Ðể hoàn thiện các nội dung nghiên cứu và tổ chức quy hoạch NTM, đồng nghĩa vớinhấn mạnh tầm quan trọng và đầu tư nhiềuhơn nữa cho công tác nghiên cứu cơ bản và khảo sát hiện trạng phục vụ quy hoạch xây dựng NTM, đặc biệt với quy hoạch khu vực nông thôn trong đô thị, giảm được sự đô thị hóa cưỡng bức với vùng nông thôn, khai thác các động lực sản xuất kinh doanh thế mạnh và có sự kết nối với các nội dung tổ chức không gian với quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng đô thị. Hoàn thiện quy trình, trình tự quy hoạch xây dựng NTM đồng nghĩa với việc xác lập trình tự thực hiện các đồ án quy hoạch rõ ràng để có thể nhấn mạnh được tính tổng thể và tầng bậc phục vụ cho không chi riêng quy hoạch xây dựng NTM mà còn liên quan đến quy hoạch sản xuất theo chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp với mô hình sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn.
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) trong các đô thị lớn ngoài tuân thủ Quy hoạch chung còn phải gắn với phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư theo quy hoạch đô thị xác định phù hợp với từng vùng và từng chức năng đô thị. Vấn đề Quy hoạch xây dựng NTM trong các đô thị lớn không chỉ nằm trong mục tiêu lớn để phát triển đất nước mà còn là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên một đô thị phát triển bền vững, có bản sắc.
Chương trình xây dựng NTM đang được triển khai diện rộng trên khắp cả nước, bước đầu đã đạt được những kết quả lạc quan, mang lại những chuyển biến tích cực ở nhiều vùng nông thôn. Song, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch NTM trong các đô thị lớn lại đang gặp nhiều vấn đề gây tác động không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả thực hiện.
Cơ chế chính sách cho quy hoạch xây dựng NTM
Các quy trình lập và nội dung các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị và khu dân cư nông thôn tập trung đã được soạn thảo tương đối đầy đủ. Các quy trình này thường xuyên được cập nhật và đổi mới nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản về quy hoạch xây dựng NTM trong đô thị vẫn còn chưa phân định rõ về nội dung và phương pháp giữa các quy hoạch chung đô thị với quy hoạch nông thôn ngoại thành, giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển sản xuất.
Các chính sách về nông thôn mới nhiều nhưng nội dung chỉ bàn về nông thôn nói chung còn chưa tập trung phân tích và làm rõ những khác biệt của nông thôn nói chung với nông thôn trong đô thị. Cho đến nay, vẫn còn thiếu một quy trình hoàn chỉnh, riêng biệt cho công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn trong đô thị là khu vực chuyển tiếp giữa đô thị và nông thôn. Nếu có được đề cập đến thì thường rất sơ bộ, lồng ghép trong quy hoạch chung đô thị hay trong bản đồ định hướng phát triển không gian đô thị đến hết thời hạn quy hoạch.
Theo Quy hoạch chung xây dựng của các đô thị lớn đến năm 2025 đã phê duyệt thì sẽ có một số xã được định hướng đô thị hóa. Trong khi đó, chương trình xây dựng Nông thôn mới của các thành phố đề ra là phải hoàn thành xây dựng NTM cho toàn bộ các xã. Vì vậy, có sự trùng lặp về ranh giới và nội dung giữa quy hoạch xã nông thôn mới với quy hoạch xây dựng đô thị hoặc định hướng phát triển đô thị nói chung.
Hoàn thiện 3 nội dung trên cũng có nghĩa là loại bỏ những nếp chồng lấn về cơ chế hỗ trợ và định hướng công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong mối quan hệ tương hỗ với quy hoạch đô thị trên cơ sở định vị các tiêu chí khác biệt của khu vực nông thôn trong đô thị về không gian, văn hóa, lối sống, mô hình cư định cư, hạ tầng và mô hình sản xuất.
Tổ chức nghiên cứu, quản lý quy hoạch NTM
Quy hoạch xây dựng NTM liên quan đến nhiều sở, ngành nhưng việc khớp nối các ý kiến chuyên ngành chưa đồng bộ, thiếu sự quản lý nhất quán. Lực lượng làm công tác lập quy hoạch còn thiếu năng lực đa ngành so với nhu cầu nên chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn theo tiêu chí mới. Nhiều đơn vị tư vấn chưa nắm vững nội dung, phương pháp nghiên cứu, chưa cập nhật thông tin quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, chưa gắn kết dự báo dân số và lao động của nông thôn với những biến động của đô thị… Trong khi kinh phí đầu tư cho công tác quy hoạch xây dựng nông thôn rất hạn chế.
Công tác khảo sát, đánh giá thực trạng chưa được thực hiện tốt để kế thừa những thành tựu, phát huy tiềm năng, lợi thế, giữ gìn bản sắc văn hóa và bổ sung, phát triển mới theo hướng CNH – HĐH. Một số quy hoạch chưa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương, chưa bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy hoạch chung của huyện và của đô thị, chưa xác định rõ những công trình, hạng mục cần ưu tiên phải làm, chưa có phân kỳ đầu tư hợp lý, việc gì làm trước hay làm sau, tránh dàn trải, gây lãng phí tốn kém.
QHXDNTM cần đảm bảo được tính hệ thống từ trên xuống:
Đối với khu vực nông thôn trong đô thị, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần được phối hợp chặt chẽ với các ngành để bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành. Tránh chồng chéo giữa quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội với các quy hoạch phát triển không gian đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch giao thông, công nghiệp, du lịch… Việc lựa chọn tiềm năng động lực, nhận diện giá trị bản sắc nông thôn, ngành nghề truyền thống, để bảo tồn gắn với phát huy giá trị được xem xét đầy đủ từ tổng thể đô thị.
Số lượng quy hoạch lập nhiều và ngày càng tăng nhưng một số trường hợp còn thiếu đồng bộ, thiếu gắn kết khớp nối, trình tự không rõ ràng, thời hiệu quy hoạch và tính thực tiễn không cao, đầu mối quản lý phức tạp, theo ngành dẫn đến quy hoạch thiếu hiệu quả và làm các địa phương khó thực hiện.
Để hoàn thiện các nội dung này, đồng nghĩa với nhấn mạnh tầm quan trọng và đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác nghiên cứu cơ bản và khảo sát hiện trạng phục vụ QHXDNTM, đặc biệt với quy hoạch khu vực nông thôn trong đô thị, giảm được sự đô thị hóa cưỡng bức với vùng nông thôn, khai thác các động lực sản xuất kinh doanh thế mạnh và có sự kết nối với các nội dung tổ chức không gian với quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng đô thị.
Hoàn thiện quy trình, trình tự QHXDNTM
Trong quy hoạch NTM yêu cầu cần có quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại song chưa thấy rõ trong nội dung quy hoạch đô thị. Tuy vấn đề quy hoạch xây dựng nông thôn cũng chưa quá phức tạp đến mức phải nghiên cứu tới một Luật Quy hoạch nông thôn nhưng quy hoạch xây dựng nông thôn nói chung và nhất là quy hoạch nông thôn trong đô thị với rất nhiều đặc thù cũng cần được nghiên cứu, phân tích trình tự cụ thể để công tác quy hoạch được bài bản và có chất lượng, hiệu quả. Phải có cách tiếp cận mới về quy hoạch xây dựng nông thôn. Để thực hiện, các bước sẽ khác với cách làm quy hoạch nông thôn trước đây và cũng sẽ khác với quy hoạch xây dựng đô thị. Phải tổng kết lại một số các bước chính cần thiết phải thực hiện trong QHXDNTM có tính đến đặc thù của NTM trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Trình tự quy hoạch cần bao gồm:
Quy hoạch chung đô thị rồi sau đó là quy hoạch phân khu, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch chi tiết. Hiện nay, chương trình xây dựng NTM thực hiện chỉ ở cấp xã nên qui hoạch NTM cấp xã đã được đồng loạt thực hiện. Hiện nay Hà Nội cần 157 đồ án quy hoạch để cụ thể hoá đồ án quy hoạch chung, song đến cuối năm 2014 mới chỉ thực hiện được 21/35 quy hoạch phân khu, 9/33 quy hoạch chung, đô thị vệ tinh và huyện. Trong khi đó, Hà Nội hiện đã thực hiện xong cả 401 quy hoạch xã nông thôn mới. Thực tiễn này cho thấy chưa có hệ thống tầng bậc để đảm bảo thống nhất trong cả đô thị.
Quy hoạch chung là cơ sở tổng thể, có tính định hướng cho sự phát triển của đô thị. Khu vực nông thôn trong đô thị chủ yếu dựa trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, nên quy hoạch khu vực NTM có hiện tượng chia cắt, riêng rẽ, rất khó khăn trong kết nối hạ tầng giữa các khu vực. Quy hoạch NTM phải là hệ thống từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị đến quy hoạch nông thôn mới chứ không phải từ quy hoạch chung làm ngay quy hoạch nông thôn mới như hiện nay.
Hoàn thiện quy trình, trình tự QHXDNTM đồng nghĩa với việc xác lập trình tự thực hiện các đồ án quy hoạch rõ ràng để có thể nhấn mạnh được tính tổng thể và tầng bậc phục vụ cho không chỉ riêng QHXDNTM mà còn liên quan đến quy hoạch sản xuất theo chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp với mô hình sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn.
Hoàn thiện định hướng phát triển quy hoạch xây dựng NTM
Đồ án quy hoạch chung của các xã hiện còn có nhiều vấn đề. Cùng một thời gian, các xã đều phải xây dựng đồ án quy hoạch chung để đảm bảo tiến độ theo quy định của thành phố, Trung ương. Các đơn vị tham gia tư vấn thiếu am hiểu về tình hình địa phương, phong tục, nguồn lực và chỉ chủ yếu dựa vào số liệu của xã, ít khảo sát thực tế, nên việc xác định cơ sở vật chất mang tính động lực chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên chưa đủ lực để thúc đẩy phát triển toàn xã.
Việc đưa ra các định hướng trong quy hoạch còn mang tính chung chung, có định hướng đưa ra chưa sát thực tế nên tính khả thi không cao. Khả năng vận dụng, khai thác đồ án quy hoạch chung còn hạn chế nên việc đưa quy hoạch đi vào thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo tiến độ thực hiện theo yêu cầu đề ra. Như trường hợp định hướng quy hoạch khu đô thị sinh thái Tây Bắc huyện Củ Chi, TP.HCM
với gần 9.000 ha thuộc 6 xã, thị trấn. Đây là khu tái thiết, làm mới nên đòi hỏi nguồn lực rất lớn và làm xáo trộn hơn 10.000 hộ dân sinh sống ổn định đã lâu. Vì không có tính thực tiễn, thế nên cả 10 năm nay, quy hoạch này vẫn đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư.
Huy động sự tham gia của cộng đồng
Đây là vấn đề còn tồn tại rõ và cần được hoàn thiện trong quy hoạch NTM trong giai đoạn sắp tới. Một số đơn vị tư vấn lập qui hoạch, chính quyền địa phương chưa chủ động và thiếu tạo điều kiện để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng mà thông thường chỉ qua lấy ý kiến của đại diện nên thiếu tính khả thi, đồng thuận của cả cộng đồng. Phương pháp lấy ý kiến còn nghèo nàn, chưa huy động nguồn lực của cộng đồng và các doanh nghiệp có quan tâm.
Từ thực trạng trên cho thấy cần có một số giải pháp để nâng cao chất lượng quy hoạch trong đô thị đó là:
– Tổ chức các lớp tập huấn ở các đô thị về quy hoạch NTM với sự phối hợp tác đào tạo từ đa ngành (Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Sở KH-ĐT và UBND các huyện).
– Nâng cao vai trò của các UBND huyện, xã, các thôn, về định hướng phát triển sản xuất, mạng lưới các điểm dân cư, các khu trung tâm.
– Thời gian lập Quy hoạch NTM cần tương thích với Quy hoạch đô thị.
– Lựa chọn các tổ chức tư vấn cần đảm bảo năng lực đồng bộ.
– Nâng tầm vai trò cộng đồng, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia quy hoạch.
Xây dựng NTM trong thời kỳ mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung các nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời tạo ra tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác quy hoạch và quản lý xây dựng NTM trong đô thị để đảm bảo mục tiêu là tạo lập được môi trường sống tốt cho người dân, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên và đáp ứng các yêu cầu phát triển sản xuất và quan trọng hơn cả là để phát triển đô thị bền vững.
Công tác quy hoạch nông thôn mới sau 5 năm cũng đã cơ bản hoàn thành được sứ mệnh và nhiệm vụ của mình trong giai đoạn đầu. Để công tác quy hoạch thực sự là cơ sở của công tác xây dựng NTM, vẫn còn những nội dung cần được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện, góp phần có được những quy hoạch NTM “đúng và trúng”./.
Ths. KTS. Lê Thị Thanh Hằng
Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam