Home / QUY HOẠCH / Nhà ở Xã hội hiện nay với môi trường tổ chức

Nhà ở Xã hội hiện nay với môi trường tổ chức

Với mục tiêu mỗi năm tăng hơn 10 triệu m2 nhà ở và cùng với một số chính sách về nhà ở chung cư, nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thấp gần đây của chính phủ, ta thấy nhiệm vụ phát triển nhà ở trong những năm tới thật nặng nề. Vì vậy cần phải có những chính sách tốt, những hướng đi hợp lý để có thể đạt được mục tiêu ấy. Mặt khác muốn phát triển các dạng của nhà ở chung cư, xã hội một cách bền vững cần phải có những quan điểm, mục tiêu, phương hướng lâu dài cho cả quốc gia. Đó là căn cứ để các địa phương, các đô thị trong cả nước tùy thuộc vào tình hình kinh tế xã hội của địa phương mình mà vạch ra phương hướng phát triển riêng, qua đó lựa chọn được các dự án đầu tư phù hợp với sự phát triển trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, về mặt chính quyền, trong chiến lược đầu tư, cần tránh chỉ chú trọng đầu tư xây dựng  mà không chú ý đến các vấn đề con người, an sinh xã hội. Theo đó, việc xây dựng những khu nhà ở chung cư, nhà ở xã hội mới cũng như cải tạo các khu ở cũ cần phải tìm ra một mô hình ở sao cho kinh tế, phù hợp với lối sống hiện đại nhưng vẫn kế thừa những đặc điểm truyền thống trong lối sống của dân tộc ta đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội và có định hướng đối phó với các thách thức mới nảy sinh. Bởi trong quá trình hình thành các khu ở mới đó, sẽ dễ làm phá vỡ những “cấu trúc” cũ của địa phương và phát sinh những thách thức mới về môi trường, và các vấn đề Xã hội.

Từ đặc điểm lịch sử, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của các đô thị nước ta, có thể thấy các loại hình nhà ở chung cư, xã hội nhất thiết phải được xây dựng thông qua các dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đầu tư để phát triển nó phải đi đôi với đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng, các khu chức năng khác như: thương nghiệp, dịch vụ, văn hóa thể thao, công sở… và đồng bộ với các công trình phúc lợi khác cũng như cân bằng giữa các vấn đề giải quyết nhu cầu xã hội trước mắt và phát triển bền vững. Bởi lập luận truyền thống mà chúng ta thường nghe trong các nước đang phát triển là: Giờ đây, chúng tôi bày biện bừa bộn, sau này khi nào có tiền chúng tôi sẽ dọn. Và thực tế đã chứng tỏ, nếu một thành phố phát triển quá nhanh và bừa bộn kiểu đó thì sẽ không còn ngày mai để dọn rửa nữa mà trường hợp Băngkok là một ví dụ: những lối đi bộ biến mất, không còn đất để xây công viên mới, kênh rạch đã bị lấp ximăng để xây nhà phía trên, cá dưới sông đã chết, một nửa số cảnh sát giao thông bị bệnh đường hô hấp…

Trong giải pháp kiến trúc – quy hoạch, tùy theo tính chất của từng đô thị mà xác định tầng cao của các loại hình nhà ở đó cho thật phù hợp với quỹ đất, tập quán và lối sống địa phương. Với các thành phố có thể cần phải nâng cao tầng  cho nhà ở để tiết kiệm đất và tăng mỹ quan cho đô thị. Với chung cư nhiều tầng và cao tầng thì chúng thường được xây dựng tại vị trí quan trọng trong khu dân cư, gần các trục giao thông, những nơi có cảnh quan đẹp,… Vì thế, nếu được đặt nơi thích hợp thì loại nhà này sẽ đem lại những hiệu quả cao về thẩm mỹ, làm phong phú thêm cảnh quan kiến trúc khu vực cũng như đô thị. Ngoài ra, vì bởi chính sách kiến trúc – quy hoạch về các loại hình này phụ thuộc rất lớn vào khả năng phát triển kinh tế – xã hội của đô thị, phụ thuộc vào khả năng thu nhập của từng nhóm dân cư đô thị, trong đó, những người có thu nhập cao có thể thuê hoặc mua nhà có diện tích rộng, tiện nghi cao, nhóm “trung lưu” cần có chổ ở vừa phải cả về diện tích và tiện nghi. Với nhóm người có thu nhập thấp, phải tạo cho họ những căn hộ có diện tích và tiện nghi tối thiểu. Vì vậy việc bố trí các chung cư có nhiều tầng và cao tầng cũng như các loại hình nhà ở xã hội trong những khu ở trong các đô thị nhằm đáp ứng cho các tầng lớp dân cư khác nhau là hết sức cần thiết và đem lại nhiều lợi ích nhằm giải quyết những vấn đề xã hội đã đề cập ở trên. Tùy theo các đối tượng thu nhập mà các loại hình chung cư, nhà ở xã hội và quy mô tổ chức các căn hộ trong đó khác nhau. Tuy nhiên, việc tổ chức không gian ở trong các môi trường đó, những yếu tố chủ yếu trước tiên mà chúng ta cần quan tâm đến là:

  • Đối tượng sử dụng.
  • Tính quần cư, quan hệ láng giềng.
  • Đặc trưng môi trường khí hậu địa phương.
  • Cân đối giữa hiệu quả kinh tế với tính thẩm mỹ kiến trúc.

