Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / TIN VẮN / Nâng cao hiệu quả quản lý về các hoạt động xây dựng

Nâng cao hiệu quả quản lý về các hoạt động xây dựng

Bài tham luận Hội nghị đánh giá tình hình nhiệm vụ năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành xây dựng ngày 16.1.2018 của ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng Hội XDVN

Toàn văn bài tham luận:

Thay mặt Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, cảm ơn Bộ Xây dựng đã mời dự và được tham luận tại Hội nghị “Đánh giá tình hình nhiệm vụ năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành xây dựng”.

Qua báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018 do lãnh đạo Bộ trình bày, chúng tôi vui mừng về những kết quả ngành xây dựng đã đạt được trong năm 2017 góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2017 do Quốc hội đề ra.

Thành quả đó có được là do sự nỗ lực lao động của hàng triệu cán bộ công nhân viên chức người lao động làm việc ngày đêm trên các công trường xây dựng trong cái nắng gắt gao của mùa hè, cái lạnh giá buốt của mùa đông khắc nghiệt. Những người lao động ngành xây dựng chúng ta trong đó có hàng vạn hội viên Tổng Hội Xây dựng Việt Nam ở các hội ngành ở Trung ương cũng Hội Xây dựng các Tỉnh, Thành trên cả nước có quyền tự hào về sự đóng góp công sức của mình để có hàng chục triệu đã góp phần quan trọng vào công cuộc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cải thiện đời sống của người dân. Một điều đáng mừng các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã dành nhiều kinh phí đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới đã làm chủ và nhận nhiều công trình các dự án đòi hỏi trình độ cao, quy mô lớn như: nhà cao tầng, thi công tầng hầm, ngầm xuyên núi, hệ Cầu dây văng, đúc hẫng dầm cầu, tổng thầu EPC nhiều công trình điện, xi măng, hóa chất, dàn khoan dầu khí… Đẩy mạnh tiến độ thi công đạt chất lượng cao hạ giá thành sản phẩm và an toàn, chiếm lĩnh và cạnh tranh thị trường.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được chúng ta còn nhiều tồn tại, yếu kém như trong báo cáo tổng kết đã nêu lên cần tập trung khắc phục trong đó có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động xây dựng góp phần quyết định vào việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng (hiện đang chiếm tỷ trọng vốn đầu tư 30-35% GDP của nền kinh tế) – và chống thất thoát lãng phí trong đầu tư – xây dựng.

Với góc độ của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp sau:

  1. Công tác xây dựng Pháp luật hoàn thiện thể chế năm qua Bộ đã triển khai nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về mọi hoạt động xây dựng. Tuy nhiên trong quá trình đưa luật vào cuộc sống còn nhiều vấn đề cần sửa đổi điều chỉnh bổ sung đặc biệt theo tinh thần đổi mới, cải cách hành chính phát huy tối đa sức mạnh của xã hội thông qua các tổ chức, cá nhân, tổ chức xã hội nghề nghiệp… trên tinh thần nhà nước kiến tạo, nhân dân thực hiện đảm bảo sự quản lý của nhà nước có hiệu quả nhưng trao quyền và tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng (như các dịch vụ công, cấp chứng chỉ, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thông tin, thẩm tra thẩm định dự án, thiết kế, đơn giá xây dựng…). Vì vậy với trách nhiệm được giao, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động xây dựng cần tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì soạn thảo hoặc trình Chính phỉ ban hành hoặc tự ban hành còn chưa phù hợp (như vấn đề thẩm định dự án, thiết kế, giá công trình, cấp phép, cải tạo chung cư cũ, nhà ở xã hội, các chế tài xử lý vi phạm, chuyển giao dịch vụ công cho tổ chức xã hội nghề nghiệp…) trên cơ sở tổng kết, tập hợp các kiến nghị của tổ chức cá nhân trong đó có các kiến nghị của tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Ngoài các văn bản quy định pháp luật do Bộ Xây dựng giao chủ trì hiện còn nhiều quy định pháp luật có liên quan, trực tiếp đến hiệu quả hoạt động xây dựng như: Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Môi trường, Luật Phòng cháy Chữa cháy… trong quá trình đi vào cuộc sống cần phải được sửa đổi, bổ sung, đề nghị Bộ với chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, là thành viên Chính phủ, có hình thức thích hợp để tập hợp ý kiến kiến nghị kịp thời sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật không phù hợp đang làm giảm hiệu quả hoạt động của xây dựng gây thất thoát lãng phí rất lớn như:

  • Công tác thu hồi đền bù giải phóng mặt bằng trong Luật Đất đai và Nghị định Thông tư hướng dẫn. Đặc biệt là việc thu hồi đất cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế, thu hồi đất cả các loại đất được quy định trong Điều 62 của Luật Đất đai mà “không thật sự cần thiết”… và mục tiêu không rõ vì mục đích quốc gia công cộng như điều 57 Hiến pháp 2013 quy định.
  • Công tác thẩm định các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và kiểm toán hiệu quả đầu tư (Đầu tư tràn lan, không hiệu quả…)
  • Quy định pháp luật về dự án BOT, BT, dự án BOT đã có nhiều ý kiến. Riêng dự án BT theo cách làm hiện nay đang gây thất thoát rất lớn (giao đất không đấu giá, giao dự án đầu tư không đấu thầu). Gần đây, TP.HCM đã rất quyết liệt dừng toàn bộ các dự án BT theo phương thức cũ đổi đất lấy hạ tầng. Thay vào đó là sửa đổi lại quy trình thực hiện dự án BT theo nguyên tắc phải đấu giá, dự án phải đấu thầu chống thất thoát lãng phí. Cần phải có quy định chi tiết tại Nghị định 15/NĐCP về hình thức Công – Tư theo hướng cấm hình thức giao đất không đấu giá, xây dựng không đấu thầu.
  • Luật Đấu thầu và các Nghị định Thông tư kèm theo còn nhiều kẽ hở, dẫn đến chỉ định thầu tràn lan (kể cả dự án BOT chỉ có một dự án đấu thầu)…
  1. Công tác Quy hoach và Quản lý Quy hoạch

2.1 Tập trung nguồn nhân lực, nguồn kinh phí lập và duyệt quy hoạch phân khu đặc biệt là quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị (hiện mới đạt chưa đến 40%) và công khai minh bạch tạo điều kiện quản lý và triển khai thực hiện, chống được cơ chế xin-  cho trong cấp phép xây dựng. Thậm chí bỏ việc xin cấp phép xây dựng đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 như hiện nay TP.HCM đang thực hiện thí điểm phương thức đăng ký xây dựng: Tổ chức, cá nhân khi có đủ thông tin về quy hoạch chi tiết 1/500 hay thiết kế đô thị họ sẽ có căn cứ để lập dự án đăng ký xây dựng mà cần xin phép (vì đã có đủ các tiêu chí: chỉ giới đỏ, mật độ xây dựng, chiều cao xây dựng…).

Đối với các quy hoạch tiểu khu, phân khu cần được tập trung làm dứt điểm tuân theo quy hoach chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điển hình là quy hoach chung Hà Nội đã được duyệt từ năm 20111 mà đến nay nhiều khu vực vẫn chưa lập và duyệt quy hoạch phân khu gây nhiều tranh luận, bức xúc như ga Hàng Cỏ, triển lãm Giảng Võ… (dự kiến làm nhiều nhà cao 40 – 70 tầng không phù hợp với quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong khi quy hoach chung yêu cầu giảm dần từ 1,2 triệu xuống 80 vạn trong 4 quận nội thành theo đó là giảm chiều cao, mật độ xây dựng).

2.2 Công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch có nhiều bất cập công trình xây dựng sai phép không phép còn khá phổ biến, các công trình siêu nhỏ siêu méo còn mọc lên rất nhiều trong ngõ xóm và các con đường mới mở. Đề nghị thanh tra xây dựng các cấp cần tăng cường quản lý xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm, trong đó cần thực hiện nghiêm NĐ mới 139/NĐCP ngày 23/11/2017 bỏ hẳn phương thức phạt cho tồn tại. Cương quyết tháo dỡ công trình trái phép và sai phép.

  1. Vấn đề quản lý phát triển nhà ở

Năm 2017 lĩnh vực phát triển nhà ở đã đạt được những kết quả khá cao như báo cáo tổng kết đã nêu. Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế còn nghèo bình quân GDP đầu người còn thấp nhu cầu nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội còn rất lớn cần có cơ chế chính sách giải pháp ổn định lâu dài và lộ trình thực hiện. Tại hội nghị này chúng tôi xin kiến nghị với Bộ và Chính phủ một số ý kiến giải pháp thuộc cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện như sau:

3.1 Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định về nhà ở cho thuê.

3.2 Trong điều kiện thị trường bất động sản nhà ở thương mại phát triển rất nhanh đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu trình chính Chính phủ ban hành nghị định mới về phát triển nhà ở xã hội theo hướng thu hẹp đối tượng nhà ở xã hội chuyển hoàn toàn sang cơ chế thị trường nhà ở thương mại giá rẻ. Nhà nước chỉ điều tiết theo dự án Quy hoạch bắt buộc dành tỷ lệ % theo số lượng căn hộ diện tích nhỏ (25-40 m2) giá rẻ (Căn hộ giá rẻ được hiểu là căn hộ có diện tích nhỏ, tang thiết bị nội thất vừa phải) trong khu, cụm, tiểu khu đô thị, đồng thời nhà nước không miễn giảm bất cứ kinh phí nào cho chủ đầu tư (tiền sử dụng đất, miễn thuế, vay lãi suất thấp…) để thị trường cạnh tranh bình đẳng, xóa bỏ có chế 2 giá (giá thương mại và giá nhà ở được phê duyệt theo cơ chế xin – cho dễ phát sinh tiêu cực) xóa bỏ cơ chế giao chủ đầu tư phê duyệt bán cho các đối tượng phải xin nhiều thủ tục phiền hà, tiêu cực.

Mọi khoản miễn giảm Nhà nước thu về cộng với khoản đầu tư của nhà nước và nguồn thu khác tập trung vào quỹ nhà ở xã hội và dành quỹ này cho vay hoặc bù lãi suất cho vay lãi suất thấp vào thời gian dài (10-20 năm) trực tiếp cho đối tượng nhà ở xã hội.

Đây là phương thức mà hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng thành công nhiều năm qua.

3.3 Đổi mới cơ chế chính sách trong cải tạo xây dựng mới khi nhà ở chung cư cũ.

Đây là vấn đề lớn đã phải đưa vào quy định trong Luật Nhà ở, nhà nước và các địa phương đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách để triển khai. Tuy nhiên, tiến độ cải tạo xây dựng mới chung cư cũ hết sức chậm chạp mới đạt chưa tới 2% (chủ yếu mới làm được 1 ít nhà ở mặt tiền, vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố và với điều kiện được phép tăng diện tích, số căn hộ tăng chiều cao để có số lượng dôi dư bán tự do giá cao đem lại lợi nhận cho chủ đầu tư dẫn đến tăng dân số gây ách tắc giao thông không đạt được yêu cầu giảm dân số trong nội đô. Trong khu chung cư cũ đang xuống cấp nhiều chung cư ở vào tình trạng báo động nguy cơ đổ vỡ mất an toàn. Vì vậy đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố cần có các giải pháp kinh tế và chỉ đạo điều hành mới có thể đẩy mạnh tiến độ xử lý cải tạo phá dỡ xây dựng mới các khu nhà ở chung cư cũ. Chúng tôi đề nghị:

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc phá dỡ, cải tạo xây dựng nhà chung cư cũ bởi vì lý do lich sử để lại đại đa số cư dân sống ở chung cư cũ là các cán bộ lão thành cách mạng, người có công, chiến sỹ thi đua, là cán bộ công nhân viên chức lâu năm có nhiều thành tích đóng góp cho đất nước, nay họ không có điều kiện kinh tế để chuyển đổi chỗ ở mới. Họ chính là đối tượng nhà ở xã hội đặc biệt cần được quan tâm, theo nguyên tắc:

  • Nhà nước lập dự án đồng bộ cải tạo toàn khu vực theo hướng xây dựng tiểu khu đô thị đa năng.
  • Dành một khoản kinh phí thỏa đáng từ ngân sách nhà nước cho đầu tư, cải tạo, phá dỡ xây dựng mới nhà chung cư cũ.
  • Ưu tiên dành quỹ đất lân cận các khu nhà chung cư cũ gồm các khu đất vàng do cơ quan, nhà máy… Có chủ trương di dời khỏi trung tâm để xây dựng trước các khu nhà chung cư mới phục cho việc có ngày nhà ở tái định cư một lần, không phải tạm cư cho cư dân. Sau đó sẽ phá dỡ toàn bộ khu chung cư cũ cần phá dỡ, xây dựng tiểu khi đô thị đa năng mới theo quy hoạch theo hình thức cuốn chiếu (Ví dụ: như khi Giảng Võ Thành Công, khu Thanh Xuân…). Số căn hộ dôi dư chỉ bán cho đối tượng đang ở nhà chung cư phải phá dỡ quá chật chội và các đối tượng hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án.
  1. Đẩy mạnh việc phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành xây dựng từ lĩnh vực quản lý, tư vấn khảo sát thiết kế đến công nghiệp thi công xây lắp. Đây là yếu tố quan trọng của hoạt động xây dựng trong cơ chế thị trường đòi hỏi tiến độ thi công nhanh, chất lượng, an toàn và hạ giá thành sản phẩm.

Chúng ta đang nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano… Phải chăng đối với ngành xây dựng là việc ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng của công nghệ số trong điều hành quản lý nhà nước và quản lý dự án, thiết kế khảo sát (BIM). Đối với sản xuất là xây dựng nhà theo phương pháp in 3D, nâng cao tỷ lệ bê tông cốt thép tiền chế, dự ứng lực, đối với vật liệu là công nghệ Nano…

Chúng tôi mong rằng Bộ quan tâm hơn nữa trong việc tập trung trí tuệ, kinh phí, cơ chế tạo điều kiện trong lĩnh vực đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành xây dựng.

  1. Phát huy vai trò của của tổ chức xã hội nghề nghiệp đóng góp vào nhiệm vụ của ngành xây dựng.

Trong thể chế chính phủ kiến tạo theo nguyên tắc tăng hiệu quả hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước và chuyển giao, tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ cho xã hội nói chung và cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp nói riêng ở các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Thời gian qua Bộ Xây dựng cũng đã tạo điều kiện để tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng như Tổng Hội XDVN (trong đó có các hội thành viên như: Hội Vật liệu xây dựng, Hội Kết cấu  Công nghệ và Xây dựng Việt Nam, Hội Môi trường Xây dựng, Hội Kinh tế xây dựng, Hội Công nghiệp Bê tông Việt Nam, Hội Chiếu sáng Việt Nam, Hội Kỹ sư Xây dựng Trẻ). Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam trong các nhiệm vụ tư vấn phản biện, giám định xã hội, nghiên cứu khoa học, đào tạo phổ biến kiến thức, thông tin…

Đặc biệt này 13 tháng 12 năm 2017, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định số 1249/QĐ-BCD “Quy chế phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và Tổng Hội, Hiệp Hội, Hội hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” để làm tốt điều này đề nghị Bộ quan tâm chỉ đạo triển khai các quy định chi tiết cụ thể để các tổ chức xã hội nghề nghiệp phát huy tối da mọi nguồn lực góp phần thực hiện nhiệm vụ của ngành xây dựng. Về phần mình với suy nghĩ mọi thành quả của ngành xây dựng chúng tôi có góp phần nhỏ bé của mình, những tồn tại yếu kém cũng gánh phần trách nhiệm. Vì vậy chúng tôi đảm bảo rằng sẽ huy đọng mọi hội viên đóng góp sức lực trí tuệ để triển khai thực hiện những nhiệm vụ của ngành xây dựng nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Trên đây là một số nội dung chúng tôi xin đóp góp ý kiến vào bản báo cáo tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ngành Xây dựng mang tính tư vấn, mong được lãnh đạo Bộ và Hội nghị nghiên cứu.

Thay mặt Tổng hội XDVN, nhân dịp hội nghị tổng kết và sang năm mới Mậu Tuất, xin kính chúc đồng chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các đồng chí lãnh đạo Bộ, các vị khách quý cùng toàn thể đại biểu dự hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc.

Xin chân thành cảm ơn !

NGƯỜI XÂY DỰNG SỐ THÁNG 01-02/2018

Check Also

IMG_3806

Kết quả hoạt động năm 2019 và phương hướng hoạt động năm 2020 của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng

A/ Tình hình hoạt động năm 2019 Với tinh thần “Đoàn kết – Trí tuệ …