Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so với dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đối tác lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt.Xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.Trong khi đó, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng đến các quốc gia trên nhiều phương diện. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới thật sự nghiêm trọng.
Đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại nặng nề. Hàng ngàn dự án phải đình giãn, giá cả leo thang, đời sống nhân dân nhiều nơi vô cùng khó khăn. Những cơn bão, những trận mưa lớn kéo dài, gây ngập úng lũ lụt cả tháng trời đã gây thiệt hại rất to lớn về người và của. Với truyền thống lá lành đùm lá rách, với những nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, với những nhóm giải pháp đồng bộ của Chính phủ, chúng ta cũng đã tạm thời vượt qua cơn thử thách. Dẫu không mong muốn song chúng ta cũng tự bằng lòng với con số tăng trưởng 2,91% GDP năm 2020. Tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2016-2020, nhưng theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn. khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, còn khu vực dịch vụ tăng 2,34%. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 3,36%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,92%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,51%. Ngành xây dựng có phần tích cực hơn với mức tăng 6,76%, cao hơn tốc độ tăng của các năm 2011, 2012 và năm 2013 trong giai đoạn 10 năm gần nhất. Khu vực dịch vụ trong năm 2020 đạt mức tăng thấp nhất thập kỷ, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, do dịch được kiểm soát tốt trong nước nên hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt mức tăng cao trong những tháng cuối năm, hoạt động vận tải trong nước đang dần phục hồi nhưng vận tải ngoài nước và du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Xuất nhập khẩu được đánh giá là điểm sáng, với tổng kim ngạch năm nay ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%, còn nhập khẩu 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỉ USD, mức cao nhất trong 5 năm xuất siêu kể từ năm 2016.(1)
Tuy nhiên, khó khăn thách thức vẫn đang còn ở phía trước. Có thể nói năm 2020 vừa qua đã cung cấp nhiều minh chứng thực tế làm cho chúng ta tỉnh ra và đã cảm thấy bị ngấm đòn vì bỏ qua những lời cảnh báo. Đó là hậu quả của việc chạy theo sự phát triển thiếu bền vững, chạy theo tốc độ đô thị hóa với ý muốn chủ quan, vì nôn nóng thoát nghèo, vì thiếu dự báo tổng quan và tầm nhìn chiến lược, vì chỉ thấy cái lợi trước mắt, cái lợi cục bộ, cá nhân cho nên đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí đạt đến đỉnh điểm; không kiểm soát được vệ sinh an toàn thức ăn, đồ uống khiến cho bệnh tật luôn rình rập, nhân dân luôn lo lắng. Biết bao đất nông nghiệp màu mỡ đã bị mất đi cho các khu công nghiệp, khu đô thị mới để rồi những nơi đây hoặc lén lút hoặc công khai thải ra những chất độc hại trực tiếp ra sông suối, còn một số khác bỏ hoang hóa trong khi đó người nông dân thiếu đất canh tác. Thật vô lý, phát triển công nghiệp giải quyết được việc làm cho vài trăm công nhân thì hàng vạn nông dân bị đe dọa về môi trường sống, sân golf phát triển tràn lan, giải quyết chỗ vui chơi giải trí cho vài trăm người giàu có trong ít giờ nhưng lại cướp đi nguồn sống của cả chục ngàn người. Có thể đưa ra thêm hàng chục ví dụ khác tương tự.Sự phát triển không bền vững này còn được thể hiện ở chỗ hiện tượng tái nghèo, tái mù chữ tăng lên đáng kể, khoảng cách giàu nghèo ngày một giản ra.
Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Ở góc độ những người làm xây dựng, quy hoạch, kiến trúc cũng không thể nói mình là người vô can, người ngoài cuộc.
Để làm ra những công trình có độ bền vững cả trăm năm thì cần phải có tầm nhìn xuyên thế kỷ. Tầm nhìn 2020 – 2030 là quá ngắn, kể cả tầm nhìn 2045 cũng không phải là xa.Chúng ta cần phải tiếp cận, cập nhật được những thông tin khoa học công nghệ hiện đại để vận dụng sáng tạo trong điều kiện của mình. Vai trò của những người làm xây dựng, quy hoạch, kiến trúc nhiều ý tưởng sáng tạo thì người phản biện lại cần phải có trình độ cao hơn. Những dự báo đáng tin cậy, những cảnh báo về khí hậu trái đất thay đổi bất thường, về nhiệt độ tăng, băng tan, nước biển dâng vào nữa cuối thế kỷ này, ngay từ bây giờ công tác quy hoạch, xây dựng, thiết kế không thể không tính đến …
Những bài học rút ra của Năm Canh Tý đã được phản ánh và được Quốc hội ghi nhận đưa vào mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là: “Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Một mục tiêu tổng quát nữa là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, niềm tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu… Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Nghị quyết đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%. GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế khoảng 91%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm. Có trên 90% dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.…”(2)
Năm 2021 được dự báo là năm của sự phục hồi tuy nhiên quá trình này sẽ diễn ra không đồng đều trên toàn cầu, trong đó các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng. Các nhà đầu tư hiện hướng tới triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2021 dựa trên những hy vọng về vắcxin phòng COVID-19, các biện pháp kích thích tài chính và khả năng nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng vào năm 2021.
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Vì mục tiêu của xã hội ta đi tới không chỉ có một nền kinh tế phát triển cao mà còn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Cửu Loan
Đô thị & Phát triển số 82/2021
Chú thích:
1/Nguồn Tổng cục Thống kê Việt Nam
2/Nguồn Chinhphu.vn