Home / QUẢN LÝ ĐÔ THỊ / Hình thái không gian của đô thị Hội An

Hình thái không gian của đô thị Hội An

Trải qua một thời gian dài tồn tại và phát triển, đô thị cổ không chỉ lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể mà còn chứa đựng những đặc tính vật thể riêng mà những đô thị hiện đại dường như phai nhạt dần. Vấn đề nổi lên là làm thế nào để thiết kế và xây dựng một không gian đô thị hiện đại, nơi có thể lưu giữ những giá trị đáng quý như thế. Sự tương tác giữa văn hóa, hành vi và không gian đã để lại những giới hạn vật lý trong không gian đô thị. Lượng hóa những thuộc tính đó giúp hiểu rõ và sâu sắc hơn bản chất của không gian đô thị góp phần quan trọng trong quá trình quy hoạch và thiết kế đô thị. Đô thị hóa đã xâm chiếm không chỉ khu vực thiên nhiên của thành phố mà còn mang đến những tác động tiêu cực đến các đô thị lịch sử. Mặc dầu rằng sự phát triển của các trung tâm đô thị mới ở vùng phụ cận nhằm giảm sức ép lên các trung tâm đô thị cũ, điều này có thể giúp cải thiện được tình hình, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra khá lớn về tính hiệu quả của giải pháp ?!

Với vai trò là một trung tâm không thể thay thế của Hội An, bảo tồn, tách rời những giá trị của một đô thị “sống” ra khỏi dòng chảy của đô thị hóa như hiện tại không phải là một giải pháp lâu dài và càng không thể để quá trình đô thị hóa đồng hóa. Do đó, sẽ rất quan trọng để tìm hiểu làm thế nào để xây dựng một môi trường đô thị mới hài hòa với đô thị cũ nhưng vẫn đạt được sự kết nối giữa chúng. Đó là một vấn đề mà cần được hướng đến một cách nghiêm túc và đầu tiên bắt nguồn từ việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng. Các nghiên cứu về hình dạng không gian mang đến một sự hiểu biết sâu sắc về đặc tính không gian, lý thuyết của Bill Hillier giúp định lượng những đối tượng trong không gian bao gồm cả kiến trúc công trình, đô thị và không gian cảnh quan (Yijia 2009). Không giống như những nghiên cứu về không gian theo phương pháp truyền thống mang tính chủ quan, những chỉ số về không gian được mô phỏng thành những số liệu, nó chỉ ra sự tương tác giữa không gian đô thị và hành vi con người, do đó, giúp phân tích một cách chính xác sự phong phú và giá trị của không gian. Kết quả là, khám phá hình thái không gian đô thị của Hội An giúp hiểu rõ những đặc tính đô thị, thông qua những tài liệu lịch sử, ảnh hiện trạng, qua đó cung cấp những dữ liệu cho quá trình quy hoạch đô thị, nghiên cứu hình mẫu và thiết kế cảnh quan đô thị đạt được sự kết nối giữa trung tâm mới và cũ và thỏa mãn đặc tính vốn có của không gian.

Khái quát về Hội An

Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, là một thành phố phát triển theo thời gian, nắm bắt các cơ hội và thích ứng với những thay đổi mới. Hội An, đã phát triển đáng kể trong suốt thời kỳ thương mại quốc tế ở Đông Nam Á giữa thế kỷ 16 và 17 bằng các tên gọi khác nhau như Fayfo, Kaifo, Faifoo, Faifo và Hoài Phố, Hội An, và tồn tại sau những cuộc chiến tàn phá vào cuối thế kỷ 18, là một trong vài nơi ở Việt Nam còn giữ lại được hầu hết cấu trúc chính của đô thị.

Hội An là một thị trấn cổ, chủ yếu bao gồm các công trình kiến trúc, không gian, con người và các hoạt động. Đây là một “bảo tàng sống”, một tổ hợp của nhiều loại công trình khác nhau. Giữa sự kết hợp của những điều cũ và mới, những công trình và cuộc sống và giữa các loại hình không quan khác nhau, sự hài hòa của các giá trị là rất phức tạp. Trong giới hạn của tình hình hiện tại về không gian đô thị, Hội An có thể được chia thành hai vùng: không gian đô thị mới và cũ. Vùng đô thị cổ là khu vực bảo tồn, đó là một dạng đô thị cảng thương mại, nằm ở cùng ven sông. Trung tâm của đô thị này là khu vực cảng và chợ trời ven bờ Bắc của sông Thu Bồn và khu vực bên trong gồm 3 phường: Minh An, Sơn Phong và Cẩm Phô. Khu phố cổ đa dạng các loại công trình kiến trúc như cửa hiệu, đền thờ, chùa… Khu vực này khoảng 0.3 km2 với chiều dài khoảng 1000 mét và rộng khoảng 300 mét. Những công trình trong khu vực này được sắp xếp ngay ngắn theo những cong đường chạy dọc theo 2 hướng, Đông – Tây và Nam – Bắc. (Hình 4)

Hình 4 - Bản đồ bảo tồn hạt nhân lịch sử đô thị cổ Hội An (Nguồn: Internet)
Hình 4 – Bản đồ bảo tồn hạt nhân lịch sử đô thị cổ Hội An (Nguồn: Internet)

Vùng đô thị mới được hình thành bởi quá trình mở rộng đô thị do sức ép của đô thị và chúng được chia thành 2 phần: phần 1 là cùng đô thị tiếp cận trực tiếp với đô thị cũ; phần còn lại là toàn thể đô thị mới ở phía bên ngoài. Thêm nữa, có những vùng không gian phát triển nông nghiệp khác nằm ở ngoại ô nhưng trong sự kiểm soát và các hoạt động chung của toàn thể. (Hình 1)

Hình 1 - Giản đồ cấu trúc đô thị cổ Hội An (nguồn: Tác giả)
Hình 1 – Giản đồ cấu trúc đô thị cổ Hội An (nguồn: Tác giả)

Do bắt nguồn từ lõi trung tâm đô thị cũ, giới hạn nghiên cứu có thể được lựa chọn dựa trên vùng đệm lân cận lõi đô thị cũ và vùng đô thị mới với tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, do đô thị Hội An không quá lớn, hệ thống mạng lưới đường giao thông với mật độ thấp do đó toàn thể đô thị được lựa chọn để xem xét mối quan hệ tổng thể giữa các vùng và các tuyến không gian chính.

Phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, áp dụng một phương pháp hỗn hợp từ cơ bản đến nâng cao. Các công cụ phân tích không gian như Depthmap, arcGIS và UNA (Urban Network Analysis) cũng được sử dụng dựa trên lý thuyết và phương pháp cú pháp không gian.

Phương pháp cú pháp không gian được đề xuất bởi giáo sư Bill Hillier và Julienne Hanson nhằm định lượng không gian đô thị. Phương pháp này đã được chứng minh bằng các kiểm chứng thực tế rằng nó rất hữu ích cho việc công thức hóa không gian bằng toán học, đồng thời nó cũng hàm chứa mối quan hệ giữa cấu trúc vật lý và xã hội của không gian. Đặc biệt, trong không gian mở đô thị, sử dụng cú pháp không gian giúp tiết lộ các tiềm năng mang con người đến gần nhau bằng cách khám phá cơ chế hoạt động của không gian trong sự chồng chéo giữa trường thị giác và dòng dịch chuyển con người trong không gian, và mối quan hệ giữa không gian đô thị và các đặc tính của hệ thống cú pháp như đối xứng – bất đối xứng, hội nhập – tách biệt, điều mà hướng đến xác định các chỉ số kiểm soát, đặc tính tích hợp, các lõi kiểm soát liên quan đến các chỉ số về tính cố kết và dự đoán được (Hillier và Hanson 1989), (Bill, Hanson et al.1983, Hillier 1989), (Hillier 2007).

Bắt đầu với bản đồ trục, chuyển đổi thành mô hình phân đoạn bằng cách sử dụng Depthmap để phân tích không gian. Kết quả của các phân đoạn tích hợp và tách biệt, nơi mà nó được xác định là cốt lõi của khu tập trung, lõi tích hợp và các tuyến đường với xác suất cao nhất của lưu dòng dịch chuyển của con người (Önder and Gigi 2010). Để thực hiện phân tích kiểu mẫu đô thị Hội An, áp dụng hai bộ phân tích kép quy mô toàn thể và cục bộ với bán kính Rn và R2200 tương ứng. Hai phân tích khác nhau được sử dụng để nhận ra mối liên hệ giữa các trục trong mạng không gian nhằm thể hiện mức độ thấp nhất và tách biệt của đô thị. Không gian hợp nhất thường phục vụ như một không gian công cộng; cấu trúc đô thị được tô màu bởi các giá trị dải từ màu đỏ sang màu xanh cho hầu hét các giá trị được hợp nhất đến các giá trị tách biệt. Trong khi phân tích quy mô cục bộ (R2200) xác định mối quan hệ giữa trục với các trục lân cận trong bán kính 2200 mét, giúp xác định thứ bậc của các khu vực láng giềng mà người dân địa phương có thể sẽ gặp nhau (Karimi, Depicker et al. 2007). Cấu trúc trung tâm sẽ thay đổi theo bán kính điều chỉnh (Hillier, Karimi et al.2008). Đối với Hội An, các trung tâm và trung tâm phức tạp xuất hiện ở bán kính 2200 mét.

Kết quả phân tích và thảo luận

Phân tích Hình – Nền:

Để hiểu được một thành phố, phân tích hình – nền là một phương pháp cơ bản chúng ta có thể áp dụng. Phương pháp này không chỉ dễ thực hiện mà còn khá rõ ràng và nó có thể tiết lộ nhiều khu vực làm việc của không gian đô thị ẩn bên dưới các lớp bản vẽ quy hoạch. Sự tương quan đầy đủ giữa không gian đô thị và các toàn nhà được thể hiện trong loại phân tích này.

Hình 2 - Phân tích hình - nền đô thị Hội An (nguồn: Tác giả)
Hình 2 – Phân tích hình – nền đô thị Hội An (nguồn: Tác giả)

Có thể thấy mật độ xây dựng của Hội An cao trong vùng hạt nhân lịch sử và các vùng đệm của nó, điều này dẫn đến không gian cô đặc nhất nằm trong khu vực bảo tồn và giảm dần ra ngoài vùng đệm. Ở Tây Bắc, tạo thành khu định cư mới, trong khi đó, dọc theo đường Cửa Đại, khi dân cư cũ đã được phát triển và mở rộng ra cả hai bên, con  đường này nối liền với khu vực Đông Bắc của thành phố với rất nhiều khu du lịch và các phương tiện giải trí. Nói chung, toàn bộ hệ thống không gian của thị xã Hội An phát triển không đều bằng cách phân tích các yếu tố địa lý và quy hoạch rời rạc và lẻ tẻ giữa khu vực mới và cũ.

Khả năng tiếp cận không gian:

Phân tích này tìm hiểu hình thể đô thị, và nó hoạt động như thế nào trong tổng thể đô thị này. Một bản đồ trục của Hội An được vẽ ra dựa trên ảnh vệ tinh và bản đồ hiện trạng đô thị Hội An. Những tính toán được sử dụng trong phân tích bao gồm khả năng tiếp cận toàn cục và cục bộ. Khả năng tiếp cận tính toán mối quan hệ từ mỗi không gian đến mọi không gian khác nhau trong hệ thống. Các tỷ lệ khác nhau của khả năng tiếp cận không gian có thể được thể hiện tốt nhất bằng cách so sánh các chỉ số phân tích đoạn lựa chọn ở chỉ số bán kính cục bộ và toàn cục, như đã được thể hiện ở hình 3 và hình 5.

Bản vẽ quy hoạch bảo tồn Hội An đề xuất bởi chính quyền địa phương nhằm tạo ra một vành đai chuyển tiếp bảo vệ vùng “hạt nhân lịch sử”, gồm: vùng bảo tồn phố cổ và vùng lân cận trong vòng bán kính 1000 – 1200 mét (conservation zone). Đó là vành đai xanh, vành đai này bao gồm cả các không gian xanh, khu vực nông thôn, vùng làng nghề truyền thống (Hình 4). Với mô hình định hướng không gian này hãy xem xét việc lập vùng vành đai cho việc bảo tồn đô thị lịch sử, không gian hiện tại dẫn đến một sự chồng lấn giữa sự phát triển đô thị tổng thể Hội An và vùng “hạt nhân lịch sử” (hình 3).

