Tổ chức quy hoạch kiến trúc cho một diện mạo Đà Nẵng
Trong một lần tiếp xúc với Hội KTS VN, ông Vassilis Sgoutas nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp KTS Quốc tế phát biểu “Xu thế toàn cầu hóa là không thể đảo ngược được, nhưng mỗi địa phương phải tìm cách giữ gìn bản sắc văn hóa của mình trong đó có kiến trúc”. Đà Nẵng là một thành phố có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nên cần phải có kế hoạch, định hướng. Quá trình tổ chức qui hoạch kiến trúc thành phố Đà Nẵng phải dựa trên vấn đề cốt lõi là tạo lập bản sắc đô thị.
Đà Nẵng là một thành phố lớn ở vùng Duyên hải miền Trung – Trung bộ, ở vị trí trung tâm về mặt địa lý với cả nước. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ trong hành lang Đông – Tây ở khu vực Lào, Đông Bắc Thái Lan và Miến Điện. Dưới tác động của quá trình đô thị hoá, đô thị Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh do hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi. Trong những năm qua, việc xây dựng và quản lý đô thị được thực hiện chủ yếu theo đồ án Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, nhiều khu công nghiệp tập trung đã và đang được triển khai. Nhiều dự án và quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư đã và đang được thực hiện để hình thành các khu đô thị mới. Nhiều trục đường trong nội thị đã được xây dựng và cải tạo. Đặc biệt là một số tuyến vành đai phục vụ giao thông vận tải cho cảng và kéo thành phố gần với biển hơn…
Tuy nhiên, để chùm đô thị Đà Nẵng hình thành và phát triển như đúng tiềm năng thì công tác tổ chức về mặt chính quyền và quy hoạch xây dựng đô thị cần phải có sự định hướng và chỉnh chu, hoàn thiện hơn nữa nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có để có thể đem đến hơn nữa sự phát triển đô thị và hạ tầng xã hội. Trong đó, không thể không quan tâm việc tổ chức không gian cảnh quan kiến trúc trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị. Điều mà lâu nay chúng ít được chú trọng, bởi nếu tổ chức thực hiện tốt sẽ không những tạo ra bản sắc riêng của từng đô thị mà còn tạo động lực thúc đẩy đô thị phát triển và qua đó tạo ra sự cân bằng và nâng cao đời sống sinh hoạt kích thích lao động cho người dân đô thị.
Đà Nẵng là một thành phố có sông, biển, bán đảo, núi…. Đây là yếu tố thuận lợi cần khai thác để tạo được bản sắc riêng và sự đa dạng trong vấn đề tổ chức không gian cảnh quan từ các hình thái kiến trúc (ven biển, ven sông như thế nào? Các tuyến ven bán đảo ra sao? …) kết hợp với các không gian mở, các điểm nhấn cần thiết (Quảng trường, tượng đài…) có thể dễ tạo nên các trục liên hoàn nối kết hoàn hảo.
Các tuyến phố thường liên quan đến không gian mở nên hệ thống đường phố thường phải được rõ ràng (chính – phụ). Ngoài ra các tuyến phố giao thông không chỉ là chuyện đi lại mà là tuyến thị giác, thông gió… nên cần được khai thác, tổ chức hợp lý. Nhất là đối với một thành phố Biển như Đà Nẵng. Cụ thể là phải tổ chức, dẫn dắt như thế nào để một du khách vừa đến đô thị Đà Nẵng có thể biết được ngay đây là một đô thị của Biển, của Sông… thông qua các tuyến giao thông, thông qua cấu trúc không gian đô thị bắt đầu từ những hình dáng chung của đô thị, của tuyến phố, của công trình đến những chi tiết khi tiếp xúc gần.
Hiện nay, trên các tuyến phố trong đô thị, ngoài việc tổ chức tốt quy hoạch chiều cao tổng thể cũng cần tiến tới việc nghiên cứu, tổ chức quy hoạch các biển quảng cáo, các hàng rào vây kín, bao quanh các công sở… Đây là những vấn đề đang diễn ra một cách tự phát và nếu không xem đó như một yếu tố cảnh quan trong đô thị thì điều này có khả năng phá vỡ bộ mặt kiến trúc các tuyến phố. Ngoài ra, trong công tác tổ chức, quy hoạch kiến trúc cảnh quan thì bộ mặt đô thị về đêm cũng là một yếu tố cấu thành nên diện mạo chung của một đô thị. Theo đó, cần có sự phân bố chiếu sáng hợp lý về cường độ sáng, sự chuyển tiếp giữa chúng, các điểm nhấn hay màu sắc, kiểu dáng của đèn chiếu sáng, đèn trang trí … ở một số tuyến, trục đường cũng như một số công trình trong đô thị…. Những vấn đề này tuy thường được ít chú ý nhưng chúng cũng cần phải được quan tâm và định hướng, tổ chức để góp phần tạo cảnh quan thẩm mỹ, thông thoáng và phù hợp với tổng thể kiến trúc chung đã được hoạch định. Việc tổ chức không gian trong đô thị còn phải đòi hỏi chúng ta cần phải giải quyết mối quan hệ qua lại giữa con người và thiên nhiên. Hiện nay, nhiều không gian cây xanh của các khu vui chơi giải trí, dịch vụ công cộng đã được hoạch định trong các đồ án quy hoạch chi tiết các quận trên địa bàn TP đã được duyệt nhưng vẫn chưa được thực hiện và có xu hướng bị thu hẹp. Hơn nữa, mật độ cây xanh hiện nay ở thành phố Đà Nẵng vẫn còn ở mức thấp (khoảng gần 0,4m2/người) đòi hỏi việc đưa thiên nhiên hơn nữa (tiến đến trên 1,2-2 m2/người) vào trong đô thị nhằm trang trí không gian, tạo vi khí hậu, tăng cường sức khoẻ và tái tạo sức lao động cho người dân trong đô thị…
Đà Nẵng là một thành phố có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển và tổ chức cảnh quan khu vực đẹp. Đà Nẵng có đồng bằng, có rừng núi, có sông, có biển, bán đảo và quần đảo. Địa hình có cao, có thấp, đây là yếu tố hết sức thuận lợi cho việc quy hoạch xây dựng đô thị và tổ chức cảnh quan nhằm nâng cao sự đa dạng tạo bản sắc, thẩm mỹ riêng cho đô thị.
Hiện nay, đô thị Đà Nẵng là một trong những đô thị phát triển nhất đất nước. Với kết cấu hạ tầng kinh tế như sân bay quốc tế, tuyến đường sắt, đường bộ và đường biển, tuyến hành lang Đông – Tây nối cảng Tiên Sa, cảng Liên Chiểu với các nước tiểu vùng sông MêKông, các hệ thống dịch vụ tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông… đô thị Đà Nẵng đang thực sự có tiềm lực mạnh mẽ.
NCS.KTS Hồ Thế Vinh Số 27 ĐT&PT