Home / QUY HOẠCH / Thực trạng về việc sử dụng bản đồ trong quy hoạch và quản lý đô thị tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua

Thực trạng về việc sử dụng bản đồ trong quy hoạch và quản lý đô thị tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua

1. Ngày 12/07/2000 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 83/2000/QĐ-TTg về việc áp dụng Hệ quy chiếu và Hệ toạ độ quốc gia VN-2000. Theo đó yêu cầu sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia mới VN-2000 thay thế Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia Hà Nội-72 đang sử dụng khi đó (Hệ tọa độ HN-72).

2. Thông tư Số 973/2001/TT-TCĐC ngày 20 tháng 6 năm 2001 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn áp dụng hệ quy chiếu và hệ toạ độ quốc gia VN-2000. Trong thông tư này, Tổng cục Địa chính hướng dẫn áp dụng Hệ quy chiếu và Hệ toạ độ quốc gia VN-2000 như sau:

I. Hệ quy chiếu và Hệ toạ độ quốc gia VN-2000 (sau đây gọi tắt là Hệ VN-2000) được áp dụng thống nhất để xây dựng hệ thống toạ độ các cấp hạng, hệ thống bản đồ địa hình cơ bản, hệ thống bản đồ nền, hệ thống bản đồ địa chính, hệ thống bản đồ hành chính quốc gia và các loại bản đồ chuyên đề khác. Trong hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên dụng, khi cần thiết được áp dụng các hệ quy chiếu khác phù hợp với mục đích riêng.

II. Áp dụng Hệ VN-2000 trong việc triển khai các dự án (hoặc luận chứng kinh tế – kỹ thuật) về xây dựng lưới toạ độ ở tất cả các cấp hạng, đo vẽ bản đồ địa hình và đo vẽ bản đồ địa chính được quy định sau:

– Công trình có dự án (hoặc luận chứng kinh tế – kỹ thuật) đã được phê duyệt, nhưng chưa triển khai thì phải điều chỉnh, bổ sung để thực hiện trong Hệ VN-2000.

– Công trình đang triển khai dở dang thì tiếp tục thực hiện trong Hệ HN-72, đồng thời phải bổ sung ngay phương án chuyển thành quả cuối cùng sang Hệ VN-2000.

Trong Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ hay sau này được thay thế bằng Nghị định số: 45/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 05 năm 2015 về hoạt động đo đạc và bản đồ đều yêu cầu: Hệ quy chiếu là hệ thống tọa độ toán học trong không gian và trên mặt phẳng để biểu thị lên đó các kết quả đo đạc và bản đồ. Hệ quy chiếu quốc gia là hệ quy chiếu được lựa chọn để sử dụng thống nhất trong cả nước”.

2.1. Năm 2003, Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng – Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã tiến hành báo cáo Đề tài NCKH cấp thành phố: “Giải pháp lập và quản lý thống nhất hệ thống cao – tọa độ bản đồ thành phố Đà Nẵng”.

Đề tài đã được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu do KTS Dương Bình An chủ trì, được hoàn thành và nghiệm thu vào tháng 5/2003.

Trong giải pháp thực hiện việc quản lý thống nhất hệ thống cao – tọa độ bản đồ thành phố Đà Nẵng, đề tài đã đề cập đến vấn đề này.

2.2. Từng bước chuyển sang sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia mới VN-2000 thay thế Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia Hà Nội-72 đang sử dụng theo quyết định số 83/2000/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ khi đủ điều kiện.

Theo thông tư số 973/2001/TT-TCĐC ngày 20 tháng 6 năm 2001 do Tổng cục Địa chính ban hành về việc hướng dẫn áp dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia mới VN-2000 thì Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000 (gọi tắt là Hệ VN-2000) được áp dụng thống nhất để xây dựng hệ thống tọa độ các cấp hạng, hệ thống bản đồ địa hình cơ bản, hệ thống bản đồ nền, hệ thống bản đồ địa chính, hệ thống bản đồ hành chính quốc gia và các loại bản đồ chuyên đề khác.

Đây là việc làm cần thiết trong tương lai khi Viêt Nam hội nhập khu vực và quốc tế , đồng thời phục vụ nhu cầu áp dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS đang được sử dụng phổ biến và cực kỳ tiện ích hiện nay trên thế giới.

Như vậy trong khi chờ đợi việc chuyển đổi thống nhất này, theo quy định mà thông tư hướng dẫn này cho phép, chúng tôi kiến nghị:

– Đối với các loại bản đồ tỷ lệ 1/2.000 và tỷ lệ lớn hơn (tới 1/500): sử dụng hệ tọa độ HN-72 với bản đồ cũ đã có và sử dụng song song hai hệ HN-72 và hệ VN-2000 cho các kết quả khống chế tọa độ mặt bằng với bản đồ đo mới.

– Đối với các loại bản đồ tỷ lệ 1/5.000 và tỷ lệ nhỏ hơn (tới tỷ lệ 1/25.000): sử dụng song song hai hệ HN-72 và hệ VN-2000 cho cả kết quả khống chế tọa độ mặt bằng và bản đồ.

2.3. Giai đoạn tiếp theo là thiết kế và đo nối hệ thống điểm đo đạc cơ sở  theo tiêu chuẩn thống nhất phục vụ nhu cầu sử dụng chung cho tất cả các ngành và các địa phương bao gồm các điểm tọa độ, độ cao, theo phân cấp hạng Nhà nước.

Để thực hiện công việc này đòi hỏi phải lập dự án khả thi, với những phân tích cụ thể về tính kinh tế – kỹ thuật, tìm nguồn kinh phí và phân giai đoạn đầu tư.

2.4. Đối với bản đồ địa hình các tỷ lệ phủ trùm thành phố Đà Nẵng cũng cần thiết phải xác lập kế hoạch dài hạn cũng như phân chia kế hoạch đầu tư.

3. Ngày 04 tháng 04 năm 2005 UBND thành phố Đà Nẵng đã ra Quyết định số 39/2005/QĐ-UB về việc: Sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia Việt Nam trong công tác đo đạc và bản đồ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó yêu cầu: “Hệ VN-2000 thay thế hệ Hà Nội-72 được áp dụng thông nhất trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng cho tất cả các loại tư liệu đo đạc và bản đồ (cả bản vẽ quy hoạch thiết kế, giao đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất) bắt đầu từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành”.

Tuy nhiên cho đến nay, đã gần 20 năm, thành phố Đà Nẵng vẫn đang tồn tại một thực tế là:

  • Đơn vị thiết kế quy hoạch xây dựng chủ yếu của thành phố là Viện Quy hoạch Xây dựng thì vẫn, đang và sẽ sử dụng không biết đến bao giờ một cơ sở dữ liệu bản đồ bao gồm: hệ thống tọa độ trên Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ trước đây là Hệ tọa độ Hà Nội-72 (HN-72), bản đồ số trên nền AutoCAD Hệ HN-72.
  • Đơn vị quản lý quy hoạch xây dựng là Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng thì quản lý tất cả các bản vẽ Quy hoạch được phê duyệt trên Hệ HN-72 với các bản vẽ quy hoạch số trên nền AutoCAD với sản phẩm là bộ bản đồ “Khớp nối quy hoạch tỷ lệ 1/500 toàn thành phố” được xây dựng từ năm 2007-2008 và vẫn đang tiếp tục cập nhật đến nay.
  • Trong khi từ các năm 2006-2007 đến nay, công tác đo đạc bản đồ, quản lý đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đều sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000.

Như vậy xuất hiện một nghịch lý, đó là cùng một dự án đầu tư xây dựng, nhưng:

– Khi quản lý về Quy hoạch Xây dựng: phê duyệt bản vẽ quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng hay các vấn đề liên quan, chủ đầu tư phải dùng Hệ tọa độ HN-72 (do ngành Xây dựng: Viện và Sở Xây dựng quản lý) cho khớp nối với bản đồ “Khớp nối” hiện nay.

– Khi quản lý về đất đai (thu hồi đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất) do Trung tâm đo đạc và bản đồ thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đảm nhận thì chủ đầu tư phải sử dụng số liệu đo đạc, bản đồ của Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000.

Liệu sự vô lý này có được giải quyết không hay tiếp tục tồn tại, và tồn tại đến khi nào?

KTS. Bùi Huy Trí, từ năm 2007-2008, với danh nghĩa là Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã sớm đưa ra việc nghiên cứu chuyển đổi bộ bản đồ “Khớp nối quy hoạch tỷ lệ 1/500 toàn thành phố” từ HN-72 về VN-2000.

Chúng tôi đã cùng nhau lập một đề cương NCKH cấp thành phố cho việc chuyển đổi này, tuy nhiên khi đó không được phê duyệt.

Việc chuyển đổi này không đơn thuần là các bài toán lý thuyết. Nó phải dựa trên cơ sở thực tiễn của một quá trình đo đạc thực nghiệm với việc đo đạc ngoại nghiệp, thu thập dữ liệu, nghiên cứu tài liệu, cơ sở dữ liệu liên quan, kết hợp phương pháp phân tích, đánh giá, khái quát và phương pháp chuyên gia, bao gồm:

– Tiến hành thu thập thông tin, nhận xét đánh giá về thực trạng việc sử dụng bản đồ phục vụ quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của thành phố trong thời gian qua; tổ chức hội thảo, tham khảo ý kiến chuyên gia.

– Tổng hợp xử lý và đề xuất các giải pháp cụ thể cho công tác xây dựng và quản lý thống nhất hệ thống bản đồ phục vụ cho công tác thiết kế quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị.

Dương Bình An

Đại học Duy Tân

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …