Xây dựng đô thị thông minh đang là mục tiêu của nhiều đô thị trên thế giới, nhằm hướng đến sự phát triển hài hòa, tổng thể về mọi mặt của đô thị. Tuy còn nhiều chỉ số chi tiết khác nhau để đánh giá 1 đô thị thông minh, song phần lớn các chuyên gia thống nhất xác định 06 tiêu chí chính: (1) Cư dân thông minh, (2) Đi lại thông minh, (3) Môi trường sống thông minh, (4) Quản lý đô thị thông minh, (5) Cuộc sống thông minh, (6) Giao thông, liên lạc thông minh. Bài viết nêu lên một số thực trạng các đô thị Quảng Nam và các tiềm năng, kiến nghị trong lĩnh vực Quy hoạch xây dựng đô thị thông minh.
Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam nhìn từ trên cao
1. Thực trạng đô thị Quảng Nam
Trong khoảng từ năm 2010 đến nay, Quảng Nam là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa tương đối cao. Năm 2016, dân số đô thị toàn tỉnh đạt khoảng 360 ngàn người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 24,17%. Đến nay, toàn tỉnh có 17 đô thị, bao gồm 01 đô thị loại II, 01 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV và 14 đô thị loại V (trong đó có 01 đô thị loại V không phải là huyện lỵ là Hương An).
Đặc trưng đô thị Quảng Nam có xuất phát điểm là trung tâm hành chính – chính trị cấp huyện, qua quá trình xây dựng và phát triển, kinh tế đô thị ngày càng phát triển bền vững, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng sang dịch vụ (như Hội An, Tam Kỳ) và công nghiệp (như Điện Bàn, Núi Thành); hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đang từng bước được xây dựng và hoàn thiện; về cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu, tiêu chuẩn theo quy định về cấp loại đô thị.
Tuy nhiên, quá trình phát triển mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại hạn chế như công tác xây dựng và quy hoạch đô thị còn chưa đồng bộ, phù hợp với thực tiễn; định hướng phát triển đô thị chưa rõ nét, chủ yếu tập trung cho việc đầu tư mở rộng đô thị, phát triển trung tâm hành chính cấp huyện, chưa đa dạng các loại hình phát triển dịch vụ đô thị. Chất lượng đô thị, nhất là các đô thị phía Tây còn thấp, nếp sống văn minh đô thị còn nhiều bất cập.
Thêm vào đó, Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng có điều kiện hạ tầng và tiếp cận ứng dụng khoa học và công nghệ thấp. Đặc biệt trong các lĩnh vực như sử dụng năng lượng, giao thông, y tế, môi trường, cơ sở hạ tầng, giáo dục,… là các yếu tố cơ bản để xây dựng, đánh giá một đô thị thông minh.
2. Trong công tác Quy hoạch xây dựng, Quảng Nam đã thực hiện tương đối đầy đủ các định hướng, quy hoạch, chương trình phát triển, song tiêu chí về đô thị thông minh còn chưa được quy định rõ ràng, cụ thể.
Việc định hướng phát triển đô thị song song cả về chất và lượng, xây dựng các đô thị phát triển hài hòa được xác định nhất quán, xuyên suốt trong công tác quy hoạch của tỉnh Quảng Nam. Kết luận số 38/KL-TU của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XXI về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 đã xác định: “Ngoài công tác hoàn thiện hạ tầng đô thị, kiên trì quản lý và phát triển đô thị theo mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, dần hình thành các đô thị có bản sắc.”
(1) Tỉnh Quảng Nam đã thiết lập tương đối dầy đủ hệ thống các cơ sở để quản lý phát triển đô thị như: Quy hoạch xây dựng vùng: vùng tỉnh, liên huyện, vùng huyện; Quy hoạch chung các đô thị (100% các đô thị được lập QHC, hoặc đang điều chỉnh); Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, chương trình phát triển các đô thị.
Tuy nhiên, các định hướng, quy hoạch, chương trình trên vẫn chủ yếu dừng lại ở việc đáp ứng các chỉ tiêu, tiêu chuẩn về cấp loại đô thị theo quy định của Việt Nam. Chưa có những quy định bắt buộc và có hệ thống nhằm hướng đến việc xây dựng và hình thành các đô thị thông minh.
(2) Triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, hướng đến tích hợp để quản lý đa ngành. Tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt và triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “ứng dụng GIS trong quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.
Đây là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng một công cụ quản lý thông minh trong lĩnh vực Quy hoạch xây dựng, với các mục tiêu cụ thể:
+ Xây dựng cấu trúc cơ sở dữ liệu GIS về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng;
+ Xây dựng phần mềm Quản lý thông tin quy hoạch ứng dụng công nghệ GIS với các chức năng cần thiết, tiệm cận với các mục tiêu, giải pháp của đô thị thông minh.
Đô thị Tam Kỳ đã được xây dựng khang trang, hiện đại sau 20 năm Quảng Nam tái lập tỉnh
3. Một số đô thị Quảng Nam có tiềm năng và đã được quy hoạch, định hướng phát triển gần với một số tiêu chí của đô thị thông minh
Tuy chưa có quy định cũng như sự thống nhất trong chi tiết của các chỉ số cụ thể, song so sánh với 06 tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh; có thể thấy một số đô thị Quảng Nam có tiềm năng và đã được quy hoạch, định hướng phát triển gần với một số tiêu chí của đô thị thông minh.
+ Đô thị Tam Kỳ: Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 của công ty Niken Sekkei Civil Engineering Nhật Bản thực hiện vừa đạt giải tác phẩm xuất sắc nhất tại Việt Nam của kiến trúc sư nước ngoài trong cuộc thi Giải thưởng kiến trúc quốc gia Việt Nam năm 2014. Đây là công trình được đánh giá mang tính chiến lược, quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn theo hướng khai thác gắn liền với gìn giữ môi trường, cảnh quan tự nhiên, giải quyết tốt các ài toán xung đột trong phát triển vì các lợi ích trước mắt. Tổ chức Định cư con người Lien Hiệp Quốc tại Châu Á (UN Habitat châu Á) cũng đã trao tặng thành phố Tam Kỳ giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2015”, nhằm mục đích đề cao và tôn vinh những nỗ lực to lớn của các thành phố châu Á đối với sự phát triển và sáng tạo của một thành phố đẹp, hiền hòa, an toàn và bền vững trong khi vẫn đề cao giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.
+ Đô thị Hội An: Trải qua chiều dài phát triển, định hướng phát triển Hội An luôn giữ một cách ổn định xuyên suốt là phát triển bền vững trên nền thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch. Hiện nay, thành phố đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch với tầm nhìn tương lai “Thành phố chuyển hóa từ văn minh sang văn hóa”, với nhiều giải pháp xanh thông minh, qua đó thúc đẩy xây dựng đô thị phát triển bằng nguồn lực nội tại, xây dựng đô thị Hội An lưu giữ tối đa các “nét riêng” hiện nay.
+ Khu Kinh tế mở Chu Lai: Việc điều chỉnh ranh giới quy hoạch theo quyết định số 32/2017/QĐ-TTg, Khu Kinh tế mở Chu Lai được mở rộng về cả hai hướng Tây và Bắc, với phần lớn diện tích mở rộng thuộc huyện Thăng Bình là vùng phát triển hoàn toàn mới, là một cơ hội để hoạch định tiến tới xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai theo các tiêu chí đô thị thông minh.
+ Một số các khu vực đô thị hình thành mới khác như Làng Đại học Đà Nẵng, khu đô thị Nam Hội An với mức độ đầu tư lớn, đồng bộ, thành phân dân số cư trú dự kiến có trình độ cao… cũng là các khu vực có ưu thế trong việc áp dụng các tiêu chí đô thị thông minh.
4. Một số kiến nghị trong xây dựng đô thị thông minh ở Quảng Nam
(1) Cần xây dựng các tiêu chí phân loại, đánh giá, công nhận các mô hình đô thị thông minh tại Việt Nam.
(2) Thúc đẩy quản lý đô thị theo tư duy đa ngành, đảm bảo sự phối hợp giữa chính quyền đô thị với các Sở ban ngành của tỉnh và cơ quan Trung ương.
(3) Xem xét lựa chọn Quảng Nam làm thí điểm mô hình đô thị thông minh. Với những đô thị có thương hiệu đã được khẳng định như đô thị di sản Hội An, hay Tam Kỳ – thành phố phong cảnh châu Á là những tiền đề quan trọng và hấp dẫn để lựa chọn.
(4) Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ các kinh nghiệm thực hành và các giải pháp ứng dụng về công nghệ, quản lý trong các đô thị thông minh.
(5) Tiếp tục, kiên trì các giải pháp đô thị xanh, đô thị sinh thái.
Quy hoạch đô thị thông minh là tiền đề, cơ sở quan trọng trong xây dụng đô thị thông minh. Cần giữ vững nguyên tắc duy trì, khôi phục và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, cấu trúc cảnh quan đặc trưng. Việc áp dụng công nghệ thông minh giúp tăng giá trị sinh hoạt cộng đồng và bản sắc cho đô thị, tránh làm đô thị trở nên máy móc, vô hồn giống nhau.
Tài liệu tham khảo:
1. Tỉnh ủy Quảng Nam, Kết luận 38/KL-TU kết luận Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XXI về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020.
2. Trần Ngọc Chính, Thành phố thông minh – Phát triển đô thị thông minh của Việt Nam.
3. Nguyễn Minh Hòa, Đô thị thông minh: những chiều kích và hệ quả khác nhau.
4. Nguyễn Ngọc Hiếu 2016, Thành phố thông minh và vấn đề quản lý phát triển đô thị.
5. Vương Đình Huy, Các khung chỉ số đánh giá đô thị thông minh và khả năng áp dụng tại Việt Nam.
6. Ngô Viết Nam Sơn, 2016, Định hướng chiến lược quốc gia về phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Ths. NGUYỄN PHÚ
Giám đốc Sở xây dựng Quảng Nam
(Đô thị & Phát triển số 76 – 77/2019)