Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Giáo dục, gia đình và lối sống đô thị

Giáo dục, gia đình và lối sống đô thị

… Văn hóa được coi là yếu tố nội sinh, không phải chỉ là kết quả mà còn là nguyên nhân của sự phát triển. Phát triển kinh tế – xã hội phải đặt lên trên nền tảng văn hóa mang bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu các giá trị tinh hoa của loài người.

Văn hóa như nhiều người thừa nhận, có hai góc độ. Một là, được đồng nghĩa với trình độ hiểu biết của con người về đối tượng. Hai là, đó là giá trị (hay thang giá trị) được con người vừa tiếp nhận vừa lấy làm tiêu chí để định ra nhu cầu, lối sống và cách đánh giá. Như vậy, văn hóa không chỉ hiểu biết, không chỉ học vấn, trình độ hay bằng cấp. Có trí thức chưa hẳn đã có văn hóa. Đó là thực tế.

Giáo dục, gia đình và lối sống đô thịKhông nói thì ai cũng hiểu rằng, không một người nào, dẫu là thiên tài đi chăng nữa đều cũng phải qua ngưỡng cửa của trường học và đi ra từ một gia đình. Gia đình và nhà trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành tri thức, lối sống, chuẩn mực đạo đức…Gạt ra bên ngoài những khiếm khuyết về cơ sở vật chất, đội ngũ, đầu tư… của ngành giáo dục, phải thấy được rằng, để có được lối sống phù hợp với sự phát triển của đô thị hiện đại. Vậy thì, đứng trước xu thế đó, con người phải ứng xử như thế nào? Vấn đề không phải đơn giản. Xã hội đi hướng nào, con người và giáo dục phải đi theo hướng đó. Song, cần thấy chiều tác động ngược lại theo hướng tích cực. Do vậy, chúng tôi nghĩ, gốc của vấn đề giáo dục lối sống đô thị phải đi từ gia đình và nhà trường, nếu không, chúng ta sẽ vấp phải không ít khó khăn trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc.

Bây giờ, ở đâu cũng nghe đến kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường có mặt tích cực và tiêu cực của nó. Lối sống đô thị không thể không bị ảnh hưởng của cơ chế thị trường. Đó là điều hiển nhiên. Bình tâm lại, chúng ta nghĩ xem tại sao thị trường sách lại xuất hiện Nhị thập tứ hiếu, Tâm hồn cao thượng, Quốc văn giáo khoa thư, sách dạy làm người… Phải chăng, ngay trong lòng xã hội ta đang có những khủng hoảng lớn về đạo lý, lối sống. Cách đây hơn hai trăm năm, nhà bác học Lê Quý Đôn đã nêu lên 5 tai họa, mà nếu không kịp thời lập con đê ngăn ngừa, tất yếu xã hội sẽ phải đón nhận những thảm họa đau lòng.

Năm tai họa ấy là:

  1. Trẻ không kính già
  2. Trò không trọng thầy
  3. Binh kiêu tướng thoái
  4. Tham nhũng tràn lan
  5. Sỹ phu ngoãnh mặt.

Khoan bàn đến ba điểm sau, câu hỏi được đặt ra là tại sao Lê Quý Đôn lại đưa tai họa 1 và 2 lên trên hết. Vấn đề rõ ràng, nguồn cơn là từ giáo dục gia đình và nhà trường. Hai cái trước hỏng thì không chóng thì chầy sẽ dẫn đến các cái sau (3,4 và 5). Chỉ hai điểm đâu (1 và 2), xã hội ta đã nhan nhãn. Trong một điều tra xã hội học, hai tác giả Phạm Thanh Bình và Lê Phong đã nghiên cứu về đạo đức yếu của học sinh tại 5 tỉnh miền Trung (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị và Nghệ An) cho thấy:

  • Ở trong trường, đó là thiếu ý thức kỷ luật, chây lười trong học tập vào lao động, trốn học, quây cóp bài thi, bài kiểm tra, ăn mặc lố lăng, không tuân thủ các quy định của nhà trường. Thiếu lễ độ đối với thầy cô, lừa dối thầy cô, chửi thề, phá phách tài sản nhà trường, gây gỗ đánh nhau với bạn bè trong lớp, ngoài lớp.
  • Ở ngoài trường, đó là thiếu lễ phép với cha mẹ, người lớn. Mất trật tự đường phố, la cà hàng quán, tập hợp băng nhóm, gây rối trị an.

Từ đây đến bước nhảy phạm pháp, sẽ không xa lắm. Hiện tượng trên có nguồn gốc từ đâu? Đổ cho giáo dục, không hẳn. Quy cho gia đình, không xong. Đổ cho gia đình không xong. Đổ cho xã hội thì nói như Nam Cao cho Chí Phèo “đời là tất cả nhưng chẳng là ai”. Nói như vậy, nhưng cái gốc vẫn là gia đình. Tôi cho rằng, mọi sự đều từ gia đình, sau đó là trường học. Điều này thực tiễn lịch sử đã hơn một lần chứng minh. Ai cũng biết Nho giáo rất cọi trọng giáo dục gia đình. Từ khởi thủy của học thuyết, cho đến lịch trình phát triển, bao giờ Nho giáo cũng đưa giáo dục lên hàng đầu. Mạnh tử cho rằng: thiên hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà (Thiên hại chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia). Phan Bội Châu trong Khổng học đăng cũng nêu “nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà to”. Khái niệm nhà (gia) đứng trung gian giữa cá nhân và xã hội. Không có giáo dục gia đình thì khó thành người, đã không nên người thì khó thành công dân tốt. Trong ngũ luân của Nho giáo (quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu), gia đình chiếm đến 3 luân (3 đạo thường).

Nói vậy ta cũng đừng cho rằng, giáo dục gia đình của Nho giáo không phù hợp với giáo dục lối sống đôi thị hiện đại. Phải chính từ gốc rễ gia đình, qua giáo dục nhà trường, những chuẩn mực về các khuôn khép mới được hình thành và phát triển. Sách Đại học ghi rõ “Nhà mình không thể dạy, mà dạy được người là không có (kỳ gia bất khả giáo, nhi năng giáo nhân giả vô chi)” hoặc “có nên người trong nhà, ai đúng phận nấy, rồi mới có thể dạy người trong nước được” (Nghi huynh, nghi đệ nhi hậu khả dĩ giáo quốc nhân). Vấn đề hiếu để với cha mẹ được Nho giáo quan tâm giáo dục. “Hiếu để là gốc của đức nhân” (Hiếu để giã khả kỳ vi nhân chi bản dự). Đạo nghĩa với cha mẹ, yêu thương anh em, kính trên nhường dưới, trọng người cha mẹ thân kính, giữ gìn đạo đức bản thân… mà Nho giáo yêu cầu ngày trước đâu có gì xa lạ với mong ước của chúng ta ngày nay? Gia đạo, gia giáo, gia phong đã sớm chiều thâm nhập vào đời sống đạo đức, tinh thần của những quốc gia ảnh hưởng Nho giáo, đã làm nền tảng vững chắc cho xã hội phương Đông mấy nghìn năm nay, đến bây giờ vẫn còn phát huy tác dụng. Việc đánh giá to lớn vai trò của Nho giáo trong những năm gần đây, nhất là những nước “hóa rồng” ở châu Á đã khẳng định vai trò của giáo dục gia đình. Điều này, nói như cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu là “truyền thống văn hóa đặc thù phương Đông”.

Ngày nay, nhiều mối quan hệ gia đinh, xã hội bị suy giảm. Hiện tượng con cái đưa cha mẹ ra tòa, học trò hành hung thầy, cô giáo… xuất hiện không ít trên các mặt báo. Trước hiện tượng đó, nhiều điều đáng báo động. Thanh thiếu niên bây giờ có khuynh hướng thoát ly khỏi sự ràng buộc, giáo dục của gia đình, nhà trường. Những trò chơi điện tử hiện đại có sức cám dỗ lớn hơn sự quan tâm của con người đối với đồng loại, làng mạc, họ hàng. Do đó mà, dù không hốt hoảng như Nguyễn Bính trong chân quê: “Nói ra sợ mất lòng em – Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”, thì phải biết quay về những gì tốt đẹp của quá khứ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, “ôn cố để tri ân” là điều phải đặt ra trong xây dựng lối sống văn hóa đô thị. Tiếc rằng, cho đến nay vấn đề cốt tử này chưa nêu thành quốc sách.

Tóm lại, giáo dục lối sống đô thị sẽ trở nên nan hóa, nan dưỡng, nếu không đi từ các gốc giáo dục gia đình trong việc phối hợp đồng bộ với nhà trường và xã hội. Đây là vấn đề cấp bách và lâu dài, cần có chiến lược. Nghiên cứu như thế nào để nội dung giáo dục tưởng như xưa cũ nay mang được sắc áo hiện đại, nhằm xây dựng lối sống văn hóa mới trong sự phát triển của đời sống đô thị không là vấn đề vào thế kỷ XXI, thế kỷ của nền văn minh mới, vì thế để có được một lối sống đô thị vừa phù hợp với dân tộc vừa phù hợp với thời đại là điều suy nghĩ chung của tất cả chúng ta.

HUỲNH VĂN HOA

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *