Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / THEO DÒNG DOANH NGHIỆP / ĐIỂM TỰA CHO THÀNH PHỐ PHÁT TRIỂN

ĐIỂM TỰA CHO THÀNH PHỐ PHÁT TRIỂN

nganhang
65 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6-5)

Là địa phương được xem “đầu tàu” của miền Trung và Tây Nguyên, Đà Nẵng là thành phố có vị trí chiến lược cả về kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, cửa ngõ chính ra Biển Đông của các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Vì vậy, việc xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính – ngân hàng trong và ngoài nước đến mở chi nhánh, văn phòng đại diện… là định hướng chiến lược của ngành ngân hàng nước nhà.

 

Tạo động lực phát triển và lan tỏa vùng

Để đạt được mục tiêu đó, Đà Nẵng đã có cách làm sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nổi bật là kinh tế phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, quy mô đô thị được mở rộng, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và bộ mặt thành phố thay đổi rõ nét, công tác quy hoạch, quản lý đô thị tạo được nhiều ấn tượng tốt. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, chính sách an sinh xã hội, chương trình thành phố “5 không”, “3 có” đạt được những kết quả tích cực. Quốc phòng – an ninh được giữ vững. Đà Nẵng được xem như một điển hình của việc xây dựng, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội. Trong thành quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng như cung ứng nguồn vốn đầu tư phát triển qua thực hiện thành công giao dịch trái phiếu địa phương; cung ứng vốn tín dụng ngân hàng và thực hiện cho vay thông qua bảo lãnh tín dụng của Quỹ Bảo lãnh địa phương, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng là địa phương triển khai đạt triển kết quả tích cực chính sách phát triển nhà ở sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Cùng với sự hỗ trợ tích cực về nguồn vốn của ngành ngân hàng thành phố, Đà Nẵng đã chủ động khai thác và huy động các nguồn lực tài chính, đặc biệt là nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất cho phát triển nhà ở xã hội; tập trung chỉ đạo việc hoàn thiện mô hình hoạt động Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân có nguồn tín dụng dài hạn để vay mua nhà trả góp và cho doanh nghiệp vay để phát triển nhà ở xã hội.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Đà Nẵng trao 100 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Đà Nẵng trao 100 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

Hiện thực hóa định hướng phát triển

Với nhiều hình thức huy động ngày càng phong phú, đa dạng và linh hoạt, nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD trên địa bàn thành phố đà nẵng liên tục tăng trưởng qua các năm và ngày càng đóng vai trò trụ cột trong hệ thống tài chính của thành phố, là kênh tài chính chủ yếu cung ứng vốn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất – kinh doanh, đồng thời góp phần quan trọng trong công tác tạo nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Nếu như các năm trước đây nguồn vốn huy động tại chỗ của các chi nhánh TCTD không đáp ứng nhu cầu  phải cần hỗ trợ từ hội sở thì đến nay nguồn vốn huy động tại chỗ không những đủ đáp ứng cho các thành phần kinh tế tại địa phương mà còn thừa để hỗ trợ cho các địa phương khác thông qua nghiệp vụ điều hòa vốn nội bộ của TCTD. Đến cuối quý I năm 2016, nguồn vốn huy động tại chỗ đạt gần 82.000 tỷ đồng, gấp 55 lần và dư nợ cho vay các thành phần kinh tế trên địa bàn. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay đạt 75.000 tỷ, tăng gấp 33 lần so với năm 1997. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trên địa bàn còn hỗ trợ có ngân sách thành phố vay để xây dựng các công trình trọng điểm, qua đó góp phần hoàn thiện hạ tầng, chỉnh trang đô thị nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch và dịch vụ. Cho vay các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Hoạt động thanh toán qua ngân hàng tại địa bàn có bước phát triển nhanh. Ngành ngân hàng thành phố đã ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động thanh toán, tạo ra khả năng thanh toán nhanh chóng, chính xác và an toàn, góp phần đáng kể trong việc nâng dần tỷ trọng thanh toán không tiền mặt trong nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại còn mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ mới như: Thẻ, đại lý nhận lệnh chứng khoán, ngân quỹ, quản lý tiền mặt, tư vấn, các nghiệp vụ phát sinh (tiền tệ, lãi xuất, tỷ giá), kinh doanh vàng, cho thuê văn phòng, xác nhận tài sản bằng tiền, ngân hàng điện tử home banking, phone banking, internet banking… nhằm mang lại tiện ích tối đa cho khách hàng… Trong đó, dịch vụ thẻ có bước phát triển nhanh chóng, đến cuối quý I năm 2016, các chi nhánh TCTD trên địa bàn triển khai phát hành thẻ ATM với số lượng thẻ đã phát hành gần 282.000 thẻ nội địa và thẻ quốc tế với doanh số thanh toán trên 14.000 tỷ đồng; 469 máy ATM, 4.238 máy POS đã được triển khai lắp đặt.

Đặc biệt, qua triển khai “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, ngành ngân hàng thành phố triển khai các hoạt động tín dụng một cách hiệu quả, đặc biệt là hỗ trợ về vốn cho nhu cầu hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở chương trình hành động với nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động ngân hàng, chi nhánh đã triển khai tích cực, xây dựng Chương trình hành động của ngành ngân hàng trên địa bàn, trong đó, trọng tâm của chương trình hành động là kết nối “Doanh nghiệp – Ngân hàng” để tiếp xúc và đối thoại trực tiếp giữa các TCTD với doanh nghiệp trên địa bàn, lắng nghe và giải quyết những khó khăn, vướng mắt của từng doanh nghiệp có kiến nghị liên quan đến hoạt động ngân hàng. Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn phấn khởi và tin tưởng vào kết quả chương trình kết nối, tạo nên sức bật mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong thời gian tới và những năm tiếp theo.

Trong những năm qua, ngành ngân hàng thực sự là công cụ quan trọng, tích cực để thực hiện chính sách tiền tệ – tín dụng trên địa bàn thành phố, là kênh huy động và dẫn vốn quan trọng hỗ trợ đầu tư thực hiện các dự án thuộc mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất, phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong những năm gần đây, ngành ngân hàng thành phố đã thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất, cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách điều hành của Chính phủ và địa phương góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, ngành ngân hàng thành phố đã có nhiều nỗ lực phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối, góp phần chấn chỉnh hoạt động của các thị trường này trên địa bàn.

VÕ MINH

ĐT&PT SỐ 61/2016

Check Also

ggnn

Đô thị hóa và chênh lệch giàu nghèo đô thị

Sự phân hoá giàu nghèo có thể nhận thấy rõ nét giữa thành thị và …