Home / TIN TỨC-SỰ KIỆN / Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong vai trò của Hội

Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong vai trò của Hội

         Hiện nay, cùng với sự phát triển của cả nước, Đà Nẵng đang nổi lên như là một đô thị hiện đại đáng sống, là đô thị hạt nhân của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trong quá trình đô thị hóa, phát sinh nhiều vấn đề về xã hội, môi trường, quy hoạch… Thêm vào đó, thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Những vấn đề đó đòi hỏi trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố cần cân nhắc, lựa chọn những phương án tối ưu mang lại hiệu quả tối đa, nhưng tác động đến môi trường và xã hội phải tối thiểu. Muốn vậy đòi hỏi phải có sự tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của nhiều tổ chức, nhiều hội nghề nghiệp có liên quan đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

       Về mặt pháp lý, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2002, về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và được chỉnh sửa, bổ sung thay thế bằng Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 02 năm 2014. Cùng với đó, UBND thành phố Đà Nẵng cũng ban hành Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội triển khai trên địa bàn thành phố. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thể được hiểu: Tư vấn là hoạt động cung cấp tri thức, kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cùng với sự phân tích, đánh giá, kiến nghị cho cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền; Phản biện là hoạt động đưa ra nhận xét, đánh giá, phê bình và các khuyến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu và các điều kiện đã quy định hoặc thực trạng đặt ra; Giám định là hoạt động xác định tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi của đề án hoặc một vấn đề, một sự việc cụ thể. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được thực hiện trên cơ sở khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan và không vì mục đích lợi nhuận. Nhằm giúp cho Đảng, Nhà nước (mà cụ thể đây là Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng) có thêm thông tin, căn cứ trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và quyết định đưa vào thực hiện đối với các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, về chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đối với Hội Xây dựng là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố.

       Là một tổ chức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, trong những năm qua, Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã thấy được vai trò của mình, tích cực tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhiều công trình, dự án lớn trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố bền vững. Hiện nay, với 29 chi hội, 02 Công ty thành viên, tổng số 517 hội viên quy tụ những Kỹ sư, Kiến trúc sư thuộc lĩnh vực chuyên ngành Xây dựng, Kiến trúc, Quy hoạch đang công tác tại Sở, Ban Ngành, quận, huyện, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng có đội ngũ đông và mạnh, đủ năng lực tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, để nắm bắt được nguyên tắc và trình tự tham gia hoạt động tư vấn và phản biện xã hội, Hội đã gửi hội viên tham gia chương trình tập huấn tư vấn, phản biện và giám định xã hội do Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức để học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tham gia phản biện.

        Trong thời gian qua, Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã tham gia nhiều hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với nhiều công trình lớn, có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Cụ thể: Phương án quy hoạch cảnh quan 2 bờ sông Hàn do Sở Xây dựng chủ trì; Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án: “Cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc” của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố; Góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật “Quyết định về quản lý Nhà nước với các tổ chức Hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”….Những ý kiến của Hội được Lãnh đạo thành phố đánh giá cao, góp phần điều chỉnh những mặt còn hạn chế, thiếu sót của các dự án.

       Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhìn nhận thực tế quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng thấy còn không ít khó khăn, hạn chế, đó là:

       Thứ nhất, mặc dù cơ chế chính sách, các văn bản hướng dẫn về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các cấp khá đồng bộ. Song do một số cơ quan, đơn vị còn chưa nhận thức đầy đủ về mục đích của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thêm cơ sở, luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định, phê duyệt để thực hiện có hiệu quả đối với các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án, dự án trong thực tiễn. Nên còn chưa chủ động phối hợp đề xuất, kiến nghị xem xét tư vấn, phản biện đối với các nhiệm vụ thuộc diện bắt buộc phải có ý kiến tư vấn, phản biện của Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng, vấn đề này không chỉ xảy ra đối với cấp Hội thành phố mà cũng là vấn đề đối với Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.

      Thứ hai, đội ngũ trí thức của Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng tuy số lượng và chất lượng đã được nâng lên, nhưng còn thiếu các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực quan trọng hiện nay: quy hoạch cảnh quan, thoát nước đô thị, công trình ngầm, vật liệu mới…..; một số các Bộ Khoa học có kinh nghiệm, từng kinh qua nhiều vị trí trong công tác, khi nghỉ hưu vì những lý do khác nhau chưa tích cực tham gia… Do đó mức độ tập hợp, lựa chọn chuyên gia tham gia các hội đồng tư vấn, phản biện còn gặp những khó khăn nhất định.

       Thứ ba, các Chi hội cơ sở trong công tác của mình cũng chưa chú trọng đến nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội để có những đề xuất lên Hội thành phố.

       Thứ tư, các Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Thường trực Hội hoạt động chủ yếu là kiêm nhiệm, còn dành ít thời gian tham gia đề xuất triển khai các nhiệm vụ tư vấn, phản biện.

       Từ những những cơ sở khoa học và thực tiễn nêu trên, để hoạt động tư vấn, phản biện và giám định của Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng phát huy được hiệu quả trong thời gian đến cần thực hiện một số giải pháp:

       Một là: Cần phổ biến các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các cấp đến với các tổ chức, cá nhân có liên quan thấy được sự cần thiết cần có tư vấn, phản biện đối với các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm của thành phố trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định;

       Hai là: Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng cũng cần tuyên truyền, nêu cao vai trò của các Chi hội thành viên, hội viên trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, để mỗi Chi hội, hội viên thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác này.

       Ba là: Xây dựng tiêu chuẩn và ban hành danh sách chuyên gia để gửi tham gia các hội đồng phản biện, đồng thời đây cũng là các hạt nhân trong việc nêu vấn đề đến các Chi hội cơ sở, các hội viên và chốt nội dung tham gia của Hội để gửi ý kiến đến các tổ chức, cá nhân cần góp ý.

       Bốn là: Đề xuất với các cấp về quy định cụ thể chế độ chi trả thù lao mang tính khuyến khích, động viên đối với những chuyên gia tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

      Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, những hạn chế và đề ra một số giải pháp khắc phục, hy vọng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Hội Xây dựng thành phố Đà nẵng trong thời gian tới sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần trong việc xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững./. 

                                                                                                                      TS. Đặng Khánh An
                                                                                              UVTT Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng

                                                                                                                     ĐTPT số 67/2017

Check Also

images1717334_Dai_hoi_5_3_copy

Đồng hành xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái, hiện đại

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh (thứ 3, từ trái sang) …