Ngày ấy khi tạp chí Đô thị & Phát triển mới ra mấy số, văn phòng còn đặt ở đường Trần Phú, anh Loan mời tôi về để giúp cho báo. Thú thật tôi đến và biên tập dùm anh mấy bài nhưng rồi bỏ về, có lẽ bản tính mình không chịu nổi những ràng buộc, thích tự do. Hơn một năm sau, bỗng nhiên anh Loan lại mời tôi đến một quán trên đường Lê Thánh Tôn, có cả phóng viên Thành Long ngồi trong bàn nữa. Lai rai độ vài chai, rồi anh Loan cũng nhắc lại chuyện cũ: “Anh về giúp tôi đi”. Và biết tính tôi, anh nói luôn: “Giờ giấc không bắt buộc, chỉ cần làm xong việc, đi đâu thì cứ đi”. Lần này thấy anh nhiệt tình quá, lại nữa dù mới gặp mà Long cũng hùa theo: “Về đi anh”, thú thật tôi không nỡ từ chối.
Thế mà từ buổi chiều ấy tôi về làm Thư ký tòa soạn cũng được 5 năm. 5 năm với một đời người không phải là ngắn, đặc biệt trong công việc của mình gặp nhiều sự cố có lúc nản lòng. Tạp chí phải tự thu chi, lương tiền thì bấp bênh bèo bọt, công việc thì phải cáng đáng nhiều việc, lo lắng báo không ra kịp vì phải bù lỗ…Thế mà 5 năm tôi vẫn ngồi đó, trên tầng 4 ở 199 Nguyễn Văn Linh dưới những chùm hoa sữa đưa hương nhè nhẹ (không nồng nặc vì mình đâu phải ở lại đêm). Mưa nắng bốn mùa trên ô cửa nhìn xuống, không gian ấy cũng đã lưu dấu bao kỷ niệm, để lúc xa rời cứ bâng khuâng về một hình bóng mềm mại, dịu dàng của ai đó. Những Bích Tuyết, Thùy Phương, Thúy, Trinh, Cẩm Bình, Dũng, Đình Lạc, Lưu Kim, Thành long, Thương, Hòa, Mai… những cộng sự cùng tôi đã đi qua những ngày tháng .
Nhiều lúc ngồi nghĩ lại sao khó khăn như thế mà mình vẫn trụ lại nơi này đến 5 năm. Một số anh em khác cũng thắc mắc vì sao mà tôi vẫn ở đó và “báo chí chi mà cứ lo chạy quảng cáo, lo làm dịch vụ..”. Là người trong cuộc, tôi đã tự mình rút ra những câu trả lời. “Tạp chí không bao cấp, không tài trợ thì lấy đâu ra tiền để trả lương, chi phí cho văn phòng, nhuận bút, in ấn…Làm quảng cáo, làm dịch vụ để tự nuôi mình thì có gì là xấu, trái lại phải khích lệ mới đúng chứ. Có đi xin đâu mà sợ, có làm gì bậy bạ đâu mà ngại, quan trọng là có báo ra, in đẹp, chất lượng nội dung đảm bảo, phản ánh đúng hiện thực cuộc sống ở góc độ của một tạp chí chuyên ngành”. Đó là mục đích cuối cùng của những ai hoạt động trong lĩnh vực này.
Nói thật công việc của tôi không dính đến tài chính, không làm quảng cáo nhưng trong sâu thẳm lòng tôi luôn tự khép mình vào một chiến hào với anh em trong văn phòng với nỗi lo chung kể cả niềm vui cũng không còn của riêng ai. Tôi đã ở Đô thị & phát triển 5 năm, quãng thời gian nhọc nhằn nhưng cũng lắm điều vui và tự hào: Được làm việc trong một môi trường thật thoải mái, có cơ hội đầu tư để xây dựng nội dung tạp chí, được tiếp xúc quan hệ với các công ty, các anh em trong ngành xây dựng, kiến trúc (một lĩnh vực mà từ nhiều năm tôi đã cộng tác với các tạp chí như Nhà Đẹp, Nội Thất, Kiến trúc & Đời sống…)
Đam mê viết lách, vui buồn với chữ nghĩa như là một nghiệp dĩ vốn đã đeo đuổi suốt đời mình, ở tạp chí Đô thị & Phát triển ít ra đã cho tôi sự thỏa mãn lòng mê đắm văn chương. Rất nhiều bạn đọc cũng đã tỏ ý cổ vũ một số bài viết của tôi. Còn nhớ anh Hoàng Đạo Kính khi vào Đã Nẵng ra mắt tập sáchVăn hóa kiến trúc của anh, dù lúc đó tôi không còn ở tạp chí, thế mà anh vẫn nằng nặc nhắn tôi về tham dự và phát biểu vì theo anh “ông là người hiểu sách của tôi..”. KTS Huỳnh Tòa sau Tết, mời riêng tôi nhậu chỉ vì một lí do “Tết nằm đọc, thấy cái bài Đường xưa áo lụa của B. là ấn tượng nhất”. Thế đấy, có những hạnh phúc dù nhỏ nhoi thôi nhưng cũng đủ ấm lòng.
Cũng có một chuyện khá buồn, ấy là thời gian làm tập sách Nguyễn Văn Xuân – Sức sống văn hóa xứ Quảng. Sách dày hơn 500 trang với gần 100 bài viết của nhà Quảng học. Đây là cuốn sách được chúng tôi đầu tư rất công phu gồm nhiều bài viết có giá trị của Thầy Xuân trên tạp chí Khoa học & Phát triển mà anh Nguyễn Cửu Loan (Thư ký tòa soạn) đã lưu giữ hàng chục năm trời và được tập hợp, tuyển chọn khá công phu, mà không phải ai cũng thu thập được. Anh em trong ban biên soạn cũng mất rất nhiều thời gian và công sức; công bằng mà nói đó là một tập sách có chất lượng về mặt khoa học, nghiên cứu thế nhưng vì một vài thông tin hơi thiếu khách quan trên phương tiện truyền thông gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc. Nhưng đến với những bạn đọc khách quan đều đánh giá khá cao tập sách. An ủi cho những người tổ chức thực hiện là nhận xét của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi đọc sách, xin trích nguyên văn : “Chúc mừng nhóm tác giả đã có công sức làm nên tác phẩm lớn này – Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân.” Sau sự cố đó, thật khó nói hết nỗi mừng vui sau khi đọc những lời nhận xét trên.
Với anh Nguyễn Cửu Loan, tôi cũng có nhiều gắn bó tình cảm. Là Trưởng ban nội dung của một tạp chí nhưng anh Loan đôi khi có cảm tưởng như là một chiến sĩ phải đương đầu một cách đơn độc giữa một trận tuyến không hề cân sức, phải gồng mình để ôm đồm lo lắng quá nhiều việc. Sự chịu đựng bao giờ cũng nghiệt ngã nhưng nếu đã vượt qua với quyết tâm thì kết quả cuối cùng sẽ là niềm hoan lạc. Vì thế, có nhiều việc anh nhờ tôi làm dù không muốn vẫn vui vẻ nhận lời. Có những chuyến đi dài ngày Sài Gòn, Pleiku, Kon Tum, Tuy Hòa, Quy Nhơn, mệt mà vui. Những festival nắng nôi đổ lửa mà khi nhớ lại cứ bổi hổi, bồi hồi. Nhớ những lần đi cứu trợ ở Nam Trà Mi, Tây Giang những ngày cận Tết, lên tới nơi xe bị lầy không vào được trung tâm huyện phải gọi điện vào Ủy ban huyện để cho người ra nhận hàng cứu trợ còn đoàn phải vội vàng trở về để kịp đón Tết với gia đình.
Và có lẽ cùng chia sẻ triền miên bởi những âu lo cho sự tồn tại của tạp chí, chúng tôi thấy gần gũi nhau hơn và tìm thấy niềm vui từ chính nỗi âu lo ấy. Có lần ngồi với anh Võ Văn Đông – một đồng sự miệt mài trong công việc của tạp chí- tôi mới nói vui: “Anh Đông ơi, đi đâu cũng thế về đây vui hơn”. Làm việc nhưng không quên động viên nhau, phải bằng mọi cách để cho tạp chí tồn tại và phát triển. Và bây giờ, cuốn lịch của năm thứ 10 được bóc ra với bao bất ngờ và xúc động. Xúc động và bất ngờ vì chúng tôi đã đi qua một khoảng thời gian đầy sóng gió. Nếu ngày ấy không kiên định, không bản lĩnh, không quyết tâm ắt hẳn phải rơi rụng dọc đường.
10 năm, chao ơi lại nhớ ô cửa mùa hoa sữa bay lắc rắc khi chiều xuống để khi ngồi viết những dòng này vẫn thấy bâng khuâng. Hình như vào những thời khắc đánh dấu một giai đoạn nào đó trong đời đều để lại một vết sẹo đầy ý nghĩa trong tâm hồn, huống gì với tôi, giờ không còn ở tạp chí nữa, lòng vẫn mong sẽ là con số 15, 20 năm lễ kỷ niệm tuổi đời Đô thị & Phát triển.
Hồ Sĩ Bình – Phó Giám đốc CN.Hội Nhà văn tại miền Trung – Tây Nguyên