Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Xây dựng lối sống đô thị Đà Nẵng trong bối cảnh đô thị hóa ở Đà Nẵng hiện nay

Xây dựng lối sống đô thị Đà Nẵng trong bối cảnh đô thị hóa ở Đà Nẵng hiện nay

Những biến đổi của đô thị trong quá trình đô thị hóa tăng tốc có tác dụng đa chiều đến lối sống đô thị Đà Nẵng. Nhìn chung, tuy vẫn chưa hết tính chất quá độ từ nông thôn sang đô thị, nhưng lối sống đô thị ngày càng đa dạng hơn, biến đổi nhanh hơn, phức tạp hơn theo chiều hướng hiện đại, hội nhập với thế giới. Có thể nói rằng, bản chất của quá trình đô thị hóa và quá trình phát triển đô thị ở Đà Nẵng hiện nay nằm ở quá trình biến đổi văn hóa – lối sống từ nông thôn sang thành thị với những đặc trưng tiêu biểu như: đa dạng hóa, phức hợp hóa, hiện đại hóa, tốc độ hóa.

vt_van_hoa_da_nang6277962_27102019

Để hiểu những vấn đề này, trước tiên cần phải làm rõ khái niệm: Văn hóa đô thị, lối sống đô thị và lối sống đô thị Đà Nẵng.

1. Văn hóa đô thị: Là một thực thể tồn tại khách quan trong mối quan hệ với đời sống đô thị. Nó bao gồm các yếu tố văn hóa tĩnh (sản phẩm văn hóa vật thể và các thiết chế văn hóa), và các yếu tố văn hóa động (bao gồm cách thức sản xuất, hình thức sinh hoạt văn hóa của dân cư đô thị) như: Phong tục tập quán, lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động khoa học, giáo dục, văn hóa, thể thao

2. Lối sống đô thị: Là các khuôn mẫu hành vi, ứng xử của các cá nhân, các nhóm xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện sống, tình huống cụ thể diễn ra ở đô thị. Là sản phẩm của quá trình hình thành và phát triển đô thị, là bộ phận quan trọng của văn hóa đô thị. Lối sống đô thị trước hết phụ thuộc vào chất lượng phát triển đô thị mà cốt yếu nhất là vào chất lượng của văn hóa đô thị và không chỉ thụ động mà còn có vai trò tác động trở lại đối với chính sự phát triển đô thị và văn hóa đô thị.

3. Lối sống con người Đà Nẵng: Con người Đà Nẵng mang đậm dấu ấn của con người xứ Quảng, với những đặc tính như: giản dị, cần cù, chịu khó, lạc quan, trọng tình nghĩa, cương trực, cầu thị. Ngoài những đặc tính trên, con người Đà Nẵng còn có những tính cách rõ rệt khác, đó là: Khát vọng vươn lên, dấn thân vì đại cuộc, nhạy cảm và thích ứng với cái mới.

Chính những tính cách này, đã tạo nên con người Đà Nẵng trung dũng, kiên cường trong chiến đấu, dám nghĩ dám làm, sáng tạo, đổi mới trong xây dựng và phát triển thành phố. Vì thế, đã tạo ra một Đà Nẵng thay đổi “diệu kỳ” và “đáng sống” như hôm nay.

ttxvndananghon2000nguoiraquanlamsachmoitruong4101086

4. Một số tồn tại hạn chế và những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình đô thị hóa tác động đến lối sống của con người Đà Nẵng

– Một số tồn tại, hạn chế:

+ Thực trạng phát triển đô thị ở Đà Nẵng trong thời gian qua, nhất là từ khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương năm 1997 cho đến nay; thành phố Đà Nẵng đã có bước phát triển nhảy vọt trên các lĩnh vực đời sống, xã hội đô thị, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội. Thế nhưng, thành phố vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội tuy có cố gắng đầu tư xây dựng nhưng chưa đồng bộ; Công tác quản lý đô thị còn thiếu hiệu quả nhất là quản lý đất đai; ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức pháp luật của người dân còn ở mức độ thấp; Tính tự do, tùy tiện, vô kỷ luật, hành xử theo thói quen, theo lệ tục vẫn còn chi phối lối sống của cán bộ, đảng viên và người dân đô thị; Các hiện tượng vi phạm cảnh quan, quy hoạch đô thị, kiến trúc đô thị, xây dựng trái phép, vi phạm quy tắc, luật lệ giao thông và các quy định về trật tự đô thị, bảo vệ môi trường…

+ Việc xử lý các vi phạm này chưa thật hiệu quả vì thiếu tính chuyên nghiệp. Dân số ngày càng tăng, các điều kiện về kinh tế – xã hội còn hạn chế, trong khi đó, các chủ thể quản lý xã hội vẫn chưa đủ năng lực, trình độ cần thiết để quản lý, điều hành nên đã dẫn đến những tồn tại, hạn chế, thậm chí những khuyết điểm, sai lầm kìm hãm sự phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

– Một số mâu thuẫn mới xuất hiện trong quá trình đô thị hóa tác động đến lối sống đô thị Đà Nẵng:

+ Nhịp sống nhanh, gấp gáp của đô thị đối lập với thói trì trệ của lối sống tiểu nông: Quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng diễn ra khá nhanh, đã tạo ra những tâm lý, biến đổi ngược chiều. Đó là anh nông dân vùng ven thường quen với công việc đồng áng, bỗng chốc trở thành cư dân đô thị. Chị tiểu thương ở đô thị, công chức trong các cơ quan nhà nước gốc gác là cư dân nông thôn chuyển dịch vào thành phố để làm ăn sinh sống. Chính điều này đã tạo ra một lối sống đô thị nhuốm màu nông thôn, là sự pha tạp giữa tĩnh và động. Từ đó, vẫn tồn tại những suy nghĩ vụn vặt, làm ăn tản mạn, tính vô tổ chức, đề cao kinh nghiệm bản thân, hạn chế việc tiếp cận các tri thức khoa học.

+ Sự đối lập giữa sản xuất và lưu thông hàng hóa theo hướng hiện đại với sản xuất buôn bán nhỏ lẻ đã tác động đến văn hóa, lối sống đô thị Đà Nẵng.

bai-bien-0848

+ Quy hoạch theo hướng hiện đại đang đối lập với kiến trúc tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm.

Đà Nẵng được xem là hình mẫu của công tác quy hoạch đô thị ở Việt Nam. Chính nhờ điều này mà bộ mặt thành phố có nhiều thay đổi, nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, chưa xứng với tiềm năng của thành phố, chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị và hiện nay là Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chẳng hạn việc di dời, giải tỏa, đền bù xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị đã và đang nảy sinh những vấn đề kinh tế – xã hội bức xúc, tác động tiêu cực đến quá trình xây dựng lối sống văn minh đô thị như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở các vùng giải tỏa.

Hơn nữa, nếu nhìn toàn diện với tầm chiến lược, chúng ta sẽ thấy sự bất hợp lý đối với một thành phố biển, đó là: trong tương lai không xa người dân Đà Nẵng sẽ trở thành khách trên chính mảnh đất của quê hương mình. Bởi như chúng ta đã thấy, phần lớn diện tích bờ biển đẹp và thuận lợi để phát triển ngành du lịch và dịch vụ của Đà Nẵng đã và đang thuộc sở hữu của các tập đoàn kinh tế của nước ngoài. Đây là mâu thuẫn, nghịch lý đã và đang đặt ra cho chúng ta suy ngẫm.

+ Hiện nay đang có mâu thuẫn ngay trong chiến lược giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong thời gian qua, tốc độ đô thị hóa khá nhanh, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Bên cạnh đó, cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, thậm chí là sai lầm, khuyết điểm như: Chúng ta đang chạy theo các chỉ số tăng trưởng kinh tế mà xao nhãng việc bảo vệ môi trường sống cho thành phố. Nói như một nhà xã hội học: Kinh tế tăng trưởng nhưng không giải quyết tốt vấn đề môi trường, vấn đề xã hội, thì có tăng trưởng nhưng không có sự phát triển.

+ Đô thị hóa hướng về giá trị cộng đồng, còn ngược lại con người lại có xu hướng cá nhân và biệt lập. Chính điều này đã tạo ra sự đối lập giữa những giá trị mang tính cộng đồng với sự co cụm, cá nhân, biệt lập tác động không nhỏ đến lối sống của con người Đà Nẵng.

+ Văn hóa làng xã vẫn còn xen lẫn nơi công sở. Điều đó được thể hiện rõ trong việc chấp hành tổ chức kỷ luật, trong việc giải quyết công việc mang tính họ hàng, thân tộc trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà người dân thường nói với nhau công tác cán bộ theo kiểu COCC (con ông cháu cha).

Danang-Marathon

5. Một số giải pháp để xây dựng lối sống đô thị Đà Nẵng

Hơn hai mươi năm, sau khi chia tách Quảng Nam – Đà Nẵng để trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã đạt được những bước tiến quan trọng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.

Để từng bước xây dựng lối sống đô thị Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại, theo tôi cần phải giải quyết một cách đồng bộ một số giải pháp sau đây:

Một là, thay đổi các điều kiện sống, lao động của người dân đô thị Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại, tiến bộ, cũng như chú trọng xây dựng các quy tắc chuẩn mực xã hội đô thị dựa trên pháp luật, lấy pháp luật làm nền tảng.

Hai là, phát triển kinh tế, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, tạo điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, không ngừng nâng cao mức sống, chất lượng sống của người dân.

Lối sống đô thị Đà Nẵng văn minh, tiến bộ không thể xây dựng trong một xã hội có nền kinh tế kém phát triển, mức sống vật chất thấp, kết cấu hạ tầng xuống cấp.

Ba là, tiếp tục chú trọng đầu tư, hiện đại hóa nhanh kết cấu hạ tầng đô thị, tránh tình trạng quá tải, xuống cấp của một số ít công trình như hiện nay.

Bốn là, tăng cường hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý đô thị, nhất là công tác quản lý nhà nước về đô thị. Quá trình xây dựng lối sống đô thị Đà Nẵng văn minh, tiến bộ rất cần sự chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo của chính quyền thành phố.

Năm là, chú trọng công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở cho người dân, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, dần dần nâng cao văn hóa pháp luật cho người dân đô thị.

Xây dựng lối sống đô thị Đà Nẵng văn minh, tiến bộ không phải là công việc nhất thời, mà đó là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, phải có bước đi, cách làm cụ thể phù hợp với từng giai đoạn, bối cảnh cụ thể. Phát triển đô thị bền vững sẽ tạo điều kiện xây dựng lối sống đô thị Đà Nẵng văn minh, tiến bộ. Điều đó sẽ tác động tích cực đến sự phát triển đô thị Đà Nẵng bền vững. Đó là biện chứng mối quan hệ giữa đô thị phát triển và lối sống đô thị văn minh, tiến bộ./.

Trần Văn Thiết – PCT Thường trực

Liên hiệp các Hội KH&KT TP. Đà Nẵng

(Đô thị & Phát triển số 80-81/2020)

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …