Bên cạnh những giá trị kiến trúc đa dạng cùng với một nền tảng văn hóa và cuộc sống tập quán đậm đà bản sắc truyền thống của Hội An, là một không gian cảnh quan thiên nhiên sông nước hết sức phong phú độc và độc đáo kết nối những giá trị của Đô thị cổ- Di sản văn hóa thế giới với các khu vực xung quanh đặc trưng của Hội An. Đồng thời hệ thống sông nước Hội An cũng đã tạo nên một không gian sinh động hấp dẫn du khách thập phương trong nước và quốc tế. Những giá trị của sông nước Hội An sẽ ra sao trong một tiến trình phát triển cùng với các văn hóa di sản Hội An.
Từ nửa cuối thế kỷ XIX, do đoạn sông Thu Bồn nối với biển bị bồi cạn dần, tàu bè ra vào khó khăn, thương cảng này bị suy thoái dần và mất hẳn, nhường lại cho Đà Nẵng, cảng mới được người Pháp mở. Những thương gia giàu có Hoa, Việt chuyển nơi định cư và lập nghiệp đến Sài Gòn hoặc Đà Nẵng, để lại Hội An yên tĩnh với những ngôi nhà cổ kính rêu phong…”
Trải qua bao thời kỳ lịch sử của đất nước, Hội An đã từng được thay đổi và phát triển nhiều nhưng những giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên sông nước, và các di sản kiến trúc, những hoạt động truyền thống của cư dân dọc theo các con sông vẫn giữ được sự hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, từ sau Đổi mới và sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường cũng như tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cảnh quan sông nước đô thị Hội An đã và đang thay đổi nhanh chóng. Các hoạt động kinh tế ngày cảng trở nên sầm uất, tốc độ xây dựng gia tăng, các không gian mở, cây xanh nông nghiệp đang dần được thay thế bởi các công trình, dự án phát triển mới. Trong khi đó hệ thống mặt nước tự nhiên hết sức phong phú xung quanh Hội An lại thiếu sự quan tâm khai thác một cách hợp lý cho phát triển các loại hình du lịch phù hợp cũng như các hoạt động xây dựng, kinh tế xã hội khác. Điều này đang tạo ra một thách thức rất lớn đối với cảnh quan môi trường sông nước Hội An, đồng thời đang làm giảm tới sự hấp dẫn của khu vực Hội An.
Những vấn đề tồn tại
Với tính chất hoạt động kinh tế sông nước từ các thế kỷ XV-XVII cho đến ngày nay, đô thị Hội An đã được hình thành như một hạt nhân chính gắn kết chặt chẽ theo trục từ Tây sang Đông dọc theo sông Thu Bồn, sông Hội An tới cửa Đại và hướng ra Cù Lao Chàm. Theo trục Đông Tây này cuộc sống của cư dân Hội An được gắn liền với cuộc sống sông nước, không gian kinh tế hòa quyện với không gian vật thể tạo nên một bức tranh hết sức bản sắc cho khu vực Hội an.
Dọc theo hệ thống sông này là các khu dân cư làng nghề mộc, gốm; đô thị cổ; các di tích văn hóa; rừng dừa Cẩm Thanh; cửa Đại rồi đến Cù Lao Chàm. Mỗi một địa điểm này đều có những giá trị đặc trưng, đa dạng, nhưng lại có chung một không gian mặt nước sông biển với một hệ sinh thái tự nhiên hòa quyện vào cuộc sống đời thường của con người.
Tuy nhiên, các kế hoạch phát triển đô thị mới cho thấy các quỹ đất phát triển mở rộng xây dựng đô thị mới chủ yếu về phía Bắc, Tây Bắc của đô thị cổ, trong khi việc phát triển khai thác dọc theo trục các con sông lại thiếu được đề cập rõ ràng. Cũng như nhiều đô thị Việt Nam hiện nay, với nhu cầu đầu tư xây dựng cao, các quy hoạch kế hoạch phát triển chủ yếu lan tỏa theo chiều rộng, đô thị có xu hướng được mở rộng và phình to dần chùm lên các không gian nông thôn ngoại vi. Trong khi những tiện ích đô thị lại hết sức hạn chế, chất lượng cuộc sống đô thị, đặc biệt các khu đô thị cũ tạo ra nhiều vấn đề về môi trường, xã hội, giao thông. Trong sự phát triển này mặt nước tự nhiên là một trong những yếu tố bị tác động lớn. Diện tích mặt nước bị thu hẹp, mức độ ô nhiễm tăng cao. Thậm chí ở một số khu vực có thể cũng là nơi chứa đựng những chất thải của đô thị…
Mặc dù Hội An được hình thành bởi hệ thống cảng biển, cảng sông và cuộc sống của cư dân gắn liền với sông nước từ bao đời nay, nhưng trên thực tế việc quan tâm tới khai thác phát triển không gian đô thị dọc theo trục sông hướng ra biển hết sức hạn chế, mà chủ yếu phát triển tự nhiên của các khu dân cư làng xóm. Điều kiện sống của các khu dân cư nông thôn ven đô thị còn rất chênh lệch so với các khu vực trong đô thị. Các giá trị của một đô thị văn hóa lịch sử chưa thực sự được khai thác lan tỏa ra các khu vực lân cận như các khu vực xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Châu, Thanh Hà,.. dọc theo sông Thu Bồn, sông Hội An, sông Cổ Cò,… Trong khi đó các trục không gian dọc sông Thu Bồn kết nối những giá trị văn hóa thế giới từ thánh địa Mỹ Sơn, qua các làng nghề, đến phố cổ Hội An rồi chảy ra cửa Đại đổ ra biển chưa thực sự được khai thác hiệu quả cho phát triển du lịch sinh thái dọc sông.
Hệ thống sông nước đổ ra biển và các con sông phân chia khu vực cồn cát phía biển với khu vực bên trong đô thị không những là đặc trưng chung cho các đô thị miền Trung Việt Nam, mà đặc biệt đối với đô thị Hội An. Chúng ta có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo lập những giá trị về thiên nhiên, kiến trúc, văn hóa xã hội và phát triển kinh tế và hấp dẫn khách du lịch. Những giá trị của sông nước Hội An đã mang lại những lợi ích to lớn đối với các cộng đồng dân cư sống dọc theo hai bên sông từ bao đời nay. Nó gắn kết với nhân dân Hội An như một thành phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày.
Trục không gian sông nước Đông – Tây Thu Bồn – Hội An – Cổ Cò – Cửa Đại – Cù Lao Chàm
Trải qua những biến đổi của tự nhiên và đời sống kinh tế xã hội, Hội An như một đô thị lõi lịch sử được kết nối với các khu vực lân cận chủ yếu qua hệ thống sông ( sông Thu Bồn, Hội An, và sông Cổ Cò,…) và các con sông nhánh luồn lách nối kết qua các khu dân cư, đặc biệt khu vực xã Cẩm Thanh.
Trong sự quan hệ theo trục sông nước Đông- Tây dọc sông Thu Bồn, khu vực xã Cẩm Thanh có vị trí đặc biệt, là không gian chuyển tiếp từ Sông ra Biển, và là nơi gặp gỡ của sông Cổ Cò và sông Hội An trước khi đổ ra biển.
Cẩm Thanh có những đặc điểm hết sức độc đáo về hệ thống sông nước chảy bao quanh , xen kẽ vào các khu dân cư nhà vườn và được bao bọc bởi hệ thống sông Cổ Cò và sông Hội An. Nơi đây cũng còn lưu giữ nhiều những dấu tích của lịch sử, của nền văn hóa Chămpa như hệ thống giếng Chăm nổi tiếng , đền thờ Mẫu.
Những đặc điểm lịch sử cũng như hình thái kiến trúc đa dạng tự nhiên của khu vực này có thể kết hợp bổ trợ cho trung tâm đô thị cổ để tạo thành một sự liên kết chặt chẽ không chỉ về trung gian kiến trúc cảnh quan mà còn cho cả việc phát triển du lịch dịch vụ sinh thái. Đặc biệt, khu vực rừng dừa sinh thái Cẩm Thanh ( còn khoảng 30ha) cũng là một yếu tố tiềm năng có thể tạo dựng một điểm đến hấp dẫn cho du khách theo tuyến du lịch sông nước. Tuy nhiên việc khai thác và đầu tư cho các khu vực xã Cẩm Thanh còn rất hạn chế.
Quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam nói chung, Hội An nói riêng trong những năm qua cho thấy chủ yếu các khu vực phát triển mở rộng đô thị được liên hệ kết nối với đô thị hiện có bởi các hệ thống giao thông đường bộ cùng với các hoạt động của dân cư bám dọc hai bên đường. Trong khi hệ thống không gian cây xanh mặt nước, hồ, đầm,… lại thiếu sự quan tâm một cách hợp lý.
Có thể nhận thấy rõ qua phát triển trên thực tế, sông nước Hội An lại đặc biệt thuận lợi cho việc giao thông thủy, giao lưu kết nối các hoạt động kinh tế xã hội của cư dân theo hướng từ Tây sang Đông và ngược lại từ Biển vào.
