Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Thử tìm đặc trưng của văn hóa Việt Nam trong âm nhạc dân tộc

Thử tìm đặc trưng của văn hóa Việt Nam trong âm nhạc dân tộc

Thử tìm đặc trưng của văn hóa Việt Nam trong âm nhạc dân tộc

Tôi chỉ xin phép gởi đến các bạn vài “suy tư” về đặc trưng của văn hóa Việt Nam, ngang qua vài công trình nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Muốn tìm đặc trưng của văn hóa, phải nói rõ “văn hóa” là gì?. Định nghĩa “văn hóa” rất phức tạp, và trong suy tư của tôi, tôi chỉ nhớ tới những sáng tác văn chương, nghệ thuật, điện ảnh, cách biểu diễn trong dân gian hay trên sân khấu, những “sinh hoạt” văn hóa, hay cách ăn, mặc, đi đứng, nói năng, “nếp sống” của dân tộc Việt Nam – cách đây hai năm, tôi đã được mời nói nhiều lần về “văn hóa ẩm thực”. Cũng có người cho rằng văn hóa là tầm kiến thức, học hỏi. Kiến thức thật rộng, học hỏi thật sâu. Khi kiến thức bị quên đi, cái gì còn lại là “văn hóa”. Rồi còn những quan niệm về vũ trụ, về thẩm mỹ, về tín ngưỡng…

Tìm những tính đặc trưng áp dụng vào tất cả các sinh hoạt vật chất và tinh thần, nếp sống hoặc tầm kiến thức đó không phải là việc đơn giản.

Nước Việt Nam là nơi gặp gỡ của nhiều luồng văn hóa; là nơi tụ họp nhiều sắc tộc. Những nét đặc thù của văn hóa Việt Nam ngày nay cũng mang ít nhiều những nét văn hóa của các nước Trung Quốc, Lâm Ấp (vương quốc của dân tộc Chăm), văn hóa Ấn Độ, văn hóa các nước láng giềng…

Trong lĩnh vực âm nhạc, ngoài cây đàn bầu, đàn đáy chắc chắn do người Việt chế ra, cây đàn tranh gốc của Trung Quốc, trống cơm mà trong quyển “An Nam chí lược” của Lê Tắc có ghi là “bổn vi Chiêm Thành dã”, nếu tìm nguồn gốc xa hơn nữa thì đến trống “mridangam” của Ấn Độ. Đàn tỳ bà, tuy từ Trung Quốc mang sang, nhưng gốc của cây pipa lại là do cây đàn “barbat” của người Ba Tư.

Nhưng từ hơn 2500 năm, vào thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, cha ông chúng ta đã làm ra trống đồng, một nhạc cụ độc đáo, một công trình mỹ thuật tuyệt vời. Các nhà khảo cổ Việt Nam đã tìm ra được những trống đồng bên cạnh hiện vật bằng đồ gốm. Hoa văn trên trống đồng và trên các vật đồ gốm giống nhau, giống cả những hoa văn thêu trên váy của người phụ nữ Mường, chúng ta có thể khẳng định rằng trống đồng do tổ tiên chúng ta chế tạo.

Trống đồng đã được tìm thấy rất nhiều bên Trung Quốc, nhưng ở một vùng phía Nam sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, tức là không phải do dân tộc Hán chế ra, mà do dân tộc Nam Hoa, dân tộc thuộc Bách Việt ngày xưa.

Trống đồng sinh ra trong một vùng văn hóa “ phi Hoa phi Ấn” (theo GS. Trần Quốc Vượng), cùng văn hóa Phùng Nguyên, một nền văn hóa “đồng thau”. Trên trống đồng có chạm hai cặp trống, cũng như người Tày, Nùng ngày nay còn dùng, một trống đực, một trống cái, một trống dương, một trống âm, một dàn 7 cồng phẳng, có thể gọi là chiêng như người Mường còn dùng (7 chiêng lớn, nhỏ, dày mỏng khác nhau, từ trầm đến bổng; chiêng giàm, chiêng khảm, chiêng vom, chiêng tủm, chiêng lộn poong, chiêng lộn péng, chiêng choích. Theo Phạm Phúc Minh Ca nhạc dân gian Việt Nam, tr.33).

Ngoài ra, trên trống đồng còn có chạm các loại thú cầm, như hươu, chim, cá, rắn. Hươu, tượng trưng cho núi, chim cho trời, cá cho nước và rắn cho đất. Có trời, có đất, có núi, có nước. Núi và nước tuy hai mà thường hợp với nhau thành một cặp. GS Trần Quốc Vượng đã dùng cụm từ “lưỡng phân, lưỡng hợp” mà tôi rất tâm đắc, và nhắc đến những truyền thuyết về dựng nước của chúng ta trong chuyện Lạc Long Quân, cốt rồng ở dưới nước, sánh duyên với nàng tiên Âu Cơ, ở trên núi, về việc giữ nước, chống thiên tai lũ lụt trong chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh – lại núi và nước.

Trống đồng dùng để cầu mưa. Người Mường, Tày, Nùng ngày nay khi đánh trống đồng, dùng dùi gỗ cong có bịt vải đánh vào trung tâm mặt trống, tiếng trống nghe như tiếng sấm. Một nhạc công hai tay cầm hai bó que để đứng, và buông nhẹ xuống phía bìa mặt trống, tiếng nghe như tiếng hạt mưa rơi. Đánh trống đồng để cầu mưa.

Trên mặt trống có chạm 4 con cóc – 4 mùa 4 hướng. Nhưng theo sự tin tưởng của người Việt, khi con cóc nghiến răng thì trời mưa.

Theo chúng tôi, trống đồng không những tượng trưng cho văn hóa đồng thau, còn ghi lại nhiều yếu tố đặc trưng cho nền văn hóa người Việt xưa, trước khi chúng ta bị người Hán cai trị.

Văn hóa chúng ta là văn hóa căn cứ trên nguyên tắc “lưỡng phân lưỡng hợp” và dịch lý.

Có âm dương, có trống mái, đực cái, tuy hai mà một, khác nhau, chẳng những không chống đối với nhau mà còn bổ sung cho nhau.

Trong dàn nhạc lễ, có cặp trống: trống đực, trống cái hay là trống Văn, trống Võ.

Trong mỗi câu hò, có vế kể, vế xô. Vế kể là mái, vế xô là trống.

Người hò vế kể là hò cái, người hò vế xô là hòa con. Cái và con cũng là mái với trống.

Trong hai bài Nam Xuân, Nam ai trong ca nhạc tài tử có Lớp trống và Lớp mái.

Trong hát tuồng, hát bội, có Láy trống và Láy mái. Một “sắp” có ba câu hát Nam xuân: Câu đầu kết bằng láy trống. Câu thứ nhì láy mái và câu thứ ba láy trống.

Trong nghệ thuật đàn dây, tay mặt sinh đẻ ra “thanh” bàn tay “dương” tạo ra cái “xác” của “thanh”. Thanh là một tiếng nhạc có cao độ, có trường độ, có cường độ, có âm sắc mà chưa có nhạc tính. Thanh chỉ là một tiếng nhạc về mặt vật lý.

Tay trái nuôi dưỡng, và làm đẹp cho “thanh”, cho thêm chất nhạc, biến “thanh” thành “âm”, và cho cái hồn để xác gặp hồn, mới thành sự sống. Âm là tiếng nhạc có nhạc tính, có chất nghệ thuật. Như thế, nhờ bàn tay trái là bàn tay “âm”.

Từ chỗ âm dương đi đến sự phân biệt trong không gian và thời gian.

Nam tả, nữ hữu, khi vào cửa hay khi ngồi trong gian nhà ba căn, dây Bắc dây Nam, điệu Bắc điệu Nam, trong cách lên dây đàn hay định điệu thức theo truyền thống ca nhạc tài tử miền Nam nước Việt, Ngũ đối Thượng, Ngũ đối Hạ trong nhạc lễ miền Trung miền Nam, khi múa trong tuồng, phải nhớ có trên có dưới, có thượng có hạ, có tả có hữu.

Có dài có ngắn trong bản đàn Lưu thủy trường, Lưu thủy đoản, Hò mái dài, Hò mái cụt, cũng gọi Hò mái trường, Hò mái đoản.

Có đầu có đuôi như trong những bản trống nhạc có câu “Thủ”, câu “Vỉ”, câu đầu câu đuôi.

Chúng tôi có nhắc đến “Dịch lý” khi chúng tôi nhận thấy rằng trong cách đàn hay đánh trống, có một nguyên tắc mỹ học phải áp dụng là “Chân, phương, hoa lá”. Học thì theo căn bản, chân thật và vuông vắn, nhưng khi biểu diễn thì phải thêm hoa thêm lá. Trong nghệ thuật ca trù cùng có cách “hát khuông” và “hát hàng hoa”.

Mỗi chữ nhạc không có độ cao “cố định”, mà khi cao hơn một chút hoặc thấp hơn một chút, trong nghề gọi là “già”, “non”. Độ cao không “tịnh” mà “động”. Một chữ nhạc, nét nhạc, câu nhạc đều được thay đổi, đều có tính chất “động” hợp với nguyên lý “biến dịch”.

Nhưng cạnh bên “biến dịch” nói trên, có cái “bất dịch” là “lòng bản”. Lòng bản không thay đổi.

Khi hai nhạc cụ gặp nhau phải thay đổi để cho dễ hòa hợp với nhau. Như khi đàn tỳ bà chung với đàn nguyệt phải đàn nhịp ngoại để khi hết câu cả hai tiếng đàn đều được nghe rõ. Đó là nguyên tắc “giao dịch”.

Sau khi xem qua trống đồng, cách sắp bài bản, cách định điệu thức, cách hòa đàn trong lĩnh vực âm nhạc, chúng tôi đi đến nhận xét sau đây:

Trước khi bị ảnh hưởng của “văn hóa ti, trúc” chi phối, văn hóa cha ông người Việt ngày xưa là “văn hóa đồng thau”.

Trong cách tạo nhạc cụ, định thang âm, điệu thức, sắp đặt bài bản, hòa đàn, đánh trống, quan niệm “lưỡng phân, lưỡng hợp”, và “biến hóa theo nguyên lý của Dịch học” được lấy làm căn bản.

Trên đây chỉ là những suy tư, tản mạn về trống đồng, nhạc cụ và ngôn ngữ âm nhạc, cách sáng tạo và biểu diễn âm nhạc truyền thống.

Mong rằng hai nguyên lý “lưỡng phân, lưỡng hợp”, và “biến hóa theo nguyên lý của Dịch học” gợi ý cho các bạn trong công việc đi tìm những đặc trưng trong văn hóa Việt Nam.

GS. Trần Văn Khê

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *