“Chúng ta chỉ có duy nhất một hành tinh, đừng làm hỏng nó” Đó là khẩu hiệu mà phong trào bảo vệ môi trường ở châu Âu đã đưa vào cuối thập niên 60 của thế kỷ 20. Rồi bước sang thế kỷ 21, cùng với tình hình ngày càng xấu về môi sinh, phong trào này ngày càng phát triển và mối bận tâm về sinh thái của loài người cũng không kém gì những bận tâm về chính trị, xã hội, kinh tế… Con người ngày càng ý thức mình không phải chỉ là công dân của một quốc gia mà còn là đứa con của Gaia – mẹ của Trái đất. Một ý thức mới đã sinh thành báo hiệu một kỷ nguyên mới cho nhân loại. Edgar Morin đã gọi ý thức ấy là ý thức hành tinh (consience planéaire).
Theo Edgar Morin, ý thức hành tinh là sự hội tụ của nhiều ý thức khác: ý thức người (consience telurique), ý thức sinh thái (consience écologique), ý thức đất (consience telurique), ý thức vũ trụ (consience cosmique).
Dựa trên những phát triển mới của khoa tiền sử học và sinh vật học, con người đã nhận ra tính thống nhất của mình về cội nguồn : loài Homosapiens với những thuộc tính giống nhau về bộ não, hệ thần kinh, di truyền… Những thứ chủ nghĩa chủng tộc cổ xưa và hiện đại (ngoài ta ra, tất cả đều man rợ hoặc hạ đẳng) đều hoàn toàn không có một cơ sở thực tế nào để tồn tại. Sự khác nhau của những sắc dân, những dân tộc về phong tục, ngôn ngữ, cơ thể… đều chỉ là những biểu hiện khác nhau của cùng một giống người. Ý thức nhân loại ấy đang có điều kiện để trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống hiện nay : với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, thế giới đang xích lại gần nhau, phụ thuộc lẫn nhau trong mọi lĩnh vực. Không thể có một góc nào của Trái đất mà không bị lôi cuốn vào sự hợp nhất của nó.
Ý thức sinh thái là sự nhận thức về tính thống nhất trong không gian tồn tại của các sinh vật trên hành tinh. Con người chỉ là một thành phần của quyển sinh vật (biosphere) và phải biết hòa hợp với quyển sinh vật để tồn tại. Đó không phải là những mảnh chắp vá của nhiều yếu tố xa lạ với nhau mà chính là mối quan hệ chính thể của các loài sinh vật của nhiều hệ thống sinh thái hợp nhất thành một thực thể chung. Tự tổ chức, tự điều tiết. Không thể đụng đến một phần mà không gây ảnh hưởng đến toàn bộ.
Ý thức đất làm cho ý thức sinh thái hoàn chỉnh hơn. Từ những năm 60, những khoa học về Trái đất đã làm cho con người hiểu rằng Trái đất không phải là một hòn bi-da trong vũ trụ mà là một hệ thống phức tạp, tự tổ chức, tự điều tiết, có cuộc sống riêng, lịch sử đặc thù, phát triển, tiến hóa. Loài người là thành phần của quyển sinh vật, quyển sinh vật lại cũng chỉ là thành phần của Trái đất. Trái đất với quyển sinh vật và loài người đã tạo nên một tổng thể phức hợp. Trong mối quan hệ với cái không gian tồn tại của mình, con người không phải là những thực thể siêu tự nhiên mà chỉ là những đứa con của Trái đất, những đứa con của sự sống. Ý thức đất làm cho chúng ta nhận ra trách nhiệm phải bảo vệ mảnh đất dung thân chung của mọi người.
Ý thức vũ trụ cho phép con người định vị hành tinh trong vũ trụ. Và con người thì không còn sống trong một thứ vũ trụ kiểu Copernic hay Laplace nữa. Thế giới không còn là một cái máy tất định hoàn hảo, thúc đẩy bởi một động lực vĩnh cửu. Trái đất cũng không bị đánh tụt xuống hàng thứ ba dù sao cũng gần trung tâm vũ trụ là cái Mặt trời của nó. Nó chỉ là một hành tinh nóng ẩm của một ngôi sao ở bên rìa của một Ngân hà đang tách xa những Ngân hà khác với một tốc độ khủng khiếp. Đó là một vũ trụ không có trung tâm dường như nó được tạo ra từ một vụ nổ tiên khởi (big-bang). Vũ trụ ấy có đi đến chỗ bị biến đi mất không ? Hay là sẽ nhỏ lại ; Con người từ đâu tới rồi sẽ đi về đâu ? có một cùng đích nào cho vạn vật ? Sự có mặt của chúng ta trên thế giới này có ý nghĩa gì ? Có phải chỉ có chúng ta là những sinh vật có ý thức để tạo ra văn minh trong cái không gian vô tận kia ? Không biết bao giờ con người mới tìm ra những lời giải đáp cho những câu hỏi trên đây ? Hiện nay chúng ta mới chỉ biết rằng chúng ta tồn tại trong một vũ trụ nhưng vẫn chưa biết gì nhiều lắm về những bí mật của nó.
Ý thức hành tinh là ý thức về sự có mặt độc đáo của con người – với tư cách là một giống loài trong vũ trụ, đồng thời cũng là ý thức về sự phụ thuộc của con người đối với cái không gian sinh học của mình. Óc tự tôn của thứ một chủ thể tự cho mình là “Chúa tể của muôn loài” tự cho phép mình cái quyền khai thác, thống trị tự nhiên một cách vô độ bừa bãi cũng không còn thích hợp : não trạng ấy tiếp diễn tất yếu sẽ đưa đến chỗ hủy diệt ngay cả bản thân sự sống. Kiểm soát sự phát triển của công nghiệp – đó chính là điều phải được đặt ra cho tất cả các nước trên thế giới hiện nay.
Những thứ chủ nghĩa biệt phái, độc tôn về quyền lợi dân tộc… cũng đều là những điều gây nguy hiểm cho chính bản thân con người. Càng lao vào công cuộc tìm hiểu thế giới và cuộc sống bao nhiêu, người ta càng thấy chân lý vẫn là viễn cảnh. Bất cứ một khám phá nào về khoa học cũng đặt ra hàng loạt những câu hỏi cho những điều chưa biết và cho chính cái đã được khám phá. Không thể có một giải pháp dễ dãi nào cho chuyện về xã hội và con người. Sự nôn nóng, vội vàng, thái độ cuồng tín, ngạo mạn cộng với những tham vọng vô chừng về con người sẽ không đưa đến hậu quả nào khác là tạo ra những vụ nổ, những cuộc tranh chấp, những cuộc chiến tranh : chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng, chiến tranh khu vực, cục bộ…
Với một số thành tựu khoa học không nhỏ của mình về khoa học và công nghiệp, nhân loại dường như vẫn còn chưa thoát khỏi cái thời kỳ đồ sắt về mặt tinh thần, đạo đức, tình trạng kém phát triển về mặt trí tuệ ấy nếu không được khắc phục thì trong kỷ nguyên mới của mình, loài người rất khó có thể đi xa hơn trong cuộc phiêu lưu về tương lai.
LỮ PHƯƠNG
ĐT&PT SỐ 61/2016