TỔNG HỘI XÂY DỰNG VIỆT NAM VỪA BAN HÀNH MỘT SỐ PHƯƠNG HƯỚNG NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VỚI CHỦ ĐỀ: “ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG HỘI XÂY DỰNG VIỆT NAM”.
Theo đó, nội dung hoạt động năm 2023 với chủ đề: “Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Tổng hội Xây dựng Việt Nam” nhằm hoàn thành việc phát thẻ và thực hiện quản lý hội viên thống nhất từ Tổng hội đến các hội thành viên. Rà soát hoạt động của các tổ chức khoa học trực thuộc nhằm kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đặt mục tiêu tổ chức thành công ít nhất 03 hội thảo khoa học toàn quốc, trọng tâm là các vấn đề đang vướng mắc liên quan đến hệ thống quy phạm pháp luật, đô thị và kỹ thuật công nghệ chuyên ngành.
Đồng thời, đổi mới toàn diện hoạt động giải thưởng Loa Thành. Đảm bảo nguồn tài chính ổn định phục vụ cho các hoạt động của Tổng hội như tư vấn phản biện, thực hiện các đề tài khoa học…
Đẩy mạnh công tác tổ chức và phát triển hội
Để đạt được các mục tiêu trên, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đưa ra các giải pháp cụ thể, trong đó đầu tiên là hướng đến việc nâng cao công tác tổ chức và phát triển hội. Trước hết là kiện toàn tổ chức văn phòng Trung ương hội, văn phòng khu vực Miền trung – Tây nguyên, các ban tư vấn phản biên và giám định xã hội, ban đô thị..
Triển khai hoàn thành công tác quản lý và lưu trữ hồ sơ Hội viên, nhân sự chủ chốt trong các tổ chức thống nhất toàn Tổng hội. Triển khai hoàn thành việc cấp thẻ Hội viên. Hoàn thành tổ chức Đại hội nhiệm kỳ của các hội thành viên;
Xây dựng và thông qua đề án; “Nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức khoa học trực thuộc Tổng hội, khắc phục tình trạng hoạt động cầm chừng, sớm điều chỉnh, giải thể hoặc sáp nhập trên tinh thần tinh giảm, đảm bảo sự hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức theo đúng Điều lệ và quy định của pháp luật”.
Phân công nhiệm vụ từng thành viên BCH; nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng UVBCH trong việc lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình, đồng thời tham gia vào hoạt động chung của Tổng hội.
Nâng tầm công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội
Đối với công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đặt mục tiêu phải đổi mới cách làm bằng việc hoàn thiện quy chế hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội. Chủ động lựa chọn các vấn đề mới, cần thiết như xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, triển khai hệ thống văn bản pháp luật ra thực tiễn để thực hiện tư vấn và phản biện.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng nguồn nhân lực thực hiện chức năng tư vấn phản biện của Tổng hội, các Hội địa phương và hoạt động tư vấn chính sách của các Viện nghiên cứu.
Nghiên cứu khoa học và tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học
Với công tác nghiên cứu khoa học và tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học. Tổng hội yêu cầu Ban Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng tổ chức Hội thảo “Ngập úng đô thị – Thực trạng và giải pháp“ thời gian dự kiến vào Quý III năm 2023.
Văn phòng khu vực phía Nam phối hợp với Hội Xây dựng tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo về nhà ở xã hội.
Ban Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo về vật liệu xây dựng không nung.
Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng phối hợp Hội Cầu đường tổ chức Hội thảo về triển khai xây dựng đường cao tốc trên cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thay thế phương án nền đường bằng đất đắp.
Ban Kinh tế phối hợp với Hội Kinh tế và các Hội liên quan, tổ chức Hội thảo về quản lý hợp đồng xây dựng. Văn phòng phía Nam phối hợp với Công ty Tổ chức triển lãm Quốc tế xây dựng Vietbuild triển khai kết hợp giữa triển lãm và tổ chức hội thảo.
Văn phòng khu vực Miền Trung – Tây Nguyên phối hợp với trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức hội thảo quốc tế về công nghệ xây dựng.
Nâng cao công tác đào tạo, phổ biến kiến thức
Trước mắt cần hoàn thiện đề cương, triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và pháp luật, đăng tải đề cương các chương trình, chuyên đề trên trang Webside Tổng hội; xây dựng các bài giảng; trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp đào tạo. Phấn đấu bình quân tối thiểu một tháng tổ chức 2 lớp.
Tổ chức thành công các phiên đối thoại doanh nghiệp tập trung về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Trên cơ sở các phiên đối thoại tập hợp ý kiến và đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.
Triển khai công tác đào tạo và đào tạo lại cho các kỹ sư, cập nhật các kiến thức chuyên ngành tại các Hội xây dựng địa phương.
Đổi mới hoạt động truyền thông
Trong công tác truyền thông, Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu của Tổng hội xây dựng Việt Nam và thiết kế bộ Profile Tổng hội để quảng bá hình ảnh của Tổng hội tại các sự kiện (cả hai dạng Bản in và Bản điện tử).
Biên tập, trình duyệt và đưa các thông tin, hình ảnh của Tổng hội lên website của Tổng hội như: Lịch sử hình thành và quá trình phát triển của Tổng Hội; Lãnh đạo Tổng hội các thời kỳ; Ban chấp hành Tổng hội các thời kỳ; các thành tích khen thưởng. Xây dựng nhánh Website Văn phòng đại diện phía Nam cài đặt đường link vào trang website của Tổng hội.
Phối hợp cùng Vietbuild để giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Tổng hội đến với các doanh nghiệp xây dựng và công chúng.
Tạp chí Người xây dựng đẩy mạnh công tác quảng bá đến với các trường Đại học có đào tạo xây dựng và các ngành liên quan để cán bộ giảng viên, Nghiên cứu sinh và học viên cao học tham gia viết bài đăng trên Tạp chí. Kiện toàn Hội đồng Khoa học công nghệ của Tạp chí, nâng điểm công nhận điểm bài báo đăng trên Tạp chí. Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng trang điện tử.
Kiện toàn hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng
Về hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng, Tổng hội sẽ hoàn thiện quy chế, thủ tục, kiện toàn Hội đồng và nhân sự, tổ chức thi sát hạch phục vụ công tác cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng. Từ đầu tháng 02 năm 2023 tiếp tục triển khai hoạt động cấp chứng hành nghề xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động cho doanh nghiệp Hạng II và Hạng III.
Triển khai xây dựng phần mềm tiếp nhận hồ sơ nộp xét, cấp chứng chỉ năng lực xây dựng cá nhân theo hình thức trực tuyến.
Đổi mới toàn diện giải thưởng Loa Thành
Về việc tổ chức giải Loa Thành, Tổng hội sẽ xây dựng Đề án đổi mới toàn diện Giải thưởng Loa Thành, tập trung vào các nội dung chính gồm: Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông Giải thưởng ngay từ đầu năm tới các sinh viên khối trường đào tạo kiến trúc và xây dựng trên địa bàn cả nước. Rà soát tổng hợp danh sách sinh viên đoạt giải qua các năm, đặc biệt các sinh viên thành đạt thực hiện việc giới thiệu thành tích, vinh danh. Rà soát tổng hợp các đồ án đã được thực thi trên thực tế.
Thứ hai, xem xét mở rộng đối tượng tham gia, đội ngũ chuyên gia, giáo viên chấm giải, thay đổi thời gian trao giải, hình thức trao giải, bổ sung thêm một số doanh nghiệp lớn vào hội đồng trao giải.
Thứ ba, nâng cao chất lượng, giá trị của giải thưởng. Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp tham gia.
Tăng cường công tác đối nội và đối ngoại
Trong năm 2023 Tổng hội sẽ tổ chức giao lưu, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác nghiên cứu, phát triển với các Trường Đại học có đào tạo về xây dựng. Phát hiện và mời các doanh nghiệp lớn của ngành xây dựng tham gia Tổng Hội với vai trò Thành viên trực thuộc Tổng Hội. Kết nối với các Sở xây dựng địa phương để vận động thành lập Hội xây dựng đối với các tỉnh chưa có Hội xây dựng.
Tiếp tục duy trì tham gia thành viên của Hội đồng điều phối kỹ sư xây dựng châu Á (The Asian Civil Engineering Coordinating Council viết tắt là ACECC). Tổng hội cử cán bộ tham gia vào Ủy ban giám sát về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN do Bộ Xây dựng chủ trì, Hội đồng đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp châu Á do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam chủ trì.