Home / QUẢN LÝ ĐÔ THỊ / Hội thảo : Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu

Hội thảo : Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu

Năm 2020 có thể nói là 1 năm xảy ra thiên tai bất thường nhất kể từ năm 2009 đến nay trên khu vực miền Trung với thời gian mưa, lượng mưa gây ngập lụt, bão và sạt lở đất,.. kỷ lục. Riêng lũ quét, sạt lở đất tại Quảng Nam năm 2020 đã làm 23 người chết, 23 người mất tích, gây thiệt hại nặng về dân sinh, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội (các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế,…), cơ sở sản xuất và nhà ở của người dân; ước tính sơ bộ tổng thiệt hại khoảng 8.136 tỷ đồng, tại Quảng Trị, nơi đóng doanh trại của Đoàn kinh tế quốc phòng 337, làm vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ; tại Quảng Bình, đồn biên phòng Cha Lo cũng bị hư hỏng nặng do sạt lở gây ra; tại Thừa Thiên Huế khu vực tuyến đường 71- địa bàn huyện Phong Điền, nhiều điểm sạt lở lớn cũng đã xuất hiện, ngay cả những nơi tưởng chừng như an toàn tuyệt đối như tại điểm 67- kiểm lâm (nhà trạm đã hoạt động trên 17 năm), gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân, 30 cán bộ, chiến sĩ, người dân đã hy sinh, mất mát.

Nguy cơ, hiểm họa và thiệt hại từ sạt lở đất là rất lớn đối với các khu vực trên, tuy nhiên vấn để chủ động nhận biết, phòng tránh và ứng phó đối với loại hình thiên tai này ở các địa phương hiện nay còn rất hạn chế.

Qua những đánh giá sơ bộ trên, ngày 16/01/2021, tại thành phố Hội An đã có cuộc Hội Thảo “ Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” do UBND tỉnh Quảng Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam chủ trì cùng sự phối hợp của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. Tham dự Hội thảo có ông Lê Trí Thanh , Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, ,Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; TS. Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng,Tổng Cục phòng chống thiên tai; Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Lãnh đạo UBND tỉnh khu vực miền trung – Tây Nguyên, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam; Trung tâm Tin học và Tính toán – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các Hội Xây dựng, Quy hoạch, Địa chất tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên; Sở ban ngành các tỉnh thành khu vực.

Để đánh giá một cách đầy đủ, chính xác hiện trạng, các yếu tố ảnh hưởng cũng như hậu quả của nó gây ra, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như: địa hình, địa mạo, địa chất, khí tượng thủy văn, lâm nghiệp, giao thông, thủy lợi, quy hoạch, NN&PTNT…..Tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển xin ghi lại những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tại diễn đàn.

IMG_0024

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo

IMG_0016

Quang cảnh Hội thảo

Khai mạc Hội thảo Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu và đánh giá thời gian gần đây, đặc biệt là từ giữa tháng 9 đến tháng 11 năm 2020, khu vực miền Trung nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng, liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, lũ gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản, nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các huyện miền núi…Các công trình trường học, bệnh viện, trạm y tế bị hư hỏng nặng, hàng trăm kilomet kè, kênh mương, công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở, gây khó khăn cho công tác khắc phục, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn.

Ngay sau bão, lũ, các ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, kịp thời chia sẻ khó khăn với các gia đình bị thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Các cấp chính quyền chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau chung tay khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hoá để hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân, xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà sập, trôi, sửa chữa, khôi phục các cơ sở y tế, trường học, điện nước sạch sinh hoạt, đường giao thông, thủy lợi… đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, không có chỗ ở trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021. Tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ vừa qua, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Đó chỉ là những giải pháp tạm thời, trước mắt, chưa có một nghiên cứu tổng thể, đề xuất được các giải pháp kỹ thuật khả thi để giảm thiểu thiên tai, lũ quét tại khu vực nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của khu vực. Vì vậy, hôm nay tại diễn đàn hoàn toàn khoa học với mục tiêu nhất quán là Đánh giá nguyên nhân tổng thể của thiên tai, lũ quét ở khu vực miền Trung trong thời gian gần đây, đề xuất các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tác hại của thiên tai. Tôi hy vọng rằng, với phương thức thảo luận thẳng thắn, khách quan, xây dựng, Hội thảo của chúng ta sẽ là một ngày hội về trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong nước và thế giới, sẽ có những đóng góp tích cực trong việc đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác hại của thiên tai, lũ quét tại khu vực miền Trung.

IMG_0031

TS. Hoàng Ngọc Tuấn Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên

Đánh giá thực trạng vùng của tỉnh Quảng Nam, theo TS. Hoàng Ngọc Tuấn Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên: Phòng tránh sạt lở đất phục vụ bố trí dân cư vùng miền núi của tỉnh Quảng Nam với nhiều giải pháp sau:

  1. Giải pháp phi công trình : Rà soát đánh giá mức độ an toàn đối với khu vực dân cư đang sinh sống thuộc các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét như đã xảy ra trong năm 2020. Tập trung tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn và Tây Giang. Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát địa hình, địa chất, địa vật lý, khí tượng thủy văn, mặt đệm, phân bố dân cư, cơ sở hạ tầng .v.v. thực tế và số liệu dự báo ngưỡng gây sạt lở đất của các cơ quan chuyên môn cụ thể để từ đó có phương án di dời hẳn hay di dời tạm thời theo thời điểm cụ thể – Đánh giá mức độ an toàn đối với khu vực Quy hoạch mới bố trí tái định cư. Cần phải tìm được vị trí an toàn cao nhất có thể bởi vì khu vực miền núi thì quỹ đất bằng đáp ứng các yêu cầu có thể bố trí được 1 làng, bản không phỉ đơn giản. Chính vì vậy trước khi quy hoạch và bố trí dân cư thì phải tránh các vị có nguy cơ sạt lở đất cao được cơ quan chuyên môn cảnh báo trước. Đối với một khu đất cụ thể cần phải được khảo sát Địa hình, địa chất, địa vật lý cẩn thận vì bằng mắt thường không thể khẳng định được nên chúng ta rất dễ nhầm. Bởi có nhưng khu đất bằng nhưng lại nằm trên các khối trượt lớn, đứt gãy như ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My hay các khu vực bãi bồi ven sông không an toàn như ở xã Phước Thành, huyện Phước Thành – Rà soát Quy hoạch Bố trí dân cư, cơ sở hạ tầng (đặc biệt là đường giao thông, cống thoát nước phải đủ khẩu độ thoát được lũ lớn, ….) các huyện miền núi nơi thường xảy ra thiên tai đặc biệt là thiên tai bất thường như năm 2020 – Rà soát Quy hoạch giữa các ngành Xây dựng, Giao thông, Thủy lợi khu vực miền núi một cách chặt chẽ. Trong quy hoạch cần phải chú ý các thiên tai bất thường có thể xảy ra để có giải pháp thích ứng – Xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ Sạt lở đất tới cấp Huyện tỷ lệ 1/5.000 và cấp xã tỷ lệ (1/1.000 – 1/2.000) và phổ biến tới chính quyền cấp xã, thôn và người dân biết. Hiện nay, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên đã xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ SLĐ cho 03 huyện (Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn) với tỷ lệ 1/50.000 và toàn tỉnh 1/100.000 – Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng tránh thiên tai nói chung và Sạt lở đất, lũ quét nói riêng – Tăng mật độ trạm đo mưa tự động để nâng cao công tác cảnh báo chính xác hơn cũng như xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất, lũ quét tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao – Rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý để nâng cao chất lượng thảm phủ rừng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét. Bởi vì rừng có vai trò hết sức quan trọng trong điều hòa dòng chảy mặt, dòng chảy ngầm cũng như ổn định của các mái dốc sườn đồi – Nghiên cứu bổ sung xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp trong quy hoạch, thiết kế công trình xây dựng vùng có thiên tai với các yêu cầu cao hơn – Có cơ chế chia sẻ lợi ích giữa người dân khu vực này với các nhà đầu tư khai thác tài nguyên trên khu vực một cách hợp lý.

Vấn đề thứ hai là giải pháp công trình: Cần nghiên cứu các mẫu nhà phù hợp, an toàn như nhà cộng đồng để khi có cảnh báo xảy ra thiên tai thì người dân có thể tránh trú trong những thời điểm mưa bão, có nguy cơ sạt lở đất – Các công trình giao thông cần phải tính toán hệ thống thoát nước trên đường như Cầu, cống, mương thoát nước dọc và sườn đồi đảm bảo trong điều kiện thiên tai bất thường. Các cầu giao thông vượt sông phải tính đủ khẩu độ thoát lũ, hạn chế tối đa sự cản trở của mố trụ cầu – Nâng cao mức độ an toàn cho các mái dốc như bố trí các ống tiêu nước để giảm mực nước ngầm và áp lực lỗ rỗng, giảm độ dốc sườn đồi, bố trí các cơ hoặc các Neo xuyên qua các khối trượt – Đối với công trình thủy lợi, thủy điện: Cần đánh giá lại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá khối lớn trong khu vực lòng hồ, có thể dẫn tới nguy cơ tạo ra các con sóng xung kích gây vỡ đập, nước tràn qua đỉnh đập gây mất an toàn cho công trình – Đối với các mái dốc đất đá trong tính toán thiết kế và thi công xây dựng cần phải xem xét đến yếu tố mưa lớn, thời gian kéo dài đối với khu vực miền núi.

Để chủ động ứng phó với sạt lở đất, giảm thiểu tác hại do sạt lở đất gây ra; đề nghị Trung ương, UBND Tỉnh cho triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình như đã trình bày trên. Chính Phủ cần dành ưu tiên nguồn lực nhiều hơn cho việc khắc phục, tái thiết cơ sở hạ tầng sau thiên tai cho Miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng để chính quyền và người dân yên tâm, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội.

Ths. Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên Huế : Từ các nguyên nhân được phân tích, với tình hình mưa lũ, phức tạp hiện nay tại miền Trung, trong quá trình quy hoạch, xây dựng công trình nói chung, công trình giao thông nói riêng, theo chúng tôi, cần chú trọng đến những vấn đề sau: Đầu tiên là công tác quy hoạch, cần nâng cao năng lực dự báo, tiên lượng, tích hợp toàn diện các kiến thức (địa chất, thủy văn, thủy lực, kết cấu, kinh tế xã hội, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, ANQP…) trong quy hoạch, tránh hiện tượng quy hoạch nhưng chỉ nhìn phiến diện dưới một góc độ nào đó, như quỹ đất, vận tải,…Song song với đó, cần rà soát các tiêu chí năng lực tư vấn và bổ sung các định mức tính kinh phí tư vấn cho phù hợp, làm cơ sở thực hiện đồng bộ. Cần bổ sung quy định bắt buộc về quy hoạch mạng lưới thoát nước trên địa bàn toàn tỉnh, trong các khu đô thị, để tránh sự thiếu liên kết giữa từng công trình, dự án – Cần tính toán có tính mạng lưới, tính đến liên kết, ảnh hưởng lẫn nhau, lập các bài toán mô phỏng khi xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Các tiêu chuẩn, phương pháp tính toán công trình hạ tầng kỹ thuật trước đây thường tính toán theo trạng thái giới hạn của công trình; do đó chỉ tính toán cho một tuyến đường, một tuyến hoặc một đoạn cống thoát nước trong một khu quy hoạch, chưa tính toán đến toàn hệ thống, cao độ và hướng thoát nước toàn vùng. Hiện nay, với công nghệ máy tính hiện đại, đã có nhiều phần mềm để mô phỏng, tính toán cao độ đường, tuyến ống thoát nước cho các khu vực rộng lớn, thậm chí cả thành phố. Áp dụng các công nghệ hiện đại sẽ có cái nhìn tổng quan và định hướng thiết kế tốt cho hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng như hạ tầng tại vùng núi. – Về khảo sát, thiết kế công trình, cần hướng tới các công trình thân thiện môi trường, bám sát điều kiện tự nhiên, tránh đào sâu, đắp cao, phá vỡ cấu trúc, trạng thái ổn định tự nhiên, VD: các công trình Miền núi cần bổ sung kinh phí với tinh thần gặpvực sâu làm cầu cạn, gặp núi cao làm hầm nhằm vừa đảm bảo tính ổn định cao của địa hình, vừa tạo ra bình đồ tuyến thẳng, đẹp; các tuyến đường vùng thấp trũng cần ưu tiên COS công trình hợp lý, ưu tiên khẩu độ công trình để đảm bảo năng lực phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Chú trọng xây dựng công trình xanh: từ giai đoạn lựa chọn hướng tuyến, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng, cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo nâng cấp, tái sử dụng, đều đạt được các tiêu chí: sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu đến mức nhỏ nhất các tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe con người, bảo tồn cảnh quan, sinh thái tự nhiên và di tích lịch sử, tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho con người trong khu vực. Bổ sung quy trình, quy phạm, kể cả thiết kế mẫu cho các khu vực dễ sụt trượt, sạt lở (vd: không phải khi nào cũng nhất nhất chỉ làm tường chắn, đôi khi phải xử lý cung trượt, đôi khi mạnh dạng đào bỏ những vị trí có nguy cơ sụt trượt cao) nhằm đảm bảo ổn định công trình bền vững – Cần chú trọng xây dựng kế hoạch vốn sớm, kế hoạch đấu thầu, ký hợp đồng và thi công trước mùa mưa bão. Đây là một đặc thù riêng của ngành GTVT vì quá trình thi công xây dựng công trình giao thông phụ thuộc vào thời tiết. Nếu không tập trung thực hiện trong mùa nắng, mùa có điều kiện thời tiết tốt thì sẽ khó đạt mục tiêu đầu tư xây dựng trong từng năm. Thực tế chúng ta thường bố trí, bổ sung vốn muộn, có khi rơi vào mùa mưa thì rất khó khăn về tiến độ, chất lượng, kể cả công tác giải ngân – Cần đầu tư nghiên cứu khoa học để có các vật liệu sửa chữa mặt đường, vật liệu xây dựng phù hợp với điều kiện mưa lũ liên tục ở miền Trung, giá thành vật liệu phù hợp điều kiện kinh tế khu vực, có hiệu quả kinh tế – Cuối cùng là các cơ quan xây dựng tiêu chuẩn, định mức cần nghiên cứu xem xét đến điều kiện tự nhiên khu vực miền Trung để có các tiêu chuẩn, định mức phù hợp.

  1. Bùi Đình Dũng – Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng : Theo PGS.TS Trần Tân Văn- Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có 2 khả năng để lý giải về hiện tượng này: Thứ nhất: Sự tương tác liên quan đến trái đất và mặt trời, sẽ khiến nhiệt độ, độ ẩm về ban đêm chênh lệch ban ngày, điều này liên quan trực tiếp đến áp lực nước lỗ rỗng trong đất. Khi thay đổi từ trạng thái ngày, đêm khiến áp lực lỗ rỗng thay đổi tác động đến cường suất trong khu vực địa hình sườn dốc sẽ kích thích sạt, trượt lở đất. Còn khả năng thứ hai: Có khả năng xảy ra sạt lở đất đá nhiều hơn khi một sườn dốc bị bão hòa nước. Qua các vụ sạt lở đất các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam thì những khu vực này đã mưa quá nhiều, mưa lớn dai dẳng trong nhiều ngày. Đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở. Khả năng thứ hai này thì trượt lở, sạt lở đất nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù ban ngày hay ban đêm. Nhưng nếu ban ngày, người dân quan sát được, có đủ thời gian chạy thì thiệt hại sẽ giảm. Còn trượt lở vào ban đêm, không quan sát được và đây là thời điểm người dân đang ngủ, không có sự đề phòng gì nên thiệt hại thường rất lớn, thảm khốc hơn so với các vụ xảy ra vào ban ngày. Ngoài ra, còn gặp hiện tượng sạt lở đất kèm theo những tiếng nổ lớn cùng với đó là bùn đất đá đổ xuống ầm ầm vùi lấp mọi thứ và gây ra thiệt hại thảm khốc về tài sản cũng như tính mạng con người.

Ứng phó với với trượt lở, lũ quét là những hiện tượng thiên tai xảy ra bất kỳ, đột ngột thì giải pháp cơ bản là cảnh báo. Nghĩa là dựa trên hiện trạng, các yếu tố có thể góp phần gây ra trượt lở, lũ quét…để có những cảnh báo rằng khu vực này, khu vực kia có nguy cơ xảy ra trượt lở, lũ quét cao.

Với một địa điểm cụ thể có nguy cơ trượt lở, lũ quét cao và đã bắt đầu có những dấu hiệu sắp sửa xảy ra, với một số vị trí quan trọng như một trung tâm dân cư lớn, một cơ sở hạ tầng thiết yếu thì người ta có thể lắp đặt các thiết bị quan trắc, có thể dự báo được khá chính xác thời điểm xảy ra trượt lở.

Nhưng việc này thường đắt tiền, đòi hỏi công nghệ cao và chỉ một số quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông v.v… mới hay làm và chỉ làm ở một số rất ít vị trí thiết yếu, còn phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng làm giống như Việt Nam, họ đều sử dụng các bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo sạt lở đất.

PGS.TS. Phạm Hồng Quang – Trung tâm Tin học và Tính toán – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam : Hiện nay tại Việt Nam cũng như ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình hầu như không có hệ thống đo đạc và giám sát các mái dốc (cũng là nơi bắt nguồn của sạt lở và lũ bùn đá) để đưa ra cảnh báo thiên tai vì các kỹ thuật hiện có rất phức tạp và đắt tiền. Tại các tỉnh thành, khu vực thường hay sạt lỡ và lũ bùn đá nên cần lắp đặt một hệ thống đo đạc và giám sát dựa trên công nghệ mới nhất tích hợp cảm biến đo áp lực nước lỗ rỗng, đo phát xạ âm, quán tính, mạng diện rộng năng lượng thấp, trí tuệ nhân tạo trên vi xử lý siêu tiết kiệm năng lượng, hiệu quả để phát hiện các chuyển động của mái dốc và lũ bùn đá và sau đó thông báo, báo động cho người dùng. Hệ thống đo đạc và giám sát với một mạng lưới cảm biến và báo động được thiết kế theo mô hình “cắm và chạy”, có thể được lắp đặt bởi cộng đồng người dân địa phương.Thông tin đo đạc sẽ được truyền về các trung tâm phân tích sử dụng siêu máy tính để học và tạo ra các chỉ số giới hạn báo động bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo học sâu (deep learning) và tự động cập nhật vào hệ thống tại hiện trường. Các cảm biến đo lường mới đã được thiết kế và sản xuất bởi công ty trong nước với chi phí giới hạn ở mức vài trăm đô la (Mỹ), lắp đặt giống như đặt ống bơm nước ngầm (không cần máy khoan đắt tiền) và tự động vận hành sử dụng năng lượng mặt trời hầu như không mất chi phí bảo dưỡng. Việc sử dụng phương pháp tiếp cận cảnh báo sớm này triển khai ở các khu dân cư, công trình xây dựng nằm trong khu vực có thể bị tác động bởi sạt lở đất và lũ bùn đá sẽ làm giảm số người chết và thiệt hại về tài sản. Các dữ liệu đo đạc cũng cho phép cơ quan quản lý đánh giá nguy cơ để ưu tiên hiệu quả các nguồn lực về tài chính quy hoạch dịch chuyển các khu dân cư hoặc sửa chữa gia cố an toàn các công trình xây dựng như đường giao thông trong khu vực rừng núi.Hệ thống cảnh báo sớm về sự mất ổn định của mái dốc và dịch chuyển lũ bùn đá là cần thiết để cảnh báo cho dân cư trong vùng bị ảnh hưởng cũng như các cấp quản lý hành chính – chuyên ngành về khả năng xẩy ra thiên tai, cho phép sơ tán những người dễ bị tổn thương và tiến hành sửa chữa và bảo dưỡng kịp thời các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Hoàng Anh Tuấn – Ban CNTT và Đổi mới sáng tạo,Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị. Thuộc THXD. VN : Theo một báo cáo của Phòng thí nghiệm quốc gia về Động lực học sông biển (IHRCE), Việt Nam có tới hơn 2.360 con sông và kênh lớn nhỏ, với đường bờ biển dài 3.300 km, cứ khoảng 23 km có một cửa sông và theo thống kê có 112 cửa sông ra biển. Hệ thống sông ngòi chằng chịt và đường bờ biển dài là một lợi thế cho đất nước trong việc khai thác và nuôi trồng thủy – hải sản; du lịch; giao thông;… Tuy nhiên bên cạnh lợi thế này cũng có không ít những khó khăn do tình hình sạt lở bờ diễn biến phức tạp, cần phải có các giải pháp công trình hợp lý để giữ ổn định bờ, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân đồng thời tạo cảnh quan, phát triển du lịch,… Nguyên nhân chính được các nhà khoa học liệt kê có liên quan tới tình trạng sạt lở bờ tại miền Trung chủ yếu là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở. Chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài, tất yếu dẫn đến trượt lở và lũ quét. Ngoài nguyên nhân kích hoạt chính kể trên thì khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dầy, giàu vật chất sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều về chất. Các hoạt động dân sinh cả theo quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc…, cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại. Tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét với biến đổi khí hậu nên cần ứng dụng ảnh vệ tinh, không ảnh từ UAV và AI trong việc theo dõi, giám sát và phòng chống lũ quét, sạt lờ bờ sông tại khu vực miền Trung, xin được cung cấp khái niệm về khoa học quan trắc trái đất – là ngành khoa học thu thập thông tin các đặc tính lý, hoá và sinh học của bề mặt Trái đất thông qua các công nghệ viễn thám (thông thường là các vệ tinh hoặc các thiết bị bay có chức năng chụp và thu nhận ảnh của bề mặt quan trắc) (định nghĩa của Cộng đồng Châu Âu). Khoa học quan trắc trái đất được sử dụng để giám sát và đánh giá hiện trạng và thay đổi của môi trường tự nhiên và nhân tạo. Trong khoa học quan trắc này, các công nghệ không gian được sử dụng nhằm thực hiện quá trình giám sát biến động của môi trường (đất, sông, không khí) với khả năng đánh giá hiện trạng nhanh chóng khi xảy ra các khủng hoảng hoặc sự cố xung đột của con người.

Để cảnh báo sớm và phòng chống lũ quét, sạt lở đất chúng ta cần thực hiện một số biện pháp đã được thực hiện tại Việt Nam như sau: Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm là sự kết hợp của nhiều thiết bị như thiết bị đo mưa, camera cảm biến hồng ngoại, cảm biến chấn rung, cảm biến căng kế, cảm biến đo mực nước bằng rađa, và trạm thu thập xử lý dữ liệu quan trắc – Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống lũ quét và sạt lở đất: Tổng cục phòng, chống thiên tai đã thực hiện các biện pháp thông tin truyền thông như mạng xã hội, đào tạo trực tuyến, xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh, cung cấp các hình ảnh trực quan cho cộng đồng, tổ chức các lớp tập huấn cho dân cư tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng, hệ thống tin nhắn (SMS) cảnh báo.

IMG_0043 IMG_0047

Các chuyên gia Quy hoạch – Kiến trúc phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Đỗ Văn Hứa Tổng Hội Xây dựng Việt Nam: Năm 2020 và những năm trước đây, miền Trung phải chịu 13 cơn bão nhiệt đới liên tiếp, gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở đất tồi tệ nhất trong 100 năm trở lại đây. Nhiều căn nhà đã bị tàn phá, hoa màu bị hư hại, và những người dân vốn là đối tượng dễ bị tổn thương thì lâm vào cảnh tay trắng. Lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng tại 5 tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến ít nhất 135.000 gia đình đã bị ảnh hưởng trực tiếp, ở một số xã có mực nước lũ dâng cao tới 2m và hơn nửa triệu người không có nước sạch, hơn 1,5 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh, dinh dưỡng kém và chậm phát triển. Nhà cửa bị tàn phá, mùa màng và sinh kế bị phá hủy, cơ sở hạ tầng bị hư hại. Vì vậy, khi mùa mưa bão đến, nhà ở lại trở thành nỗi lo lắng, trăn trở của bà con miền Trung nước ta. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để xây dựng những mẫu biệt thự đẹp, kiên cố để bất chấp mọi gió bão. Chính bởi vậy, xây nhà chống bão trở thành nhu cầu thiết yếu.Thiết kế và xây dựng nhà ở vùng gió bão cần phải phân tích, tính toán cụ thể ảnh hưởng của gió bão tới thiết kế nhà theo đặc thù địa hình và khí hậu của vùng đó. Quan trọng nhất chính là phải có các giải pháp kỹ thuật phù hợp để đảm bảo giảm tác động của gió bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

IMG_0028

TS. Đặng Việt Dũng Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Kết luận Hội thảo TS. Đặng Việt Dũng Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định: Cho đến thời điểm này chúng ta đã hoàn thành toàn bộ chương trình của Hội thảo. Với 7 báo cáo tham luận trực tiếp, 19 bài báo cáo đăng trong kỷ yếu và đặc biệt là các ý kiến trao đổi thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, có thể khẳng định Hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra. Hội thảo đã đưa ra và thảo luận các vấn đề hiện đang rất thời sự đó là hiện trạng tình hình mưa lũ,lú quét, sạt lở ở khu vực Miền Trung, phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và đề ra các giải pháp phòng, tránh và công tác chỉ đạo phòng, tránh và khắc phục hậu quả của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tỉnh , huyện, xã khu vực Miền Trung.

Thay mặt chủ trì Hội thảo cho phép tôi được tóm tắt theo các nhóm vấn đề như sau:

  1. Nhóm thứ nhất: Mô tả, nhận định, đánh giá về thiên tai

Với số lượng cơn bão kỷ lục ( 9 cơn trong 2 tháng), trong đó có cả siêu bão, thời gian mưa kéo dài, cường độ rất mạnh, lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng, vượt mức lịch sử, chưa từng có trong thời gian qua, chúng ta có thể nhận định rằng chúng ta đang đối mặt với sự biến đổi dị thường của thời tiết, sự bất thường của khí hậu. Bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ, bão chồng lũ đã gây ngập lụt sâu, dài ngày, sập đổ nhà cửa, hư hại mùa màng, phá hủy nhiều công trình dân sinh thiết yếu, đặc biệt trong tháng 10 năm 2020 riêng 3 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã có 14 vụ sạt lở đất, lũ bùn đá rất nghiêm trọng làm chết và mất tích 111 người, cho thấy thiên tai càng trở nên khó lường và vô cùng khốc liệt. Sự bất thường của thời tiết, sự khó lường của thiên tai cùng với địa hình hiểm trở, sườn núi dốc đứng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các cấp chính quyền và người dân trong đảm bảo an toàn trước thiên tai.

  1. Nhóm thứ 2: Nguyên nhân xảy ra lũ quét, sạt lở đất và thiệt hại do thiên tai

Từ các nghiên cứu được thảo luận cho thấy nguyên nhân gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nhân tố vừa có tính nội tại bên trong vừa do khách quan bên ngoài. Nguyên nhân nội tại bao gồm độ dốc sườn, mức độ liên kết của đất đá, chiều dày lớp phong hóa, mức độ uốn nếp, phân cắt của địa hình. Nguyên nhân bên ngoài bao gồm diễn biến bất thường của thời tiết như thời gian mưa, cường độ mưa, mức độ bao phủ của thảm thực vật và các hoạt động xây dựng của con người trong khu vực như việc khai thác lưu vực, hoạt động chặt phá rừng, lấn chiếm hành lang thoát lũ, xây dựng các hồ chứa, cắt xẻ, san gạt sườn đồi, núi làm khu dân cư hay các công trình thiết yếu. Lũ quét, sạt lỡ đất sẽ xảy ra nếu các nguyên nhân nếu trên đồng thời xuất hiện, càng nhiều nguyên nhân xuất hiện thì lũ quét, sạt lỡ đất đến càng nhanh và phạm vi ảnh hưởng càng lớn.

Đối với thiệt hại do lũ quét, sạt lỡ đất thì nguyên nhân đến từ công tác qui hoạch lựa chọn đất xây dựng, đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi xây dựng các công trình, năng lực cảnh báo và dự báo, khả năng phản ứng và nhận thức của cộng đồng trước thiên tai.

  1. Nhóm thứ 3: Các giải pháp phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất đã thực hiện

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp phi công trình và công trình. Các biện pháp phi công trình bao gồm nâng cao năng lực dự báo như phát triển hệ thống đo mưa tự động, xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở. Xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất với tỷ lệ thích hợp (1/5000 với cấp huyện, 1/1000 -1/2000 với cấp xã) nhằm sắp xếp lại dân cư, di dời ngời dân trong vùng nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến định cư ở nơi an toàn; quy hoạch phát triển dân sinh kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng.Tăng cường đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ chứa nhỏ, hồ chứa đã xuống cấp; kiểm tra phương án bảo vệ dân cư vùng hạ lưu khi hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp hoặc nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập. Kịp thời hỗ trợ thiệt hại và ổn định sản xuất cho người dân. Các biện pháp công trình bao gồm nhà chống lũ, kè, tường chắn, công trình thoát lũ, trồng rừng…Các giải pháp đưa ra khá đồng bộ, nhưng trong điều kiện nguồn lực hạn chế, thời tiết biến đổi bất thường, vẫn cần áp dụng những giải pháp cấp bách trước mắt, phù hợp với từng địa phương khu vực.

  1. Nhóm thứ 4: Giới thiệu các công nghệ tiên tiến dự báo lũ quét, sạt lở đất

Tại Hội thảo chúng ta đã nghe giới thiệu các công nghệ bao gồm : công nghệ thông tin địa lý (GIS) và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo sạt lở đất; công nghệ IOT và WSN nhằm cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét ;công nghệ ảnh vệ tinh không ảnh kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc theo dõi giám sát và phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; và phương pháp cảnh báo lũ quét theo thời gian thực áp dụng cho khu vưc miền Trung. Đây là những công nghệ mới do chính người Việt Nam nghiên cứu và đã được áp dụng thí điểm có kết quả ở một số địa phương. Rất cần sự quan tâm cho phép ứng dụng để kịp thời cảnh báo cho địa phương di dời dân giảm thiểu tổn thất.

  1. Nhóm thứ 5 : Đề xuất các giải pháp
  2. Nhóm giải pháp phi công trình :

– Rà soát lại kịch bản biến đổi khí hậu trên cơ sở coi sự bất thường của thời tiết trong thời gian gần đây là hiện tượng bình thường trong những năm tới để giúp chúng ta xây dựng phương án chủ động ứng phó trong chiến lược phòng chống thiên tai trong giai đoạn mới.

– Căn cứ vào tổ hợp các nhân tố gây lũ quét, sạt lở đất xây dựng tiêu chí phân loại nguy cơ. Lập đề án rà soát các khu, điểm dân cư vùng núi, tiến hành phân loại và xây dựng phương án xử lý cho từng mức độ nguy cơ. Phương án xử lý cần căn cứ vào nguồn lực, từng mức độ nguy cơ để đảm bảo tính khả thi hiệu quả và an toàn tuyệt đối cho người dân. Đối với khu vực có nguy cơ cao thì tập trung nguồn lực di dời khẩn cấp, đối với các khu vực tạm thời ổn định cần lắp đạt hệ thống cảnh báo, dự báo và nâng cao nhận thức phòng tránh cho người dân, đối với các khu vực đã ổn định, khi đầu tư xây dựng các công trình cần đặc biệt quan tâm đánh giá mức độ ảnh hưởng đến nguy cơ gây lũ quét, sạt lở đất.

– Qui hoạch và thực hiện bố trí sắp xếp dân cư mới cần được đánh giá theo bảng phân loại nguy cơ, đồng thời đảm bảo cự ly di chuyển ngắn, tránh xáo trộn về đời sống, sản xuất, hình thành các điểm dân cư theo tiêu chí nông thôn mới.

– Nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia PCTT và TKCN các cấp thông qua công tác đào tạo, bổ sung nhân sự, trang thiết bị.

– Lập kế hoạch đầu tư các trạm đo mưa bằng nguồn vốn ngân sách hoặc ngoài ngân sách trên cơ sở tính toán lựa chọn các vị trí đặt trạm phù hợp, công nghệ tiên tiến. Xây dựng cơ sở dữ liệu đo mưa, lũ.

– Ứng dụng các công nghệ mới trong việc cảnh báo, dự báo sớm nguy cơ xay ra thiên tai lũ quét, sạt lở đất.

– Tổ chức tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực ứng phó cho lực lượng tại chỗ và khả năng nhận biết thiên tai và khả năng chống chịu của người dân. Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với các Hội nghề nghiệp khác tiến hành xây dưng cẩm nang nhận biết lũ quét, sạt lỡ đất cung cấp cho nhân dân địa phương vùng núi.

– Kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư các công trình phát triển kinh tế xã hội gắn với biến đổi khí hậu và PCTT.

– Rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý, tổ chức trồng rừng nâng cao chất lượng thảm phủ rừng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét.

  1. Giải pháp công trình :

– Phổ biến các địa phương áp dụng kết cấu nhà có khả năng phòng, chống lũ, lũ quét sạt lở đất vào xây dựng nhà của dân, trạm y tế, trường học và nhà cộng đồng ở những vùng có nguy cơ xảy ra các loại hình thiên tai trên.

– Nâng cao mức độ an toàn cho các mái dốc như bố trí các ống tiêu nước để giảm mực nước ngầm và áp lực lỗ rỗng, giảm độ dốc sườn đồi, bố trí các cơ hoặc các Neo xuyên qua các khối trượt.

Và theo chức năng, nhiệm vụ của mình Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ tiếp tục cùng với các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, vận dụng các kết quả nghiên cứu trong Hội thảo, triển khai công tác phòng, chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất theo 7 nhiệm vụ lâu dài trong phòng, chống thiên tai của Chính phủ, trong đó :

  1. Phối hợp với Bộ chuyên ngành xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để đầu tư các công trình hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở… đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai.
  2. Phối hợp với các tỉnh xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa với tỷ lệ phù hợp, xây dựng bản tiêu chí phân loại nguy cơ, hỗ trợ các địa phương lập đề án rà soát các khu dân cư, điếm dân cư có nguy cơ và xây dựng phương án phòng tránh.
  3. Hỗ trợ các địa phương điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu; hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
  4. Hỗ trợ các địa phương về kỹ thuật thực hiện lập bản đồ ngập lụt do mưa lũ, ngập lụt vùng hạ lưu hồ chứa trong trường hợp xả lũ khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố về hồ đập, để làm cơ sở xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người, cơ sở hạ tầng và các khu kinh tế tập trung.
  5. Phối hợp với các địa phương áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học được công bố trong Hội thảo vào dự báo lũ quét, sạt lở đất để chủ động trong phòng chống và ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai trên.

IMG_0053

Hình ảnh lưu niệm tại hội thảo

Chúng ta rất hy vọng kết quả của Hội thảo sẽ một phần nào giúp cho công tác PCTT và TKCN của chúng ta ngày một hiệu quả, kịp thời, giảm thiểu nhiều nhất tác động của thiên tai lũ quét, sạt lở.

Nhân dịp năm mới Tôi xin kính chúc sức khỏe của các quý vị đại biểu cùng toàn thể gia đình, chúc năm mới an khang, thịnh vượng và thành đạt.

Check Also

nha

NHÀ Ở XÃ HỘI: KHÔNG ĐƠN GIẢN ĐỂ TRIỂN KHAI!

Nhà ở xã hội: Không đơn giản để triển khai! Chủ trương phát triển nhà …