Hình 3 - Phân tích tính tiếp cận toàn thể (phân tích đoạn) Bán kính vô cực (Rn). (Nguồn: Tác giả)
Hình 3 – Phân tích tính tiếp cận toàn thể (phân tích đoạn) Bán kính vô cực (Rn). (Nguồn: Tác giả)

Những đường giao thông chính của đô thị được làm nổi bật lên từ phân tích những tuyến lựa chọn toàn cục (global choice routers), những tuyến này bao gồm đường Trần Hưng Đạo, đường Cửa Đại nằm về phía Bắc của vùng đô thị bảo tồn và đi xuyên qua vùng đệm bảo vệ đô thị hạt nhân. Thêm vào đó, tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông nằm ở vùng vành đai của đô thị mới cũng được lựa chọn hàng đầu như những tuyến đường có khả năng tiếp cận nhất ở đô thị Hội An (hình 3). Những con đường với màu đỏ biểu thị có tính tích hợp cao ở cả hai cấp độ toàn cục và cục bộ; cấp độ tích hợp giảm dần ở những điểm lân cận và tạo nên hệ thống mạng lưới những đường bị phân cách (những đường màu xanh). Những đường tích hợp mang đến nhiều lợi ích trong đó phải kể đến những cơ hội cho các hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh đích thực cho đô thị Hội An. Một điều quan trọng nữa là, phần lớn các dòng dịch chuyển của con người hầu hết hoạt động ở những tuyến đường có khả năng tiếp cận này.

Hình 3 chỉ ra sự chồng lấn trong trong cấu trúc không gian của lõi “hạt nhân lịch sử” của đô thị Hội An với bối cảnh toàn bộ đô thị. Cấu trúc không gian cục bộ của khu vực được phân theo tầng bậc (hierarchy) tích hợp với với cấu trúc không gian tổng thể. Điều này xảy ra bởi những tuyến đường bị lỗi kết nối khiến cho những tuyến di chuyển dài hơn và là vấn đề trong việc đi xuyên qua những khu vực này. Điều này có thể được nhìn thấy trong sự chuyển dần màu của các tuyến trong hệ thống từ màu nóng sang lạnh, những đường màu xanh da trời thể hiện cho những tuyến đường mà các dòng chuyển dịch của con người trong đô thị hiếm khi đi qua.

Hình 5 - Phân tích tính tiếp cận cục bộ (Phân tích đoạn) Bán kính R2200 (R2200). (Nguồn: Tác giả)
Hình 5 – Phân tích tính tiếp cận cục bộ (Phân tích đoạn) Bán kính R2200 (R2200). (Nguồn: Tác giả)

Phân tích lựa chọn khả năng tiếp cận tỷ lệ cục bộ (hình 5) chỉ ra rằng đường Trần Hưng Đạo, Cửa Đại được thể hiện là sự lựa chọn hàng đầu cho tiềm năng các lưu dòng di chuyển của con người, theo sau đó là đường Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Nguyễn Huệ, Phạm Hồng Thái, Trần Phú nằm trong “lõi hạt nhân lịch sử” và Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Trường Tộ, Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhân Tông nằm ngoài vùng đô thị mới. Khả năng tiếp cận cục bộ này cho thấy cấu trúc không gian nội bộ chủ yếu tập trung gần lõi đô thị lịch sử. Cấu trúc xương sống chính của hệ thống không gian đô thị cổ Hội An bao gồm mạng lưới các đường giao thông bên bờ sông Thu Bồn bao quanh những di tích cổ và những dòng dịch chuyển này chủ yếu dành cho các dòng dịch chuyển của người đi bộ (pedestrian movements). Cấu trúc không gian này là một bằng chứng cho thấy sự phân bố sử dụng đất, điều mà phục vụ cho một khu thương mại với tỷ lệ nhỏ trong lịch sử. Trong bối cảnh phát triển hiện đại, cấu trúc không gian này không phù hợp với cấu trúc không gian của toàn thể đô thị dẫn đến gây sức ép lớn vào trung tâm di sản cần bảo vệ. Hội An, với chính cấu trúc trước đây giờ trở thành quá tải đối với toàn bộ mạng lưới không gian đô thị. Nói cách khác, một kiểu mẫu phân cực (a polarized pattern) cần được xem xét cho đô thị Hội An nằm cách ly vùng bảo tồn di tích với phần còn lại.

Sự sai khác đôi chút trong những tuyến đường có chỉ số tích hợp ở hai tỷ lệ khác nhau Rn và R2200 thể hiện một sự thay đổi về mặt phát triển kinh tế xã hội trong một thời gian dài. Tác động của điều kiện đô thị hiện đại lên vùng trung tâm bảo tồn đô thị không chỉ ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn và gìn giữ giá trị di sản mà còn kìm hãm sự phát triển toàn thể của đô thị Hội An. Sự mạch lạc này hay có thể gọi là sự dễ hiểu (intelligibility) tính toán những điều kiện không gian cục bộ ứng với cấu trúc không gian toàn cục. Điều này tìm thấy để tăng cường khả năng tìm kiếm đường (wayfinding) của con người và sự thuận lợi của họ trong việc định hướng. Hội An với giá trị R2=0.08, một giá trị cực kỳ thấp, như đã chỉ ra trên hình 6, giá trị này chỉ ra rằng hệ thống không gian đô thị tổng thể là khá mập mờ cho người sử dụng và khách tham quan vì mạng lưới đường phức tạp với cách bố trí khó hiểu hoặc gây hiểu nhầm. Mạng lưới đường ở thành phố này thay đổi phương hướng nhiều và có khá nhiều ngõ cụt, điều mà làm nên sự bối rối trong việc điều hướng; cũng bởi do đó, mạng lưới này rất yếu trong mối quan hệ của cả hai việc điều hướng và nhận diện (indentification and navigation). Việc này cho thấy tổng thể đô thị này hoàn thiện, và quá trình phát triển không gian đô thị mới và đô thị cũ không có sự kết nối và đồng nhất. Chính sự chồng lấn lộn xộn này làm nên không gian đô thị trở nên kém mạch lạc.

Hình 6 - Phân tích tính cố kết - sự tương quan giữa Rn và tính nối trong vùng hạt nhân lịch sử. (Nguồn: Tác giả)
Hình 6 – Phân tích tính cố kết – sự tương quan giữa Rn và tính nối trong vùng hạt nhân lịch sử. (Nguồn: Tác giả)

Như một sự tổng hợp (ảnh hưởng khu vực cục bộ), đó là một thước đo của sự tương quan giữa sự tích hợp ở bán kính R2200 và ở bán kính vô cực Rn. “Thước đo này phản ánh cơ cấu toàn thể của một thành phố được thể hiện trong cấu trúc cục bộ của không gian”. (Dalton 2007, p088:3). Hillier nói rằng “nghiên cứu chỉ ra rằng điều quan trọng có liên quan đến tiểu vùng đô thị là làm thế nào cấu trúc cục bộ của chúng liên quan đến các hệ thống quy mô lớn hơn mà chúng được đặt vào” (Hillier, 1996, p.99). Dựa theo biểu đồ tổng hợp trong hình 7; phân tích sự tổng hợp (tác động quy mô cục bộ) R2= 0.6, chỉ số này nói lên sự kết nối vừa phải giữa những khu vực toàn thể và cục bộ. Mối quan hệ phù hợp giữa những kiểu mẫu toàn thể và cục bộ của những dòng chuyển dịch hỗ trợ hợp lý trong sự lựa chọn của chúng ta về vị trí và sử dụng đất. Bởi vì những tuyến đường có khả năng tiếp cận chủ yếu của Hội An là đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Cửa Đại, Nguyễn Duy Hiệu, Ngô Tất Tố, những đường này không chỉ phục vụ cho vùng hạt nhân lịch sử mà còn cho toàn thể đô thị Hội An. Những tuyến đường này quan trọng cho đô thị ở tỷ lệ toàn toàn cục và cục bộ. Vậy nên, khuyến khích phát triển các tuyến phố này nhằm cực đại hóa lợi ích của các con đường mang hệ số tích hợp cao.

Hình 7 - Phân tích sự tương tác (tác động khu vực cục bộ) - sự tương quan giữa sự hợp nhất Rn và R2200 mét trong vùng hạt nhân lịch sử. (Nguồn: Tác giả)
Hình 7 – Phân tích sự tương tác (tác động khu vực cục bộ) – sự tương quan giữa sự hợp nhất Rn và R2200 mét trong vùng hạt nhân lịch sử. (Nguồn: Tác giả)

Rõ ràng là, đối với Hội An, vùng hạt nhân lịch sử (gồm vùng bảo tồn di tích và vùng đệm) là trong tâm và cũng là nơi sống động nhất, các khu dân cư trong lịch sử và khu vực buôn bán sầm uất cũng nằm trong khu vực này. Tuy nhiên, vùng này bị giới hạn vì mục đích bảo tồn, và ranh giới vùng hạt nhân lịch sử này được quy định bởi cơ quan chính phủ (hình 4). Giải pháp hiện tại là dùng các rào chắn hạn chế giao thông cơ giới đi vào, việc này làm mất mỹ quan đô thị. Trong khi ở các tuyến đường tiềm năng với dòng dịch chuyển như đường Trần Hưng Đạo, Cửa Đại, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Duy Hiệu, những con đường này giúp giảm lưu dòng hoạt động lên khu vực bảo tồn thì lại không được chú ý phát triển (Hình 8).

Hình 8 - Tuyến phố Trần Hưng Đạo chưa được đầu tư phát triển đúng với tiềm năng của chúng. (Nguồn: Internet)
Hình 8 – Tuyến phố Trần Hưng Đạo chưa được đầu tư phát triển đúng với tiềm năng của chúng. (Nguồn: Internet)

Phân tích cấu trúc không gian

Cấu trúc không gian so sánh khả năng tiếp cận chồng chéo giữa các tuyến đường được chọn ở vùng hạt nhân lịch sử ở tỷ lệ toàn thể (Rn) với giá trị cao nhất là 41.33%, và, giá trị cao nhất 100% ở cùng khu vực ở tỷ lệ cục bộ R2200. Con số này được tính toán từ các đoạn đường chồng lấn, và được đo đếm bằng chiều dài của những đoạn trùng nhau này. Một chỉ số cao thể hiện rằng tỷ lệ toàn thể và cục bộ là được liên kết với nhau (đỏ và xanh) và đó là khu vực có tính thẩm thấu. Giá trị thấp có nghĩa là không có nhiều sự chồng lấn giữa hai tỷ lệ và một sự can thiệp vật lý là được yêu cầu để xếp chúng thành công hơn. Cách tính toán này đã được phát triển một cách đặc biệt như một công cụ cho nghiên cứu và những bản đồ ngữ căn (thematic maps) đã được tạo ra trong suốt giai đoạn nghiên cứu để tìm hiểu những đoạn nào chồng lấn lên nhau.

Hình 9 - Bản đồ cấu trúc không gian, với hầu hết 41.33% các con đường tích hợp cao nhất, chỉ ra hành lang di sản chính và lỗi tiếp cận tiềm năng cho khu vực hạt nhân lịch sử Hội An từ những tuyến chính. (Nguồn: Tác giả)
Hình 9 – Bản đồ cấu trúc không gian, với hầu hết 41.33% các con đường tích hợp cao nhất, chỉ ra hành lang di sản chính và lỗi tiếp cận tiềm năng cho khu vực hạt nhân lịch sử Hội An từ những tuyến chính. (Nguồn: Tác giả)

Từ hình 9, đa số các công trình lịch sử và công trình trọng yếu, chủ yếu những công trình được sử dụng hằng ngày và tôn giáo, là hầu hết được nằm ở những đoạn đường chồng lấn có hệ số tích hợp cao nhất. Rõ ràng là điều này thể hiện rằng, vùng bảo tồn di tích của đô thị Hội An đóng một vai trò rất quan trọng trong toàn thể đô thị. Những vùng kinh doanh buôn bán, những công trình lịch sử và di tích đều tập trung ở vùng đô thị được bảo tồn (đường Trần Phú, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ). Do được định hướng vùng bảo tồn và vùng đệm, cùng với những giải pháp quản lý nhằm giảm tải lên vùng hạt nhân lịch sử, do đó, cấu trúc không gian chính của đô thị này chuyển dịch dần ra phía bên ngoài vùng bảo tồn. Tính nối kết của những vùng dân cư khác bên ngoài đô thị là khá rời rạc. Hillier (1988) tranh luận rằng “nếu cấu trúc không gian làm những dòng dịch chuyển tự nhiên của con người khó khăn hơn, thì sẽ không có số người đủ để tạo ra sự nhận thức về một không gian sử dụng thích hợp”. Do đó, việc khai thác những vùng khác trong đô thị này còn khá hạn chế, trong khi đó, hầu hết kinh tế của đô thị này đều dựa vào du lịch và dịch vụ, sự phân bố sử dụng đất cần phải tương quan với giá trị tích hợp; một không gian tích hợp hấp dẫn những hoạt động văn hóa xã hội hơn.

Phân tích tính thẩm thấu:

Một đặc tính thiết kế đô thị mấu chốt về một địa điểm tốt là mức của chúng về tính thẩm thấu (permeability), nơi đó có liên quan một cách trực tiếp đến kích thước và sự sắp xếp của những lô phố (urban blocks) và có hàng loạt những tuyến đường đẹp, thuận tiện và an toàn thông qua chỉ số này. Tính thẩm thấu quá nhiều hoặc quá ít có thể dẫn đến mức độ kém rõ ràng hoặc giảm bớt lưu dòng dịch chuyển, trong đó có thể có một sự tác động tiêu cực lên chất lượng của sự an toàn và lưu dòng dịch chuyển dễ dàng. Chỉ số kích thước lô chỉ định có bao nhiêu sự chen vào là cần thiết cho hạt nhân lịch sử đô thị Hội An bằng cách kết hợp kích thước lô trung bình, tỷ lệ của không gian công cộng với riêng tư, và mật độ đường trục. Mục đích của việc áp dụng chỉ số này là cung cấp một chỉ số về cấp độ chen cần thiết trong khu vực như một tổng thể đô thị hơn là xác định những lô riêng lẻ.

Ở góc nhìn tổng thể, do đặc trưng về địa hình, sự phân bố dân cư ở đô thị này là không đồng đều, sự tập trung chủ yếu ở vùng hạt nhân lịch sử và lân cận nó, các lô dân cư ở vùng bảo tồn với đặc tính thẩm thấu (permeability) vừa đủ, trong khi diện tích những lô phố của vùng đô thị mới phía bên ngoài vùng đô thị bảo tồn thì lớn, điều này dẫn đến hệ số thẩm thấu thấp (Hình 10). Việc này ảnh hưởng đến tỷ lệ của không gian công cộng và cá nhân thấp, và giảm mật độ của đường trục, cản trở lưu dòng di chuyển (impede movements), là kết quả của những không gian tiêu cực. Ngược lại, ở những vùng cách xa trung tâm đô thị, những cộng đồng dân cư rời rạc và những lô phố được quy hoạch theo kiểu mô hình nhà chia lô (row houses) chạy theo các tuyến giao thông trong cộng đồng dân cư, nó thể hiện khả năng thẩm thấu cao đến mức không cần thiết, điều này làm loãng các lưu dòng dịch chuyển của con người, dẫn đến sự mất định hướng trong quá trình di chuyển giữa các không gian, tạo ra các nguy cơ xã hội như tội phạm, quản lý đô thị không chặt chẽ. Tóm lại, vùng lõi đô thị bảo tồn cung cấp được những điều kiện sống chấp nhận được, trong khi vùng đệm đô thị lại tồn tại những lô phố quá lớn, dẫn đến sự tách biệt giữa đô thị cũ và mới. Việc này là trái với khái niệm cốt lõi về vùng đệm cho khu bảo tồn và quy tắc về tầng bậc của cấu trúc không gian. Những vùng dân cư ngoại ô rời rạc và sự kết nối với trung tâm là không thuận tiện. Nhiều vùng dân cư vẫn còn phát triển một cách tự phát và chưa tiếp cận được với không gian đô thị.

Hình 10 - Bản đồ tính thẩm thấu của toàn thể đô thị Hội An. (Nguồn: Tác giả)
Hình 10 – Bản đồ tính thẩm thấu của toàn thể đô thị Hội An. (Nguồn: Tác giả)
Hình 11 - Phân tích về cấp độ tiếp cận của toàn thể đô thị Hội An. (Nguồn: Tác giả)
Hình 11 – Phân tích về cấp độ tiếp cận của toàn thể đô thị Hội An. (Nguồn: Tác giả)

Những chỉ số tiếp cận

Phân tích thuộc tính hạ tầng dựa trên hai loại: không gian công cộng và giao thông. Mỗi chỉ số được thiết lập dựa trên việc xác định số lượng của những lô phố trong trung tâm hạt nhân lịch sử, nơi mà tiếp cận đến những cấu kiện mà làm nên chỉ số đó. Các khu vực công cộng bao gồm sự tiếp cận đến vỉa hè, chiếu sáng đường phố, không gian xanh, không gian mở, trong khi đó chỉ số giao thông bao gồm những liên kết hệ thống và khả năng tiếp cận vào bên trong hạt nhân lịch sử. Loại phân tích này có thể được dùng để thiết lập sự cải thiện, can thiệp cần thiết để đạt được một cấp độ dự phòng chấp nhận được. Những chỉ số này cung cấp một cái nhìn tổng quan của mỗi vùng trong đô thị Hội An chứ không phải chỉ ra những lỗi trong mỗi lô phố.

Kết luận

Từ kết quả phân tích cấu trúc đô thị Hội An trong sự hàm chứa hạt nhân lịch sử cho thấy rằng, vai trò của khu đô thị cổ trong bối cảnh hiện tại là quan trọng không khác gì trong lịch sử, nó vẫn đảm nhận vai trò là nơi diễn ra các hoạt động thương mại, tuy nhiên có một chút khác đó là hoạt động thương mại này phục vụ cho du lịch. Trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội, mật độ dân số tăng cao nhanh chóng, nhu cầu mở rộng đô thị làm cho các khu dân cư mọc lên nhanh chóng, các giải pháp quy hoạch nhằm ngăn chặn sự xâm lấn vào vùng đô thị lịch sử được thực hiện tuy nhiên trong nghiên cứu này cho thấy hệ thống quy hoạch không gian hiện tại vẫn không làm giảm sức ép của đô thị lên quần thể di tích lịch sử. Các phân tích và thảo luận đề cập ở các phần trên chỉ ra những vấn đề cần được quan tâm và xem xét trong quá trình lập quy hoạch để đạt được các yêu cầu về bảo tồn, tránh dẫn đến sự chồng lấn không gian giữa cũ và mới, điều này mang đến nhiệm vụ khó khăn trong công tác quản lý đô thị, bảo tồn, phát triển du lịch và phát triển toàn thể đô thị.

Trong giới hạn của bài viết nhỏ này chỉ có thể chỉ ra các vấn đề liên quan đến cấu trúc không gian vật lý trong đô thị, ngược lại các yếu tố về văn hóa, hành vi địa phương vẫn chưa được đưa vào quá trình nghiên cứu. Nghiên cứu trong tương lai sẽ được thực hiện cho vùng đô thị hạt nhân lịch sử, kết hợp giữa cấu trúc vật lý và hành vi con người tương ứng với văn hóa địa phương.

Đỗ Duy Thịnh (Khoa Kiến trúc, ĐH Xây Dựng Miền Tây)

Phan Quang Minh (Khoa Kiến trúc, ĐH Duy Tân, Đà Nẵng)

(Theo Quy hoạch Đô Thị số 30 – 31 / 2018)

Check Also

nha

NHÀ Ở XÃ HỘI: KHÔNG ĐƠN GIẢN ĐỂ TRIỂN KHAI!

Nhà ở xã hội: Không đơn giản để triển khai! Chủ trương phát triển nhà …