Kết thúc trục Đông Tây về phía Đông là khu đảo Cù Lao Chàm ( khu dự trữ sinh quyển thế giới) không những là một điểm nhấn thiên nhiên đa dạng, hết sức độc đáo mà còn cho thấy một cuộc sống hết sức thân thiện cởi mở của cộng đồng ngư dân ít ỏi sinh sống trên đảo từ bao đời nay. Đây cũng chính là yếu tố hết sức tiềm năng có thể khai thác để hấp dẫn cho phát triển du lịch sinh thái biển đảo.
Trong một tiến trình bảo tồn và phát triển cùng với khu vực xã Cẩm Thanh và Cù Lao Chàm, những khu vực này đặc biệt cần đến những quy định hết sức chặt chẽ rõ ràng về các quy định xây dựng ( mật độ, tầng cao, loại kiến trúc, vật liệu,..). Điều này cần được kết hợp với các chương trình kế hoạch tổng thể trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị của Hội An, tỉnh Quảng Nam mà còn là sản phẩm của toàn nhân loại.
Trục không gian Bắc-Nam: sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng – Hội An.
Sông Cổ Cò chạy từ Tây Bắc ( Đà Nẵng) xuống Đông Nam, nối với sông Hội An ngăn chia khu vực giáp biển và khu đất nông nghiệp của đô thị cũng tạo ra các khu vực đặc trưng cho Hội An. Cũng như những giá trị về kinh tế xã hội và những thay đổi của điều kiện tự nhiên, sông Cổ Cò chính là trục không gian cảnh quan kết nối đô thị Đà Nẵng – Cẩm Thanh – Phố cổ Hội An.
Trong định hướng tổ chức không gian phát triển của cả Đà Nẵng và Hội An, trục không gian sông Cổ Cò đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ về cảnh quan kiến trúc mà còn đóng góp cải thiện về khí hậu khu vực và phát triển kinh tế xã hội và văn hóa của nhân dân.
Lời kết
Hình thái tự nhiên các cảnh quan sông nước kết hợp với các hoạt động kinh tế – xã hội-văn hóa sầm uất và những khu dân cư dọc sông với không gian kiến trúc thân thiện đã tạo nên một sự hấp dẫn đặc biệt đối với Hội An. Nói cách khác hệ thống mặt nước đóng góp cho sự kết nối của các sản phẩm địa danh du lịch nổi tiếng của Hội An. Đồng thời nó không thể tách rời với hoạt động kinh tế truyền thống của một đô thị văn hóa lịch sử. Đây chính là một tiềm năng và cơ hội để có thể khai thác cho tổ chức không gian cảnh quan sông nước gắn với việc gìn giữ và phát triển những giá trị của đô thị, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo ngày càng hấp dẫn khách du lịch.
Hệ thống sông nước xung quanh Hội An đã và đang là một không gian không thể thiếu trong sự kết nối những giá trị lịch sử văn hóa, thiên nhiên và cộng đồng người Hội An. Chúng kết nối những giá trị của văn hóa lịch sử Hội An từ Quá khứ – Hiện tại và đến tương lai. Tuy nhiên sông nước Hội An thực sự vẫn còn là một tiềm năng đang chờ đón những kế hoạch khai thác phát triển phù hợp. Đặc biệt đối với các khu vực xã Cẩm Thanh và Cù Lao Chàm – khu dự trữ sinh quyển thế giới. Để hướng tới một sự phát triển bền vững cho Hội An, việc đầu tư cải tạo nâng cấp hạ tầng tiện nghi ngay trong các khu vực dân cư hiện trạng của đô thị cũng như nông thôn là cần thiết hơn việc mở rộng ra các khu không gian đất nông nghiệp và mặt nước cho xây dựng đô thị mới. Đặc biệt các cộng đồng dân cư sống dọc theo hai bên các con sông như khu vực xã Cẩm Thanh, Cẩm Nam,…
Chính vì vậy việc quản lý khai thác hợp lý và tổ chức phát triển đô thị cùng với hệ thống sông nước Hội An không những phù hợp với quy luật tự nhiên, kinh tế xã hội của nhân dân Hội An, mà còn sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch hết sức độc đáo cho Hội An. Từ đó ngày càng nâng cao được điều kiện của cộng đồng nhân dân cũng như là một niềm tự hào cho nhân dân Hội An, tỉnh Quảng Nam và cả nước nói chung.
KTS Nguyễn Bảo Lâm