Trong lịch sử dân tộc, Đà Nẵng không chỉ là tên gọi của một thành phố cảng lớn nhất ở miền Trung Việt Nam mà còn là một địa danh gắn liền với công cuộc mở mang bờ cõi Đại Việt từ nhiều thế kỷ trước, một cửa ngõ trong giao lưu quốc tế gắn liền với xứ Đàng Trong, một tiền đồn của công cuộc chống ngoại xâm trong hai cuộc kháng chiến, một đô thị năng động, mạnh mẽ và nhiều thay đổi trong thời kỳ mở cửa hiện tại của đất nước.
Theo ngôn ngữ Chăm, địa danh “Đà Nẵng” có thể được giải thích là “Sông lớn”, “Cửa sông lớn”. Địa danh này đã được ghi chú trên các bản đồ được vẽ từ thế kỷ XVI trở đi. Điều đó có nghĩa là, từ rất sớm, trong cách hình thành tên gọi, tính chất cửa sông lớn, tính chất cảng thị đã được lưu ý như một địa điểm quan trọng của thành phố này.
Là một trong những cửa sông lớn của Quảng Nam (mở rộng về phía Nam), từ nhiều thế kỷ trước, kể cả khi Hội An còn đang trong thời kỳ phát triển rực rỡ vào thế kỷ XVII, cửa biển Đà Nẵng đã được đánh giá rất cao. Chúng ta từng biết bức tranh nổi tiếng của dòng họ Chaya Nhật Bản vẽ quang cảnh buôn bán ở Hội An. Nếu đúng như một giả thuyết: Cửa biển vẽ trong ấy là cửa biển Đà Nẵng với Ngũ Hành Sơn và con sông Cổ Cò thì không có gì ngạc nhiên khi cho rằng những chiếc tàu vượt đại dương, có tải trọng lớn, thiết bị kỹ thuật đi biển cao của các thương nhân Nhật Bản hoặc Trung Hoa đều phải lựa chọn lối vào là cửa Đà Nẵng thay vì cửa Hội An, vì ưu thế vượt trội của vịnh Đà Nẵng là nước sâu và có độ an toàn cao. Trên thực tế, từ thế kỷ XVIII trở về sau, tiềm năng Đà Nẵng với tư cách một hải cảng đã ngày càng tỏ rõ tính ưu việt của nó đối với khu vực này.
Người Pháp khi tấn công Việt Nam, lựa chọn đầu tiên của họ là Đà Nẵng. Những người Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Việt Nam cũng lựa chọn nơi này. Điều ấy chắc chắn không phải là sự ngẫu nhiên của lịch sử, mặc dù lịch sử, ngoài những tất yếu, luôn ẩn chứa những yếu tố ngẫu nhiên. Tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của Đà Nẵng do vị trí tiền tiêu của mình đối với miền Trung, đối với cả nước là có thể khẳng định.
Nhìn trên bản đồ, Đà Nẵng rõ ràng là điểm cuối cùng của cả một khu vực rộng lớn. Phía trước mặt là biển cả, phía sau là Tây Nguyên và rộng hơn nữa là cả khu vực Đông Dương theo nghĩa rộng bao gồm cả Lào, Campuchia, một phần Thái Lan và Myanma. Ngày nay, việc hình thành Hành lang kinh tế Đông – Tây liên quan đến cửa khẩu Lao Bảo, việc mở rộng quốc lộ 24B đi qua vùng ba biên Ngọc Hồi và trong tương lai, nếu con đường trực chỉ hướng Tây đi qua bến Giằng, vượt cửa khẩu Đắc Tà Ốc nối Đà Nẵng với cao nguyên Bolaven màu mỡ được đầu tư xây dựng như trong một phác thảo đầy hứa hẹn của giới nghiên cứu lưu ý thời gian gần đây, thì rõ ràng Đà Nẵng đã được đặt vào và sẽ phát huy hiệu quả vị trí quan trọng trong việc giao lưu thương mại và văn hóa của cả khu vực rộng lớn vùng sông Mekong.
Nằm ở vị trí trung độ so với cả nước, Đà Nẵng có lợi thế mà ai cũng rõ đó là gạch nối chính giữa trên trục giao thông Bắc Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Cùng với sự phát triển về hệ thống cơ sở hạ tầng, cảng biển, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, viễn thông… Đà Nẵng ngày nay đang được xác định là thành phố động lực cho sự phát triển của cả miền Trung và Tây Nguyên.
Từ năm 1997, khi trở thành thành phố trực thuộc TƯ, Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Hơn 10 năm qua, Đà Nẵng đã liên tục thay đổi gương mặt của mình, những bản đồ quy hoạch cứ nới rộng ra và thêm vào nhiều nét mới. Chưa bao giờ trong quá trình phát triển, Đà Nẵng quyết liệt như thế trong nhu cầu tự làm mới mình. Những công trình mới, những con đường mới, những khu đô thị mới mọc ngay lên trong lòng Đà Năng cũ kỹ và manh mún trước đó. Không cứ phải là những ai đi xa lâu ngày trở về mà chính người dân Đà Nẵng đang sống trong lòng thành phố của mình cũng ngạc nhiên về sự đổi thay nhanh chóng này.
Sự cảnh giác và những âu lo về quá trình đô thị hóa đã và đang diễn trên toàn cầu cho chúng ta nhiều chia sẻ về những khó khăn mà Đà Nẵng sẽ đối đầu trong những bước đi hiện tại. Đô thị hóa và công nghiệp hóa, sự tăng trưởng kinh tế và những tổn thương môi trường sống, sự thu hẹp đất sản xuất, sự gia tăng dân số một cách cơ học và đột biến, sự quá tải về cơ sở hạ tầng, những vấn nạn về nhà ở, về công ăn việc làm… đang là những bài toán hóc búa mà Đà Nẵng phải giải quyết trên con đường phát triển của mình.
Cần chiêm nghiệm về bài học của sự hỗn loạn do nôn nóng và nhiều tham vọng của các đô thị trẻ châu Á từ nhiều thập kỷ qua. Đà Nẵng, với tư cách một người đi sau, đòi hỏi một thái độ cẩn trọng và chắc chắn. Những năm qua, với lối đi riêng, Đà Nẵng đã tìm cách thực hiện những nỗ lực của mình trong những chương trình cụ thể. Các mục tiêu “5 có”, “3 không” rõ ràng là một cái đích còn cần phải phấn đấu rất nhiều, nhưng dù sao, việc hoạch địch những công việc cần làm có tính minh bạch và trách nhiệm đã đạt được sự đồng thuận xã hội ở một mức độ cao.
Quá trình chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng sự quyết tâm giải quyết các vấn đề xã hội của Đà Nẵng đã làm nền tảng kéo theo sự thay đổi trên nhiều phương diện. Các ngành công nghiệp, dịch vụ và xuất khấu có tốc độ tăng trưởng ổn định, du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài phát triển, Đà Nẵng đang nỗ lực hoàn thiện mình để đáp ứng những yêu cầu gắt gao của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Sự phát triển bền vững từ cách làm kiên trì này đã làm thay đổi hình ảnh Đà Nẵng trong con mắt du khách và các nhà đầu tư. Những con tàu của các hãng du lịch lớn mà năm, mười năm trước còn thưa thớt, nay tăng cường những chuyến đi đến đây. Những nhà đầu tư ngày nào còn do dự, đắn đo, giờ đây đã yên tâm hơn khi muốn đến làm ăn với Đà Nẵng.
Đà Nẵng có một bờ biển đẹp. Ai cũng biết Đà Nẵng có một vị trí địa lý đẹp, địa hình lý tưởng, có cả núi đồi, sông biển, đồng bằng, trung du, phố xá… Nhưng Đà Nẵng, còn có một thứ khác quan trọng hơn, quyết định hơn, then chốt hơn: Con người Đà Nẵng. Có thể do từ lâu đời phải cư ngụ trên vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt, có thể do lịch sử của vùng đất này quá nhiều biến động… nên người Đà Nẵng thường trọng nghĩa khí, sự mạnh mẽ và lòng cương trực. Trong lịch sử, nhất là qua hai cuộc chiến tranh, Đà Nẵng là người lính tiên phong. Ở thời bình, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới của đất nước, Đà Nẵng cũng đã nhiều nỗ lực và được đánh giá cao. Người Đà Nẵng trong những năm qua vừa qua đã bền bỉ, kiên nhẫn, chịu đựng nhiều hy sinh cá nhân vì thành phố của mình. Sự đồng thuận xã hội trong đó có sự đóng góp to lớn của người dân đã làm thay đổi diện mạo thành phố, tạo đà cho những bước tiếp theo trên con đường phát triển đi về tương lai của thành phố này.
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới và thách thức mới khi gia nhập WTO, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vượt ra biển lớn. Đà Nẵng từ xưa đến nay là một cửa biển lớn, cửa biển hiểu theo nhiều nghĩa, là cảng thị và cũng là vùng đất mở, vùng đất của hội nhập, phát triển. Đà Nẵng sẽ có nhiều thời cơ và cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực khi hướng ra biển lớn. Lịch sử hình thành và phát triển của Đà Nẵng bảo đảm một sự tin cậy. Những tín hiệu mới của thành phố này trong giai đoạn hiện tại càng bảo đảm cho sự tin cậy ấy. Con đường phía trước đòi hỏi phải nhiều phấn đấu nhưng Đà Nẵng sẽ phát triển vì sự sống còn của mình và cũng để xứng đáng với vị thế của mình là thành phố động lực cho cả miền Trung và Tây Nguyên. xứng đáng với vai trò mà cả nước đã giao phó.
CỬU LOAN – VŨ QUỲNH