Home / QUY HOẠCH / XU THẾ HÌNH THÀNH “DẢI SIÊU ĐÔ THỊ” MIỀN TRUNG VỚI ĐÀ NẴNG LÀ ĐÔ THỊ HẠT NHÂN

XU THẾ HÌNH THÀNH “DẢI SIÊU ĐÔ THỊ” MIỀN TRUNG VỚI ĐÀ NẴNG LÀ ĐÔ THỊ HẠT NHÂN

XU THẾ HÌNH THÀNH “DẢI SIÊU ĐÔ THỊ” MIỀN TRUNG VỚI ĐÀ NẴNG LÀ ĐÔ THỊ HẠT NHÂN

untitled_optChúng ta đều biết, giao thông là một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nói chung và phát triển đô thị , nói riêng. Với vị trí đặc thù về vị trí địa lý, vừa nằm trên tuyến đường bộ và đường sắt xuyên Việt, vừa có một cảng biển với vị trí quan trọng (cửa ngõ chính ra biển của Miền Trung) trong hệ thống cảng biển của đất nước, đã từ lâu, Đà Nẵng chiếm một vị trí quan trọng đối với khu vực Miền Trung. Không những thế, trong giai đoạn hiện nay, Đà Nẵng còn là “cửa ngõ” hướng ra biển của  “Hành lang kinh tế Đông – Tây”, với quốc lộ 14B qua cửa khẩu Nam Giang – Đắc Tà Óc, mở ra tuyến đường ngắn nhất từ Đông Bắc Thái Lan, qua Nam Lào và Miền Trung Việt Nam thông ra biển, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Trước những lợi thế nêu trên, Đà Nẵng đã xác định hướng đột phá về kinh tế là phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung vào các ngành hàng và sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao; coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Ngoài ra, Đà Nẵng còn đầu tư phát triển du lịch với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nền tảng để phát triển các ngành dịch vụ, xây dựng Đà Nẵng thành đô thị du lịch ven biển chất lượng cao. Đồng thời chú trọng phát triển kinh tế biển gắn với phát triển đa dạng các dịch vụ cảng biển, nhằm khai thác lợi thế là cửa ngõ của tuyến hành lang Đông – Tây.

Trên cơ sở của những định hướng đúng đắn, phù hợp với thực tế như đã nêu trên, Đà Nẵng đã và đang có một sức hấp dẫn lớn trong phát triển.

Chính vì vậy, trong những năm qua, nhịp độ đô thị hóa trên địa bàn Đà Nẵng  tăng nhanh và đang từng bước mở rộng ra các vùng phụ cận. Đặc biệt là dọc theo các tuyến giao thông đối ngoại, như đường Đà Nẵng đi Hội An, đang trở thành đường phố, những khoảng trống xen kẽ các khu vực xây dựng đang dần bị thu hẹp. Mặt khác, Đà Nẵng cũng đang có xu hướng phát triển mở rộng về phía bắc, hướng về các điểm cảnh quan, nghỉ dưỡng và kinh tế của khu vực Bắc đèo Hải Vân . . .

Điều đó tạo nên hiện tượng đô thị phát triển mở rộng ra ngoại vi dọc theo các trục giao thông đối ngoại chủ yếu và nối liền với các điểm đô thị phụ cận, tạo nên một khu vực đô thị hóa liên tục, vượt ra ngoài phạm vi hành chính của thành phố Đà Nẵng.

Với một khu vực đô thị hóa ngày càng mở rộng vượt ra ngoài phạm vị hành chính của thành phố như vậy, Đà Nẵng đang từng bước cùng với Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất đóng vai trò động lực phát triển đối với vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung.

Sự hình thành một khu vực đô thị hóa vượt ra ngoài phạm vi hành chính của một đô thị, nối liền nhiều đô thị với nhau, như hiện tượng nêu trên được mô tả như một sự phát triển gắn kết của các đô thị liền kề, tại một khu vực có những điều kiện đặc thù, trong quá trình đô thị hóa, hình thành một khu vực đô thị hóa rộng lớn, bao gồm đô thị hạt nhân và các đô thị xung quanh đó. Hiện tượng này đã từng xuất hiện tại một số nước phát triển trong khoảng giữa thế kỷ XX, mà các nhà nghiên cứu phương tây gọi là “metropolitan area”. Tạm dịch là “Vùng siêu đô thị”.  

Tìm hiểu về hiện tượng này trên thế giới, chúng ta thấy rằng, ở một số nước phát triển, từ khoảng giữa thế kỷ trước đã xuất hiện những hiện tượng như đã nêu trên. Thời kỳ trước giai đoạn công nghiệp hóa, nhịp độ đô thị hóa còn  thấp, các đô thị đã phát triển độc lập với nhau. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa cao, tại những nước có nền công nghiệp phát triển mạnh lúc đó, xuất hiện những khu vực có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp cũng là nơi thuận lợi về giao thông. Khu vực này cũng lại chính là nơi có mật độ đô thị dày đặc hơn. Các đô thị trong khu vực này tiếp tục phát triển theo quy luật nêu trên, với nhịp độ cao theo hướng của các tuyến giao thông đối ngoại trọng yếu. Kết quả là sau một thời gian nhất định, chúng nối liền với nhau và hình thành nên một “vùng siêu đô thị”. Trong một số trường hợp, các “vùng siêu đô thị” tiếp tục phát triển kéo dài dọc theo tuyến giao thông đối ngoại trọng yếu và nối liền lại thành những “Dải siêu đô thị”. Ví dụ như: Tokyo – Nagoya – Osaka ở Nhật bản, Boston – Washington . . . ở Mỹ, được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước.

Ở nước ta, sau sự xuất hiện xu thế hình thành “Vùng siêu đô thị” của thủ đô Hà Nội ở phía Bắc và của Thành phố Hồ Chí Minh ở phía Nam, đây là sự xuất hiện xu thế hình thành “Vùng siêu đô thị” đầu tiên của Miền Trung (Do điều kiện địa hình, trường hợp của Đà Nẵng hình thành không gian đô thị hóa kéo dài nên được gọi là “Dải siêu đô thị”). Hiện tượng này mới chỉ xuất hiện ở nước ta từ sau chủ trương đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường, tạo nên sự “bùng nổ” về đô thị hóa.

Xu thế hình thành “vùng siêu đô thị” có tác động lớn tới hình thái phát triển không gian của Đô thị hạt nhân này và các đô thị khác trong toàn vùng; đồng thời cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp một cách hài hòa giữa các đơn vị hành chính có liên quan trong quy hoạch, xây dựng và quản lý giữa đô thị hạt nhân và các đô thị thành phần để đảm bảo cho các hoạt động kinh tế – xã hội được hợp lý và thuận lợi. Chính vì vậy mà chúng ta cần quan tâm nghiên cứu.

Mặc dù “vùng siêu đô thị” có đô thị hạt nhân, nhưng gắn liền với nó, còn có các đô thị thành phần khác, nên “vùng siêu đô thị” không phải là một đô thị cực lớn, nó cũng không phải là một đơn vị hành chính trong xã hội. Nét đặc thù lớn nhất của hiện tượng này là sự hình thành một phạm vi lãnh thổ đô thị hóa liên tục vượt ra ngoài địa giới hành chính của từng đô thị thành phần để nối các đô thị này với nhau, trong khi việc điều hành mọi hoạt động kinh tế – xã hội thông thường, bao gồm cả công tác quy hoạch xây dựng đô thị, được triển khai theo đơn vị hành chính của từng đô thị.

Về mặt quản lý xã hội, mỗi điểm dân cư đô thị hay nông thôn đều được xác định một ranh giới hành chính cụ thể. Song trong thực tế ở “vùng siêu đô thị”, do điều kiện phát triển kinh tế xã hội và thực tế phân bố các điểm dân cư đô thị, các mạng lưới công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị, các hoạt động kinh tế – xã hội . . . trong vùng gắn kết một cách hữu cơ với nhau, không phân biệt rành rẽ theo địa giới hành chính. Do đó, nếu không có một thể chế hợp lý trong việc phối hợp giữa các đơn vị hành chính có liên quan, sẽ có nguy cơ cản trở mối quan hệ tương hỗ giữa các khu vực này với nhau, gây nên những khó khăn trở ngại không đáng có trong nhiều hoạt động của đô thị.

Để không bị trở ngại, chúng ta không thể chạy theo sự phát triển mở rộng của đô thị để mở rộng địa giới hành chính của đô thị hạt nhân. Bởi lẽ cách làm như vậy có nguy cơ tạo nên những xáo trộn đối với các đơn vị hành chính liền kề. Cách tốt nhất là cần chủ động lập nên một cơ chế thống nhất trong việc phối hợp giữa các đơn vị hành chính có liên quan nhằm đáp ứng mối quan hệ tương hỗ trong thực tế xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội trong “vùng siêu đô thị”.

Vì vậy, những người làm công tác quy hoạch xây dựng đô thị cần quan tâm đúng mức ở tầm vĩ mô đối với việc nghiên cứu dự báo nêu trên, để một mặt có sự phối hợp nghiên cứu giải quyết những vấn đề có liên quan trong công tác quy hoạch đô thị giữa đô thị hạt nhân và các đô thị thành phần. Mặt khác, các cơ quan quản lý điều hành xã hội hữu quan cũng cần được tư vấn đối với các nội dung này, nhằm tạo lập những căn cứ khoa học cho việc nghiên cứu các biện pháp tổ chức để hình thành một cơ chế phối hợp một cách hoàn chỉnh cả về mặt hoạt động xã hội, cũng như các giải pháp về kỹ thuật hạ tầng giữa các đơn vị hành chính có liên quan nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động trong vùng siêu đô thị, bao gồm đô thị hạt nhân và các đô thị thành phần trong vùng phụ cận (theo đơn vị hành chính) được triển khai thuận lợi.

                                                                                           PGS.TS. KTS ĐỖ ĐỨC VIÊM

                                                                                                 Số 35-36 ĐT&PT

 

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …