Home / TIN HOẠT ĐỘNG / Về giao thông thông minh thành phố Đà Nẵng

Về giao thông thông minh thành phố Đà Nẵng

Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng nhận được thư mời của Liên hiệp các Hội KH&KT về tham gia viết tham luận tại hội thảo của thành phố Đà Nẵng với nội dung “Giải pháp nào cho giao thông thông minh thành phố Đà Nẵng”. Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng xin tham luận nội dung cụ thể sau:

hầm điện biên phủ

1. Nhìn nhận về hạ tầng giao thông công cộng của thành phố Đà Nẵng

Hệ thống hạ tầng giao thông như công trình đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ; hệ thống thông tin truyền thông như đường truyền cáp quang internet tốc độ cao… của thành phố Đà Nẵng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu giao thông hiện nay. Với mạng lưới giao thông hiện tại tuy chưa hoàn chỉnh, nhưng làm cơ sở để qua đó có thể nâng cấp hệ thống giao thông thông minh, hiện đại đưa thành phố lên ngang tầm với nhiều thành phố khác của các nước phát triển trong khu vực.

Thành phố Đà Nẵng là một trong những nơi có tốc độ phát triển dân số nhanh ở nước ta hiện nay, song song đó là tốc độ đô thị hóa, cũng như mật độ phương tiện giao thông đang phát triển rất nhanh so với các địa phương khác trên cả nước, và cũng là một trong những nơi có cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư tương đối hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai cho nhu cầu phát triển của thành phố trong khoảng thời gian dự báo 10-15 năm tới.

 Tuy nhiên so với những nước phát triển có hạ tầng giao thông hiện đại, hệ thống điều tiết, vận hành giao thông thông minh trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo, cũng như trên thế giới như châu Âu, Mỹ thì thành phố Đà Nẵng trong tương lai vẫn còn khiếm khuyết một số cơ sở hạ tầng mang tính hiện đại và thông minh như:

– Chưa có tàu điện ngầm và đường sắt trên cao;

– Một số vị trí hầm chui qua sông Hàn (thay cho cầu vượt sông), các nút giao thông khác mức tại các nút giao hai đầu cầu vượt sông Hàn như: cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Cẩm Lệ…, và một số nút giao khác đang là nút giao đồng mức và có mật độ giao thông cao thường ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, nhưng chưa có đủ điều kiện để đầu tư  xây dựng thành nút giao khác mức;

– Còn thiếu các bãi đỗ xe công cộng để giảm thiểu xe đậu đỗ trên lòng lề đường gây cản trở và ùn tắc giao thông và đặc biệt là lưu lượng xe máy đang phát triển rất nhanh;

– Vận chuyển giao thông công cộng, nội thành bằng xe bus đang trong giai đoạn thí điểm; Phần lớn người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy). Văn hóa sử dụng giao thông công cộng còn thấp vì người dân Đà Nẵng vẫn chưa sâu sắc về tính thuận tiện và chi phí thấp của hệ thống giao thông công cộng, các phương tiện công cộng khác như xe taxi, xe taxi công nghệ cao (Grab, Uber) phát triển và còn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

– Đặc biệt là việc ứng dụng CNTT, truyền thông cũng như xây dựng một trung tâm điều hành giao thông, thông minh chưa được đồng bộ. Các phương tiện giao thông phải được đăng ký vào hệ thống định vị vệ tinh GPS, để người vận hành xe nhận được thông tin về lưu lượng giao thông theo từng giờ trên các tuyến đường. Đồng thời dựa vào các dữ liệu này, hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông cũng có thể tự thay đổi theo mật độ của các phương tiện giao thông, giúp giảm bớt thời gian chờ đợi trên các tuyến giao lộ, góp phần làm cho luồng giao thông thông thoáng và vận hành nhịp nhàng hơn.

– Việc giao dịch từ việc mua bán trao đổi thuần túy đến kinh doanh của người dân đa số còn dùng tiền mặt; Việc dùng dịch vụ ngân hàng và thanh toán trực tuyến còn hạn chế, từ việc làm này cơ quan QLNN có thể chủ động khấu trừ tiền nộp phạt của người vi phạm giao thông.

2. Xác định hệ thống đường giao thông trục chính của thành phố

Trong thời gian qua Đà Nẵng đã đầu tư nâng cấp mở rộng một số tuyến đường, tổ chức giao thông một chiều và được xác định là trục giao thông chính của thành phố; Tuy nhiên trong khu vực trung tâm các quận Hải Châu, Thanh Khê… luôn có mật độ giao thông cao và tốc độ phát triển về lưu lượng nhanh nhất vẫn còn thiếu hệ thống đường trục chính để nâng cao năng lực thông xe trong khu vực nội thành (như đường Trần Phú, Lê Lợi – Phan Chu Trinh, đường Đống Đa – Ông Ích Khiêm…); Nếu chưa được quan tâm đầu tư các tuyến này nguy cơ ùn, ách tắc giao thông trong thời gian ít năm tới rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó hệ thống đường sắt Bắc Nam chưa di dời ra ngoài phạm vi thành phố, hiện tại cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển giao thông thông minh của thành phố.

ham_chui_da_nang_zing_3

3. Về hệ thống “phạt nguội” chưa phát triển đồng bộ và nghiêm minh

– Hệ thống camera giám sát tốc độ cũng như các vi phạm giao thông khác chưa được phát triển đồng bộ trên tất cả các tuyến đường của thành phố, mà hiện tại chỉ mới thực hiện thí điểm trên một số tuyến thuộc Quốc lộ 14B từ Tuyên Sơn đi Hòa Cầm, một số tuyến (hình như?) chỉ mới đặt biển cảnh báo “Đoạn đường thường xuyên giám sát tốc độ” mà chưa đi vào thực tế ?

– Lực lượng CSGT, TTGT còn lập nhiều trạm kiểm tra cố định, chưa đi sâu vào công tác tuần tra để phát hiện và xử lý vi phạm trên đường; Việc xử lý vi phạm vẫn còn xảy ra cơ chế “xin – cho” hoặc hỗ trợ từ “người thân”.

– Việc trang bị đầy đủ thiết bị giám sát tình trạng giao thông và trao quyền cho CSGT để xử lý mạnh tay với những trường hợp cố tình chống đối cho CSGT cũng là việc làm cần xem xét áp dụng, nhằm răn đe, giáo dục người vi phạm giao thông có ý thức chấp hành tốt hơn;

– Do việc người dân chưa dùng phổ biến dịch vụ ngân hàng, giao dịch trực tuyến nên việc xử phạt vi phạm hành chính về GTĐB vần còn “phải chờ” người vi phạm đến nạp phạt bằng tiền mặt.

4. Ý thức giao thông của người tham gia giao thông chưa nghiêm túc

Có thể thấy ở các nước tiên tiến có hệ thống giao thông thông minh được xây dựng dựa trên sự đồng bộ hạ tầng phương tiện công cộng, ứng dụng công nghệ cao trong điều tiết và vận hành giao thông, nhưng quan trọng nhất là ý thức tham gia giao thông của người dân là rất quan trọng.

Ở thành phố Đà Nẵng cần phải có thêm nhiều thời gian nữa để tuyên truyền phổ biến ý thức tham gia giao thông và tuân thủ các quy định của Luật GTĐB đến với cộng đồng tham gia giao thông. Việc vi phạm tốc độ tối đa quy định, không đi đúng làn đường, hoặc không tuân thủ tín hiệu giao thông tại các nút có điều khiển bằng đén tín hiệu, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định lấn chiếm lòng lề đường, hè phố, người đi bộ như khách du lịch phải đi xuống lòng đường… đang là vấn đề nhức nhối, cần phải tuyên truyền giáo dục, khắc phục kịp thời.

Tuy nhiên giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng, không chỉ dành riêng cho người dân thành phố tham gia, sử dụng, mà còn chịu ảnh hưởng của rất nhiều người tham gia khác đến từ mọi miền đất nước, cũng như khách du lịch nước ngoài… Ứng dụng công nghệ cao để vận hành, điều tiết giao thông đôi khi sẽ trở thành “xa xỉ” đối với một số người khi dân trí thấp, ít hiểu biết các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

1

5. Ý kiến về giải pháp nào cho giao thông thông minh thành phố Đà Nẵng

Chúng tôi không đưa ra các giải pháp cụ thể, mà chỉ nêu lên những cái cần, cái đủ, những khiếm khuyết tồn tại, hay nói đúng hơn là thực trạng giao thông của thành phố Đà Nẵng hiện nay:

Nếu thực hiện đồng bộ để giải quyết hết, triệt để các ý kiến nêu trên, thì tương lai gần chắc chắn là thành phố chưa thể đáp ứng được, vì đòi hỏi rất tốn kém về kinh phí đầu tư và thời gian thực hiện;

Nhưng nếu chọn lọc các giải pháp để đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông trên cơ sở ưu tiên đầu tư cải tạo các nút giao cắt có lưu lượng xe lớn, ứng dụng công nghệ thông tin, đường truyền Internet tốc độ cao, hệ thống định vị GPS cho các phương tiện tham gia giao thông… dần dần theo giai đoạn phù hợp với điều kiện kinh tế của thành phố;

Kết hợp giữa việc tuyên truyền giáo dục ý thức tham gia giao thông của người dân tốt hơn nữa với việc quản lý trật tự đô thị của các cấp chính quyền địa phương; Cải cách về công tác kiểm tra và xử lý vi phạm luật lệ giao thông; Cùng với đó là khuyến khích đầu tư phát triển, nhưng phải kiểm soát tốt hệ thống giao thông công cộng;

Nghiên cứu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân (không cấm sở hữu, nhưng hạn chế sử dụng có điều kiện); Tổ chức phân luồng, phân làn giao thông phù hợp với từng loại phương tiện… chắc chắn Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố hiện đại có hệ thống giao thông thông minh không còn bao xa nữa./.

                                                                                                                                    Đỗ Huy Thành

Chủ tịch hội KHKT Cầu đường Đà Nẵng

(Kỷ yếu Hội thảo “Giảo pháp nào cho giao thông thông minh Đà Nẵng”)

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …