Home / QUY HOẠCH / Vai trò và giải pháp quy hoạch Sân bay quốc tế để Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm của khu vực

Vai trò và giải pháp quy hoạch Sân bay quốc tế để Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm của khu vực

Đà Nẵng được biết đến là thành phố biển xinh đẹp, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế. Bước vào thế kỷ XXI, Đà Nẵng được đánh giá là một thành phố trẻ, năng động hội tụ đầy đủ các yếu tố để hình thành một đô thị hiện đại hoàn thiện với đầy đủ các cơ sở hạ tầng quan trọng thiết yếu như: cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, đường sắt, quốc lộ,… Đây là những yếu tố then chốt để Đà Nẵng đủ điều kiện cạnh tranh với các đô thị nổi tiếng khác trong khu vực và thế giới.sbay

Tại Việt Nam, Đà Nẵng được xem như là đô thị trung tâm động lực của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, có vai trò quan trọng, có sức lan tỏa ở nhiều lĩnh vực như tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục, y tế,… Một trong những thế mạnh của thành phố là sân bay quốc tế Đà Nẵng. Tốc độ tăng trưởng hành khách qua sân bay vượt xa dự báo của các chuyên gia. Theo quy hoạch được duyệt thì đến năm 2020, dự kiến công suất đạt 11-13 triệu hành khách/năm, tuy nhiên năm 2017 đã đạt 11,5 triệu và dự kiến đến năm 2020 đạt 15 triệu hành khách/năm.

Theo quyết định phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải, tổng diện tích sân bay quốc tế Đà Nẵng khoảng 855 ha. Với vị trí nằm trong lòng thành phố, sân bay đã tạo tác động trực tiếp đến đô thị về nhiều mặt, nhiều khía cạnh. Đã có nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia và các nhà quy hoạch về việc tồn tại hay không đối với sân bay này. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả phân tích cụ thể hơn ưu nhược điểm của sân bay Đà Nẵng và những giải pháp cần thiết.

Đối với những tác động tiêu cực, sân bay tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ lượng rác thải, khí thải, tiếng ồn cho các khu dân cư lân cận. Đây là vấn đề chung của ngành hàng không, đặc biệt các sân bay liền kề đô thị, việc này đang được các tổ chức hàng không thế giới nghiên cứu nhằm hạn chế ô nhiễm, đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường; Công tác kiểm soát dịch bệnh cũng cần được quản lý và giám sát chặt chẽ hơn để đảm bảo không lây lan trong trường hợp có nguy cơ dịch từ khách quốc tế. Tình trạng quá tải phương tiện giao thông tại các tuyến đường nối sân bay, các nút giao thông chính từ sân bay đến khu vực phía Đông của thành phố diễn ra thường xuyên. Sân bay Đà Nẵng cũng là rào cản cho sự kết nối giữa trung tâm thành phố với khu vực đô thị phía Tây, đây cũng là khu vực phát triển chậm nhất của thành phố. Ngoài ra, việc tồn tại sân bay giữa lòng đô thị với tĩnh không khống chế bắt buộc (tĩnh không tại phễu bay và tĩnh không sườn) đã ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng và phát triển đô thị.

Bên cạnh những tác động tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân và đô thị thì sân bay Đà Nẵng đã đóng góp một phần quan trọng trong tốc độ phát triển của thành phố. Lượng khách trong nước và quốc tế qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng luôn tăng trưởng cao, trong đó lượng lớn khách du lịch đến với Đà Nẵng và cụm di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn – Hội An – thành phố Huế. Qua khảo sát ý kiến của người dân và du khách, thời gian di chuyển của hành khách từ sân bay đến các điểm du lịch chỉ vỏn vẹn 5-20 phút là điểm hấp dẫn, lôi cuốn của thành phố Đà Nẵng. Điều này đã được ghi nhận và đánh giá cao tại các đô thị lớn trên thế giới có sân bay nằm ngay trong lòng đô thị như Hongkong, London, Brasil, Pháp, Hà Lan,…

sbay1

Trong lộ trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại làm động lực phát triển cho Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung thì sân bay Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng không thể tách rời của thành phố. Để khắc phục các hạn chế do sân bay ở trong lòng thành phố mang lại, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung thành phố cần xem xét đến các vấn đề cụ thể sau:

– Cần sớm di dời các hoạt động huấn luyện quân sự và các hạng mục liên quan đến sân bay Chu Lai theo quy hoạch được duyệt để dành đất cho quy hoạch hoàn thiện sân bay và phát triển đô thị theo hướng xây dựng Đô thị sân bay theo xu thế chung của thế giới.

– Điều chỉnh quy hoạch sân bay theo hướng xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực phía Tây sân bay nhằm khai thác tuyến giao thông chính từ quốc lộ 1A để vận chuyển hàng hóa về bến xe trung tâm và các tỉnh lân cận, hạn chế xe tải tiếp cận vào trung tâm.

– Quy hoạch xây dựng đường vành đai dọc tường rào phía đông sân bay nhằm phân luồng hành khách đến từ khu vực phía Nam, Tây Nam qua đường Lê Đại Hành, luồng khách đến từ phía Bắc, Tây Bắc qua đường Điện Biên Phủ. Với tuyến đường này, phương tiện đưa đón khách sẽ không tham gia vào giao thông đô thị, hạn chế tối đa xung đột.

– Đối với hành khách về khu vực phía Đông và phố cổ Hội An, với tốc độ tăng trưởng du lịch hằng năm 30% – 40%, ngoài việc phát triển các loại hình giao thông công cộng như bus, BRT; thành phố cần sớm nghiên cứu xây dựng tàu điện trên cao để vận chuyển khách số lượng lớn đến các điểm trung chuyển tại khu vực ven sông, ven biển, là nơi tập trung nhiều cơ sở lưu trú. Đô thị Đà Nẵng được xây dựng với mạng lưới giao thông ô cờ, các tuyến đường Đông – Tây xuyên suốt với dải phân cách lớn thuận lợi cho việc triển khai loại hình vận tải này.

– Việc kết nối kết nối giao thông giữa hai khu vực Đông và Tây sân bay cần được nghiên cứu áp dụng như các mô hình đô thị sân bay tương tự trên thế giới như sân bay quốc tế Lauderdale của thành phố Florida hay như sân bay Heatrow của Newyork. Các tuyến giao thông được tổ chức giao cắt ngầm với các đường băng sân bay kết nối các đô thị với nhau.

sbay2

Đề xuất các giải pháp quy hoạch cho sân bay Đà Nẵng

Đối với đô thị Đà Nẵng, việc xây dựng tuyến đường xuyên qua sân bay với chiều dài khoảng 2 km là ý tưởng hoàn toàn khả thi. Với công nghệ xây dựng hiện đại, việc triển khai thi công tuyến ngầm sẽ hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay. Tuyến đường kết nối đô thị Đông – Tây là động lực phát triển cho khu vực phía Tây thành phố cũng như giảm đáng kể áp lực giao thông cho trung tâm thành phố.

Như vậy có thể khẳng định sân bay quốc tế là thành phần không thể thiếu trong tiến trình xây dựng thành phố phát triển và hội nhập với thế giới. Với thành phố Đà Nẵng, sân bay liền kề đô thị là một điều đặc biệt tạo nên sự khác biệt và lôi cuốn riêng. Về mặt quy hoạch, chúng ta cần phân tích đánh giá cụ thể những điểm ưu, nhược của sân bay để có những bước điều chỉnh quy hoạch phù hợp đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của thành phố.

ThS. KTS LÊ TỰ GIA THẠNH

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …