Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / THEO DÒNG DOANH NGHIỆP / GIA NHẬP TPP – CƠ HỘI THÁCH THỨC VỚI NGÀNH XÂY DỰNG

GIA NHẬP TPP – CƠ HỘI THÁCH THỨC VỚI NGÀNH XÂY DỰNG

Hội nhập khu vực đang nổi lên đóng vai trò chủ đạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tham gia vào Hiệp định TPP, một cấu trúc quan trọng của khu vực, sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại. Bên cạnh những thuận lợi, việc cam kết và thực hiện các cam kết sâu và rộng trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam vốn còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn.

    Ngày 4/2/2016, đánh dấu tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới với việc Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được biết đến như là một Hiệp định thương mại Tự do (FTA) đặc biệt, có tiêu chuẩn cao, có mức độ cam kết tự do hoá cao nhất với phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực nhất. Với sự kiện này, xu hướng liên kết thương mại của Việt Nam đã lan toả ra toàn thế giới, không còn chỉ trong phạm vi khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á – Thái Bình Dương mà sang cả khu vực châu Âu và châu Mỹ…

Trước những yêu cầu cấp bách. Để cùng các hội viên nhận ra những cơ hội và thách thức khi Hội nhập và tự do hóa thương mại. Ngày 25/6/2016, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam – Chi nhánh Miền Trung, Hội Xây dựng TP. Đà Nẵng cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “ Gia nhập TPP – Cơ hội và thách thức với ngành xây dựng” đã mời Ông Trần Bá Cường – Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách Thương mại Đa Biên (Bộ Công Thương)  thuyết trình nội dung và trả lời hỏi đáp. Đô thị & Phát triển xin được lược trích nội dung tại Hội thảo đến với bạn đọc.

                                                                          (Ghi chép tổng hợp)

kinh-te-VN-vovgt-25-3_cmykHội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng

Dự đoán về triển vọng trong năm 2016, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động suy thoái của nền kinh tế thế giới. Song nội tại của nền kinh tế vẫn có nhiều dư địa để phát triển, tăng trưởng. Trong đó, yếu tố hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng được coi là quan trọng hàng đầu.

Theo đó, việc Hội nhập Cộng đồng ASEAN từ năm 2016 sẽ góp thêm cơ hội cho Việt Nam hội nhập TPP ở đẳng cấp cao hơn. Sẽ có cả cơ hội và thách thức đan xen. Thách thức cũng có thể trở thành cơ hội mới để nâng sức cạnh tranh cuẩ nền kinh tế nếu Nhà nước và Doanh nghiệp đều nỗ lực. Các doanh nghiệp nội địa thuần Việt nếu không cố gắng vươn lên trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách kinh tế và chính trị thì các lợi ích của TPP sẽ “rơi” vào khu vực FDI và các đối tác bên ngoài. Tận dụng được cơ hội mới của TPP nhiều hay ít phụ thuộc vào chính chúng ta.

Riêng trong Hiệp định TPP với 12 nước thành viên, trong đó có những nước ở trình độ phát triển cao như Mỹ, Nhật, Singapore và một số nước có trình độ phát triển thấp hơn như Chile, Peru, Mexico, Malaysia. Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp hơn cả. Điều đáng nói, các nước thành viên của TPP có những mặt hàng xuất khẩu có tính cạnh tranh cao rất đa dạng từ các mặt hàng công nghiệp, chế tác, chế tạo cho đến các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản. Vì vậy, các sản phẩm của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước thành viên. Cụ thể, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh về chất lượng hàng hóa, bao bì, mẫu mã của nước bạn thường rất cao, chiếm 29,36% ý kiến của doanh nghiệp phản hồi. Tiếp đến là các khó khăn liên quan đến tiêu chuẩn về kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, an toàn thực phẩm với 25,96% số doanh nghiệp lựa chọn. Ngoài ra điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam còn bộc lộ ở hoạt động nghiên cứu thị trường và khả năng nắm bắt thông tin so với các doanh nghiệp của các quốc gia khác trong khối.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trước ngưỡng cửa TPP, nền kinh tế nước ta đang phát triển tương đối ổn định và xu hướng tăng trưởng khá bền vững. Tuy nhiên, các nhân tố tạo nên năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như thể chế, giáo dục và đào tạo bậc cao, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, tính sẵn sàng về mặt công nghệ, phát triển thị trường tài chính, hiệu quả thị trường hàng hóa thì nước ta lại thua kém các nước trong khu vực và các nước thành viên của TPP; trong khi đó năng lực cạnh tranh mới là yếu tố quyết định đến thành bại của quá trình hội nhập. Mặt khác, do quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chậm chạp và mô hình tăng trưởng mới chưa được thiết lập, vì thế thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập là rất lớn.

Vì vậy, việc có thể biến thách thức thành cơ hội và biến cơ hội thành phúc lợi cho nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế và quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới năng suất, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh, có nghĩa là hướng tới một thể chế kinh tế dựa trên các nguyên tắc của thị trường cạnh tranh để thúc đẩy hiệu quả nhưng đồng thời cũng tạo ra thiết chế xã hội làm cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế thành công cao nhất mà chi phí xã hội thấp nhất.

Nhìn một cách tổng thể, triển vọng kinh tế 2016 tiếp tục có tiến bộ, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn, nhưng triển vọng trung hạn 3 – 5 năm tới có nhiều khả năng là các bất ổn vĩ mô mới sẽ phải ứng phó, không thể xem thường nếu các nỗ lực cải cách triển khai không đủ mạnh mẽ và thiếu tính hệ thống. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam trong 2016 cũng có rất nhiều cơ hội đầu tư trong những lĩnh vực mới gắn với công nghệ, các doanh nghiệp mới dự báo khởi nghiệp trong kinh doanh bán lẻ, du lịch, nông nghiệp. Cái khó ở Việt Nam là chưa có những quỹ đầu tư để huy động vốn từ người có tích lũy để tài trợ cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng.

Tăng cường nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp

Theo ông Trần Bá Cường – Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách Thương mại Đa Biên (Bộ Công Thương), mức độ tham vọng của Hiệp định TPP là rất lớn, tiêu chuẩn ít nhất không được thấp hơn các FTA mà Hoa Kỳ đã ký kết trước đó.Trong đó, phạm vi đàm phán rộng bao gồm nhiều lĩnh vực phi truyền thống như: lao động, công đoàn, môi trường, mua sắm chính phủ, chống tham nhũng, thương mại điện tử, gắn kết chính sách… với các chế tài chặt chẽ. Cùng với việc mở cửa thị trường toàn diện, cắt giảm gần như toàn bộ 100% thuế quan và cam kết dịch vụ theo nguyên tắc chọn bỏ, mở cửa thị trường mua sắm công. Ngoài ra, có thể mở rộng thành viên ra các thành viên APEC và thậm chí ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai, tạo nên một FTA lớn nhất thế giới.

Dự kiến khoảng đầu năm 2018, TPP bắt đầu có hiệu lực. Từ nay cho đến lúc đó là khoảng thời gian để các nước thành viên trong TPP “chạy đua” hoàn tất các thủ tục pháp lý (phê chuẩn) nội bộ để Hiệp định có hiệu lực ngay trong đợt đầu. Nếu Việt Nam hoàn tất các thủ tục trong đợt đầu, TPP sẽ có hiệu lực tự động đối với Việt Nam. Nếu là đợt sau, Việt Nam sẽ phải chờ ý kiến chấp thuận của các nước khác. Điều này sẽ gây rủi ro cho Việt Nam bởi các nước sẽ đòi hỏi thêm các nhượng bộ khác ngoài các cam kết đã đưa trong đàm phán trước khi chấp thuận. Chính vì vậy, cùng với các nước, Việt Nam đang nỗ lực rà soát, điều chỉnh các chính sách, pháp luật để doanh nghiệp Việt có đủ các điều kiện cần thiết tận dụng cơ hội, sẵn sàng cạnh tranh ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cho rằng, thủ tục chứng nhận xuất xứ trong TPP không chỉ mới về hình thức chứng nhận (DN “tự chứng nhận” thay vì cơ quan nhà nước cấp chứng nhận) mà còn mới về chủ thể chứng nhận (cả nhà nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất đều có quyền tự chứng nhận). Do đó, việc thực thi sẽ rất khác so với cơ chế duy nhất về chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền mà các cơ quan nhà nước và các DN Việt Nam trước nay từng biết. Vì vậy, DN ngoài việc cần tìm hiểu về cơ chế này để áp dụng, còn cần chủ động có ý kiến với các cơ quan nhà nước liên quan để thiết lập, vận hành, điều chỉnh cơ chế mới theo hướng thuận lợi nhất cho DN. Ngoài ra, mặc dù phía Việt Nam chưa phải thực hiện ngay thủ tục chứng nhận xuất xứ mới này nhưng một số nước nhập khẩu có thể đã hoặc sẽ áp dụng thủ tục này ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Do đó, nếu đối tác nhập khẩu muốn tự chứng nhận xuất xứ, DN Việt Nam cần chú trọng khi cung cấp các thông tin về nguồn gốc, giá cả, cách thức mua bán nguyên vật liệu… để có thể vừa giữ quan hệ làm ăn với đối tác lại vừa không đánh mất bí mật kinh doanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã không còn duy trì sự phân biệt đối xử về thuế, phí, điều kiện bán hàng… giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu. Vì vậy, TPP sẽ không có gì thay đổi về vấn đề này trên thị trường Việt Nam. Do vậy, các DN nội địa sẽ không thể đòi hỏi hay yêu cầu Chính phủ áp dụng các biện pháp về thuế, phí hay điều kiện bán hàng có lợi hơn cho hàng hoá trong nước sản xuất so với hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, ngay từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết không trợ cấp xuất khẩu dù là với hàng nông sản hay sản phẩm công nghiệp. Vì vậy, cam kết trong TPP về vấn đề này sẽ không gây ra tác động nào cho việc trợ cấp nông sản hiện nay. Liên quan đến mặt hàng này, đánh giá chung từ Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, Việt Nam hiện đang trợ cấp nông sản thấp hơn nhiều so với mức được phép theo cam kết WTO (Trong WTO, Việt Nam được hưởng đối xử ưu đãi dành cho các nước đang phát triển). Do đó, không gian chính sách cho việc trợ cấp cho nông sản Việt Nam còn khá rộng. Trong khi đó, nông nghiệp lại được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng bất lợi từ TPP. Do đó, DN cần nghiên cứu đề xuất với Nhà nước các biện pháp hỗ trợ hiệu quả và phù hợp với WTO để đối phó tốt hơn với thách thức cạnh tranh từ TPP. Mặt khác, do TPP không đưa ra quy định bắt buộc nào về cơ chế đối với các DN thương mại Nhà nước hiện đang được độc quyền xuất khẩu một số loại nông sản nhất định nên về nguyên tắc, cơ chế đối với các DN xuất khẩu nông sản (ví dụ: gạo) ở Việt Nam sẽ vẫn như hiện nay. Tuy nhiên, các DN hoạt động trong lĩnh vực này cần chú ý rằng trong tương lai, cơ chế này có thể sẽ thay đổi theo hướng minh bạch, bình đẳng và thị trường hơn.

Ông Trần Bá Cường – Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách Thương mại Đa Biên (Bộ Công Thương) nhận định, trong biểu cam kết của Hiệp định TPP có 2 phụ lục, theo đó, là các biện pháp hiện hành của chính sách trong nước hiện nay và bị ràng buộc theo nguyên tắc ratchet. Nguyên tắc này được hiểu là nguyên tắc chỉ tạo thuận lợi hơn, tự do hơn tức là chính phủ các nước nếu như sửa đổi các quy định đang được thực thi hiện nay mà theo hướng tốt hơn sẽ không được quy định bó hẹp lại nữa. Điều này đặt ra cho các cơ quan nhà nước khi xây dựng chính sách thì phải hết sức thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo quy định mình ban hành luôn theo xu hướng tự do hoá (nghĩa là thông thoáng hơn). Điều này rất tốt cho giới kinh doanh nhưng lại bất lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, đòi hỏi cơ quan quản lý phải thực sự có năng lực, phải nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng trước khi đưa ra một chính sách mới để không làm tổn hại đến lợi ích của nền kinh tế.

images1721325_kdnCỬU LOAN

ĐT&PT SỐ 61/2016

Check Also

ggnn

Đô thị hóa và chênh lệch giàu nghèo đô thị

Sự phân hoá giàu nghèo có thể nhận thấy rõ nét giữa thành thị và …