Home / TIN HOẠT ĐỘNG / GIỚI THIỆU / Trả lời phỏng vấn kỷ niệm 10 năm Tạp chí Đô thị & Phát triển

Trả lời phỏng vấn kỷ niệm 10 năm Tạp chí Đô thị & Phát triển

10 năm qua, Đô thị & Phát triển đã giới thiệu đến bạn đọc chuyên ngành những vấn đề thiết thực cho công tác chuyên môn, đã thu hút được nhiểu tác giả đầu ngành tham gia viết bài. Đô thị & Phát triển đã gây được sự thích thú và chú ý. Và bước đầu đã tạo dựng được thương hiệu. Để đúc kết một chặng đường đã qua nhằm củng cố và hành trang cho chặng đường kế tiếp. Đô thị & Phát triển đã tổ chức buổi gặp gỡ bàn tròn bao gồm các Kiến trúc sư – Kỹ sư, Nhà báo, các Cộng tác viên, Sinh viên nhận định, thảo luận, góp ý để tìm đến cái đích trước thời đại công nghệ số.

PV: Là người gắn bó với Tạp chí ngay từ những ngày đầu thành lập, ông nhìn nhận gì về Tạp chí Đô thị & Phát triển trong suốt chặng đường 10 năm qua? Tạp chí đã đáp ứng được yêu cầu của Hội và của bạn đọc chưa thưa ông?

 KTS Huỳnh Tòa: (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng)

Trả lời phỏng vấn kỷ  niệm 10 năm Tạp chí Đô thị & Phát triển

 KTS Huỳnh Tòa

Tạp chí “Đô thị & Phát triển” dù duyên khởi từ đâu thì nó cũng không chỉ đáp ứng cho hoạt động của Hội mà tác động của nó rộng lớn hơn nhiều. Đô thị & Phát triển đã là một “đầu báo”, một “đầu sách” vượt khỏi tầm vùng, miền, mang thông điệp đa diện đến cho người đọc. Nó đã cho cư dân đô thị miền Trung những thông tin đa diện, được tiếp cận và thấy không còn lạ lẫm xa lạ đối với đô thị, quy hoạch, xây dựng mà vốn nó mang nét đặc trưng riêng nữa. Tạp chí Đô thị & Phát triển ngày quan tâm đến nhu cầu của bạn đọc, đóng góp mang tính cộng đồng cao hơn trong quá trình phát triển chung của xã hội.

Mười năm duy trì và tăng số lượng trong từng thời gian, Đô thị & Phát triển đã để lại dấu ấn của một thời “Sinh” cùng với sự bùng nổ đô thị hóa Việt Nam. Chúng ta những con người “thực chứng” thấy cần “Tuyển tập” để lưu lại những gì Đô thị & Phát triển đã qua và muốn tiếp tục thì cần đổi mới để nội dung tạp chí mang đời sống và xã hội hơn.

Trương Văn Khoa: ( Phó Giám đốc- CN. Ngân hàng Nông nghiệp Sơn Trà Đà Nẵng)

Trả lời phỏng vấn kỷ  niệm 10 năm Tạp chí Đô thị & Phát triển 2

Trương Văn Khoa

Công bằng mà nói, Đô thị & Phát triển đã đóng góp rất nhiều cho việc quảng bá hình ảnh phát triển đô thị, quy hoạch kiến trúc của cả nước, miền Trung, Tây nguyên nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Với lối ấn loát sang trọng, nội dung phong phú, bám sát với thực tiễn, mang theo “sức nóng” của thời sự, Đô thị & Phát triển đã khiến cho độ “tương tác” giữa chính sách của Nhà nước và nguyện vọng của người dân ngày càng gắn bó chặt chẽ trong giai đoạn  đổi mới và phát triển đất nước.

Cho dù số lượng phát hành không nhiều, độ “phủ sóng” chưa rộng khắp nhưng nhìn chung, Đô thị & Phát triển đã có những bước đi khá dõng dạc, khẳng định vị thế của mình trước công chúng. Trên tinh thần đó, bạn đọc thích Đô thị & Phát triển ở những bài viết mang tầm quốc gia, ảnh hưởng sâu rộng trong dư luận. Trong ngần ấy thời gian, Đô thị & Phát triển cũng đã dám đưa ra những phản biện táo bạo, tinh tế, lối bình luận sâu sắc, thâm thúy kể cả sự “nhạy cảm” về kiến trúc, quy hoạch, phát triển đô thị và những vấn đề liên quan khác.

Thiết nghĩ, đối với những người làm báo, không có phần thưởng nào quý báu hơn là sự ngưỡng mộ và yêu thích của những tầng lớp dân chúng.

Trong niềm hy vọng ấy, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, tôi kính chúc Đô thị & Phát triển cùng Ban biên tập và toàn thể cán bộ, nhân viên của Tạp chí được dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt

Ths.KTS Tô Hùng:  (Giảng viên Khoa Kiến trúc Đại học Bách khoa Đà Nẵng)

Trả lời phỏng vấn kỷ  niệm 10 năm Tạp chí Đô thị & Phát triển 3

KTS Tô Hùng

Nhân kỷ niệm 10 năm tôi xin chúc tạp chí ngày càng phát triển vững mạnh, gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp.

Phải nói rằng trong suốt chặng đường 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần lao động hăng say của bộ phận tập thể người làm trong tạp chí là điều rất đáng ghi nhận và khen ngợi. Trong đó, tạp chí đã góp phần trong việc truyền tải nhiều thông tin hữu ích trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch – xây dựng và phản ánh kịp thời những vấn đề hoạt động diễn ra đối với các Hội nghề nghiệp.

PV: Với tư cách là một cộng tác viên tham gia viết bài cho Tạp chí lâu năm, ông hãy cho một vài ý kiến đánh giá và nhìn nhận về tạp chí Đô thị & Phát triển cho tới thời điểm này? Điều thú vị nhất của ông đối với tạp chí này là gì?

Ông Trương Văn Khoa: ( Phó Giám đốc- CN. Ngân hàng Nông nghiệp Sơn Trà Đà Nẵng)

Trước hết, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm của tạp chí Đô thị & Phát triển. Thật ra, tạp chí Đô thị & Phát triển ra đời trong bối cảnh nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển. Lúc bấy giờ, chính sách đô thị hóa đã mở ra nhiều triển vọng về kiến trúc, dân sinh và môi trường. Trong bối cảnh đó, các phương tiện truyền thông dường như đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới, mở rộng và phát triển đô thị nên đã cổ vũ, quảng bá cho các chương trình quốc kế dân sinh. Hàng loạt các tờ báo, tạp chí về đô thị, kiến trúc và xây dựng đã ra đời. Cùng với trào lưu đó, Đô thị & Phát triển là một trong những tạp chí đem lại nhiều dấu ấn cho bạn đọc trong suốt 10 năm hình thành và phát triển.

Một thập kỷ là chặng đường đủ để người ta thấy, chữ “Nhẫn” của những người từng làm việc, cộng tác với Đô thị & Phát triển. Hay nói một cách khác, bằng sự trải nghiệm của chính mình, Đô thị & Phát triển đã lớn lên, phát triển xứng tầm cùng với báo chí trên cả nước. Với nhiều chuyên mục mới từ quy hoạch kiến trúc, văn hóa đến kinh tế, “bài vở” của Đô thị & Phát triển đều có những đặc sắc, góc nhìn rất riêng, không lẫn lộn vào đâu được nếu không nói là có giá trị bền vững và lâu dài.

Chuyện làm báo chắc ai cũng biết. Vui, buồn, nhọc nhằn, đôi khi cũng lắm đắng cay. Thế nhưng, điều thú vị nhất của Đô thị & Phát triển là vẫn giữ vững “trận địa” như tên gọi của nó từ buổi khai sinh. Cho dù nhiều lúc, tạp chí này đứng trước những thử thách, thậm chí có nguy cơ bị đóng cửa. Nói vậy để thấy rằng, công và sức của những “cầm trịch” Đô thị & Phát triển vô cùng lớn và đáng ghi nhận. Ngày ấy là những đêm thức trắng để hoàn thành bản thảo trước khi chuyển cho nhà in. Ngày ấy là những lần xuôi ngược tìm từng đồng kinh phí để kịp ra số kỷ niệm những ngày lễ quan trọng. Bởi thế, nhìn lại một quãng đường đầy gian nan, vất vả, chúng ta mới nghiệm ra, để một tạp chí như Đô thị & Phát triển tồn tại trong giai đoạn hiện nay không phải là chuyện ai cũng làm được.

