Home / QUY HOẠCH / ĐÀ NẴNG CẦN TẠO LẬP HỆ THỐNG QUY HOẠCH VÀ KIỂM SOÁT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

ĐÀ NẴNG CẦN TẠO LẬP HỆ THỐNG QUY HOẠCH VÀ KIỂM SOÁT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

       Những năm gần đây thành phố Đà Nẵng – Trung tâm phát triển vùng miền Trung và Tây Nguyên đã thực sự chuyển mình và phát triển nhanh chóng, có hiệu quả trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

      Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, bên cạnh những thành tích đã đạt được với niềm vui và tự hào của Thành phố trong công cuộc xây dựng và phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững.

     Thành phố Đà Nẵng – một trong các đô thị loại 1 quan trọng của Việt Nam, đang phát triển nhanh chóng sẽ tạo nên nhiều cơ hội mới, nhiều thuận lợi cơ bản cho sự tăng trưởng thu nhập quốc dân, tạo lập và hình thành một trung tâm khoa học kỹ thuật, nghệ thuật và đời sống lành mạnh của quốc gia; nơi lưu trữ, bảo tồn và phát triển các tài sản văn hóa của dân tộc.

     Kinh nghiệm cho thấy thành phố lớn phát triển quá nhanh thường phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng như thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, các tệ nạn xã hội, tội phạm, vô gia cư, phân hóa xã hội. Người ta đã và đang nói nhiều đến những vấn nạn ở đô thị đến nỗi phải lo lắng và sợ hải, khơi gợi nên những hình ảnh đô thị xuống cấp, suy tàn, các khu nhà ổ chuột tràn lan, giao thông tắc nghẽn, tiếng ồn và sự ô nhiễm.

    Thăm dò gần đây của UNDP ở 135 thành phố trên thế giới đã liệt kê ra 12 vấn nạn nghiêm trọng ở đô thị. Còn theo ngân hàng phát triển Châu Á, thì những khó khăn phát sinh trong các thành phố lớn xuất phát từ 5 nguyên nhân cơ bản sau:

Thiếu nước sinh hoạt

Ô nhiễm môi trường

Tắc nghẽn giao thông

Sự gia tăng các khu ổ chuột

Sự gia tăng tội phạm, tệ nạn và xung đột xã hội

     Thành phố Đà Nẵng cũng vậy, nó đã và đang nằm trong các khó khăn tổng thể đó. Mức độ nghiêm trọng của từng vấn đề đối với các thành phố là không giống nhau. Nguyên nhân chủ đạo của từng vấn đề phát sinh ở từng thành phố lại càng khác nhau. Cho nên chúng ta phải biết phân tích sâu sắc để tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

     Liên Hiệp quốc đã mô tả, nhấn mạnh và sắp xếp thứ tự ưu tiên theo từng vấn đề bức xúc ở đô thị là: vấn đề nhà ở (Housing), vấn đề sức khỏe cộng đồng (Health), vấn đề ô nhiễm môi trường sống (Pollution), và các vấn đề về an toàn xã hội và chống tội phạm (Safety and Crime).

     Những vấn đề phát sinh trên là do hậu quả và thiếu sót nảy sinh trong quá trình đô thị hóa, do thiếu quy hoạch và coi nhẹ việc kiểm soát phát triển đô thị, do các đồ án quy hoạch xây dựng chưa hợp lý, thiếu hiện thực, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống thực tế của xã hội.

     Quy hoạch đô thị là chìa khóa quan trọng để giải bài toán

    Hầu hết các thành phố phát triển trước đây lộn xộn và tạo nên nhiều vấn nạn trong đô thị là do thiếu quy hoạch và thiếu sự kiểm soát phát triển hợp lý.

    Trong một xã hội hiện đại hòa nhập và phát triển nhanh chóng của thế kỷ XXI, liệu chúng ta có thể xóa nỗi các vấn nạn đang xảy ra ở đô thị hay không? Thành phố Đà Nẵng liệu có thể trở thành nơi tiên phong ở Việt Nam trong vấn đề phòng ngừa và xóa bỏ những vấn nạn xã hội phát sinh trong quá trình đô thị hóa hay không?

      Điều đó phụ thuộc rất lớn vào ý chí của Lãnh đạo thành phố, vào sự đồng tâm hiệp lực của người dân thành phố, vào ý chí của cộng động dân cư và dĩ nhiên không thể thiếu một chương trình kiểm soát đô thị hóa, một chiến lược quy hoạch xây dựng phát triển đô thị tối ưu, và mạnh với những dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế và lợi ích xã hội cao.

     Khẩu hiệu của Đà Nẵng trong ngày hội đón mừng thành phố nâng cấp loại 1 “… Hãy xứng đáng là công dân của thành phố loại 1” đã cho thấy tinh thần tự hào, sự quyết tâm của người dân Đà Nẵng và chính quyền thành phố trong phát triển đô thị.

      Những vấn nạn phát sinh trong đô thị sẽ là trở ngại lớn, và là lực cản ảnh hưởng đến các mục tiêu xây dựng phát triển thành phố. Do đó, quy hoạch đô thị cần được xây dựng trên cơ sở thực tế hướng tới khắc phục các vấn nạn phát sinh. Nội dung quy hoạch, phương pháp làm quy hoạch và định hướng phát triển đô thị, chương trình đô thị hóa, kế hoạch hành động trong quy hoạch đô thị cũng phải linh hoạt và sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của đô thị, phải được toát lên trên các bản đồ quy hoạch.

      Kiến tạo được một hệ thống quy hoạch vững chắc và kiểm soát được sự phát triển đô thị bền vững là mục tiêu cơ bản phải có trong quy hoạch đô thị cả về quy hoạch kinh tế – xã hội lẫn quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành.

      Để có thể tạo lập một hệ thống quy hoạch hợp lý và quản lý quy hoạch có hiệu quả, trước tiên chúng ta phải thống nhất quan điểm cơ bản của vấn đề quy hoạch trong nền kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam và tiếp thu nhanh chóng nội dung của nó để có được những định hướng và những hành động cụ thể trong việc tạo lập các dự án quy hoạch kinh tế xã hội và quản lý phát triển không gian đô thị.

     Việc làm này ta tiến hành rất chậm và chưa mạnh dạn trong việc đổi mới và cải cách về thực hiện phương pháp, nhận thức và hành động, trong việc chỉ đạo của chính quyền cũng như trong nhận thức của cán bộ chuyên môn.

     Hệ thống quy hoạch hợp lý và có hiệu quả là phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội, phát triển trong nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa ở những nội dung cơ bản. Hình thức và giải pháp thực hiện các mục tiêu đó là nhằm gạt bỏ trở ngại và phát huy các động lực phát triển ở đô thị.

    Hệ thống quy hoạch được hiểu là hàng loạt vấn đề về đô thị được cụ thể hóa theo sự phân cấp, phân hạng về quy mô, thời gian và tính chất của từng loại đồ án quy hoạch tránh sự chồng chéo lẫn nhau, mà phải thể hiện tính hợp nhất đa ngành và tính hành động hiệu quả trong từng loại đồ án từ quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đến dự án đầu tư xây dựng.

     Những chính sách đổi mới và sự hình thành nền kinh tế thị trường với nhu cầu tạo mức tăng trưởng cao, các vấn đề về phát triển đô thị do các thành phần tư nhân đưa ra chủ yếu là dựa trên phân tích lợi nhuận chứ không phải hoàn toàn dựa trênnhu cầu phục vụ xã hội (mặc dù ở khía cạnh nào đó không thể bỏ qua bởi lẽ chính nhu cầu xã hội là cơ sở để tăng nhanh lợi nhuận). Vì vậy, các đô thị già, các nhà quy hoạch và quản lý đô thị phải tạo lập được một thể chế thích hợp cho việc lập các quy hoạch kiểm soát phát triển trong nền kinh tế thị trường.

    Tuy nhiên người ta cũng dễ nhận thấy rằng chính bản thân và bản chất của các đồ án quy hoạch cũng cần được điều chỉnh để thích hợp với cách thức hoạt động của nền kinh tế thị trường. Thành phần kinh tế tư nhân không hoạt động theo phương thức tập thể cũng như không hoạt động theo công thức nhà nước quy định theo định hướng xã hội chủ nghĩa và dịch vụ xã hội đơn thuần của kiểu bao cấp. Đây chính là mấu chốt của vấn đề, đô thị đó cần xem xét không chỉ quy định kiểm soát phát triển mà cả bản chất của các bản quy hoạch, vì các quy định kiểm soát chính lại là xuất phát từ đó mà ra.

     Đà Nẵng một thành phố trẻ và đầy năng động sáng tạo. Nhưng để hướng tới một đô thị kiểu mẫu văn minh bền vững. Đà Nẵng cần nghiên cứu và đề xuất cho hệ thống quy hoạch và kiểm soát phát triển như:

    – Vấn đề dân cư và quy mô tối ưu cho thành phố trước mắt và lâu dài để xác lập hệ thống dân cư hợp lý trong quy hoạch vùng đô thị.

     – Vấn đề kiểm soát phát triển với hệ thống quy hoạch và các kế hoạch hành động cho đô thị và từng khu vực trong từng thời gian bằng giải pháp quy hoạch chiến lược và đầu tư đa ngành trong quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị.

     – Kiểm soát hướng phát triển đúng đắn của đô thị thông qua cơ cấu quy hoạch phát triển các khu dân cư, cơ cấu quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông chính của thành phố về tất cả các loại như đối nội, đối ngoại, giao thông nhanh trong thành phố và lân cận, các phương tiện giao thông công cộng và giao thông cá nhân…

     – Kiểm soát việc sử dụng đất đai xây dựng đúng hướng, đúng mục tiêu sử dụng, lâu dài, bền vững phải được chỉ đạo tốt trong việc lập quản lý chi tiết các khu vực đô thị, trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường đô thị.

     – Thiết lập hệ thống kiểm soát phát triển là nhiệm vụ của chính quyền thành phố, nhằm đảm bảo cho việc triển khai quy hoạch tổng thể thành phố cũng như bổ sung cho phù hợp với nhu cầu luôn thay đổi của nền kinh tế thị trường và sự phát triển của cộng đồng.

    – Cần thiết phải chỉ đạo cho việc lập quy hoạch chi tiết khu vực đô thị phát triển thành các quy định kiểm soát phát triển cụ thể của từng khu vực đô thị.

     Thành phố Đà Nẵng đang trên đà phát triển mạnh không thể không có một hệ thống quy hoạch và kiểm soát phát triển hợp lý ngay từ bay giờ.

NGND. GS. TSKH Nguyễn Thế Bá

Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

 

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …