Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / THEO DÒNG DOANH NGHIỆP / ĐÔ THỊ HÓA QUẢNG NAM – MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN & ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

ĐÔ THỊ HÓA QUẢNG NAM – MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN & ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Ngày 1/10, tại khách sạn Mường Thanh, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo Khoa học  với chủ đề “Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Quảng Nam trong quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế”. Hội thảo đánh giá cao sự phát triển của tỉnh Quảng Nam trong thời gian vừa qua và ngày càng khẳng định vai trò vị thế của mình trong sự phát triển kinh tế.  Tham dự có bà Phan Thị Mỹ Linh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, các Cục, Vụ Viện trực thuộc các bộ. Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng – Cố vấn Hội QHPTĐTVN. Ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam và Giám đốc các Sở Ban ngành tỉnh và thành phố Tam Kỳ…

Tạp chí Đô thị &Phát triển xin giới thiệu bài viết của Ths. Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam đến với bạn đọc.

IMG_1670
1. Quảng Nam là tỉnh duyên hải miền Trung, đa dạng về tự nhiên, văn hóa

  • Nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam có nhiều lợi thế so sánh về phương diện địa lý, với điều kiện tương đối thuận lợi trong quan hệ và giao lưu kinh tế với các địa phương trong cả nước đầy đủ các mối đầu tư giao thông quan trọng như: Sân bay, cảng biển, đường sắt và quốc lộ…Là nơi triển khai mô hình Khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước với những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, đồng thời có cửa khẩu Nam Giang thông thương với nước bạn Lào kết nối với vùng Đông Bắc Thái Lan.
  • Quảng Nam có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc với 2 di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An, 34 tộc người cùng sinh sống, những làng nghề truyền thống đặc sắc và các lễ hội độc đáo, đây là vùng đất hứa hẹn nhiều cơ hội cho việc phát triển các đô thị có bản sắc.
  • Quảng Nam có địa hình phức tạp, 3/4 diện tích là đồi núi, độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai: lũ quét, ngập lụt, lốc xoáy, sạt lỡ, động đất. Hệ thống sông có độ dốc lớn, lòng sông hẹp, hay bị cạn kiệt về mùa khô, khu vực hạ lưu thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa…Việc xây dựng, phát triển đô thị và các điểm dân cư nông thôn Quảng Nam chịu tác động lớn bởi các điều kiện tự nhiên đặc thù.
  1. Những vấn đề về đô thị hóa thời gian qua *Các chỉ tiêu chung về đô thị và đô thị hóa

Năm 1997, khi chia tách, Quảng Nam có khoảng 188 ngàn đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 13,9%. Đến nay, dân số đô thị trên toàn tỉnh Quảng Nam là đã tăng gần gấp đôi, khoảng 358,9 ngàn, tỷ lệ đô thị hóa đạt 24,10% (2015). Tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn son với mức bình quân chung toàn quốc (khoảng 33%) và thấp hơn so với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (khoảng 37%); Tốc độ đô thị hóa trên toàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1997 – 2015 là 3,66%, cao hơn với mức bình quân chung toàn quốc (khoảng 3,3%) và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (khoảng 3,1%).

Quá trình đô thị hóa chủ yếu gắn với mở rộng địa giới hành chính và mở rộng không gian, nâng cấp và hình thành mới các đô thị. Diện tích đô thị mở rộng là nguyên nhân chính của sự gia tăng về dân số đô thị. Tỷ lệ gia tăng dân số cơ học tại các khu vực đô thị thấp, một số khu vực gia tăng cơ học âm…

* Mạng lưới hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn

  • Số lượng đô thị tăng ít, tuy nhiên quy mô cấp loại đô thị đã phát triển đáng kể. Năm 1997, khi chia tách, toàn tỉnh có 14 đô thị, với 2 đô thị loại IV (thị xã Tam Kỳ và Hội An) và 12 loại V. Trải qua gần 20 năm đã hình thành thêm 01 đô thị, đến nay có 15 đô thị; với 01 đô thị loại II, 01 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Vẫn còn 03 huyện mới chia tách chưa có đô thị (Tây Giang, Nam Trà My, và Nông Sơn).
  • Nhiều khu vực là động lực, tiền đề cho phát triển đô thị trong tương lai đã và đang được hình thành:

+ Có 02 đô thị đang trong giai đoạn lập các thủ tục nâng loại, thành lập mới: Núi Thành (từ loại V nâng thành loại III), Hương An (đã được Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Đề án công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V).

+ Các trung tâm huyện lỵ Tơ Viêng (Tây Giang), Trung Phước (Nông Sơn) và Tắc Pỏ (Nam Trà My) đã được xây dựng, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại V.

+ Đã quy hoạch, đầu tư xây dựng và bước đầu đã hình thành các khu chức năng đặc thù, các không gian kinh tế như: Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, Khu kinh tế mở, mạng lưới các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch Nam Hội An…

+ Cùng với phát triển đô thị, việc xây dựng nông thôn mới cũng đã được chú trọng đầu tư. Các khu Thị tứ, Trung tâm cụm xã và Trung tâm xã đã trở thành một mắc xích quan trọng trong liên kết đô thị – nông thôn như: Tam Đàn, Việt An, Sông Vàng…

* Thương hiệu đô thị, sức cạnh tranh phát triển và chất lượng của các đô thị

Thương hiệu là biểu hiện về chất lượng và các đặc tính của sản phẩm. Khi chúng ta nói đến thương hiệu của một nơi chốn (place branding) là nói về bản sắc và ý nghĩa, thể hiện sự ưa thích của mọi người về nơi đó. Việc xây dựng thương hiệu cho một địa phương là rất quan trọng nhằm tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, quảng bá phát triển du lịch, tăng cường bản sắc công dân và tính tự tôn…

Sau gần 20 năm chia tách, có thể thấy một trong những thành công của Quảng Nam là đã xây dựng nên một số đô thị có tính thương hiệu. Đó chính là Hội An – đô thị cổ – đô thị sinh thái, văn hóa; là Chu Lai – Khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước; và gần đây là đô thị Tam Kỳ- thủ phủ xanh…

Tuy nhiên, phần lớn các đô thị còn lại, đặc biệt là khu vực miền núi và trung du chủ yếu đóng vai trò đơn thuần là trung tâm hành chính – chính trị – văn hóa của huyện; có quy mô quá nhỏ, động lực phát triển hạn chế, các chức năng hỗ trợ, thu hút lao động không cao. Định hướng phát triển giữa các đô thị trong vùng là khá tương đồng sẽ không tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh phát triển, đây là thách thức để tạo ra động lực phát triển nội tại và lan tỏa tạo sức hút trong phát triển đô thị.

Chất lượng hạ tầng các đô thị chưa cao, đặc biệt là các đô thị phía Tây của tỉnh: Hệ thống giao thông khung (giao thông cấp đô thị, các trục chính đô thị) không đồng bộ; xử lý nước thải, rác thải của đô thị (gần như phần lớn các đô thị chưa có hệ thống thu và xử lý nước và rác thải); các công trình hạ tầng xã hội như: Các khu công viên cây xanh, cây xanh đường phố, cảnh quan đường phố chưa được đầu tư đúng mức.

* Hạ tầng khung và liên kết giữa các đô thị và nông thôn

Hạ tầng kết nối vùng còn yếu, thiếu tầng bậc. Mạng lưới giao thông chủ yếu ở cấp vùng (quốc lộ, ĐT); giao thông kết nối vùng (các tuyến ĐH, ĐX) phân bố không đều, hướng tuyến quanh co, chất lượng đường còn thấp. Liên kết đô thị – nông thôn, khả năng cung ứng hạ tầng đến từng điểm dân cư vùng sâu, vùng xa còn yếu.

Hạ tầng kỹ thuật về điện, viễn thông, nước sinh hoạt và mạng lưới hạ tầng xã hội (chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…) chưa được đầu tư đồng bộ.

Hạ tầng khung liên kết giữa các đô thị còn yếu. Đã xuất hiện nhu cầu sử dụng chung các hạ tầng giữa các đô thị, đặc biệt là vùng Đông song chưa được chú trọng và giải quyết hiệu quả (như cấp nước liên đô thị, nghĩa trang, xử lý chất thải rắn…)

  1. Một số định hướng phát triển đô thị trong thời gian đến  *Xây dựng mạng lưới đô thị đều khắp, có tầng bậc

Rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và Chương trình phát triển đô thị đã xác định:

  • Về phân vùng phát triển và vùng động lực: Trên địa bàn tỉnh hình thành 3 cụm động lực thuộc vùng Đông của tỉnh, cụ thể:

+ Cụm động lực số 1: Đại Lộc, Điện Bàn và thành phố Hội An. Định hướng phát triển Du lịch, Công nghiệp, Thương Mại – Dịch vụ. Xác định Điện Bàn là cực đô thị động lực.

+ Cụm động lực số 2: Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn. Định hướng phát triển các chuỗi đô thị mới, kết hợp với quy hoạch sắp xếp dân cư ven biển. Xác định vùng Đông huyện Thăng Bình, Duy Xuyên (đô thị Bình Minh, Duy Nghĩa) là cực đô thị động lực.

+ Cụm động lực số 3: Phú Ninh, Núi Thành và Tam Kỳ. Định hướng phát triển Thương mại, Dịch vị hỗ trọ cho Khu kinh tế Chu Lai – Dung Quất. Xác định đô thị Núi Thành là cục đô thị động lực.

  • Về các cục đô thị hóa:

+ Trục Quốc lộ 1A: Kết nối các đô thị Núi Thành, Tam Kỳ, Hà Lan, Hương An, Nam Phước, Điện Bàn.

+ Trục đường bộ ven biển: Kết nối các đô thị ven biển như Núi Thành, Tam Kỳ, Bình Minh, Duy Nghĩa và đô thị chuyên ngành Hội An.

+ Trục Hồ Chí Minh: Kết nối dãi đô thị P’Rao, Thạch Mỹ, Khâm Đức.

  • Về các hành lang phát triển:

+ Hành lang Bắc Quảng Nam: Kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với thành phố Đà Nẵng và khu vực ven biển Bắc Quảng Nam, qua các tuyến Quốc lộ 14B, 14D và Tỉnh lộ ĐT609. Định hướng cực phát triển đô thị là Thạnh Mỹ.

+ Hành lang Trung tâm Quảng Nam: Kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, vùng Tây Nguyên với Quảng Nam, thông qua các tuyến quốc lộ 14E, ĐT610, ĐT611. Định hướng cực phát triển đô thị Khâm Đức.

+ Hàng lang Nam Quảng Nam: Kết nối Khu kinh tế Chu Lai- Dung Quất với vùng Tây Nguyên, thông qua tuyến Nam Quảng Nam. Định hướng cục phát triển đô thị là Trà My.

* Xây dựng đô thị có thương hiệu, có bản sắc và đủ sức cạnh tranh:

– Xây dựng các đô thị có bản sắc, gắn liền với tự nhiên – văn hóa của từng khu vực cụ thể, tiếp tục phát huy và tạo dựng các đô thị có thương hiệu như: Đô thị Thạnh Mỹ, Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, Đô thị Tây Giang- văn hóa Cơ Tu…

– Đối với từng đô thị, chính quyền đô thị cần được quan tâm nhiều hơn đến cơ cấu, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, vị thế đô thị trong hệ thống khu vực… Phát triển đô thị bền vững, có trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá thành công, gắn với không gian phát triển kinh tế (khu kinh tế, khu công nghiệp, các khu dịch vụ, du lịch,…)

– Phát triển đô thị hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng đô thị. Mở rộng đô thị và tăng tỷ lệ đô thị hóa trên cơ sở phát triển dân số lành mạnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Phân bổ, kết nối và hoàn thiện các trung tâm công cộng, các khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí và hệ thống cây xanh, mặt nước trong đô thị để tạo các không gian mở, tạo cảnh quan chung và điều hòa môi trường không khí đáp ứng nhu cầu về môi trường ở, làm việc, đi lại, nghỉ ngơi giải trí cho các cá nhân và toàn xã hội.

* Xây dựng hệ thống hạ tầng khung kết nối, liên kết phát triển, chú trọng vấn đề môi trường

– Tăng cường liên kết các đô thị: Tổ chức lập Quy hoạch vùng, từng bước đầu tư hạ tầng kết nối, hướng tới hình thành nên các chùm đô thị: (1) Tam Kỳ -Núi Thành- Phú Ninh, (2) Hội An- Điện Bàn- Đại Lộc, (3)Thăng Bình – Duy Xuyên – Quế Sơn. Chú trọng việc sử dụng chung hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khung; không ràng buộc trong một đô thị hoặc quản lý hành chính. Đầu tư xây dựng Thạch Mỹ- Nam Giang trở thành đô thị trung tâm vùng phía Tây.

– Tăng cường liên kết đô thị và nông thôn: Tổ chức rà soát các quy hoạch nông thôn mới, lập các Quy hoạch xây dựng vùng huyện, từng bước đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng đảm bảo tính tầng bậc, không dàn trải, đầu tư có trọng điểm (tập trung vào một khu vực thị tứ, trung tâm cụm xã…)

– Chú trọng vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu: Thực hiện có hiệu quả công tác đánh giá tác động môi trường ngay trong giai đoạn lập và thực hiện quy hoạch, đề xuất các giải pháp, lộ trình thực hiện quy hoạch xây dựng kết hợp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Ưu tiên các giải pháp đô thị xanh. Có giải pháp phát triển hợp lý đối với dãi đất ven biển.

Kết Luận

  Quá trình phát triển đô thị Quảng Nam từ khi chia tách tỉnh đến nay đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, cả về định hướng, quy hoạch…đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh, đất nước, trong đó có một số đô thị phát triển nhanh, “có thương hiệu” như Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành…Tuy nhiên, trong quá trình phát triển có một số tồn tại như tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, mạng lưới chưa đều khắp, sức cạnh tranh đô thị chưa cao, hạ tầng khung kết nối còn yếu…

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị để trở thành hạt nhân cho quá trình phát triển, kịp thời giải quyết các tồn tại và có các bước đi và giải pháp phát triển phù hợp với lộ trình và đặc điểm của tỉnh; đảm bảo sự hình thành của một mạng lưới đô thị đều khắp, có tầng bậc, xây dựng tầng đô thị “có thương hiệu” đủ sức cạnh tranh, đảm bảo hạ tầng khung kết nối, liên kết và hỗ trợ phát triển lẫn nhau.

Ths. Nguyễn Phú

ĐT & PT Số 63/2016

Check Also

ggnn

Đô thị hóa và chênh lệch giàu nghèo đô thị

Sự phân hoá giàu nghèo có thể nhận thấy rõ nét giữa thành thị và …