Để qua đó hình thành nên một môi trường ở phù hợp với các nhu cầu cuộc sống, trong đó có cả các nhu cầu tâm lý của từng bộ phận dân cư. Bởi, một vấn đề rất quan trọng nữa mà chúng ta cần phải đề cập đến, đó là trong việc bảo tồn các giá trị xã hội trong quá trình thiết kế, quy hoạch và xây dựng, các KTS thường hay định nghĩa về kiến trúc, quy hoạch là: “nghệ thuật tổ chức không gian”, “Nghệ thuật xắp xếp và bố cục không gian” (Le Corbusier). Từ định nghĩa này họ dễ vô hình trở thành tác giả của những vách ngăn tạo ra những cái hộp, những ô, những ống mà trong không gian đó con người và những gì thuộc về tâm thức của họ phải tồn tại và vận động. Điều đó dễ góp phần làm cho con người xa lánh nhau, làm cho cuộc sống mệt mỏi hơn.

  • 0Các ví dụ về tổ chức  không gian một  căn hộ trong các loại hình chung cư dành cho người thu nhập trung bình, thấp.

Trong những môi trường ở như vậy thì thời gian nào và khoảng không gian nào dành cho giao tiếp cộng đồng, các quan hệ láng giềng.. của các đối tượng của các đối tượng cư dân là câu hỏi mà các nhà hoạch định cũng cần phải hết sức quan tâm nhằm tạo nên một môi trường ở có bản sắc phù hợp, gần gủi, thân thiện và nhân bản. Bởi đôi khi cái văn hoá làng xã hình thành nên một không gian sống, khi đi vào đô thị hay vào nơi ở mới, nó phải tìm được sự thích nghi. Và cũng bởi ký ức tuổi thơ của một người dân sống trong trong một căn hộ, một khu ở, hay một đô thị.. là kỷ niệm của các giai đoạn trong một đời người, là những dấu ấn riêng hay có thể là niềm tự hào không thể phai mờ cho những thế hệ tiếp theo. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta cũng phải là đáp ứng được những nhu cầu trong tâm thức và làm sao cho sự thích nghi không thể làm mất đi truyền thống vốn có.

  • 1Một số ví dụ về mặt bằng quy hoạch bố trí nhóm nhà và tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng trong các loại hình chung cư

Việc quy hoạch các dãy nhà lô phố, cơ chế đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, khai thác cân đối giữa tài chính đầu tư và lợi nhuận vô hình đã tạo ra các khu dân cư thật buồn tẻ. Do vậy, để việc quy hoạch hợp lý các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở chung cư, xã hội là phải cân đối các nhu cầu về mặt tiện ích xã hội, nhu cầu sử dụng, hiệu quả kinh tế, thẩm mỹ đô thị để đưa ra kết quả tối ưu. Đặt biệt, trong quá trình xây dựng hay chỉnh trang những nơi ở mới này, người dân sống trong các loại hình nhà ở này cũng cần được các nhà quy hoạch và chính quyền quan tâm đúng mức về các thiết chế văn hóa, không gian Việt truyền thống,… trong việc tổ chức môi trường ở để đáp ứng các nhu cầu đời sống cũng như để tái tạo, duy trì, và phát huy bản sắc truyền thống, văn hóa riêng. Trong đó, cần có sự tham gia của người dân với nhân tố con người tác động vào quá trình quy hoạch-xây dựng các nơi ở đó với tư cách vừa là chủ xướng, vừa là chủ thể của hành động. Bởi chắc chắn là họ không muốn chấp nhận tiếp tục để cho khung cảnh sống hàng ngày của họ bị biến đổi theo những logíc xa lạ với mình. Việc sử dụng khái niệm này hàm ý phải đặc biệt coi trọng những thỏa mãn về mặt cảm xúc mà việc sử dụng không gian ở có thể mang lại cho mỗi người dân địa phương trong thực tế nhận thức và thực tế đời sống tâm lý riêng. Những thói quen mà mỗi cư dân dần có trong việc làm quen với không gian, môi trường ở của mình chính là nền móng của quá trình họ đồng hoá không gian, môi trường ấy để thu được những thỏa mãn cá nhân. Sự lặp đi lặp lại mãi của những cử chỉ hàng ngày như vậy đã tạo thành những tập tục ở cấp vi mô, rồi dần theo, những tập tục vi mô ấy sẽ tạo thành ý thức về sự thích hợp với không gian, môi trường chung của một đô thị… Và cuối cùng, trong tiến trình tổ chức môi trường ở tại các nơi đó, điều cần được cân nhắc và cần được tăng thêm giá trị đó là: tổng số niềm vui của những cư dân có liên quan

NCS. KTS Hồ Thế Vinh
ĐTPT Số 23/2009
(ảnh sưu tầm)

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …