Home / QUẢN LÝ ĐÔ THỊ / NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG KHI XÁC ĐỊNH QUY MÔ DÂN SỐ CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2030

NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG KHI XÁC ĐỊNH QUY MÔ DÂN SỐ CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2030

Ngày 15.3.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 359/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Quyết định 359/QĐ-TTg là một văn bản pháp lý quan trọng giúp thành phố định hình mô hình phát triển đô thị trong tương lai, là cơ sở để xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong các thành phố hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung theo NQ 43 của Bộ Chính trị. Trong lần điều chỉnh quy hoạch này, quy mô dân số dự báo cho năm 2030 là 1,56 triệu người, cộng thêm khách du lịch quy đổi là 1,79 triệu người, so với quy mô dân số là 2,3 triệu người và 2,6 triệu người được dự báo cho năm 2030 trong Quyết định số 2357/2013/QĐ-TTg, quyết định lần này điều chỉnh giảm khoảng 740 ngàn người. Kể từ quyết định điều chỉnh quy hoạch đầu tiên vào năm 2002 ( quyết định số 465/2002/QĐ-TTg), đây là lần đầu tiên quy mô dân số được cân nhắc điều chỉnh giảm trên cơ sở tính toán khá kỹ lưỡng dựa vào số liệu thống kê tốc độ tăng dân số hàng năm giai đoạn 1998-2019, đặc biệt là thực tế giảm sút tăng dân số cơ học giai đoạn 2015-2020 do ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, các chính sách đối với người nhập cư và tốc độ phát triển kinh tế trong khu vực.

Theo tính toán tại Quyết định 359/QĐ-TTg, để tăng dân số từ 1,17 triệu người năm 2020 lên 1,56 triệu người năm 2030 thì tỷ lệ tăng dân số giai đoạn 2021-2030 phải đạt là 2,9%/năm, trong đó tăng tự nhiên là 1,05%/năm, tăng cơ học khoảng 1,85%/năm, trong khi dự báo tại quyết định Quyết định số 2357/2013/QĐ-TTgtỷ lệ tăng dân số giai đoạn 2021-2030 phải đạt là 5,5%/năm, trong đó tăng tự nhiên là 1,0%/năm, tăng cơ học khoảng 4,5%/năm.Dự báo tăng dân số tự nhiên khoảng 1- 1,05%/năm là dự báo khả thi, vì theo số liệu thống kê tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hầu như không thay đổi trong vòng 20 năm qua, dao động quanh ngưỡng từ 1,0-1,2%, nhờ kết quả của chính sách dân số. Tuy nhiên dự báo tốc độ tăng dân số cơ họckhoảng 4,5%/nămlà không khả thi trong bối cảnh tốc độ tăng dân số của thành phố đang giảm dần. Giai đoạn 2001-2009, tốc độ tăng dân số cơ học là 1,71% và giai đoạn 2010-2019 là 1,05%, riêng giai đoạn 2015 – 2019 chỉ còn 0,52%.

Việc điều chỉnh giảm quy mô dân số đến năm 2030 tại Quyết định 359/QĐ-TTg, dựa trên việc điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng dân số cơ học từ 4,5%/năm tại Quyết định số 2357/2013/QĐ-TTg xuống còn 1,85%/năm trên cơ sở đánh giá các nhân tố ảnh hưởngđếntỷ lệ tăng dân số cơ học.

Trước hết, là do ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hầu hết người nhập cư vào đô thị hay người xuất cư khỏi đô thị đều vì việc làm và thu nhập. Khi kinh tế phát triển, cơ hội tìm việc làm dễ dàng hơn và đem lại thu nhập cao hơn sẽ là lực hút lao động nhập cư làm cho dân số cơ học tăng lên và ngược lại. Biểu đồ thống kê số liệu từ 1998 đến 2019 dưới đây ( Hình 1) cho thấy :  Tỷ lệ tăng dân số cơ học có liên quan mật thiết với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 1998 -2010 GRDP của thành phố tăng nhanh, luôn ở mức hai con số, và đạt giá trị cao nhất vào 2010 là 12,02%, tỷ lệ tăng dân số cơ học tăng cùng chiều với tốc độ tăng GRDP và rất thú vị tỷ lệ này tăng đột biến, đạt giá trị lớn nhất vào năm 2010 là 3,76% gấp 3,2 lần tốc độ tăng trung bình của cả giai đoạn trước đó và 3,7 lần tỷ lệ tăng dân số tự nhiên. Tuy nhiên giai đoạn 2011-2019 GRDP có xu hướng giảm tốc xuống dưới 2 con số, thậm chí các năm 2012, 2019 chỉ đạt 6,23% và 6,42%, bằng 50% tốc độ tăng GRDP của năm 2010 và tỷ lệ tăng dân số cơ học cũng giảm sâu, tỷ lệ tăng dân số cơ học trung bình cả giai đoạn 2011-2019 chỉ đạt 1.08% thấp hơn tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trung bình của giai đoạn (1,16%) và thậm chí có năm chỉ bằng 25% tỷ lệ tăng dân số tự nhiên. Lý giải cho hiện tượng này chính là việc làm và thu nhập. Quy mô nền kinh tế tăng chậm thì số lượng việc làm sẽ ít đi, năng suất lao động không tăng thì cũng không thể tăng thu nhập, thị trường lao động kém sôi động dẫn đến tỷ lệ tăng dân số cơ học giảm.516db8079171582f0160

       Thứ 2, ảnh hưởng của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch và định hướng chuyển sang các ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao, không thâm dụng lao động. Thống kê số liệu từ năm 2010- 2013 cho thấy số lượng lao động/doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ, du lịch nhỏ hơn 5 lần số lượng lao động/ doanh nghiệp trong khu vực công nghiệp và xây dựng, trong khi tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tăng từ 56,7%  năm 2010 lên 60,94%  năm 2013 và tỷ trọng công nghiệp xây dựng giảm tương ứng từ 40,3% xuống 36,13% dẫn đến số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động đến 31/12 hàng năm tăng chậm, thậm chí còn giảm vào năm 2013, mặc dầu số lượng doanh nghiệp vẫn tăng (Bảng 1). Số liệu này rất phù hợp với biều đồ hình 1, trong giai đoạn 2010-2013, tỷ lệ tăng dân số cơ học giảm.e7bfd0cbf9bd30e369acVới định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ sang khu vực dịch vụ, du lịch, tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng trong cơ cấu kinh tế giảm xuống, các khu công nghiệp chỉ được tập trung đầu tư phát triển ở giai đoạn 1997-2007, tổng cộng 6 khu, năm 1997 (3 khu), 2004 ( 2 khu) và 2007 (1 khu),từ 2008 đến nay có thêm khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp không phát triển tăng thêm. Trong giai đoạn 1997- 2005 và 2005-2010, số doanh nghiệp đăng ký vào khu công nghiệp tăng rất nhanh và phần lớn số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động dẫn tới lực lượng lao động tăng đột biến, là nguyên nhân góp phần làm cho tỷ lệ tăng dân số cơ học tăng nhanh. Tuy nhiên giai đoạn 2010- 2019 là giai đoạn số lượng khu công nghiệp và diện tích các khu công nghiệp không tăng thêm, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 80%dẫn tới tốc độ tăng số doanh nghiệp giảm xuống. Đồng thời các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi mô hình hoạt động sang sử dụng ít lao động dẫn tới số lao động trung bình/doanh nghiệp giảm làm cho tốc độ tăng lao động trong khu công nghiệp chậm lại (Bảng 2), thậm chí theo báo cáo của BQL Khu công nghiệp Đà Nẵng, giai đoạn 2015-2019 trong 3 năm liên tiếp 2016, 2017, 2018 số lượng lao động trong các khu công nghiệp không tăng chỉ dao động quanh mốc là 76.600 người.Như vậy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang hướng dịch vụ, du lịch, không ưu tiên phát triển công nghiệp, đặc biệt các ngành sản xuất thâm dụng lao động đã không thu hút được lao động nhập cư do hạn chế số lượng việc làm, do đòi hỏi lao động nhập cư cần có tay nghề, có trình đội chuyên môn để cạnh tranh với lao động địa phương dẫn tới làm tỷ lệ tăng dân số cơ học giảm.354751547822b17ce833

Thứ 3,ảnh hưởng bởi sự hạn chế lao động nhập cư từ khu vực lân cận. Báo cáo đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp tăng dân số cơ học trong quá trình đô thị hóa tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng thực hiện 2016 thể hiện ở biểu đồ dưới đây (Hình 2) cho thấy số người nhập cư vào Đà Nẵng đến chủ yếu đến từ tỉnh Quảng Nam, từ khu vực Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, một số ít đến từ khu vực Tây Nguyên.Biểu đồ hình cột với phần màu xanh mô tả dân sốnhập cư Đà Nẵng và phần màu đỏ mô tả dân số xuất cư khỏi Đà Nẵng. Các cột đượcvẽ theo từng đôi một. Mỗi đôi cột thể hiện dân số đến và đi khỏi Đà Nẵng của một tỉnhhay một số tỉnh. Giai đoạn 2004-2009 số lượng dân nhập cư từ các nơi vào Đà Nẵng cao hơn giai đoạn 2009-2014, trong khi số lượng xuất cư từ Đà Nẵng đi giai đoạn 2004-2009 nhỏ hơn giai đoạn 2009- 2014 dẫn tới tỷ lệ tăng dân số cơ học giai đoạn 2004-2009 tăng và giai đoạn 2009-2014 giảm.Một trong các nguyên nhân của hiện tượng này là do trong những năm gần đây hầu hết các địa phương trong vùng kinh tế đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam, trở thành các cực thu hút lực lượng lao động tại chỗ và từ các nơi, làm hạn chế lao động nhập cư vào Đà Nẵng.4bf6ec8bc5fd0ca355ec(Nguồn : Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng)

Thứ 4, ảnh hưởng do chính sách nhập cư. Công tác quản lý hành chính về di cư trong đô thị đều thực hiện thông qua việc đăng ký hộ khẩu. Nhằm giảm thiểu tình trạng nhập cư, tạm trú trên địa bàn các quận trung tâm, đồng thời từng bước giảm mật độ dân số, nâng cao chất lượng dân cư, chính quyền Đà Nẵng đã ban hành đề án phân bổ dân cư giai đoạn 2013-2020 bằng Nghị quyết số 29/2012/NQ-HĐND ngày 5/12/2012, với một loạt các giải pháp như tăng cường quản lý đăng ký thường trú, tạm trú và nhập cư, qui định mức phí thu giữa khu vực trung tâm và ngoại vi… Kết quả là giai đoạn 2015-2019, ở hai quận trung tâm, dân số tăng trưởng âm và theo báo cáo của UBND thành phố quy mô dân số của hầu hết các địa phương và trên toàn thành phố trong các năm 2015, 2020 đều thấp hơn dự báo. Cùng với chính sách về hộ khẩu, việc thực hiện đề án phân bổ dân cư đã nâng cao được chất lượng sống cho người dân đô thị, nhưng bên cạnh đó đã làm hạn chế lao động nhập cư, làm giảm tỷ lệ tăng dân số cơ học.

Thứ 5, ảnh hưởng từ hệ thống an sinh xã hội. Sự phát triển của hệ thống giáo dụcvà đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật đã biến Đà Nẵng trở thành một trung tâm cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Riêng lĩnh vực đào tạo đại học, cao đẳng, giai đoạn 1997-2009 số lượng các trường đại học, cao đẳng tăng từ 13 trường lên 23 trường với số sinh viên theo học từ 23,5 nghìn sinh viên năm 1997 tăng lên 92,613 nghìn sinh viên vào năm 2009, trung bình hàng năm có hơn 10 nghìn học sinh, sinh viên đến thành phố để bắt đầu quá trình học tập góp phần tăng tỷ lệ tăng dân số cơ học. Tuy nhiên giai đoạn 2009- 2019, số lượng các trường đại học, cao đẳng cơ bản ổn định, trong khi ở nhiều địa phương khác, nhiều cơ sở giáo dục đại học được thành lập mới, hệ thống an sinh xã hội phát triển mạnh theo đà phát triển kinh tế làm phân tán số lượng sinh viên, học sinh, dẫn tới tỷ lệ tăng dân số cơ học giảm.

Bên cạnh các nhân tố nêu trên các nhân tố khác như điều kiện địa lý, yếu tố văn hóa, con người, thời tiết và khi hậu cũng có ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng dân số cơ học nhưng không phải là những nhân tố quyết định. Trong 5 nhân tố ảnh hưởng nêu trên nhân tố tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa quyết định nhất. Mặc dầu đã điều chỉnh giảm dự báo tỷ lệ tăng dân số cơ học từ 4,5%/năm xuống còn 1,85%/năm nhưng các nhân tố ảnh hưởng nêu trên, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục sẽ trở thành những thách thức không nhỏ cho nỗ lực đạt được chỉ tiêu về quy mô dân số thành phố đến năm 2030, một chỉ tiêu quan trọng bậc nhất để xác lập cơ cấu sử dụng đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của đô thị, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 không chỉ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu mà còn dẫn tới sự chuyển dịch kinh tế thế giới. Việc đóng băng xã hội để cách ly tuyệt đối nhằm ngăn chặn bệnh dịch lây lan cũng đồng nghĩa với việc làm ngưng trệ sản xuất, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, đứt gãy dòng tài chính, dịch chuyển lực lượng lao động. Khả năng phục hồi, tốc độ phục hồi, ngành nghề kinh tế phục hồi và phát triển là những nội dung quan trọng cần được nghiên cứu, đánh giá khi xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế cho quy hoạch tỉnh sắp tới trong bối cảnh chúng ta sẽ chuyển trọng tâm sang “sống an toàn cùng F0”. Một số ngành nghề sẽ phải thu hẹp, các ngành yêu cầu lao động trình độ cao sẽ phát triển dẫn đến sự dịch chuyển lao động mạnh mẽ. Nắm vững và đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng của các nhân tố nêu trên sẽ giúp chúng ta có cơ sở để xây dựng các giải pháp nhằm đạt được chỉ tiêu về quy mô dân số cho năm 2030.

TS.Đặng Việt Dũng

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Check Also

nha

NHÀ Ở XÃ HỘI: KHÔNG ĐƠN GIẢN ĐỂ TRIỂN KHAI!

Nhà ở xã hội: Không đơn giản để triển khai! Chủ trương phát triển nhà …