Home / QUY HOẠCH / THỬ ĐI TÌM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN CHO HỆ THỐNG TRUNG TÂM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG TƯƠNG LAI

THỬ ĐI TÌM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN CHO HỆ THỐNG TRUNG TÂM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG TƯƠNG LAI

           Phần một : Trung tâm thành phố từ quy hoạch đến thực tiễn

           Quy hoạch chung xác định Đà Nẵng là thành phố đa trung tâm, bao gồm: Trung tâm chính trên trục cầu sông Hàn và cầu Rồng, các trung tâm khu vực Hòa Minh- Hòa Khánh, trung tâm Ngũ Hành Sơn và trung tâm khu Hòa Xuân.

1            Định hướng hệ thống trung tâm của Thành phố là vậy nhưng thực tế thì sao?

          Đất dành cho xây dựng trung tâm quá ít nên trung tâm Thành phố từ khái niệm là quần thể, là tổ hợp công trình văn hóa, chính trị, thương mại, văn phòng cao cấp, quảng trường …đã biến dạng chỉ là trục phố được xây dựng tự phát quy mô nhỏ lẻ đơn điệu.

          Bây giờ thành phố cần xây dựng một trung tâm thật quy mô, hiện đại, hoành tráng như hình mẫu Singapore thì xây ở đâu? khó có câu trả lời vì vị trí tốt nhất là các khu ven sông Hàn, khu vực ven biển từ Sơn Trà đến Non Nước thì đã phân lô bán nền hết từ lâu.

          Các khu vực Hòa Châu, khu vực vùng núi phía Tây đều không phù hợp để  xây dựng trung tâm thành phố.

          Gần đây thành phố chỉ đạo tổ chức cuộc thi kiến trúc quảng trường khu vực Trưng Vương. Giải tỏa chợ Hàn để xây dựng trung tâm thành phố , tuy nhiên khu vực từ Trưng Vương đến sông Hàn cũng chỉ là một trục trung tâm nhỏ của khu vực, không thể là trung tâm của một đô thị 2-3 triệu dân có tầm cỡ đô thị châu Á được.

            Kết luận:

          Quy hoạch chung xác định Đà Nẵng là thành phố đa trung tâm nhưng sau 20 năm xây dựng phát triển, ý tưởng đa trung tâm đã không trở thành hiện thực. Thực tế cho thấy Đà Nẵng không có trung tâm.

          Phần hai: Đi tìm giải pháp cho hệ thống trung tâm của TP. Đà Nẵng tương lai

           A. Đặt vấn đề:

          Trước một thực tế thành phố Đà Nẵng đã cạn kiệt đất khu vực ven sông ven biển là các khu vực thuận lợi và phù hợp để xây dựng các trung tâm thành phố, đặc biệt là trung tâm chính của một thành phố tương lai 3 triệu dân. Để đạt được mục tiêu và khắc phục sai sót, thành phố Đà Nẵng cần có giải pháp mạnh, quyết liệt và khẩn trương ngay từ bây giờ.

          B. Các giải pháp cụ thể

          Giải pháp 1 – Giải pháp lấn biển phía Đông:

          +  Xây dựng Trung tâm chính thành phố: Lấn biển khoảng 300ha khu vực phía Đông trục Phạm Văn Đồng (3000m x1000m). Tại đây sẽ bố trí quảng trường biển rộng lớn, các tổ hợp cao tầng thương mại, văn phòng, khách sạn, dịch vụ đẳng cấp cao…

          +Xây dựng trung tâm khu vực phía Bắc: Mở rộng trục nối nhà ga mới, lấn biển xây dựng quảng trường khu vực, tổ hợp các công trình trung tâm khu vực…

          + Xây dựng trung tâm khu vực phía Nam: Lấy sân bay Nước Mặn hơn 150ha xây dựng trung tâm khu vực và khu đô thị cao cấp hướng biển…

2            Nhận xét:

           Đây là giải pháp mang tính khả thi cao, tuy nhiên Đà Nẵng sẽ mất bãi tắm biển tốt duy nhất là bãi tắm Phạm Văn Đồng, các bãi tắm khu vực khác đã mất hết không còn do các Resorts chắn ngang bờ biển.

          Giải pháp 2: Ngoài trung tâm phía Bắc và trung tâm phía Nam, giải pháp 3 lựa chọn trung tâm chính của Đà Nẵng như sau:

          + Lấy 150ha sân bay Nước Mặn làm khu đô thị mới hiện đại hướng biển, lấn biển thêm khoảng 150ha làm quảng trường, tổ hợp công trình quanh quảng trường thành khu đô thị trung tâm.

3            Nhận xét:

          Giải pháp này tính khả thi cao do đất sân bay Nước Mặn có khả năng chuyển giao không quá khó. (Trong QHC được duyệt thì sân bay Nước Mặn đã được định hướng trả cho thành phố làm sân bay phục vụ du lịch). Tuy nhiên, điều bất lợi là khu vực này chỉ kết nối một cách lỏng lẻo với thành phố qua một trục ngang Lê Văn Hiến, vị trí lẻ loi so với toàn thành phố. Trên thực tế chỉ phù hợp với trung tâm khu vực mà thôi.

          Giải pháp 3: Lấy sân bay Đà Nẵng và sân bay Nước mặn xây dựng trung tâm đô thị.

          + Chuyển sân bay quốc tế Đà Nẵng vào sân bay Chu Lai sau năm 2030.

          Lấy 850ha sân bay làm khu đô thị trung tâm bao gồm các tổ hợp trung tâm tài chính thế giới,  ngân hàng, văn phòng, dịch vụ cao cấp và tổ hợp quảng trường – trung tâm hành chính mới của thành phố…

          + Lấy sân bay nước mặn 150ha làm khu đô thị mới và trung tâm cho khu vực.

          + Kết nối trung tâm sân bay Đà Nẵng và trung tâm sân bay Nước Mặn qua khu vực khu đô thị Hòa Xuân, xây dựng khu ngã ba sông thành trung tâm đô thị cảnh quan độc đáo của thành phố Đà Nẵng.

          + Trung tâm phía Bắc giữ như giải pháp 1.

4            Nhận xét:

          Xét về không gian phát triển đây là giải pháp tối ưu. Hệ thống đô thị mới hiện đại mọc trên nền 2 sân bay kết nối từ vịnh Thanh Bình qua ngã 3 sông thông ra biển đông, với quy mô diện tích lớn, cảnh quan tuyệt đẹp hoàn toàn có thể hình thành một New Đanang cực kỳ hiện đại xứng tầm khu vực và châu Á.

          Tuy nhiên khó khăn nhất là chuyển sân bay Đà Nẵng và giải tỏa các khu vực dân cư 2 đầu sân bay thông ra biển Bắc và sông Cẩm lệ phía Nam

          Kết luận:

  1.      Nhu cầu xây dựng trung tâm đô thị và trung tâm khu vực đang là nhu cầu cấp thiết của thành phố, đặc biệt khi quy mô dân số thành phố lên đến 3 triệu người vào những năm 2050.
  2.     Hiện trạng thành phố Đà Nẵng đã hết đất cho xây dựng trung tâm chính của thành phố và các trung tâm khu vực tại các khu đô thị, thành phố đã mất cơ hội xây dựng những trung tâm hiện đai tại những nơi có vị trí cảnh quan đẹp ven sông ven biển.
  3.     Không giải quyết được vấn đề quỹ đất xây dựng thì các khát vọng của Lãnh đạo chính phủ và thành phố Đà Nẵng về một thành phố ngang tầm châu Á như Singapore là không tưởng.
  4.      Không thể xây dựng trung tâm thành phố tại khu vực vùng đồi núi phía Tây của thành phố. Các khu vực phía Tây chỉ phù hợp cho xây dựng các khu nhà ở.
  5.      Trước thực tế đầy khó khăn trên, lấn biển và lấy các khu vực đất rộng lớn trong lòng đô thị là những định hướng không tránh khỏi và rất cần một quyết tâm vô cùng lớn.

          Kiến nghị:

  1.     Trước mắt chọn Giải pháp 1: Giải pháp này vừa giải quyết được bài toán trung tâm thành phố ở đâu đồng thời có quỹ đất hơn 150ha tại sân bay Nước Mặn đủ để xây dựng một khu đô thị cao cấp hướng biển.
  2.     Chọn Giải pháp 3 là giải pháp cơ bản để có thể xây dựng thành Đô thị ngang tầm khu vực và thế giới.

Ths. KTS Hoàng Sừ

Nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam

 

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …