Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / VÀI SUY NGHĨ TẢN MẠN VỀ QUY HOẠCH ĐÀ NẴNG

VÀI SUY NGHĨ TẢN MẠN VỀ QUY HOẠCH ĐÀ NẴNG

Cái thời mà người ta chỉ nghĩ đến việc phân được bao nhiêu lô đất, mở được bao nhiêu tuyến đường, xây dựng được bao nhiêu khu quy hoạch theo kiểu phát triển về số lượng, để tạo ra một sự thán phục của người ngoài khi đến thành phố Đà Nẵng, cái thời mà chúng ta từng tự hào về những con đường đẹp nhất nước, nhưng làm ra rồi bao năm ở bên đường không ai xây dựng gì, và…cỏ mọc nhiều nhất nước…chắc qua rồi. Bây giờ có lẽ phải nghĩ đến một cuộc sống có chất lượng hơn, phải nghĩ đến hồ nước, công viên, cây xanh, đến sự bảo đảm về cảnh quan, về một môi trường sống tốt hơn, bền vững hơn và trân trọng những gì mà Thiên Nhiên-Đất Mẹ Đà Nẵng ban tặng: Sông-Biển-Núi-Rừng.

Đường Nguyễn Tất Thành
Đường Nguyễn Tất Thành

Cũng có vài lần có ý định viết bài về công tác quy hoạch xây dựng của TP Đà Nẵng nhưng chưa được.

Nay nhân dịp có cuộc Hội thảo “Đà Nẵng-20 năm Quy hoạch Phát triển Đô thị” này, chắp bút viết luôn.

Được anh Nguyễn Cửu Loan gợi ý “cứ nói thẳng, thật lòng, đừng ngại…”, mình cũng chắp nối những suy nghĩ trăn trở đã từng có của mình qua thời gian tham gia một phần nhỏ trực tiếp vào công việc quy hoạch xây dựng của thành phố.

Từ những năm 1984, khi thành phố lần đầu tiên xây dựng một khu quy hoạch: khu tập thể Hòa Cường, tôi là người đã biết thế nào là quy hoạch…

Từ đó đến nay, qua một thời gian dài (hơn 30 năm) chứng kiến, tham gia trực tiếp vào công việc này với nhiệm vụ là một người làm công tác khảo sát đo đạc bản đồ ở một đơn vị chính của thành phố làm về quy hoạch, bản thân tôi, cũng có những suy nghĩ, trăn trở…mà theo như cách nói của một người thầy dạy chúng tôi là: sự phát triển của một đô thị gắn với sự thay đổi của bản đồ hay nói cách khác là chu kỳ làm mới bản đồ sẽ nói lên tốc độ của sự phát triển một đô thị hay thậm chí cho một quốc gia hay vùng lãnh thổ.

Điều này chúng tôi cũng đã được chiêm nghiệm thực tế.

Khi làm công tác đo vẽ bản đồ phục vụ quy hoạch xây dựng khu dân cư Bàu Thạc Gián, anh em đi đo vẽ bản đồ hồi đó đang làm thì được mấy bác xe ôm đi ngang qua (mới sáng sớm – có chút men rồi) dừng lại phán một câu: đo..đo cái gì mà đo hoài…mà không thấy làm gì cả. Họ nghĩ đơn giản là đã thấy mấy ông đi đo là sẽ làm cái gì đó: mở đường, xây cầu…

Sau này thì sự việc có khác đi rồi.

Đã từng có thời kỳ mà tốc độ phát triển quy hoạch, xây dựng của thành phố Đà Nẵng thật sự là vô cùng nhanh, nhanh tới nỗi không kịp làm bản đồ cho quy hoạch nữa. Chúng tôi đã từng phải đo đến hàng trăm, hàng ngàn ha bản đồ…Sự phát triển đô thị nhanh đến chóng mặt, bản đồ làm xong, khi đến lúc nghiệm thu, lại phải điều chỉnh bổ sung…như kiểu người ta sơn chống rỉ Cầu Long Biên Hà Nội vậy: sơn từ bờ này sang bờ kia, đến khi quay sang sơn lại từ đầu.

Có một câu chuyện vui mà chúng tôi gặp đó là, khi đo bản đồ một khu vực phục vụ quy hoạch, một bác dân mời bọn tôi uống nước nói chuyện phiếm. Gia đình bác thuộc diện giải tỏa, được bố trí tái định cư như hàng trăm, hàng ngàn hộ dân Đà Nẵng đã từng. Sau một thời gian, chúng tôi đi đo bản đồ một khu vực khác, thật tình cờ chúng tôi lại gặp lại gia đình bác đó. Được biết bác cũng giống mọi người, được nhà nước đền bù mảnh đất cũ, rồi phân cho đất tái định cư, nhưng được giá bác bán đi, tìm ra khu này, xa trung tâm hơn xí, chắc nghĩ không thuộc diện quy hoạch gì, mua miếng đất nhỏ hơn, dựng nhà để ở, ai dè lại cấn quy hoạch…Cái này thì không ít và không có gì đáng nói nếu như chúng tôi không gặp lại gia đình bác đó lần thứ ba, lần này thì còn xa trung tâm hơn nữa…và trớ trêu thay…lại giải tỏa lần nữa.

Có nhiều khi tán gẫu bên bàn nhậu, bọn tôi hay bàn về quy hoạch. Tôi từng nói đại ý, nếu sau này ai có hỏi trước đây bạn làm nghề gì, tôi sẽ nói là tôi không liên quan gì đến quy hoạch cả, vì sợ họ biết mình đã từng làm quy hoạch, có thể là đời con cháu sau này, chúng nó sẽ chửi.

Các bạn đừng quy kết vội, tôi sẽ nói ra một vài lý do chính sau đây, để nói rằng công tác quy hoạch của chúng ta nhiều cái là chưa tốt, thậm chí là sai.

Một công trình xây dựng xấu, sai có thể sửa, thậm chí phá đi làm lại, ví dụ như Rạp Trưng Vương chẳng hạn, xấu, lạc hậu: cải tạo, sửa chữa…nay ngay gần như đã đập hết đi để làm mới lại vẫn bị chê xấu (rạp hát mà giống cây xăng???), lạc hậu…sắp tới nếu có điều kiện, đập đi xây mới đẹp hơn, hiện đại hơn vẫn được.

Nhưng một dự án quy hoạch chưa tốt hay thậm chí là sai, rất khó sửa, và quan trọng hơn là nó tác động trực tiếp tới môi trường, cảnh quan cả lâu dài sau này.

  1. Các dự án đường ven biển, ven sông của Đà Nẵng:

Tuyến đường ven Vịnh Đà Nẵng hay còn gọi là tuyến đường Liên Chiểu-Thuận Phước nay là đường Nguyễn Tất Thành: tuyến đường dài hơn 13Km này đấu nối từ đầu đường Trần Phú, Bạch Đằng, Đống Đa chạy ôm theo Vịnh ĐN tới Liên Chiểu.

Con đường đó khi hình thành, ban đầu nó chạy ven bờ biển qua bãi tắm Thanh Bình, qua các khu nhà ổ chuột ở phường Xuân Hà…tới cửa sông Phú Lộc là hợp lý. Nhưng khi đã ra ngoài khu vực này, đi qua các bãi cát, rừng phi lao của bãi tắm Xuân Thiều thì việc đưa con đường ra sát mép nước là một sự phí phạm vô cùng sự ưu đãi của thiên nhiên. Nghe nói có cả một dự án đầu tư của nước ngoài cho khu Xuân Thiều đã bị bỏ vì con đường ra sát mép biển này. Người ta làm con đường chạy sát mép biển, chỉ để lại một chút tàn tích của mấy ngôi nhà cũ trên bãi tắm Xuân Thiều, cả một rừng cây phi lao lâu năm đều bị chặt, trong khi con đường thì không rộng đến vậy. may mà giờ đây còn có cái dải đất nhỏ ven biển mà hiện đang là khu du lịch biển có giá trị nhất của tuyến này (!!!)

Việc xây dựng tuyến đường sát mép biển, ngoài không còn chỗ cho mảnh đất vàng: có mặt tiền là “sông nước” chứ không phải là mặt tiền “đường”, thì nó còn phá đi một hệ sinh thái tồn tại tự nhiên bao đời nay, đó là giải cây xanh phòng hộ ven biển. Sau khi phá đi giải cây xanh(phi lao) lâu năm ven biển, nay họ đang trồng lại một giải cây phi lao mới nho nhỏ phía ngoài kè (???)

Tuyến đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc: đây là tuyến đường ven biển nối từ bán đảo Sơn Trà, qua các bãi tắm Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước rồi nhập vào con đường cũ từ thời Pháp nối Đà Nẵng với Cửa Đại Hội An.

Khi chuẩn bị cho dự án này, đơn vị tôi có bố trí một chuyến xe chạy dọc các địa điểm có bãi biển của miền Bắc như bãi Sầm Sơn Thanh Hóa, bãi Đồ Sơn Hải Phòng, Bãi Cháy Quảng Ninh để tham quan học hỏi.

Hành trình đi trên chuyến xe này, chúng tôi có tranh luận nhiều về vấn đề xây dựng các tuyến đường ven biển như thế nào là hợp lý. Có ý kiến cho rằng đã là đường ven biển thì phải sát ra mép biển, kiểu như đường LC-TP tôi nói ở trên, vì như vậy mới ngắm được biển(???), họ còn lấy ví dụ như con đường ven biển hàng trăm km của nước Úc. Đa phần chúng tôi không đồng ý với lập luận này, đại ý nói rằng, đúng là đường ven biển thì phải làm ven biển rồi, nhưng bảo là làm sát ra mép biển kiểu như đường LC-TP đã làm thì không nên tí nào. Vả lại đi trên con đường ven biển kiểu này có ngắm thấy biển gì đâu, muốn ngắm thì phải ở trên cao cơ, như lên núi Sơn Trà hay Hải Vân mà ngắm, hay như bên Úc, các con đường này thường chạy trên cao, do địa hình đặc thù của biển bên họ là mực nước thủy triều lên xuống chênh lệch lớn. Đúng là có những nơi có con đường chạy sát mép biển thật, như bãi Sầm Sơn: đường ven biển, hàng quán nhếch nhác, mất mỹ quan…nhưng do đặc thù khu vực này được xây dựng từ lâu rồi, không chỉ có một con đường ven biển mà cả một đô thị dạng ô bàn cờ ven biển. Còn như con đường ven biển khu vực Bãi Cháy Quảng Ninh thì lại khác nữa. Do khu vực này có địa hình đặc trưng là các dãy núi chạy gần biển, bắt buộc các con đường phải chạy sát mép biển, tuy nhiên những chỗ có thể được, con đường lại vòng xa mép biển, nhường chỗ cho dải đất vàng dịch vụ du lịch biển, thậm chí có nơi họ còn mang cát đổ lấn ra biển nữa.

Còn chúng ta thì sao? Từ chân núi Sơn Trà, người ta mở một tuyến đường rộng tới 15m chạy ven theo mép nước biển đều đều tới bãi tắm Mỹ Khê, cắt ngay phía trước một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Mỹ Khê (T20) (nghe nói sau giải phóng là nơi các vị quan chức cấp cao của Đảng, NN thường nghỉ ở đây), tiếp tục phá luôn một rừng phi lao tuyệt đẹp (T18), chạy tiếp tới bãi tắm Bắc Mỹ An…

May thay, phải, đúng là quá may mắn, khi tuyến đường chạy tới đây thì gặp khu Furama Resort và đối diện bên kia đường Hồ Xuân Hương đang có một dự án du lịch đang được triển khai, con đường phải đi vòng để tránh (…). Thậm chí, ngay cả khi đi qua khu Furama này, người ta cũng cố ép để con đường lấn vào đất của nó, bởi do phải tránh một dãy nhà đã có “sổ đỏ” của dân(hay cán bộ nào đó!!!) phía ngoài tường rào khu Furama này. Tiếp tục con đường, sau khi tránh Furama, lại có ý định chạy ra mép biển trở lại, và sẽ đều đều chạy sát mép nước, để đâm xuyên qua khu du lịch Non Nước khi đó đang do một doanh nghiệp nhà nước quản lý. Trời ơi, nếu như vậy thì thật là thảm họa. Nghe họ đồn rằng, khi đó, trong một cuộc họp thông qua phương án, người chủ doanh nghiệp nhà nước trên, đã gần như phát khóc khi nghe tin dữ là tuyến đường sẽ cắt qua khu du lịch của mình…và cũng như khu du lịch Xuân Thiều đã kể trên, đối tác đầu tư nước ngoài sẽ từ bỏ dự án, kể cả họ đã đặt cọc vài triệu đô rồi, nếu con đường đi xuyên qua như vậy.

May thay, điều đó đã không xảy ra, tuyến đường sau khi đi qua khỏi Furama, tiếp tục chạy xa mép biển, để giờ đây chúng ta có một dải đất quý giá của hàng loạt các dự án ven biển (thiên đường resort-như cách người ta gắn cho dải đất  này). Mà được như ngày nay, cũng cần nhắc lại một câu chuyện này nữa, kẻo họ lại hiểu “nhầm”…: trong một lần khi đi giao mốc ranh giới một dự án ven biển gần núi Non Nước cho một chủ dự án người nước ngoài, khi nhận mốc xong, ông ta nói là ông bị đau tim khi thấy ta giao cho ông 2 mốc ranh giới khu vực 10 ha (250mx400m) của ông nằm sát mép nước biển!!!(ông nói là lần đầu tiên trên thế giới). Bởi theo quy hoạch khi đó, con đường bị đẩy ra gần biển, mặt tiền (theo đường) là 250m, chiều dài khu đất ra biển là 400m, nhưng phần xây dựng được là dải đất từ ta luy biển ra đến đường chứ không thể từ mép nước được-chỉ còn 250-300m, còn lại là bãi biển thấp hẳn xuống-không thể xây dựng. Như vậy, khu đất 10 ha nay chỉ còn khoảng 6-7ha thôi. Chính sự nghịch lý này đã dẫn đến một quyết định là đẩy con đường xa ra khỏi mép biển như hiện nay. Rõ ràng là, với việc xây dựng các tuyến đường ven biển, ngoài những sự sửa sai kịp thời để không phải hối tiếc, thì đâu đó, người ta vẫn nói rằng giá như mà…giá như mà, hồi đó con đường ven biển Liên Chiểu-Thuận Phước, đoạn qua khu Phú Lộc, Xuân Thiều lên tới Nam Ô…giá như mà… đường ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc, đoạn Sơn Trà tới Bắc Mỹ An, người ta quy hoạch hợp lý hơn chút nữa, thì bây giờ chúng ta sẽ có nhiều những dải đất dịch vụ du lịch quý giá hơn nhiều như khu Xuân Thiều, khu công viên Biển Đông, khu Temple, khu nhà hàng ven biển Phước Mỹ, Mỹ Hạnh…hay như khu Sailing Bar trước tu viện Phaolo, những dải đất mỏng lét còn lại nhưng lại có mặt tiền-mặt biển quý giá như thế!

Nhân nói về MẶT TIỀN khi quy hoạch, tâm lý người Việt chúng ta nói chung đều muốn ra mặt tiền-đường phố, thế còn mặt tiền-sông nước thì sao? Tôi có từng đọc một bài viết của một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khi nói về công tác quy hoạch của địa phương của ông. Và thật lạ khi vị lãnh đạo này lại nói về một chủ trương quy hoạch của ông là thay vì làm các khu quy hoạch xây dựng nhà cửa, công trình quay mặt ra đường thì lại là quay mặt ra sông: MẶT TIỀN-SÔNG NƯỚC. Như vậy thay vì chúng ta cứ ra sức đưa các con đường sát ra mặt nước, thì ông ta lại cho tạo một không gian sông-nước-giao thông thủy-công trình-giao thông đường bộ, theo kiểu trên bến sông-nhà-đường phố như đô thị cổ Hội An đã từng. Cùng thời điểm đó, ở Đà Nẵng, người ta cứ mặc nhiên làm đường ven biển, ven sông theo kiểu: sông, biển-đường rồi mới đến nhà, công trình. Tôi còn biết một dự án mà theo yêu cầu là cứ ven theo sông đều đều 200m làm một con đường, không cần tìm hiểu xem ven cả một đoạn sông dài đến hàng chục km đó có gì, họ xây kè, làm đường và không cần để tâm tới cả một hệ sinh thái tự nhiên ven sông…

Ở thành phố ta đã từng có một dạng nhà ven sông Hàn: xóm nhà chồ dọc con sông từ cầu Nguyễn Văn Trỗi ra tới Nại Hiên Đông, trước khi chúng ta xây dựng tuyến đường Bạch Đằng Đông nay là đường Trần Hưng Đạo. Nhà chồ (theo cách gọi những khu nhà lụp sụp ven sông, nơi mà người dân đi thuyền về có thể từ thuyền vào thẳng nhà của mình luôn), một dạng công trình đặc thù của người dân sống bằng nghề sông nước. Sự phát triển của thành phố, sau khi chúng ta làm cầu Sông Hàn, khu vực quận Ba ngày xưa, nay là Quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn đã thay đổi hẳn bộ mặt, và ngày nay không còn gì là dấu vết của những dạng nhà “chồ” như tôi nói trên: ở cả bờ Đông và bờ Tây của Sông Hàn. Không lẽ dân mình bỏ hết nghề sông nước rồi? Không có đâu, bây giờ chúng ta xây dựng âu thuyền, bến đỗ cho họ, sau khi làm biển về, họ sẽ về nhà họ được bố trí trong khu tái định cư hay thậm chí là căn hộ chung cư nào đó…Và bản thân tôi, có một chút nuối tiếc, giá như hồi đó, sau khi bỏ những khu nhà chồ lụp sụp đó đi, họ thay bằng những căn nhà “chồ” mới, mà một người dân như tôi mơ tưởng về việc mình sở hữu một chiếc thuyền (làm phương tiện đi lại thay vì đi ô tô, xe máy trên đường phố), về nhà “chồ ven sông” của mình…cũng thấy tiếc nuối giống như mấy ông bạn phương Tây trước đây qua mình, thường rất thích ngồi ở một quán bar đã từng có ven sông Hàn (phía trước sân tennis Bạch Đằng-một quán bar kiểu nhà chồ), sau này khi chúng ta cải tạo tuyến đường Bạch Đằng thì không còn nữa. Ngay cả khi xây dựng cải tạo tuyến đường Bạch Đằng này, nhiều người vẫn đề xuất về việc cần thiết phải có những điểm dịch vụ kiểu vậy trên tuyến đường này(theo cách như người Sài Gòn có ven sông Sài Gòn vậy), nhưng không được tán thành vì cho rằng làm vậy không quản lý được, mất vệ sinh, mất cảnh quan của con đường, rằng chỉ để cho người dân đi dạo thôi…Tôi nghĩ, chắc ai cũng thích được sống, được thư giãn ngay ven sông, biển chứ chẳng phải qua một con đường tấp nập xe cộ qua lại như bây giờ…còn việc để nhếch nhác thì là việc của các nhà quản lý chứ…

Khu đô thị mới Nam Hòa Cường
Khu đô thị mới Nam Hòa Cường

2. Các dự án đô thị của Đà Nẵng:

Khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, chắc mọi người đều biết là ngay phía dưới chúng ta có một khu đô thị đang được xây dựng: khu đô thị Hòa Xuân. Người ta làm đường, san lắp nền, dễ đến cả triệu khối đất…bằng chứng là ngày nay các quả núi quanh thành phố chúng ta cứ bị gọt đến đỏ quạch hết cả, chắc chẳng mấy chốc mà bằng phẳng giống bình địa cả. Một vấn đề ở đây chắc ai cũng đều biết (nhất là mấy nhà làm quy hoạch), khu vực Hòa Xuân này vốn rất thấp, nó bị kẹp giữa hai dòng sông từ Cầu Đỏ và Túy Loan đổ về để nhập chung vào Sông Hàn trước khi ra biển. Năm 2007 bị lũ, cả xã Hòa Xuân này thành dòng chảy, đứng trên Cầu Đỏ hay cầu Cẩm Lệ nhìn xuống, thấy vài nóc nhà nhô lên giữa biển nước mênh mông thôi. Nay họ mang không biết cơ man nào là đất nơi khác đến đổ lên để xây dựng, họ có nghĩ đến lúc nào đó xuất hiện trận lũ kiểu như vậy thì chỗ nào cho nước nó chảy đây? Mà chắc mọi người đều biết sức mạnh đáng sợ của dòng nước bị tức là thế nào rồi? Nếu vậy, tại sao, thay vì việc tạo ra một đô thị như hiện nay: đắp đất-đắp đường, san lắp đất-làm đường giao thông bộ, thì chúng ta không xây dựng một đô thị kiểu đào đất-lấy đất đắp nền- đào kênh làm đường giao thông thủy! Lợi đủ đường! Và quả thật là tôi luôn nghĩ đến một ngày nào đó, trên con Sông Hàn kia là những chiếc du thuyền tấp nập, những chiếc du thuyền thực sự chứ không phải chiếc “du thuyền” bê tông DHC mới xây bên kia Cầu Rồng, còn tôi thì được sở hữu một căn hộ ven sông-nước kiểu nhà “chồ” thời mới, với một con thuyền-phương tiện giao thông…

Với một thành phố như của chúng ta, mà như lời một bài hát rất hay đã nói: núi trong lòng thành phố, phố trong lòng sông nước(biển khơi), nếu các nhà vạch định quy hoạch chưa nghĩ đến điều đó từ bây giờ thì là bao giờ đây?

KS. DƯƠNG BÌNH AN

ĐT&PT Số 63/2016

Check Also

Cover Mot nam nhin lai covid_0

VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TA ĐI TỚI

Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so …