Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Từ Quảng Đông nghĩ về Quảng Nam

Từ Quảng Đông nghĩ về Quảng Nam

                            Từ Quảng Đông nghĩ về Quảng Nam

Khái niệm Quảng Nam trong bài viết bao gồm cả khái niệm Đà Nẵng. Phát triển là một xu thế tất yếu nhưng phải giữ lại những giá trị kiến trúc cũ và tôn trọng quyền lợi của nhân dân.

IMG_0005_opt
Tôi thật sự thất vọng sau chuyến đi thăm miền Nam Trung Quốc tháng 9-2009. Ngày xưa, tôi học chữ Hán, vốn say mê Đường thi, Tống từ và tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Tâm tưởng của tôi vẫn khắc sâu hình tượng những quán lương đình, những cây thạch kiều bắc qua những dòng sông ngắn. Nơi đó, người ta đưa tiễn nhau, cùng ngồi lại uống chén rượu cuối cùng rồi chia biệt:

Huề thủ thướng hà lương/ Du tử mộ hà chi? (Dắt tay nhau đến bên cầu/ Chiều nay du tử đi đâu hỡi người). Huy thủ tư tư khứ/ Tiêu tiêu ban mã sinh/. (Vẫy tay, thôi đã rời xa/ Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn tênh).

Tâm tưởng tôi vẫn ghi đậm nét hình tượng của mùa thu Trung Quốc, cái mùa thu lãng mạn trong thi ca Vương Bột với sông xanh cộng trời dài, tạo nên một sắc thu nùng diễm:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi/ Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc. (Ráng chiều, cò lẻ cùng bay/ Sông thu cộng với trời dài xanh xanh).

Đọc Kim Dung, tôi càng mơ mộng hơn. Trong Phi hồ ngoại truyện, Kim Dung nói rõ Hồ Phỉ hành hiệp qua tới Quảng Đông, đã ra tay trừng trị cha con ác bá Phụng Thiên Nam trong miếu thờ Bắc Đế thần quân ở trấn Phật Sơn. Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã nói chuyện Ngô Lục Kỳ, đề đốc Quảng Đông triều Khang Hy, cầm cọng nhà nho Tra Kế Tá ở lại chơi các thắng cảnh tỉnh này trong sáu tháng để cùng nhau bàn mưu tính kế chống lại Thanh triều, đuổi người Mãn Châu ra khỏi đất nước Trung Quốc.

Thế nhưng, khi sang đến Quảng Đông, tôi hoàn toàn không tìm được những hình tượng mơ mộng đó. Nào đâu sông thu xanh biếc cộng với trời dài mênh mang? Trước mắt tôi, chỉ có một dòng Châu Giang cuồn cuộn xuôi về biển Quảng Đông với màu nước đen xỉn, hậu quả tất yếu từ những khu công nghiệp mọc lên nhanh như nấm. Nào đâu quán lương đình, thạch kiều thơ mộng? Không thấy một ngôi chùa cổ, cũng chẳng thấy một nhà thờ. Trước mắt tôi chỉ còn những căn nhà cao vài ba chục tầng với những kết cấu bê tông cứng nhắc. Nông dân, công nhân, thị dân vào sống trong những ngôi nhà đó, đi thang máy xuống đường hoặc bó gối ngồi trên bao lơn cao cả trăm thước nhìn xuống phố.

Nông thôn Quảng Đông không còn nữa. Trên 80 cây số đường cao tốc nối Quảng Châu với Thâm Quyến, chỉ còn một nông trường chuối kéo dài hơn 5 cây số. Và hết. Không một mảnh ruộng, không một vườn rau, không một nhà dân đơn độc. Những nét kiến trúc cổ Trung Quốc với mái ngói cong, những con đường lát đá xanh, cánh cổng lớn có những vòng đồng tròn… dường như mất sạch. Qua trấn Phật Sơn, tôi tìm mãi miếu Bắc Đế cũng  không ra. Toàn bộ tỉnh Quảng Đông với diện tích 180.000 cây số vuông, 21 thành phố đã bị bê tông hóa. Chỉ còn một công trình duy nhất giữ lại được phong cách kiến trúc truyền thống Trung Quốc là Khu lưu niệm nhà cách mạng Tôn Trung Sơn – cha đẻ của thuyết Tam dân tại thành phố Quảng Châu. Những chiếc ghế ngồi họp của chính quyền dân quốc cũ cũng đã được thay mới bằng ghế nệm bọc simili đỏ. Và người ta tổ chức nơi đó như là một… rạp hát.

Trông người mà nghĩ tới ta. Tỉnh Quảng Nam thật may mắn khi giữ lại được khu phố cổ Hội An và khu đền tháp Hindu giáo Mỹ Sơn. Tôi đi qua đường Nguyễn Thái Học giữa khu phố cổ, còn cảm nhận được nhiều rung động rất Trung Quốc học, còn nghe được tâm hồn của nhạc sĩ La Hối (vốn là người Quảng Đông) hơn là khi đi dạo trên đường phố Quảng Đông. Tôi về giữa khu đền tháp Mỹ Sơn, đi thăm khu cựu đô Trà Kiệu, còn cảm nhận được rất nhiều rung động về Champa học. Ngàn năm qua, những Apsara vẫn dịu dàng múa những điệu u ẩn ca ngợi vẻ đẹp trong hình thể con người. Ngàn năm qua, những Apsara vẫn còn múa dịu dàng trong lòng tôi, biến tôi trở thành một nhạc sĩ và nhà văn lãng mạn. Tôi sẽ không là tôi ngày hôm nay nếu tôi không may mắn được sinh ra trên đất Quảng Nam.

Thành phố Đà Nẵng của chúng ta cũng thế. Đà Nẵng đang tăng tốc, phát triển, được ghi nhận là thành phố đi đầu trong cả nước về chỉ số phát triển công nghiệp. Thế nhưng Đà Nẵng vẫn còn giữ lại một tàng cổ viện Champa quý giá và những căn nhà theo kiến trúc Pháp với những đường nét giản dị của cửa gỗ, những vòm cong theo phong cách gothique, những vòng rào bằng sắt không cao nhưng kiên cố và uy nghi. Chủ nghĩa thực dân cũ đã cáo chung nhưng những kiến trúc thể hiện tinh thần văn minh Pháp (Structures de la civilisation Francaise) thì phải cần được giữ lại.

Cả Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn còn những ngôi chùa cổ, những nhà thờ đẹp. Các kiến trúc này được giữ lại đầy đủ, nói lên được rằng ngoài ý thức giữ gìn văn hóa tâm linh, chúng ta còn đang giữ gìn những công trình tôn giáo, vốn là kiến trúc vật thể xác nhận quá trình hội nhập và phát triển đồng hành với dân tộc. Những công trình này khiến cho phố phường đẹp thêm và đời sống văn hóa nhân dân phong phú thêm.

Nguyên tắc nhất quán mà chúng ta đang thực hiện là phát triển bền vững. Để sang một bên các nội dung chính trị, chúng tôi nghĩ rằng phát triển bền vững có nghĩa là phát triển cái này mà không phương hại đến cái khác. Thí dụ phát triển đô thị nhưng phải giữ lại được những công trình, những phong cách kiến trúc truyền thống. Thí dụ phát triển du lịch nhưng vẫn giữ lại được tố chất dân tộc trong văn hóa, lối sống, xây dựng xã hội, quy hoạch đô thị theo bản sắc Việt Nam.

Với những kiến trúc mang đậm tính truyền thống, tính lịch sử như khu phố cổ Hội An, khu tháp đền Hindu giáo Mỹ Sơn, không bao giờ chúng ta nghĩ đến các khái niệm phục dựng, phục chế. Bởi một khi đã phục dựng, phục chế thì những công trình ấy không còn là chúng nữa. Chúng sẽ lai tạp và vĩnh viễn mất đi giá trị lịch sử, giá trị văn minh ngay. Chúng ta không bao giờ máy móc để đi làm một cái mới thay cho cái cũ hoặc thêm vào một vài yếu tố mới để bảo rằng đó chính là cái cũ. Quảng Nam chỉ cố gắng duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ cho chúng tăng thêm độ bền khả dĩ chịu đựng được với các tác động ngoại lai của nắng mưa, gió bão, khí hậu. Những kiến trúc ấy là di sản quý giá, để lại cho con cháu đời sau mà không có một kiến trúc tân kỳ nào có thể thay thế được.

Một học giả Trung Quốc hỏi tôi: “Đất nước của ông tự hào có mấy ngàn năm văn hiến, tại sao không có một công trình kiến trúc nào lớn cỡ một phần Vạn lý Trường thành?”. Tôi nghe trong câu hỏi có một chút tính chất sinh sự. Và tôi trả lời rất chính trị nhưng cũng rất sinh sự: “Thưa ông, Vạn lý Trường thành có được chỉ là từ cơn ác mộng của một tên bạo chúa. Tần Thủy Hoàng nằm ngủ, mơ thấy Hung Nô đem binh xâm lấn đất Tần. Sợ mất ngôi, mất quyền lực, ông ta mới bắt buộc mấy muôn dân Trung Quốc đi xây dựng Vạn lý Trường thành để ngăn giặc Hung Nô. Các triều đại sau đời Tần cũng huy động hàng vạn sĩ tốt lẫn thường dân, tiếp tục xây cho trường thành dài trên 6.000 cây số. Trường thành vĩ đại thật nhưng nó được xây trên máu xương của hàng triệu con người. Các triều đại vua chúa của đất nước chúng tôi nhân hậu, thương dân như con đẻ nên rất quý xương máu của con dân; không muốn xây nên những công trình lớn để nhân dân khỏi tốn xương máu. Do vậy đất nước của chúng tôi không có những công trình xây dựng lớn. Đó là sự khác biệt giữa những nhà vua nhân hậu và những bạo chúa”.

Ngày nay, chúng ta phát triển cũng thế. Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Chúng ta có cơ hội phát triển, tăng tốc nhưng vẫn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên tất cả những quyền lợi khác. Đó là đích đến của phát triển bền vững.

                                                                                               Vũ Đức Sao Biển

                                                                                                S 24 ĐT&PT

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *