Home / QUY HOẠCH / Đô thị Đà Nẵng cần những định hướng phát triển bền vững đến năm 2030 – tầm nhìn đến năm 2050

Đô thị Đà Nẵng cần những định hướng phát triển bền vững đến năm 2030 – tầm nhìn đến năm 2050

          Là người đã gắn bó và tâm huyết tham gia chỉ đạo trực tiếp công tác Quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng những năm 1997 – 2005. Đã được Đảng và chính quyền Thành phố cho nghỉ hưu năm 2005. Đến nay, tôi vẫn thấy trăn trở trước những công việc mình đã trực tiếp và gián tiếp tham gia, mặc dù đã góp phần cho sự thay da, đổi thịt của Đà Nẵng hôm nay. Những chuyên gia hàng đầu trong Quy hoạch, Kiến trúc, Xây dựng trên cả nước đã tham luận trong Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng” lần thứ nhất cũng đã có nhiều băn khoăn gửi gắm trong Hội thảo như:

          + Quy hoạch, thiết kế, xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng đã khai thác đúng và hiệu quả những lợi thế về thiên thời, địa lợi, nhân hòa của Đà Nẵng chưa?

          + Đà Nẵng đã thực sự trở thành đô thị hấp dẫn và sống tốt?

         + Những ý tưởng phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường? Trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn? Trở thành Đô thị cửa ngõ hướng biển quan trọng? Trở thành thành phố có bản sắc trung tâm dịch vụ và du lịch tầm vóc của khu vực? Thành phố của các sự kiện? Kiểu mẫu về tăng trưởng và môi trường xanh, sạch, đẹp? Trở thành Đô thị thông minh? Trở thành thành phố tầm cỡ khu vực ASEAN và Châu Á? Phố ẩm thực và phố mua sắm ở đâu? Trung tâm thành phố ở đâu? Ý tưởng về kiến trúc cảnh quan hai bên sông Hàn và v.v… Phát triển như vậy đã thực sự bền vững chưa? …

          Trong những tâm sự ấy, tôi thực sự tâm đắc với tâm sự của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: “Đà Nẵng đã đến lúc ngoái lại, nhìn lại chặng đường bùng phát trong những năm qua! Nên chăng thấy trước những mâu thuẫn tất yếu nảy sinh khi đặt các yếu tố này bên cạnh yếu tố nọ. Khi ưu tiên cái này đồng nghĩa với sự triệt tiêu cái kia… Liệu một thành phố công nghiệp, cảng Trung tâm kinh tế lớn mà chúng ta đang tạo dựng còn có khả năng để trở thành Thành phố Du lịch, nghỉ mát mang tính sinh thái không? Sự cần thiết dừng lại để nghĩ thêm về phát triển theo chiều sâu, muốn nhắc về việc sử dụng tài nguyên đất, cảnh sắc thiên nhiên sao cho chừng mực, sao cho không quá tay, để phần và dành dụm cho con cháu! Đà Nẵng đang sở hữu một giang sơn đủ cho một quốc gia, Đà Nẵng đang là chủ một Việt Nam thu nhỏ, chớ nên vội vã vắt kiệt vùng đất biển, hãy để cho Sơn Trà là một quỹ dự trữ, hãy đắn đo khi chiếm lĩnh khoảng không gian giữa thành phố và vùng rừng núi… Thành phố có thể xây, phá và xây lại, càng về sau càng nguy nga nhưng Tòa thiên nhiên thì không như vậy !”.

Ông Hoàng Quang Huy - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo
Ông Hoàng Quang Huy – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo

            Băn khoăn trăn trở và tâm huyết như thời kỳ cả Thành phố là một công trường khổng lồ, thời kỳ sôi động của công tác chỉnh trang, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng Đô thị với hàng nghìn dự án, hàng trăm công trình trọng điểm… và tâm đắc với dòng tâm sự của GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính, tôi mạnh dạn bộc bạch những suy tư của mình với niềm khát khao cho một “Thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững, sánh vai với các Đô thị lớn khu vực ASEAN và Châu Á”.

          Chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Mảnh đất nhỏ bé nằm tại cửa biển của miền Trung Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của cả nước về phát triển kinh tế, xã hội. Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị. Thời gian tới, Đà Nẵng quyết tâm tiên phong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành trung tâm khoa học công nghệ hiện đại nhất cả nước, đồng thời kiên quyết xây dựng “Thành phố môi trường” để hướng tới sự phát triển bền vững, ngày một khẳng định vị thế đầu tàu của Đà Nẵng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

          Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đặc biệt là từ khi trực thuộc Trung ương (năm 1997) đến nay, Đà Nẵng đã thực sự phát triển về mọi mặt, nhất là sự thay đổi về diện mạo đô thị. Qua đó ngày càng khẳng định vị thế của mình là một trong những đô thị trung tâm cấp quốc gia và là hạt nhân của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung – Tây Nguyên.

          Có thể nói, trong chặng đường phát triển và trưởng thành của Đà Nẵng, tốc độ phát triển nhanh trong lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được xem là “thước đo” trình độ, tầm nhìn mang tính chiến lược của đô thị Đà Nẵng. Khi mới chia tách Đà Nẵng được biết đến từ góc độ một đô thị nhỏ bé nằm ở góc bờ Tây con sông Hàn; Một nửa còn lại của Đà Nẵng là nửa quan trọng nhất của một thành phố Biển nằm ở bờ Đông sông Hàn lại vô cùng nhếch nhác. Vậy mà chỉ trong khoảng thời gian 15 năm, nhiều công trình trọng điểm về kinh tế – xã hội phục vụ dân sinh đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, trong đó các khu công nghiệp tập trung được hình thành một cách đồng bộ, nhiều khu du lịch, Đô thị mới đang khẩn trương xây dựng và đưa vào sử dụng… Đặc biệt trong vòng 10 năm trở lại đây, Đà Nẵng đã có một diện mạo mới – hiện đại, trẻ trung, xứng đáng với tầm thế mới – Đô thị loại I. Thành phố Đà Nẵng hiện đại và văn minh đã trở thành niềm tự hào của người dân Đà Nẵng và là điều mà bất kỳ du khách nào đến Đà Nẵng đều cảm nhận được.

          Trong chiến lược phát triển tương lai, Đà Nẵng đặt mục tiêu quy mô dân số thành phố trên 2,5 triệu người cho đến năm 2030, cần được mở rộng không gian sử dụng đất đai, phát triển các trung tâm đặc thù tạo lực hút mạnh các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đến với Đà Nẵng. Lộ trình và kế hoạch đặt ra cho chiến lược phát triển đô thị Đà Nẵng theo hướng hiện đại hóa nhưng phải đảm bảo mục tiêu thành phố thân thiện với môi trường và lấy lợi ích của người dân làm trung tâm cho định hướng phát triển.

          Đà Nẵng là thành phố trẻ, di sản kiến trúc không nhiều, có thể kể đến như bảo tàng Chăm, thành Điện Hải, một số đình làng (Nại Nam, Hải Châu…) và các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, thành phố được sở hữu những di sản thiên nhiên có giá trị như: Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Vân, Phước Tường, Non Nước và những bãi biển đẹp. Mỗi di sản, di tích ở Đà Nẵng có những nét đặc thù, giá trị và sự hấp dẫn riêng. Điều kiện địa hình, địa mạo của Đà Nẵng đã không chỉ tạo thế “độc nhất, vô nhị” cho núi, sông, biển, vịnh hòa quyện, gắn kết, đan xen trong lòng thành phố, cho thành phố hai bên bờ sông hiền hòa, không bao giờ bị ngập lụt. Về tâm linh phong thủy, có người đã nói với tôi rằng thành phố Đà Nẵng hình thành và phát triển trên mình hai con rồng khổng lồ, ngày ngày và quanh năm hai con rồng bơi ngụp, vùng vẫy giữa biển Đông bao la, trời mây nắng gió.

  •  Con rồng thứ nhất: ngự trị ở phía Đông – Đông Bắc thành phố, đầu rồng là ngọn núi Sơn Trà luôn ngạo nghễ vươn đầu nhìn ra biển Đông, canh giữ và bảo vệ chở che cho người dân Đà Nẵng tránh được mọi âm mưu của kẻ thù và hiểm họa của thiên tai; Thân mình con rồng là dòng sông Hàn uốn lượn uyển chuyển, duyên dáng, thơ mộng…
  • Con rồng thứ hai: ngự trị ở phía Tây – Tây Bắc thành phố, đầu rồng là ngọn núi Bà Nà luôn vươn cao sừng sững, hòa quyện với mây trời rừng xanh, cân bằng sự phát triển hài hòa kinh tế, núi, rừng, sông, biển; Thân mình con rồng là dòng sông Cu Đê hiền hòa.
  • Đuôi của hai con rồng: là chùm những nhánh sông Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, Túy Loan, Tứ Câu, Cổ Cò… Hòa quyện trên các cánh đồng thiên nhiên ngập tràn cỏ, cây, hoa lá xanh tươi.

          Trong quá trình phát triển phải đi đôi với công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và trong khai thác quỹ đất phải có giải pháp tính toán và cần có sự thống nhất trong quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước; Sự gắn kết giữa các nhà đầu tư với các cấp chính quyền, nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn, cơ quan nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Trong định hướng phát triển đô thị, vấn đề quan trọng nhất không chỉ là bảo tồn những di sản kiến trúc, văn hóa mà còn phải bảo tồn những giá trị cảnh quan mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng. Rất ít thành phố trên thế giới có đồng thời 3 yếu tố tự nhiên: Sông – Núi – Biển ngay trong lòng đô thị. Do vậy, sông Hàn là trục quan trọng để phát triển. Ở đây, trục bảo tồn là trục dọc theo bờ Tây sông Hàn và các trục phát triển mới của Thành phố từ phía Tây sông Hàn về phía biển. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cần được nghiên cứu vấn đề bảo tồn di sản (kiến trúc và thiên nhiên) nhưng vẫn đảm bảo phát huy giá trị di sản để làm tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội.

          Định hướng đô thị Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng hiện đại, song vẫn gìn giữ, bảo tồn những giá trị di sản do cha ông để lại để thế hệ mai sau vẫn có thể tự hào. Với cách tiếp cận như thế, quy hoạch chung thành phố cần làm rõ các khu chức năng phát triển theo hình thức kiến trúc và quy mô đa dạng, linh hoạt theo điều kiện tự nhiên, đặc biệt quan tâm đến cảnh quan thiên nhiên các khu vực nhạy cảm như: Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Phước Tường, vệt ven sông, ven biển, vịnh Đà Nẵng… Tóm lại, quy hoạch cần xác định được tầm nhìn, phải xuyên suốt và luôn có sự gắn kết giữa các đối tượng, các thành phần trong quy hoạch. Quy hoạch cần có chương trình hành động giải quyết những bài toán về quy hoạch và vai trò quản lý Nhà nước trong công tác quy hoạch. Có như thế Đà Nẵng mới có thể trở thành Đô thị phát triển bền vững từ những kết quả đạt được. Tuy nhiên Đà Nẵng vẫn còn giữ một số tồn tại như sau :

  • Những tồn tại:

a/ Về Quy hoạch – Kiến trúc – Xây dựng:

          Vấn đề lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian gần đây đối với các vị trí đắc địa, nhạy cảm là giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dựng thiếu tính bền vững về giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo môi trường sinh thái : Núi, Sông, Biển, bờ biển, hệ sinh thái xã hội học… nên gây ra những thách thức không cần thiết, không đáng có!

          Mặt khác, chưa kịp thời có chỉ đạo, cần được rà soát, đánh giá và đưa ra giải pháp để tham mưu thiết thực, cần yêu cầu nhà đầu tư tập trung đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án dẫn đến mục tiêu quan trọng nhưng chưa được như mong muốn, các dự án này thiếu tính dự báo, không có chiều sâu, đầu tư về hạ tầng chưa tương thích với quy mô, vị trí dự án do chủ quan về lợi thế thiên nhiên ưu đãi, nhu cầu thị trường và xuất phát điểm kinh tế chưa chuẩn mực! Chất lượng đầu tư kém và chưa thích ứng điều kiện cảnh quan môi trường sinh thái của cặp rồng linh thiêng!

          Cần phải Quy hoạch chi tiết chuyên ngành như: giao thông, cấp điện, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế và đặc biệt cần quy hoạch các trung tâm chức năng như: Trung tâm tài chính tín dụng ngân hàng, trung tâm khoa học công nghệ, thương mại, văn hóa…

          Một số điểm nhấn kiến trúc ven sông ven biển còn quản lý chưa tốt, chưa tạo được bộ mặt kiến trúc đặc sắc cho khu vực trọng điểm của thành phố. Cần quy hoạch và phát triển đường sông và làng quê.

b/ Về hạ tầng:

          Đà Nẵng đã xây dựng được một hệ thống giao thông bước đầu tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ. Cần tiếp tục đầu tư và khớp nối những đoạn chưa thực hiện để phát huy việc sử dụng cao hơn. Giao thông công cộng phát triển còn hạn chế, phương tiện giao thông cá nhân vẫn đóng vai trò chính trong giao thông đô thị. Còn thiếu  bảng xe buýt, thiếu nhiều gara, bãi đậu đỗ xe cho các phương tiện giao thông. Diện tích đất dành cho cây xanh, mặt nước, phúc lợi công cộng khác còn hạn chế, đôi khi còn bị cắt xén do áp lực tái định cư. Thoát nước và thu gom nước thải theo phương thức “nửa riêng” (Thu gom nước thải theo cống bao) vẫn chưa triệt để, đặc biệt là các khu vực trọng yếu như: các bãi biển thuộc khu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

  • Kiến nghị:

           Một số mô hình có thể xem xét, nghiên cứu:

          – Xây dựng một thành phố có đặc trưng riêng thông qua các hoạt động có tính mũi nhọn thu hút đầu tư và kinh doanh phát triển, như xây dựng thành phố du lịch – hội nghị chất lượng cao, thành phố thể thao – du lịch – chữa bệnh (trên cơ sở khai thác lợi thế biển, nắng và vùng tiểu khí hậu trên núi…). Những mô hình phát triển nêu trên luôn đi cùng với những đô thị có tiềm năng về thiên nhiên, môi trường sống an toàn, trong sạch, một thành phố xanh. Xây dựng một thành phố của các sự kiện lớn của quốc tế. Đà Nẵng đã tổ chức thi pháo hoa, đó là ý tưởng tốt để tạo một địa danh trong trí nhớ, một điểm đến trong hoạt động thương mại – dịch vụ – du lịch. Cần mạnh dạn mở rộng hoạt động, sự kiện lớn có tầm cỡ quốc gia, quốc tế, vừa tạo cơ hội đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, vừa thúc đẩy dịch vụ đa ngành với trình độ cao. Các sự kiện này có tác dụng nâng tầm của thành phố, tạo sự hấp dẫn nhà đầu tư, nhà kinh doanh. Đà Nẵng có thể đăng cai tổ chức các giải lớn của thể thao quốc tế và khu vực, các hoạt động văn hóa, triển lãm mang tầm quốc tế (đa quốc gia)… Đó là những cơ hội của phát triển dành cho những thành phố có ý chí vươn lên, vượt ra khỏi bức tường rào nhỏ hẹp.

          – Cần rà soát quy hoạch hiện nay, phân định chức năng hợp lý, mở rộng không gian trung tâm thành phố nhằm tạo quỹ đất cho những hoạt động đầu tư lớn. Cần xác định quy hoạch trục hành lang tài chính (ngân hàng) – thương mại của thành phố Đà Nằng. Đây là một phần quan trọng của một đô thị lớn mà Đà Nẵng chưa hình thành. Trục này có thể áp dụng mô hình đô thị nén, cao tầng, có hệ thống giao thông ngầm hiện đại.

          – Cần chính sách xây dựng và nuôi dưỡng lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân mạnh, biết làm giàu, có chí khí và lòng yêu nước, yêu Đà Nẵng làm lực lượng xung kích, tiên phong khai phá các chương trình phát triển thành phố. Người Đà Nẵng có tầm, có tâm. Tạo cơ hội, tạo chỗ đứng cho các doanh nhân có thiện chí, có tầm là cách nuôi dưỡng tài năng cho sự nghiệp phát triển Thành phố.

          – Đà Nẵng đang hưởng nhiều ưu đãi của thiên nhiên nhưng đồng thời đang bị thách thức bởi các nguy cơ: Biến đổi khí hậu không còn là cảnh báo nữa, nó đã và đang đến ngày càng gay gắt. Nước biển dâng cao, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội địa. Nước ngọt ngày càng khan hiếm do hạn hán và xây dựng thủy điện. Thiếu nước ngọt không còn là nguy cơ mà đã hiện diện trước mắt. Đà Nẵng còn bị tác động thường xuyên của mưa bão, lũ lụt, cản trở không nhỏ cho sản xuất và tác động đến tâm lý đầu tư phát triển. Nên chăng, Đà Nẵng cần nghĩ đến giải pháp hồ chứa nước đủ lớn, vừa lo nước ngọt trong mùa khô nóng, vừa điều tiết nước mưa mùa lũ đồng thời cải thiện khí hậu nóng bức.

          – Sử dụng đất cẩn trọng, hiệu quả, phát triển đô thị nén một số khu vực cần thiết, tạo thêm quỹ đất cây xanh cho khu vực trung tâm. Phát huy cảnh quan thiên nhiên, tổ chức đô thị hướng ra sông ra biển, kéo dài bờ sông, bờ biển. Dành quỹ đất để đầu tư cây xanh, công viên, mặt nước, nâng cao chất lượng và số lượng cây xanh đô thị. Trong đó, chú trọng cây xanh phòng hộ, cây xanh thích ứng với điều kiện khí hậu, nhất là khu vực ven biển. Quy hoạch hệ thống bến du thuyền, phát triển các tuyến du lịch đường biển, đường sông. Khơi thông sông Cổ Cò đi Hội An, sông Cẩm Lệ + Túy Loan đi Bà Nà, quan tâm đặc biệt đến môi trường, cảnh quan đô thị tại các khu vực nhạy cảm như: Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Phước Tường, vệt ven sông, ven biển. Chú trọng tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng… Định hướng phát triển kiến trúc sinh thái, kiến trúc đặc trưng, tạo giá trị nhân văn cho đô thị.

          – Chú trọng dành quỹ đất phát triển các công trình y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, phục vụ đề án có nhà ở của thành phố nhằm cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí và bảo đảm an ninh xã hội. Có chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp, tạo điều kiện cho các loại hình công nghiệp sạch và giá trị cao phát triển. Tiếp tục di chuyển các cơ sở sản xuất trong khu dân cư về các khu công nghiệp tập trung, bảo đảm môi trường đô thị. Tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải, nhất là khu vực ven sông, ven biển, rà soát các trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, Liên Chiểu…

          – Mô hình phát triển không gian thành phố Đà Nẵng bao gồm: Đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh… bảo đảm sự gắn kết đồng bộ và ổn định giữa các không gian. Phát triển không gian đô thị phải có sự chuyển tiếp hài hòa giữa các khu đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới; Các phương án phân khu chức năng: Khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp, khu vực phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vùng bảo tồn môi trường thiên nhiên… phát triển phải đảm bảo đô thị gắn kết với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái. Xác định vị trí và tổ chức không gian các khu trung tâm đô thị; Xác định các vùng kiến trúc cảnh quan có tầm quan trọng trong không gian đô thị như: các trung tâm, các cửa ngõ vào thành phố, các tuyến phố, các trục không gian chính, các hành lang ven sông và dọc bờ biển, các khu vực quảng trường, cây xanh… để có giải pháp tổ chức không gian phù hợp và tạo điểm nhấn trong đô thị. Định hướng quy hoạch cảnh quan và kiến trúc đô thị cho các khu vực đặc thù trong thành phố; Đề xuất các giải pháp bảo vệ và tôn tạo các công trình di tích văn hóa lịch sử, các khu vực cảnh quan có vai trò quan trọng trong không gian đô thị… Tổ chức không gian các điểm dân cư nông thôn với mục tiêu đáp ứng yêu cầu về nâng cao điều kiện sống đồng thời giữ được bản sắc văn hóa, nét riêng Đà Nẵng!

Hoàng Quang Huy

(Nguyên Viện trưởng Viện Quy Hoạch Đà Nẵng, Phó Chủ tịch TW Hội Quy hoạch PTĐT Việt Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch PTĐT thành phố Đà Nẵng)

 

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …