Home / QUY HOẠCH / Xây dựng phát triển bền vững ngành VLXD Miền Trung – Tây Nguyên

Xây dựng phát triển bền vững ngành VLXD Miền Trung – Tây Nguyên

 Xây dựng phát triển bền vững ngành VLXD Miền Trung - Tây Nguyên 1

Miền Trung – Tây Nguyên là một vùng đất trải dài từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Đây là vùng đất hẹp nằm giữa hai đầu của Việt Nam,  núi – sông – biển như liền kề và hằng năm phải chịu nhiều thiên tai, bão lũ rất khắc nghiệt. Do đó, hạ tầng kinh tế kém phát triển nhưng bù vào đó là một vùng đất có nhiều tiềm năng về nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như đất sét, cát trắng, cao lanh sunfat, đá vôi, đá granite.. đang còn bỏ ngỏ.
Xây dựng phát triển bền vững ngành VLXD Miền Trung - Tây NguyênVới một thị trường đầy tiềm năng với ¼ dân số và diện tích của cả nước, tuy còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua ngành sản xuất VLXD Miền Trung Tây Nguyên nói đã có bước phát triển đáng khích lệ như: Sản lượng xi măng giữ 10 triệu tấn/năm – trong đó có 4 dây chuyền xi măng lò quay Sông Gianh, Văn Hóa, Đồng Lâm, Thành Mỹ công suất 7 triệu tấn/ năm, gạch ốp lát đạt 30 triệu viên/ năm, thép đạt 500 – 1000 tấn/ năm, gỗ MDF đạt 120.000 m3/ năm được sản xuất trên các dây chuyền công nghệ hiện đại của Châu Âu… ngoài ra, cũng có nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã đặt cơ sở sản xuất và hoạt động kinh doanh tại khu vực này

Tuy nhiên, để thực hiện theo Quyết định số 1469/QĐ – TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng được nhu cầu thị trường với phát triển bền vững ngành VLXD ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên thì còn nhiều việc phải làm đó là:

– Cần tập trung nghiên cứu đổi mới hiện đại hóa trong dây chuyền sản xuất vật liệu –  Lĩnh vực ốp lát cần đầu tư sản xuất các loại gạch ốp lát có kích thước lớn, đa dạng chủng loại sản phẩm, màu sắc, có khả năng chống mài mòn cao – Đầu tư đổi mới công nghệ khai thác đá khối tự nhiên để sản xuất đá xẻ ốp lát phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu – Tiếp tục đầu tư phát triển gỗ MDF đặc biệt là gia công chế biến hậu MDF và đa dạng các loại gỗ lát trang trí nội thất..v.v..

– Miền Trung có nguồn đá vôi lớn nhất nhì cả nước với giá bán cao hơn cả xi măng đầu ra còn bỏ ngõ nhưng hiện nay việc đầu tư một dây chuyền sản xuất vôi công nghiệp tiêu chuẩn cao chưa thật sự quan tâm – Nhu cầu lớn cho luyện thép, cao su, phân bón, dệt da vẫn chưa được triển khai thực hiện.

– Thời gian qua thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngành xây dựng, các địa phương về sản xuất, sử dụng gạch không nung với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hiện nay trên khu vực đã có hơn 10 dây chuyền sản xuất gạch không nung với công suất hơn 700 triệu viên tiêu chuẩn/ năm ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắc Lắc… sản phẩm các nhà máy sản xuất được thị trường chấp nhận, bước đầu tiêu thụ tốt, tất nhiên so với nhu cầu còn quá ít, cá biệt có địa phương chưa có nhà máy nào sản xuất gạch không nung. Với địa bàn miền Trung – Tây Nguyên là nơi có điều kiện hết sức thuận lợi về nguyên liệu cho sản xuất vật liệu này thì việc tiếp tục đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất sử dụng gạch không nung là xu hướng tất yếu lâu dài. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đầu tư sản xuất và đưa loại vật liệu này vào công trình bước đầu còn gặp nhiều khó khăn cụ thể như sau:

 Về đầu tư:

Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xin thuê đất để đầu tư, các tổ chức tín dụng chưa mặn mòi với việc cho vay dự án vì chưa thật tin tưởng với sản phẩm đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất chưa nắm bắt hết chủ trương, lợi ích của đầu tư, đặc biệt chưa nắm chắc ưu điểm của gạch không nung cũng như các công nghệ sản xuất loại vật liệu này.

Về tiêu thụ:

Mặc dù đã có chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng, lãnh đạo các tỉnh, thành đặc biệt có cả Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính đối với cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, nhà thiết kế, đơn vị thi công nhưng việc thực hiện vẫn không nghiêm túc trong việc đưa sản phẩm gạch không nung vào các công trình theo quy định. Để phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội. Chính phủ, Bộ Xây dựng, lãnh đạo các địa phương, Sở ban ngành, các tổ chức tín dụng Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo phổ biến và tổ chức nhiều Hội thảo để giới thiệu, tuyên truyền, quán triệt trong sử dụng và đầu tư sản xuất vật liệu không nung. Và hơn nữa là có chính sách cụ thể trong khuyến khích các đơn vị đầu tư và sử dụng vật liệu gạch xây lát không nung.

Miền Trung – Tây Nguyên là dải đất giàu truyền thống cách mạng đi đầu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc với truyền thống hiếu học, cần cù, dũng cảm với nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, là một thị trường đang trỗi dậy đầy tiềm năng cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự liên danh, liên kết chung sức chung lòng của các doanh nghiệp trong đầu tư, đổi mới công nghệ. Chắc chắn rằng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, gạch không nung nói riêng của miền Trung – Tây Nguyên sẽ phát triển một cách bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực lên tầm cao mới  góp phần xây dựng đất nước giàu, đẹp, văn minh.

KS. Trần Xuân Đính

Phó Chủ tịch Hội VLXDVN – Chủ tịch CHVLXD Miền Trung – Tây Nguyên

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *