Home / TIN TỨC-SỰ KIỆN / Diễn đàn trước thềm Đại Hội

Diễn đàn trước thềm Đại Hội

Trước thềm Đại hội Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng Lần thứ VII – Nhiệm kỳ: 2017 -2022. Tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển có cuộc trao đổi bàn tròn đến với các hội viên của Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng xoay quanh vấn đề hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng như những trăn trở khi tham gia vào Hội nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

PV. Là Hội viên Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng, điều cần thiết để nâng cao vai trò và vị thế của Hội?

Đặng Khánh An_c
TS. Đặng Khánh An. Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng Xây dựng Đà Nẵng
  • Điều cần thiết để nâng cao vai trò và vị thế của Hội, theo tôi cần nâng cao, đẩy mạnh công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội. Vì hoạt động này về mặt thực tiễn thể hiện được trí tuệ, năng lực và nhiệt huyết đóng góp của hội viên, của từng chi hội và của Hội Xây dựng thành phố trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.

Hội viên, từng Chi hội và Hội Xây dựng thành phố cần chủ động, tích cực tham gia hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội những dự án có liên quan tới lĩnh vực chuyên môn của mình, Hội Xây dựng thành phố cần tổ chức đội ngũ chuyên gia có năng lực trình độ để đóng góp những ý kiến sát đáng, thiết thực, hiệu quả mang lại lợi ích cho thành phố.

 

 

TS. Nguyễn Thế Dương. Trưởng khoa Xây dựng Đại học Duy Tân
  • Cũng như những tổ chức, tập thể khác, muốn nâng cao vai trò, vị thế của mình thì trước hết mình phải mạnh. Tổ chức Hội mạnh khi các chi Hội thành viên, các hội viên vững mạnh. Sự vững mạnh trong một tập thể hội phải nói là sức mạnh về trí tuệ và sự đoàn kết. Sự đoàn kết ở đây được hiểu là sự đồng thuận, sự tham gia tích cực của các hội viên vào hoạt động của Hội. Để có được điều đó thì hoạt động của Hội phải rất thiết thực, gắn trực tiếp với quyền lợi của hội viên, tức là gắn với sự phát triển về chuyên môn, gắn về lợi ích kinh tế, gắn về sự phát triển nghề nghiệp cũng như được Hội đảm bảo, bảo vệ được quyền lợi cho hội viên. Khi có được sự đồng thuận đó thì Hội mới phát huy được sức mạnh của tập thể, trí tuệ để đóng góp ý kiến, phản biện, đề xuất và tham mưu cho các vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng cho thành phố. Nếu Hội có nhiều đóng góp thiết thực và ý nghĩa cho hội viên cũng như cho xã hội thì chắc chắn vai trò, vị thế của Hội sẽ được tăng lên.

Trong thời gian gần đây, Hội Xây dựng thành phố đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, phát huy vai trò chủ động của các chi hội. Hội đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm cung cấp thông tin, liên kết hội viên, kết nối các công ty, doanh nghiệp. Hiện tại, Hội đang xúc tiến hướng dẫn các hội viên đăng ký Đăng bạ Kỹ sư ASEAN, tổ chức các Hội thảo đưa thông tin và công nghệ mới trong xây dựng đến với hội viên như: Công nghệ Kết cấu sàn vượt nhịp lớn, Quy trình Quản lý và Mô hình thông tin công trình (BIM), các quy định, hướng dẫn mới,… Đồng thời Hội cũng đã đóng góp tích cực các ý kiến cho các vấn đề của thành phố, qua đó dần dần nâng cao vai trò và vị thế của Hội.

vu the dung_cmyk
KS Vũ Thế Dũng. Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng miền Trung
  • Để nâng cao vai trò, vị thế của Hội Xây dựng TP Đà Nẵng ngoài những tư vấn giám sát ,phản biện xã hội Hội cần phải mạnh dạn chủ động đóng góp những sản phẩm trí tuệ đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội nói chung và ngành nói riêng như sau:
  1. Xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực của ngành xây dựng và nhiều cơ chế, chính sách về hoạt động xây dựng.
  2. Góp ý, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách.
  3. Đột phá trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng..
  4. Đào tạo tư duy nhạy bén, chủ động, sáng tạo, tiếp cận và hòa nhập nhanh với cơ chế thị trường liên quan đến lĩnh vực xây dựng. 

 

PV. Là hội viên Hội Xây dựng Ông có những đề xuất hoặc ý tưởng gì để góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh hiện đại hơn?

Nguyễn Văn Tiến_c
Nguyễn Văn Tiến Giám đốc Công ty THH MTV Takara Việt Nam
  • Hiện tại thành phố Đà Nẵng, một trong số ít thành phố ở nước ta nằm ở ven biển miền Trung lại có nhiều yếu tố để hướng tới một đô thị phát triển bền vững và hội nhập đến thế. Tuy nhiên, đối với phát triển đô thị bền vững, còn phải được đề cập đến các yếu tố đặc thù riêng của đô thị là các tiện ích về cơ sở hạ tầng và các kỹ năng và hiệu quả về công tác quản lý đô thị nói chung và vận hành, điều tiết khai thác đô thị nói riêng. Trong đó, việc quản lý và xây dựng góp phần rất quan trọng đến sự phát triển lâu dài của thành phố.

Để thành phố ngày càng văn minh và hiện đại, việc xây dựng không chỉ nằm ở chính quyền, mà chính quyền là đơn vị đi đầu để người dân chung tay góp phần đẩy mạnh hơn điều đó. Hiện đại nằm ở xây dựng và văn minh nằm ở ý thức con người. Vì thế, vấn đề ở đây không phải xây dựng là chỉ xây nên những công trình, những cơ sở tiện nghi, hiện đại mà còn xây nên nếp sống văn minh hơn, sự ý thức cao hơn góp phần đẩy mạnh sự bền vững trong đô thị.

PV. Những đề xuất, ý kiến đóng góp trước thềm Đại hội Hội Xây dựng nhiệm kỳ 2017-2022:

Trần Thị Kim Huế_c
Ths. Trần Thị Kim Huế Phó Trưởng phòng Quản lý xây dựng – Sở Xây dựng Đà Nẵng
  • Nhiệm kỳ 2012 – 2017, Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã có những bước chuyển mình đáng kể, đã mở rộng số lượng và chất lượng thành viên tham gia hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước và ngày càng chứng tỏ là Hội có ảnh hưởng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đô thị hiện đại, văn minh.

Tôi tin tưởng Đại hội Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng Lần thứ VII – Nhiệm kỳ 2017 – 2022 sẽ là cú hích để Hội tiếp tục đà phát triển và đóng góp nhiều hơn sức lực, trí tuệ khoa học cho sự phát triển của đô thị Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Để phát huy được điều đó, theo tôi, Hội cần chú trọng thêm một số vấn đề sau:

– Thành lập các tiểu ban chuyên trách theo lĩnh vực để phát huy vai trò phản biện xã hội đối với các vấn đề nóng, bức xúc.

– Tổ chức nhiều hơn các Hội thảo chuyên đề, đặc biệt là chuyên đề khoa học giới thiệu công nghệ mới trong xây dựng, quản lý xây dựng; Tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm của các đô thị phát triển trong khu vực và thế giới.

– Giao nhiệm vụ nghiên cứu chuyên đề cho thành viên Hội theo định kỳ tháng/quý, tổ chức phản biện và đăng tải trên tạp chí để thúc đẩy sự phát triển nguồn lực khoa học, tạo sân chơi trí tuệ lành mạnh cho hội viên.

Nguyễn Văn Tiến_c
Nguyễn Văn Tiến Giám đốc Công ty Takara Việt Nam
  • Thế giới càng phát triển nhanh, việc Hội nhập quốc tế là một quá trình phát triển tất yếu. Vì vậy, để không bị tụt hậu quá lâu cũng như quá xa, chúng ta cần thoát khỏi vỏ bọc vi mô. Đưa tầm nhìn xa hơn, nhắm và hướng tới tương lai, vươn ra thế giới. Để làm được điều đó, chúng ta cần thay đổi thói quen từ những điều nhỏ nhất, sắp xếp trật tự  để quy trình đạt hiệu quả .

Tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định phê duyệt đề án áp dụng Mô hình Thông tin Công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Thành phố chúng ta là thành phố trẻ, tiên phong trong mọi lĩnh vực, vì vậy với vai trò hoạt động của Hội việc đổi mới công tác ứng dụng thông tin trong hoạt động xây dựng cần phải đẩy mạnh và dứt khoát hơn nhắm tới mục tiêu, lợi ích chung lâu dài.

 

PV. Công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội trong nhiệm kỳ qua đã thực sự đóng vai trò then chốt trong đầu tư các dự án 

Đặng Khánh An_c
TS. Đặng Khánh An Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng Xây dựng Đà Nẵng
  • Như chúng ta đã biết, hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội là hoạt động mà chính quyền, các chủ đầu tư dự án lấy ý kiến của các Hội nghề nghiệp, chuyên gia, các nhà chuyên môn sâu những lĩnh vực liên quan đến việc triển khai dự án nhằm tìm kiếm những ý kiến góp ý, phản biện cho dự án, để hoàn thiện và khắc phục những nhược điểm, thiếu sót còn tồn tại của dự án.

Về mặt pháp lý, hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg  ngày 30 tháng 01 năm 2002, về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và được chỉnh sửa, bổ sung thay thế bằng Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 02 năm 2014. Cùng với đó, UBND thành phố Đà Nẵng cũng ban hành Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội triển khai trên địa bàn thành phố.

Đối với Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua, Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã tham gia nhiều hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với nhiều công trình lớn, có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, cụ thể:  Phương án quy hoạch cảnh quan 2 bờ sông Hàn do Sở Xây dựng chủ trì; Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án: “Cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc” của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố; Góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật “Quyết định về quản lý Nhà nước với các tổ chức Hội trên địa bàn TP.Đà Nẵng”….Những ý kiến của Hội được Lãnh đạo thành phố đánh giá cao, góp phần điều chỉnh những mặt còn hạn chế, thiếu sót của các dự án.

Trần Văn Nam_c
Ths. Trần Văn Nam Giám đốc Trung tâm Tư vấn KTXD Đà Nẵng
  • Nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng trong năm 2016 vừa qua và phương hướng hoạt động năm 2017 đều chú trọng đến công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội. Đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp với mô hình tổ chức và hoạt động của Hội, thực tế cho thấy thời gian qua nhiều dự án, đồ án đầu tư xây dựng có sự tham gia, đóng góp của các tổ chức khoa học, giám định và phản biện xã hội đã được thành phố ghi nhận và triển khai trong thực tế, kể cả những dự án đã được phê duyệt hoặc có chủ trương đầu tư nếu chưa được sự đồng thuận của xã hội và còn có nhiều ý kiến trái chiều của các nhà khoa học, tư vấn phản biện cũng được thành phố xem xét cho tạm hoãn để nghiên cứu thêm.

Bản thân đã gần 17 năm công tác trong ngành Xây dựng đặc biệt là thời gian công tác tại Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng và sinh hoạt trong câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố đã tham gia nhiều đề tài, đề án, phản biện và góp ý cho cơ quan và thành phố như thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham gia xây dựng đề án phát triển nhà ở giai đoạn 2005-2010; đề án bán thí điểm nhà ở xã hội; góp ý sửa đổi các luật nhà ở; đề xuất ý tưởng, hiến kế trong các bản tin của câu lạc bộ Cán bộ trẻ (như đề tài giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, quy hoạch, quản lý nhà cao tầng tại khu trung tâm thành phố…)

PV. Là người trực tiếp lãnh đạo Trung tâm Tư vấn kỹ thuật Xây dựng Đà Nẵng, Ông hãy cho biết những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của tư vấn xây dựng?

Trần Văn Nam_c
Ths. Trần Văn Nam Giám đốc Trung tâm Tư vấn KTXD Đà Nẵng
  • Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tư vấn trong hoạt động xây dựng trước tiên phải nâng cao chất lượng công tác tư vấn, thể hiện ở năng lực hoạt động của đơn vị thông qua năng lực chuyên môn của từng cán bộ kỹ thuật làm công tác tư vấn; thứ hai là công tác kiểm tra, đánh giá, quản lý chất lượng sản phẩm tư vấn phải được thực hiện tốt từ khâu lập dự án đến lúc đưa công trình vào sử dụng và có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các khâu trong quá trình triển khai dự án; thứ ba là trong điều kiện hội nhập hiện nay cần phải mở rộng hợp tác, liên danh liên kết với các đơn vị khác để tham gia các dự án có quy mô lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao…

 

 

 

PV. Hình thái bê tông hóa đang nuốt dần cái ấm cúng, tình nghĩa của những làng nghề truyền thống. Không gian đô thị thời mở cửa thiếu vắng những hồ nước, cây xanh như một định mệnh, nhiều công trình kiến trúc được xây dựng thì lai căng, chắp vá, chúng phá vỡ không gian đô thị, văn hóa đô thị. Chị quan niệm thế nào trong xu thế hiện nay?

 

Ths. Trần Thị Kim Huế Phó Trưởng phòng Quản lý xây dựng – Sở Xây dựng Đà Nẵng
  • Đã có thời điểm, “bê tông hóa” là một tiêu chuẩn đánh giá về sự phát triển kinh tế và xã hội, mặc dù nội hàm của cụm từ này không hề thân thiện với môi trường. Đâu đâu chúng ta cũng nghe thấy cụm từ này, từ những dự án lớn cấp quốc gia cho đến những vùng nông thôn nhỏ bé: bê tông hóa đê điều, bê tông hóa kênh mương, bê tông hóa đường làng, … Chính vì được coi là một tiêu chuẩn cho sự phát triển mà người ta vô tình quên đi khoảng không gian cây xanh, mặt nước thân thuộc của làng quê. Những làng nghề truyền thống đang trên đà phát triển thành đô thị thì mức độ đô thị hóa càng mạnh mẽ dẫn đến việc bê tông hóa cả làng trở thành điều hiển nhiên như một định mệnh. Và từ đó một loạt những hệ lụy đáng tiếc xảy ra:

a) Đối với môi trường: Hệ thực vật và động vật đều bị biến đổi. Thực vật khó có thể phát triển và tồn tại trên mặt lớp bê tông nhẵn cứng. Đất đai bị bê tông bao bọc dẫn đến sự hủy hoại của 1 lớp động vật bên dưới. Không những thế nó còn phá vỡ chu trình thoát nước mưa tự nhiên làm ảnh hưởng không nhỏ tới mực nước ngầm cũng như khả năng thoát nước của khu vực. Việc ngập lụt tại Hà Nội, TP HCM là một minh chứng sống động cho hệ quả trên.

b) Đối với vấn đề xã hội: cây xanh, mặt nước trong đô thị cũng như trong các làng xóm thường là không gian dành cho hoạt động giải trí và giao lưu của người dân trong khu vực. Mất khoảng không gian này, con người ép mình trong khối bê tông là cái máy để ở, dẫn đến mối quan hệ láng giềng ngày càng lỏng lẻo, bản sắc văn hóa địa phương ngày càng mai một.

Trên thế giới, công trình xanh và công trình sinh thái đang tạo nên xu thế mới cho sự phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, loại hình công trình này chưa được chú trọng, và chúng ta đang là nước chịu ảnh hưởng tiêu cực do việc biến đổi khí hậu, xâm thực mặn, Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhanh chóng thay đổi và hành động vì một môi trường có hệ sinh thái cân bằng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc tạo nên các công trình thân thiện, tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên.

PV. Ông nhận xét, đánh giá về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng của thành phố hiện nay?

SONY DSC
TS. Nguyễn Thế Dương Trưởng khoa Xây dựng Đại học Duy Tân
  • Về đào tạo trong lĩnh vực xây dựng, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay, hiện có 2 cơ sở đào tạo ở trình độ trên Đại học, 4 cơ sở đào tạo ở trình độ Đại học và một số cơ sở đào tạo ở trình độ Cao đẳng, Trung cấp. Các cơ sở đào tạo đến hiện nay đã có nhiều kinh nghiệm, từ 10 năm đến 40 năm hoạt động, đã đào tạo và cung cấp một nguồn nhân lực lớn cho đất nước trong đó có thành phố Đà Nẵng. Nhân lực được đào tạo về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu phát triển cho thành phố. Có nhiều kỹ sư được đào tạo tại các trường trong khu vực hiện nay đã trưởng thành và thành công trong sự nghiệp: giữ các chức vụ lãnh đạo cấp cao trong chính quyền, trong doanh nghiệp lớn, tự thành lập doanh nghiệp, làm việc cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia,…

Trong tình hình mới hiện nay, ngành Xây dựng cùng với các ngành khác đã và đang hội nhập một cách sâu, rộng vào khu vực và quốc tế. Do đó việc đào tạo theo hướng cũ, lý thuyết nhiều và quá hàn lâm có thể không còn phù hợp để phục vụ cho nhu cầu nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Thực vậy, trong tình hình hiện nay, người kỹ sư ngoài kiến thức chuyên môn, còn cần kiến thức ngoại ngữ để tiếp cận nhanh với công nghệ mới, kỹ thuật mới cũng như có thể làm việc với đối tác nước ngoài. Mặt khác, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 hiện đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành Xây dựng. Các công ty truyền thống hàng trăm người có thể không mạnh bằng những công ty chỉ có mấy chục người. Điều đó là nhờ và sự phát triển của công nghệ thông tin. Như vậy đào tạo nhân lực cho ngành Xây dựng không chỉ dừng lại ở ngành Xây dựng mà nó sự liên kết ngành nghề, cụ thể là giữa Công nghệ thông tin và Xây dựng.

Mặc dù hiện nay các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố đã rất cố gắng đổi mới giảng dạy, tăng cường thực hành, thực tế cũng như sử dụng các biện pháp giảng dạy khác nhau. Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng hiện nay việc thay đổi và tiếp cận theo yêu cầu mới như trên cũng khá khó thực hiện do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do chương trình khá cứng và thời gian học những vấn đề không liên quan đến ngành nghề khá nhiều. Nguyên nhân chủ quan là người dạy, người học chưa đủ và chưa đồng đều về trình độ.

Thực hiện: Bích Phượng – Thùy Trinh
ĐTPT Số 67/2017

Check Also

images1717334_Dai_hoi_5_3_copy

Đồng hành xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái, hiện đại

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh (thứ 3, từ trái sang) …