lập là điều kiện và cơ hội để cả hai địa phương cùng vươn lên phát triển. Thành tựu của 20 năm qua đã minh chứng một cách sinh động và thuyết phục rằng: Cùng với thành phố Đà Nẵng anh em đã có bước phát triển thật ngoạn mục và đáng khâm phục, Quảng Nam cũng đã phấn đấu đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Quy mô kinh tế tăng hơn 30 lần, trong đó, công nghiệp – dịch vụ chiếm hơn 88% trong cơ cấu kinh tế, với giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 160 lần so với năm đầu tái lập. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 53 triệu đồng, gấp 28 lần so với thời điểm chia tách tỉnh, vượt mức bình quân cả nước.
Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, đến nay thu ngân sách đã đạt trên 20 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 170 lần so năm đầu tái lập. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư phát triển tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị hoạt động đồng bộ, cải cách hành chính được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có chuyển biến tích cực. Dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và công cuộc đổi mới của Đảng, vào sự đổi thay của quê hương, đất nước.
Với chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển quả là không dài so với lịch sử của vùng đất Quảng Nam, nhưng những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng, tạo tiền đề để tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Đó là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, quyết liệt, ý chí không cam chịu đói nghèo, tụt hậu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nhờ phát huy truyền thống anh hùng, bản sắc văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực để chung sức xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng giàu mạnh.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong 20 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010 và hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam tiếp tục vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Phát huy những thành quả đã đạt được với khát vọng đổi mới, vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam còn phải tiếp tục ra sức nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa để: “Tạo bước chuyển mạnh mẽ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa; huy động mọi nguồn lực và tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng – an ninh; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đến năm 2020, Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta vô cùng tự hào sau 20 năm tỉnh Quảng Nam đã đạt được những thành quả phát triển vượt bậc trong khi vẫn luôn gìn giữ, phát huy các giá trị của địa phương và di sản quý báu từng làm nên một xứ “Đàng Trong” phồn vinh, là nơi đất lành chim đậu, một xã hội có sức thu hút, dung nạp những con người và tinh hoa văn hoá khắp 4 phương.

Từ những thành công đã qua của Quảng Nam, Thủ tướng cho rằng, dù khó khăn đến mấy chỉ cần ý chí, quyết tâm, có sự đồng tâm hiệp lực của chính quyền và nhà đầu tư thì không có tầm cao nào mà chúng ta không dám hướng tới. Và đặc biệt, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Quảng Nam phải phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng của quê hương “Trung dũng kiên cường”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định: Đến nay, Quảng Nam vẫn luôn là một địa phương có tính hình mẫu về “Ý Đảng – Lòng dân” trong mọi quyết sách về quốc phòng, an ninh, công cuộc phát triển của địa phương. Đặc biệt, không chỉ về kinh tế, văn hoá, xã hội, việc chăm lo cho đối tượng chính sách được địa phương hết sức quan tâm.

2_c
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh Quảng Nam

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những thành quả to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã gặt hái được. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng mong muốn Quảng Nam cần thẳng thắn nhìn lại những tồn tại, hạn chế để hướng tới 20 năm tiếp theo. Đó là ngành du lịch có nhiều lợi thế nhưng đóng góp chưa tương xứng vào ngân sách của tỉnh; tiềm năng to lớn về nông nghiệp hữu cơ, lâm nghiệp và dược liệu có những giá trị độc đáo nhưng hiệu quả xúc tiến thương mại và đầu tư còn thấp; miền núi và khu vực phía Tây của Quảng Nam đời sống nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số đã được cải thiện một bước nhưng còn bấp bênh, khó khăn… Tỉnh cần đề cao nguyên tắc hài hoà, đảm bảo mọi người dân phải được cung cấp nguồn lực, chia sẻ cơ hội và thừa hưởng những thành quả tiến bộ chung của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh phải luôn quan tâm tiếp tục chăm lo sâu sắc hơn không những đời sống vật chất mà cả tinh thần đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công và các đối tượng chính sách, người già, người nghèo…Thủ tướng cũng nhấn mạnh là hiếm có vùng đất nào có nhiều tiềm năng, lợi thế như Quảng Nam, nhất là khả năng liên kết với các vùng, miền bên cạnh. Theo Thủ tướng, sự liên kết trong các hoạch định chiến lược phát triển là tất yếu, Quảng Nam cũng nên mở rộng không chỉ liên kết trên không gian địa lý mà cần phát huy chuỗi liên kết giá trị của các địa phương. Với quan điểm đó, Thủ tướng chia sẻ tầm nhìn mới đối với Quảng Nam trong chặng đường 20 năm tới. Đó là Quảng Nam phải là tỉnh giàu có, toàn diện không chỉ ở miền Trung – Tây Nguyên mà cả nước, phát huy một cách bền vững vai trò các thành phần kinh tế, trong đó động lực là kinh tế tư nhân trên cả 3 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ, bao gồm cả kinh tế biển và kinh tế rừng dựa trên nền tảng cạnh tranh về năng suất, tính sáng tạo, tính liên kết trong tư duy sản phẩm cùng với việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị không gian sống và giá trị di sản đã làm nền huyền thoại về một trong những trung tâm giao thương phồn thịnh nhất ở Châu Á trong những thế kỷ trước.

Lược ghi: Nguyễn Hương
ĐTPT Số 67/2017

Check Also

images1717334_Dai_hoi_5_3_copy

Đồng hành xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái, hiện đại

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh (thứ 3, từ trái sang) …