 Nhà báo Trần Trung Sáng:  (Báo Văn hóa tại miền Trung)

Trả lời phỏng vấn kỷ  niệm 10 năm Tạp chí Đô thị & Phát triển 4

Trần Trung Sáng

Có thể nói, tính đến hiện nay Chuyên đề ĐT&PT đã vượt qua một chặng đường thử thách hết sức khó khăn. Từ chỗ một phụ trang mỏng chưa đầy 10 trang, tiến dần đến hơn 50 trang in trắng đen mang tính thông tin nội bộ, rồi phát triển thành một tạp chí chuyên nghiệp hơn 100 trang, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành Quy hoạch – Kiến trúc – Xây dựng của Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Đáng chú ý, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung của hoạt động     báo chí hiện nay, nhưng hầu như từ mấy năm gần đây, ở mỗi số ấn hành ĐT&PT luôn luôn đầu tư xây dựng chủ đề hết sức công phu, với sự tham gia của nhiều cây bút uy tín của cả nước. Thú vị hơn nữa, cùng với sự ra đời các ấn phẩm, BBT của tạp chí chú trọng tham gia nhiều hoạt động văn hóa xã hội có ý nghĩa như: Hội ngộ Gốm sông Hồng, Fesstival làng nghề Việt – Đà Nẵng, Đêm nhạc chủ đề “Miền Trung yêu thương”, chương trình “Thắp sáng ước mơ” tiếp sức học sinh vượt khó…, đặc biệt là tổ chức các hội thảo: Tọa đàm với sinh viên Mỹ về “Văn hóa đất Quảng”, tọa đàm về giới thiệu sách ” Ngõ phố đời người”, tọa đàm “Văn hóa kiến trúc”…

NCS. KTS Hồ Thế Vinh:

Trả lời phỏng vấn kỷ  niệm 10 năm Tạp chí Đô thị & Phát triển 5

Hồ Thế Vinh

Trong mối quan hệ khá gần gũi và cũng trong một khoảng thời gian tương đối dài để chúng ta có thể nhìn lại chặng đường cộng tác từ mối quan hệ đặc biệt giữa tạp chí Đôt thị Phát triển với một Kiến trúc sư. Một chặng đường mà trong đó cũng đã có những cung bậc sắc màu thú vị khi tạp chí cùng với không chỉ cá nhân tôi mà cùng với các Kiến trúc sư và không ít những nhà nghiên cứu, văn nghệ sỹ, cộng tác viên… luôn là người bạn đồng hành của nhau để góp tiếng nói, gửi gắm tâm tư, suy nghĩ của mình cùng theo   sự đổi mới đất nước, đổi mới của TP Đà Nẵng cũng như những yêu cầu tất yếu của người dân thành phố chúng ta khi cuộc sống ngày càng cải thiện. Và đây có thể nói là một trong số ít những tờ tạp chí riêng tại thành phố thể hiện các bài viết, các bài nghiên cứu và sự phản ánh thông tin đa dạng về các mảng văn hóa – xã hội. Đặc biệt, ở một góc độ nào đó, đây cũng thực sự là “sân chơi”  cho các Kiến trúc sư khi tạp chí cũng dành nhiều chuyên mục cho mảng Kiến trúc để các Kiến trúc sư có cơ hội trình bày các nghiên cứu, các sản phẩm kiến trúc của mình…

PV: Đối với cá nhân của ông, ông cảm nhận gì khi cầm trên tay cuốn Tạp chí Đô thị & Phát triển? ông có thể cho một vài ý kiến để Tạp chí Đô thị & Phát triển  ngày càng hoàn thiện hơn?

Ths. KTS Tô Hùng:

Theo tôi Tạp chí cần xác định rõ tôn chỉ hoạt động của mình là tạp chí khoa học, thương mại hay tạp văn. Nếu là tờ tạp chí khoa học thì cần khuyến khích tập hợp một Hội đồng Khoa học Nhà nước sẽ rất tốt vì nhu cầu được đăng bài trong Tạp chí này rất cao, có thể thu được nguồn kinh phí hoạt động cho tạp chí là rất lớn, vì một bài của tạp chí khoa học bình thường thu 500 ngàn được tính 0,3 điểm khoa học… Còn nếu là tạp chí mang tính thương mại thì cần liên kết với các công ty, hàng sản xuất, cửa hàng các sản phẩm liên quan đến VLXD, nội ngoại thất, ví dụ như cửa hàng nội thất – phụ trách chuyên mục Không gian Nhà Việt …để có những chuyên mục định kỳ và thu tiền từ các cơ sở này theo hợp đồng dài hạn. Đồng thời tạp chí cần xác định rõ thị trường, đối tượng độc giả của tạp chí nếu viết về Đà Nẵng thì nên khai thác độc giả các khu vực Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi…để người đọc học hỏi kinh nghiệm trong sự phát triển của đô thị Đà Nẵng. Tạp chí cũng cần mở thêm các chuyên mục như chuyên mục tư vấn khách hàng về thiết kế nhà, lựa chọn vật tư, địa điểm…. Chuyên mục cho các cơ sở đào tạo ngành nghề và để họ chịu trách nhiệm viết bài. Vì đây, sẽ là nguồn độc giả lâu dài và ổn định của tạp chí.

 Nhà báo Trần Trung Sáng:

Phần nội dung Tạp chí ngày càng có những cải tiến rõ rệt đáng khích lệ. Trong đó, về phần chuyên môn, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia thể hiện nhiều bài viết có giá trị, đáng để sử dụng làm tài liệu lâu dài. Ở các chuyên mục khác, các bài viết cũng đều sâu sát thời sự, kịp thời, hấp dẫn…
Nhìn chung, có thể khẳng định, đến nay tạp chí ĐT&PT đã có những bước đi vững chắc, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Hướng đến thời gian tới, thiết nghĩ đã đến lúc BBT cần quan tâm đến         việc tăng kỳ phát hành (2 kỳ/tháng), có kế hoạch quảng bá rộng rãi  hơn, để tạp chí còn là diễn đàn quy hoạch – kiến trúc – xây dựng của miền Trung –Tây Nguyên và cả nước.

NCS. KTS Hồ Thế Vinh:

Được biết tạp chí sắp tới sẽ cải tiến hơn nữa nhằm tiến đến sự hoàn thiện và đáp ứng hơn theo nhu cầu phát triển. Đây rõ ràng là những hoạt động cần thiết của một tờ tạp chí. Qua đây, với cái nhìn của một Kiến trúc sư, mong rằng tạp chí cũng cần có những “Góc kiến trúc” với các hình thức trang trí hay giải pháp đơn giản, kinh tế cho công trình để đáp ứng hay làm cơ sở tham khảo cho một bộ phận độc giả; hoặc dành những chuyên mục cho việc đưa ra, bàn luận, mạn đàm hay thậm chí tranh luận về những vấn đề trong Kiến trúc, xã hội,.. hiện nay. Đồng thời, cũng nên hạn chế lại một số chuyên mục khác để mở rộng và phát triển hơn nửa những chuyên mục cần thiết khác trong khuôn khổ của một tờ Tạp chí để nhắm đến và phục vụ thêm một số nhóm đối tượng, chẳng hạn như Sinh viên tại các Trường Đại học,…

10 năm là một khoảng thời gian dài trong sự phát triển của một tờ tạp chí và cũng là một “mốc” đánh dấu một chặng đường. Có thể nói, chặng đường qua là chặng đường có thể có những vấn đề còn cần phải hoàn thiện của một tờ Tạp chí trên con đường phát triển, nhưng đến nay nó đã là người bạn đồng hành của rất nhiều đối tượng độc giả – từ những người có nhu cầu xây dựng, trang trí cho nơi trú ngụ của mình khi xem tạp chí như là một tài liệu tham khảo đến những người xem tạp chí như là nơi tìm hiểu, bổ trợ các tri thức văn hóa, thưởng thức cái hay – cái đẹp…

Xin chúc mừng chặng đường phát triển vừa qua và tin tưởng ở chặng đường đang tới của Tạp Chí.!.

PV: Ông nhìn nhận gì về Tạp chí Đô thị & Phát triển trong suốt chặng đường 10 năm qua? Tạp chí đã đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc chưa thưa ông?

NCS. KTS Hồ Thế Vinh:

Chặng đường qua cũng là chặng đường có thể có những vấn đề còn chưa hoàn thiện của một tờ tạp chí trên con đường phát triển nhưng nó đã lưu lại những nỗ lực, những ước mơ chung và riêng của Ban biên tập, các cộng tác viên – đặc biệt là các KTS – và các độc giả trong việc tạo lập và cổ xúy cho môi trường sống đẹp của cộng đồng và của mỗi gia đình. Với những chuyên mục như: Kiến trúc – xã hội, kiến trúc thế giới, kiến trúc đời sống – phong thủy, tư vấn – xây dựng…..không chỉ nói về kiến trúc, công trình như là một chỗ trú ngụ cá nhân hay là cách sử dụng chúng mà còn mách bảo ta lối sống, sự thể hiện văn hóa trong một cái nhìn cả về hôm qua và cả hướng về ngày mai. Cùng với đó là những bài viết khá phong phú về cách sống, cách thưởng thức cuộc sống và nâng cao văn hóa sống qua một số chuyên mục như: Văn hóa – nghệ thuật – du lịch, vấn đề hôm nay…. Qua đó cũng góp phần làm giàu cho vốn kiến thức cho mỗi người đọc. Và do vậy, thiết nghĩ, những điều đó đã tạo nên sức sống của tạp chí và làm bạn đọc ngày càng thêm quan tâm hơn.

PV: Bạn có biết gì về tạp chí Đô thị & Phát triển? Bạn có thường xuyên đọc nó không? Bạn thấy nội dung và hình thức của Tạp chí  này như thế nào? Bạn có ý tưởng nào để cuốn Tạp chí đến gần với sinh viên?

Sinh viên Nguyễn Quang Thịnh:

Trả lời phỏng vấn kỷ  niệm 10 năm Tạp chí Đô thị & Phát triển 6

Sinh viên

Là sinh viên năm cuối Khoa Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp của trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng mình rất quan tâm đến những tờ báo hay tạp chí viết về những vấn đề liên quan tới ngành, gần đây mình có tìm đọc tạp chí  chuyên đề Đô thị & Phát triển, tạp chí có rất nhiều bài viết mang tính thời sự cao và được phân tích, đánh giá một cách sâu sắc. Đây là cuốn tạp chí rất có ý nghĩa đối với sinh viên tuy nhiên chưa nhiều lắm, đối với những bài viết của các nhà nghiên cứu, khoa học lớn, nếu là sinh viên thì không thể hiểu được, đòi hỏi những sinh viên có trình độ cao hơn một chút.

Mình thấy tạp chí có hình thức, kết cấu trình bày đẹp, rất bắt mắt, mình thích thú với các mảng giới thiệu hình ảnh các công ty và công trình xây dựng nhưng vẫn chưa sâu, nếu như được giới thiệu cụ thể hơn nửa về lịch sử hình thành, các hạng mục tiêu biểu, các công trình thi công, thiết kế để người xem có cái nhìn trực quan hơn về công ty đó nhiều hơn nữa.

Mình nghĩ tạp chí cần đa dạng nội dung hơn nữa, cần đưa những bài viết, bài nghiên cứu của các giảng viên, sinh viên các trường ở khu vực miền Trung, điều đó sẽ gây hứng thú cho sinh viên, đồng thời sinh viên có thêm nhiều kiến thức bổ ích phục vụ cho học tập và tư liệu để thực hành. Hy vọng sau 10 năm hoạt động, chặng đường tới, tạp chí có nhiều thông tin gần gũi hơn nữa với sinh viên không chỉ với sinh viên xây dựng mà còn tới với sinh viên các ngành liên quan khác.

Công Luận – Thu Hà

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *