Mười lăm năm sau khi thành phố trực thuộc Trung ương, bằng bản lĩnh, quyết tâm, sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, Thành phố đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là bộ mặt đô thị từng ngày thay đổi và phát triển không ngừng. Chọn phát triển hạ tầng giao thông làm bước đột phá, theo thời gian, Đà Nẵng đặt từng dấu ấn công trình rõ nét, tạo nên nhiều diện mạo mới cho thành phố. Đó là hàng loạt tuyến đường trục chính với quy mô mặt cắt ngang lớn xuyên tâm Thành phố theo hướng Bắc- Nam, Đông Tây, ven sông, ven biển, tuyến vành đai. Đó là hàng loạt cây cầu bắc qua các con sông của thành phố như sông Hàn, Cẩm Lệ, Túy Loan, sông Yên,… nối nhịp đôi bờ. Những công trình hạ tầng giao thông trên đã kết nối các khu vực của thành phố thành một thể liên hoàn, thống nhất, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố. Có thể nói hạ tầng giao thông chính là một trong những niềm tự hào của người dân Đà Nẵng.
Niềm tự hào có được không phải chỉ bởi trong một khoảng thời gian không dài nhưng thành phố đã hoàn thành một khối lượng công việc xây dựng hạ tầng khổng lồ mà ngay người dân thành phố nếu phải đi xa trong vòng một năm quay lại cũng phải ngỡ ngàng. Niềm tự hào có được còn bởi trong các công trình giao thông trọng điểm của thành phố đều đảm bảo đúng quy chuẩn quy định, thể hiện được sự khang trang, hiện đại; Nhiều công trình đánh dấu những bước trưởng thành vượt bậc trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT tiên tiến trên thế giới trong xây dựng giao thông Đà Nẵng.
1. Khái quát các công trình giao thông tiêu biểu đã đang được xây dựng
Năm 1985, Đà Nẵng triển khai mở rộng đường Điện Biên Phủ từ hai làn lên bốn làn xe ô tô. Đây được coi là công trình “đầu tay” về giao thông và nó như một “hiện tượng” đột biến trong tiến trình đô thị hóa của Đà Nẵng.
Tuy nhiên phải đến khi các dự án đường Đông – Tây (đường Nguyễn Văn Linh hiện nay), đường Bắc – Nam (đường Hàm Nghi – Lê Đình Lý) và đường Tiểu La nối dài (đường 2/9 hiện nay), đường Bạch Đằng Đông (Trần Hưng Đạo hiện nay) là những tuyến đường qua vùng ao hồ, ruộng trũng bờ tây và bờ đông sông Hàn được triển khai xây dựng vào những năm 1993-2000 thì hạ tầng giao thông Đà Nẵng mới thực sự chuyển mình.
Đó là các trục đường với quy mô 6 -12 làn xe xuyên qua các khu dân cư đông đúc, kết nối đến các vùng đất còn hoang sơ, nghèo khó của thành phố đã được triển khai xây dựng như đường Nguyễn Hữu Thọ, Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền, đường Hoàng Sa, Trường Sa, Điện Biên Phủ, Lê Văn Hiến,… (với tổng chiều dài gần 100km) hay đường Võ Văn Kiệt, đường Nguyễn Hữu Thọ nối dài, đường vành đai phía Nam, Nguyễn Tất Thành nối dài,…đang được triển khai xây dựng. Các tuyến đường trên đều được xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng đô thị, trong đó các hạng mục đường dây đường ống cấp nước, cấp điện, thông tin đều theo định hướng ngầm hóa. Riêng tuyến đường Võ Văn Kiệt đã xây dựng hệ thống hào kỹ thuật hoàn chỉnh, hiện đại để bố trí công trình ngầm với chiều dài gần 10km.
Nhiều tuyến đường nội thị cũng đã được đầu tư, cải tạo nâng cấp theo hướng khang trang, hiện đại, hạ tầng viễn thông, điện được hạ ngầm.
Bên cạnh đó các loại vật liệu mới hoặc các giải pháp kết cấu thân thiện với môi trường cũng được nghiên cứu ứng dụng vào trong xây dựng để vừa đảm bảo tính bền vững, thân thiện nhưng vẫn hiện đại: như lưới chắn rác bằng bê tông tính năng cao (không có cốt thép) hoặc bằng vật liệu composite thay thế cho các lưới chắn rác bằng gang, gạch lát vỉa hè có khả năng hút nước (để nước mưa có thể thấm vào đất), lan can các công trình ven biển làm bằng vật liệu composite, hay sửa chữa cải tạo kết cấu móng đường theo phương án tái chế tận dụng lại móng cấp phối đá dăm tại chỗ, sửa chữa vết nứt mặt nhựa bằng loại vật liệu tái sinh,…
Đà Nẵng cũng được biết đến với đường hầm đầu tiên của Việt Nam được xây dựng xuyên đèo Hải Vân do Bộ GTVT làm Chủ đầu tư, Ban QLDA 85 làm đại diện Chủ đầu tư, điều hành dự án. Đây là 01 trong 30 đường hầm lớn, hiện đại nhất thế giới và là hầm đường bộ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với nhiều hạng mục công trình có yêu cầu kỹ thuật cao trên thế giới được áp dụng lần đầu ở Việt Nam như công nghệ xây dựng đường hầm theo công nghệ NATM, công nghệ GIS trong trạm biến thế điện cao áp, hệ thống kiểm soát và điều khiển giao thông trong hầm.
Tuy nhiên, nói đến Đà Nẵng không thể không nói đến những cây cầu bắc qua dòng sông Hàn và Cẩm Lệ. Có thể nói không quá rằng, mỗi cây cầu lớn ở Đà Nẵng đều có những đặc trưng riêng không giống nhau, khi hoàn thành đều là một dấu nhấn quan trọng của Thành phố Đà Nẵng, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn là bước triển thành của ngành giao thông vận tải Đà Nẵng.
Nếu như trước năm 1997, Thành phố chỉ có 03 cây cầu đường bộ bắc qua sông Cẩm Lệ là Cầu Đỏ, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi đều được xây dựng từ trước giải phóng thì đến nay Đà Nẵng với các loại hình dạng kết cấu cơ bản từ cầu dây văng, dây võng, cầu quay, đến cầu BTCT đúc hẫng… xứng đáng là một thành phố của những cây cầu hiện đại.
Cầu Sông Hàn được khởi công vào ngày 02/9/1998 và khánh thành, đưa vào sử đúng ngày kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng thành phố 29-3-2000. Công trình này đến nay vẫn giữ “danh hiệu” là chiếc cầu quay đang hoạt động duy nhất trên đất nước Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong cây cầu nhịp lớn kết cấu dây văng đầu tiên do đội ngũ cầu đường Việt Nam trực tiếp thực hiện (hoàn thành trước cầu Mỹ Thuận 5/2000).
Năm 2001, Cầu Cẩm Lệ được xây dựng để thay thế chiếc cầu mang đầy thương tích chiến tranh. Cầu được thi công theo công nghệ đúc hẫng tiên tiến trên thế giới nhưng chưa phổ biến nhiều ở Việt Nam vào thời điểm bấy giờ. Đây là công trình cầu áp dụng công nghệ này đầu tiên ở khu vực miền Trung Tây Nguyên. Đây chính là tiền đề cho việc chủ động triển khai áp dụng một loạt các cầu theo công nghệ đúc hẫng cân bằng trên địa bàn thành phố như cầu Mân Quang, cầu Đỏ, Nguyễn Tri Phương, Khuê Đông, Sông Cái,…
Năm 2003, cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng thông xe kỹ thuật và khánh thành năm 2009. Đây là một trong những cây cầu dây võng dài ở Việt Nam (với chiều dài hơn 1800m) áp dụng nhiều giải pháp thiết kế tiên tiến và công nghệ thi công mới mẻ ở Việt Nam. Cầu có kết cấu dầm hộp BTCT liên tục đối với cầu dẫn, dạng cầu treo dây võng dầm thép bản trực hướng đối với cầu chính. Tính chất phức tạp của cầu không chỉ ở giải pháp kết cấu, trong đó:
– Cầu dẫn gồm 03 liên liên tục, đặc biệt có liên gồm 5 nhịp 50m liên tục nằm trong đường cong bán kính 250m được thi công theo phương pháp đổ bê tông trên đà giáo cố định, ván khuôn trượt. Những bài học rút ra từ công nghệ thi công này đã tạo tiền đề cho việc thiết kế biện pháp thi công chủ đạo và tổ chức thi công dầm dẫn cầu Trần Thị Lý hiện nay.
– Cầu chính là loại kết cấu biến dạng lớn phi tuyến với chiều dài 655m, phải khống chế thiết kế và thi công từng giai đoạn thi công sao cho khi hoàn thành công trình cầu phải có vị trí và hình dạng mong muốn; Có mố neo đặt trên móng giếng chìm hạ đến độ sâu gần 40m so với mực nước biển, móng trụ tháp đặt trên hệ cọc khoan nhồi đường kính đến 2,5m được khoan sâu hơn 60m thậm chí có vị trí 80m.
Và tính chất phức tạp của cầu còn ở điều kiện địa hình, địa chất, thời tiết của khu vực xây dựng cầu. Cầu nằm ngay tại vị trí cửa sông đổ ra vịnh Đà Nẵng, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió bão, chịu tác động thường xuyên của không khí ẩm, mặn; địa chất thay đổi bất thường,…Đây là những khó khăn thách thức rất lớn đối với đội ngũ cán bộ còn non trẻ về tay nghề, kinh nghiệm quản lý và thi công. Cầu Thuận Phước hoàn thành đã đánh dấu một bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ cầu đường của Đà Nẵng nói riêng, đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam nói chung trong làm chủ công nghệ thi công công nghệ cầu hiện đại.
Hiện nay, Thành phố đang tiếp tục triển khai xây dựng 02 công trình Cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý. Đây là 02 công trình có hình dáng kiến trúc độc đáo trên thế giới.
Năm 2009, ngay sau khi khánh thành cầu Thuận Phước Cầu Rồng được khởi công và dự kiến được hoàn thành vào 29-03-2013. Cầu Rồng được thiết kế mang hình dáng Rồng bay với ba nhịp chính liên tục theo sơ cấu tạo dầm – vòm liên tục. Đây là cầu vòm đơn (đường xe chạy ở 2 bên vòm) duy nhất và cũng là dài nhất ở khu vực Đông Nam Á với chiều dài phần cầu vòm 456m, trong đó vòm được cấu tạo từ 05 ống thép đường kính 1,2m. Công trình này đã được Hiệp hội cầu đường thế giới công nhận là công trình có thiết kế độc đáo, mới lạ.
Năm 2010, cầu mới Trần Thị Lý được khởi công xây dựng. Cầu được thiết kế với kết cấu trụ tháp đơn nghiêng cao 145m và dây văng 3 mặt phẳng trong đó phần dây phía Tây bố trí xoắn không gian như các cánh buồm tạo nên một điểm nhấn kiến trúc phía Nam trung tâm Thành phố. Đặc biệt trụ tháp nghiêng của cầu được đặt trên hệ gối chỏm cầu chịu được tải trọng đứng đến 25.000 tấn là gối chỏm cầu chịu tải trọng lớn nhất thế giới đến thời điểm hiện nay.
Việc chủ động trong việc tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong xây dựng cầu đường của Thành phố đã góp phần làm cho Thành phố không chỉ đa dạng hóa kiểu dáng công trình kiến trúc công cộng, bổ sung thêm các điểm nhấn kiến trúc của Thành phố mà còn đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ giao thông thành phố Đà Nẵng, tạo động lực thúc đẩy cho đội ngũ Tư vấn thiết kế, giám sát, thi công xây lắp của ngành GTVT tự phấn đấu nâng cao năng lực trình độ để đảm nhận một phần hoặc toàn bộ các công đoạn thiết kế, thi công công trình có quy mô lớn và tính chất phức tạp.
2. Những bước tiến công nghệ
2.1. Tiến bộ trong công tác khảo sát thiết kế
Việc ứng dụng kịp thời công nghệ mới đã đem lại một bước tiến dài cho công tác khảo sát. Các đơn vị Tư vấn khảo sát đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại như máy toàn đạc điện tử, thiết bị định vị toàn cầu, máy đo cao, đo sâu điện tử, các thiết bị khoan lấy mẫu địa chất hiện đại có khả năng khoan sâu và lấy mẫu đất nguyên dạng, các thiết bị thí nghiệm địa kỹ thuật hiện đại có khả năng thực hiện các thí nghiệm có yêu cầu độ chính xác cao như: thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn SPT, thí nghiệm cắt cánh hiện trường (VST), thí nghiệm xuyên tĩnh (CPT), thí nghiệm đo điện trở suất của đất, các thí nghiệm siêu âm, các chỉ tiêu cơ lý … Các đơn vị cũng đã chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ, cử cán bộ khảo sát tham gia học tập các lớp chuyên ngành khảo sát nâng cao, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng các phần mềm tiên tiến như: phầm mềm Topo, Softdesk civil 3D, Map Info trong lĩnh vực đo đạc số hóa bình đồ, phần mềm TSW-3 xác định các thông số cơ bản của đất nền phục vụ cho tính toán và phân tích nền móng. Năng suất và chất lượng của công tác khảo sát công trình được nâng cao rõ rệt, cán bộ khảo sát được chuyên môn hóa.
Trong công tác thiết kế, khoa học công nghệ đóng góp một vai trò then chốt, giúp đạt được những thành tựu nổi bật trong thời gian vừa qua. Cùng với tiến trình hội nhập Quốc tế, ngành GTVT Đà Nẵng đã có những định hướng để các đơn vị Tư vấn thiết kế nhận thức rõ được cơ hội đón và đã kịp thời nắm bắt để học tập, tiếp thu các kiến thức mới, làm chủ được công nghệ hiện đại.
Đến nay, công tác tư vấn thiết kế của ngành GTVT Đà Nẵng đã thực sự nâng lên một tầm cao mới. Các kỹ sư tư vấn đã triển khai áp dụng thành công các phần mềm phục vụ công tác tính toán, phân tích và thiết kế hiện đại như: Phần mềm RM2000 tính toán thiết kế cầu, phần mềm NOVA – TDN tính toán thiết kế đường và nút giao thông; phần mềm tính toán thiết kế các kết cấu SAP2000; MIKE-UBAN tính toán thủy văn, thủy lực, phần mềm tính toán xử lý nền đất yếu PLASXIS, tính toán ổn định nền đường GEO-SLOPE…
Các cán bộ ngành GTVT Đà Nẵng đã tự đảm nhận được nhiều hạng mục tính toán thiết kế có độ khó cao. Các công trình, hạng mục công trình quan trọng như các công trình vượt sông với khẩu độ nhịp lớn, thi công theo công nghệ mới, các tuyến đường có các hạng mục xử lý nền móng phức tạp đã được các kỹ sư tư vấn tính toán thiết kế đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Điển hình là các công trình cầu độc đáo ở Thành phố Đà Nẵng như: Cầu quay sông Hàn, cầu treo dây võng Thuận Phước, cầu Hòa Xuân với kết cấu dầm I BTCT dự ứng lực được liên tục hóa, cầu Cẩm Lệ với kết cấu nhịp đúc hẫng cân bằng…
Trong thiết kế xử lý nền đường đắp trên đất yếu, đã áp dụng thành công nhiều phương pháp ứng với từng điều kiện địa chất khác nhau của thành phố Đà Nẵng như: phương pháp cắm bấc thấm kết hợp đắp đất gia tải, phương án gia cố tại chỗ bằng cọc cát, cọc xi măng – đất….
Về thiết kế kiên cố hoá mái dốc ta luy nền đường, đã mạnh dạn áp dụng nhiều giải pháp mang tính đột phá như công nghệ neo trong đất, sử dụng lưới địa kỹ thuật Neo-web để gia cố mái dốc, sử dụng tường chắn có cốt MSE (mechanical stable earth) thiết kế tường chắn đầu cầu.
2.2. Tiến bộ trong khâu thi công
Trong vài năm gần đây, ngành GTVT Đà Nẵng đã góp phần quan trọng trong việc tiếp thu và ứng dụng thành công nhiều công nghệ thi công tiên tiến của quốc tế vào xây dựng công trình giao thông ở Đà Nẵng đặc biệt là đối với các công trình cầu.
Về phần thi công kết cấu hạ bộ đầu tiên phải kể đến công trình cầu Thuận Phước với kết cấu móng mố neo giếng chìm vỏ thép và BTCT hình hộp rỗng, kích thước (36×30)m chiều sâu từ 35,1 – 37,6m, chia làm 16 ngăn đổ cát sỏi bên trong làm đối trọng, móng trụ tháp bằng cọc khoan nhồi đường kính 2,5m, chiều sâu trung bình 60m. Công trình cầu Rồng với công nghệ thi công hố móng của các trụ P1, P2, P3, P4 có kích thước vào loại khá lớn (46×36)m, khối lượng bê tông bịt đáy cho mỗi trụ lên tới hơn 6000m3.
Các công trình cầu Đà Nẵng đã tổng hợp được khá nhiều các dạng kết cấu và công nghệ thi công. Cầu dây văng có nhịp quay như cầu sông Hàn, cầu dây văng 3 mặt phẳng Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý. Kết cấu cầu treo có cầu treo dây võng Thuận Phước. Cầu có nhịp dầm liên tục thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng như cầu Cẩm Lệ, cầu Tuyên Sơn, nhịp chính cầu Nguyễn Tri Phương, nhịp chính cầu sông Cái. Kết cấu cầu dầm I dài 42,0m được liên tục dầm như cầu Hòa Xuân. Kết cấu nhịp dầm super T như các nhịp dẫn của các công trình cầu sông Cái, cầu Nguyễn Tri Phương. Kết cấu dạng vòm gồm có: cầu qua sông Cổ Cò với kết cấu vòm BTCT; cầu Công viên qua nhà biểu diễn đa năng, cầu số 01 qua khu Đồng Nò với kết cấu vòm thép nhồi bê tông. Kết cấu liên hợp giữa dầm BTCT, dầm thép, vòm thép độc đáo như công trình cầu Rồng thành phố Đà Nẵng.
Trong lĩnh vực đường bộ, các đơn vị Tư vấn đã triển khai tính toán thiết kế và ứng dụng nhiều công nghệ truyền thống và công nghệ mới, đem lại hiệu quả cao về mặt giá thành và chất lượng công trình. Các Nhà thầu đã triển khai áp dụng vật liệu mới TL-2000 tái sinh mặt đường để sửa chữa mặt đường bê tông nhựa cũ, áp dụng thành công kết cấu cấp phối đá dăm gia cố xi măng sửa chữa móng mặt đường ô tô đối với các tuyến đường 2 tháng 9, đường và cầu Nguyễn Văn Trỗi; ứng dụng thi công tường chắn đất có cốt MSE (mechanical stable earth) với đường đầu cầu Nguyễn Tri Phương.
3. Tiến bộ trong công tác quản lý
Trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, có thể nói cho đến nay, năng lực quản lý của ngành GTVT Đà Nẵng đã đạt đến một nấc thang mới, đã đảm nhận được các công trình và dự án có quy mô lớn (từ trên 1 nghìn tỷ VNĐ đến 300 triệu USD), có yêu cầu cao về mặt tiến độ và chất lượng công trình. Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi và đánh giá dự án (như xây dựng phần mềm trao đổi trực tuyến, sử dụng hộp thư điện tử để làm việc trực tiếp giữa Giám đốc Sở với chuyên viên Ban QLDA theo dõi từng hạng mục công trình, xây dựng phần mềm theo dõi xử lý văn bản, công trình xây dựng,…), các công việc tại hiện trường được thông tin kịp thời, xử lý nhanh chóng các khó khăn phát sinh trong triển khai dự án, đồng thời cũng xác định rõ được trách nhiệm của từng cán bộ trong tham gia quản lý dự án.
Trong lĩnh vực quản lý giao thông đô thị, ngành GTVT Đà Nẵng đã tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu nền GIS để thuận lợi cho việc quản lý hạ tầng giao thông đô thị một cách đồng bộ, chính xác, tổ chức khai thác hiệu quả phần mềm quản lý cầu đường do Trung Ương cung cấp để kiểm soát tốt công tác duy tu bảo dưỡng, xây dựng kế hoạch duy tu bảo dưỡng được chính xác, kịp thời; đang nghiên cứu, áp dụng phần mềm điều khiển tự động hệ thống tín hiệu giao thông (của Tây Ban Nha) để vận dụng tổ chức giao thông theo phương thức “làn sóng xanh” trên một số trục giao thông chính của thành phố.
Trong lĩnh vực quy hoạch, ngành GTVT Đà Nẵng cũng đã chủ động trong nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm tiên tiến trong quản lý, quy hoạch giao thông như STRADA, VISUM để phân tích dự báo nhu cầu giao thông, đánh giá các điểm ùn tắc giao thông, các phương án thiết kế tổ chức giao thông, cũng như xây dựng bản đồ quy hoạch tổng thể giao thông thành phố,,… ứng dụng phần mềm Mô hình thủy lực trong thiết kế quy hoạch các tuyến kênh, cống thoát nước chính của thành phố, đảm bảo giải pháp đề xuất là hợp lý nhất.
Đà Nẵng vinh dự và tự hào khi nhận được những lời khen ngợi từ các cấp lãnh đạo Nhà Nước. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi về thăm thành phố đã nói rằng “Đà Nẵng với những đổi thay rất đáng khâm phục. Những con đường mới khang trang, những cây cầu mới hiện đại, tiêu biểu cho một sức sống mãnh liệt của người dân Đà Nẵng” . Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh“Có thể nói rằng, Đà Nẵng đã lựa chọn đúng một khâu đột phá rất quan trọng là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Nhờ thực hiện tốt việc đầu tư kết cấu hạ tầng đã tạo nên động lực rất quan trọng để cho Đà Nẵng phát triển nhanh và toàn diện những năm qua”
Những ý kiến trên là sự đánh giá khách quan về kết quả phát triển hạ tầng giao thông đô thị mà Đà Nẵng đã đạt được thời gian vừa qua. Đây là sự tưởng thưởng xứng đáng cho sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đà Nẵng nói chung và đội ngũ cán bộ ngành Giao thông Vận tải thành phố nói riêng. Nhờ đam mê sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người Đà Nẵng, từ vị trí lãnh đạo cao nhất đến công nhân bình thường đã giúp những công nghệ, khoa học kỹ thuật mới được áp dụng linh hoạt vào thực tế thành phố, tạo nên những “kỳ quan nhân tạo”. Những “kỳ quan” này không chỉ là nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn là điểm nhấn cho người dân mọi miền Tổ quốc thêm yêu, thêm quý thành phố. Đà Nẵng với núi nằm trong sông, sông nằm trong biển có sức hút và lan tỏa mạnh mẽ, dần khẳng định được vị thế trên con đường phát triển và hội nhập.
TS. Đặng Việt Dũng