Home / KIẾN TRÚC DI SẢN / Kiến trúc trước hết phải đẹp

Kiến trúc trước hết phải đẹp

Tại Hội thảo khoa học: “60 năm ngành xây dựng với sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam” do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo với nhiều tham luận và ý kiến nhận định đánh giá lĩnh vực Xây dựng – Quy hoạch – Kiến trúc của các diễn giả là những nhà khoa học, nhà quản lý.

Tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển xin được trích và đăng tải đến với bạn đọc nguyên văn lời phát biểu của Đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh – một con người ngoại đạo trong lĩnh vực nghề nghiệp nhưng có một cái nhìn thật bao quát.

tháp ỉan

Tháp Azadi, Iran (Đây là một biểu tượng của Tehran – thủ đô Iran, với kiến trúc trang nhã, tinh tế. Bên trong tháp có một bảo tàng cho du khách tham quan).

Kiến trúc là một lĩnh vực chuyên môn có những đặc thù riêng. Nhưng có lẽ không có ngành chuyên môn nào lại được xã hội quan tâm như ngành kiến trúc bởi vì kiến trúc có liên quan đến không gian chung mà mọi người đang sinh sống, nhất là ở các đô thị. Mỗi buổi sáng ra đường người đô thị nhìn thấy trước mắt mình những công trình kiến trúc mới mọc lên với tốc độ chóng mặt. Họ không phải là những nhà chuyên môn nên không quan tâm đến chất liệu hay kết cấu của những công trình đó. Cái mà họ quan tâm trước tiên là hình dáng của những công trình kiến trúc kia có làm đẹp thêm cảnh quan nơi họ đang sống hay không? Tóm lại là vẻ đẹp bên ngoài hay tính thẩm mỹ của các công trình xây dựng. Không phải  không có lý khi mà người Hy Lạp cổ đại xếp Kiến trúc là nàng tiên nghệ thuật thứ 5 trên đỉnh núi Olimpe chỉ sau Văn học, Sân khấu, Âm nhạc, Hội họa. Tôi có cảm tưởng khi quyết định xây cất một công trình ở ta người ta người ta thường quan tâm trước hết đến giá thành, đến kết cấu, nguyên vật liệu của công trình mà ít quan tâm đến tính thẩm mỹ của nó. Một công trình kiến trúc trước hết phải Đẹp, sau đó mới tính đến giá trị sử dụng và cuối cùng mới đến giá thành (đôi khi của rẻ lại là của đắt vì phải điều chỉnh, sửa chữa thậm chí phải phá bỏ làm lại,… điều mà chúng ta từng có nhiều bài học đắt giá). Cần nhận thức rằng một công trình kiến trúc là một tài sản chung vì nó chiếm một không gian của tất cả mọi người mặc dù họ không đầu tư hay trực tiếp sử dụng công trình đó và cái mà họ đòi hỏi trước tiên là phải Đẹp, hài hòa với cảnh quan xung quanh và thân thiện với con người. Sau tiêu chí đẹp thì tính Dân tộc phải đi đôi với Hiện đại có nghĩa là phải Độc đáo.

Beijing_national_stadium

Sân vận động quốc gia Bắc Kinh (Trung Quốc)

Sân vận động Bắc Kinh là một công trình kiến trúc vừa mang đậm tính dân tộc (xuất phát từ hình dáng của cái bánh bao mà người Trung Hoa thường ăn hàng ngày) nhưng lại vừa hiện đại như một con tàu vũ trụ từ một hành tinh nào đó đáp xuống trái đất. Khi xây xong nó lại có hình thù giống một tổ chim nên người ta quen gọi nó là sân vận động Tổ chim, trở thành một điểm nhấn của Thủ đô Bắc Kinh. Đây là một ví dụ hoàn hảo cho sự kết hợp giữa tính Thẩm mỹ, tính Dân tộc và tính Hiện đại. Người Trung Quốc đi nhận đấu thầu xây dựng khắp nơi nhưng khi cần xây cho mình những công trình có giá trị lâu dài họ biết tìm đến những chuyên gia giỏi nhất trên thế giới để mời hợp tác. Tiếc rằng kiến trúc đô thị của ta trong 70 năm qua chưa có công trình nào để có thể hãnh diện trong khi đội ngũ kiến trúc sư của chúng ta không thiếu tài năng, nhiều người liên tiếp nhận các giải thưởng kiến trúc có uy tín thế giới. Mỗi lần ra nước ngoài trở về nước tôi thường có một câu hỏi trong đầu: cũng là những khối nhà bằng vật liệu bê-tông, sắt thép, kính và nhôm nhưng tại sao trông của người ta thanh thoát và ưa nhìn như vậy? Một kiến trúc đẹp và một kiến trúc xấu chắc giá thành không chênh lệch nhau nhiều (chênh lệch là ở giá cả nguyên vật liệu và thời gian thi công). Do đó phải đặt yếu tố thẩm mỹ các công trình xây dựng lên hàng đầu trong khi chọn lựa thiết kế. Ở Nhật, đến ngay những nhà vệ sinh công cộng người ta cũng tìm chọn cho được những thiết kế bắt mắt nhất, hài hòa với những cảnh quan xung quanh. Chắc có nhiều lý do khác nữa ngoài chuyên môn để lý giải hiện tượng này mà người ngoại đạo như tôi không thể biết. Với tư cách là người làm điện ảnh, một lĩnh vực nghệ thuật rất gần gũi với kiến trúc, tôi xin thành thật chia sẻ vài suy nghĩ trên có điều gì không đúng mong được lượng thứ. Chúc đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam có nhiều công trình có giá trị thẩm mỹ cao góp phần làm đẹp cảnh quan các đô thị nói riêng và của đất nước nói chung.

ĐẶNG NHẬT MINH

                                                        Đạo diễn điện ảnh

(Đô thị & Phát triển số 76 – 77/2019)

Check Also

1

Ngôi Đền được cho là ‘tác phẩm của người ngoài Trái đất’

 Đền Kailasa ở Maharashtra, Ấn Độ là công trình kiến trúc nguyên khối lớn nhất …