Home / Giao thông Đô thị / HỆ THỐNG GIAO THÔNG THÔNG MINH TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG, THỰC TRẠNG VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN

HỆ THỐNG GIAO THÔNG THÔNG MINH TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG, THỰC TRẠNG VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN

  1. Sự cần thiết phát triển hệ thống giao thông thông minh

Sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, cũng như các đô thị phát triển khác, bên cạnh những mặt tích cực, phát sinh những thách thức mới cho từng ngành, từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, đó là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường do khí thải từ phương tiện khi hạ tầng giao thông đô thị đã không còn theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện giao thông.

Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, sẽ có nhiều giải pháp dài hạn, trung hạn. Về dài hạn, đó là quy hoạch thành phố theo hướng đô thị đa trung tâm, quy hoạch và xây dựng các đô thị mới, các trục đường giao thông theo định hướng TOD, quy hoạch và xây dựng hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn (metro, tramway,…). Về trung hạn, chúng ta phải triển khai đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông (cầu đường, nút giao thông, bãi đỗ xe,…) song song với việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng (bus, BRT). Các giải pháp trên là các giải pháp mang tính bền vững, tuy nhiên đòi hỏi phải có thời gian từ 5-20 năm và có thể còn lâu hơn; đồng thời yêu cầu về nguồn lực tài chính rất lớn. Có một giải pháp mà thời gian triển khai chỉ khoảng từ 1-2 năm hoặc ngắn hơn với chi phí đầu tư không nhiều nhưng có thể khắc phục được một phần tình trạng ùn tắc giao thông, khai thác tối đa hạ tầng giao thông – vận tải hiện có từng bước nâng cao được năng lực quản lý đô thị tương ứng với tốc độ phát triển khoa học công nghệ hiện nay. Giải pháp đó được biết đến với cái tên gọi “hệ thống giao thông thông minh” (Intelligen transoprt system – ITS).

Untitled-1

(Hình ảnh minh họa)

Về cơ bản, ITS là sự kết hợp giữa tính toán, công nghệ thông tin và viễn thông – có liên quan tới chuyên ngành giao thông vận tải. Các công nghệ ITS nổi bật được đưa ra từ những xu hướng phát triển chủ đạo của những ngành này. Vì vậy, ITS có thể định nghĩa là ứng dụng của những công nghệ tính toán, thông tin và liên lạc trong việc quản lý xe cộ và các mạng lưới có liên quan đến sự di chuyển của người và hàng hóa trong thời gian thực. Hiện nay, ITS triển khai thường bao gồm 07 nhóm dịch vụ người dùng. Đó là: Quản lý và điều hành giao thông; Thông tin giao thông; Hỗ trợ hoạt động phương tiện cứu hộ; Hỗ trợ vận tải công cộng; Thanh toán điện tử; Nâng cao hiệu quả hoạt động phương tiện kinh doanh vận tải; Hỗ trợ an toàn cho người điều khiển phương tiện. Mỗi nhóm dịch vụ người dùng sẽ bao gồm nhiều dịch vụ và các dịch vụ con tương ứng. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu phát triển của xã hội mà tiến hành ứng dụng các dịch vụ phù hợp để đảm bảo hiệu quả sử dụng, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội và các yêu cầu đối với kiến trúc ITS.

Áp dụng công nghệ tiên tiến để hỗ trợ việc quản lí dòng phương tiện đã trở nên phổ biến trong hơn 70 năm qua với những nỗ lực ban đầu trong việc kiểm soát tín hiệu giao thông ở các ngã tư và khu vực giao cắt đường sắt tại Mỹ và châu Âu. Những nhà sản xuất phương tiện đã phát triển các công nghệ tiên tiến để tạo ra loại phương tiện an toàn hơn, thoải mái hơn, giảm áp lực khi lái xe. Rất nhiều công nghệ tương tự có thể thấy ở xe bus và các đoàn tàu. Những công nghệ tiên tiến được áp dụng ngày càng nhiều trong việc quản lý những mạng lưới giao thông công cộng lớn, và trong việc cập nhật thông tin điểm đến của xe bus và tàu cho hành khách. Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, một loạt những công nghệ đã được áp dụng để việc di chuyển của các phương tiện trở nên dễ dàng hơn và trợ giúp những giao dịch thương mại như là một bộ phận của chuỗi cung cấp. Khi được áp dụng một cách cẩn thận, ITS có thể tạo ra hệ thống giao thông an toàn hơn, an ninh hơn, thuận tiện hơn, và giảm tác động đến môi trường.

ITS đã được triển khai và thành công ở nhiều nước trên thế giới. Ở nhiều địa phương của Việt Nam cũng như Đà Nẵng nói riêng – với tiềm năng về nhân lực hiện nay, nhiều nội dung, hạng mục của ITS cũng đã được nghiên cứu, ứng dụng bước đầu triển khai và đã đem lại những hiệu quả nhất định.

  1. ITS của thành phố Đà Nẵng trong thời gian vừa qua

Có thể nói những bước tiếp cận đầu tiên đối với ITS của ngành GTVT thành phố Đà Nẵng là vào năm 2012 thông qua dự án Dự án Xây dựng và nâng cấp hệ thống tín hiệu và điều khiển giao thông nhằm quan sát tình hình giao thông các các nút giao, khu vực; phục vụ điều tiết giao thông. Dự án đã thi công lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại 64 nút giao thông, camera quan sát tại 32 nút giao thông, xây dựng 01 trạm quan trắc khí tượng và 01 trung tâm điều khiển tập trung.

     Từ đó đến nay, mạng lưới hệ thống đèn THGT đã tăng lên 146 nút tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút giao thông phức tạp, có mật đô lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông cao trên toàn địa bàn thành phố nhằm điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, có 62 nút đèn tín hiệu đã kết nối trực tiếp về Trung tâm điều hành đèn THGT&VTCC.

     Về hệ thống camera giao thông, đã phát triển với 74 camera giám sát, xử lý vi phạm; 40 camera quan sát và 07 thiết bị rada đo tốc độ chuyên dùng quan sát, giám sát giao thông; đang tiếp tục nghiên cứu triển khai thêm khoảng 35 camera giám sát, xử lý vi phạm; 13 camera quan sát và 02 thiết bị rada đo tốc độ chuyên dùng. Đồng thời, ngành GTVT cũng đã triển khai lắp đặt camera giám sát trên 61 xe buýt trợ giá (từ 12/2016) và 16 xe buýt thuộc tuyến số 01 Đà Nẵng – Hội An (từ tháng 3/2018) kết nối về Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng, lắp đặt camera trên 26 tàu hoạt động du lịch đường thủy nội địa trên sông Hàn để phục vụ theo dõi, giám sát chất lượng dịch vụ. Hiện nay, hệ thống camera quan sát, giám sát đang được định hướng phát triển để kết hợp đếm xe, đếm người thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI)[1], học máy (machine learning)[2] phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giao thông đường bộ cũng như đường thủy.

Hệ thống hạ tầng cống bể, mạng truyền dẫn cũng đã được đầu tư xây dựng với 35,6 km cống bể cáp quang thuộc 37 tuyến đường trên địa bàn thành phố[3] phục vụ truyền dẫn, kết nối dữ liệu hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm và hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông về Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng và phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Hệ thống các cầu quan trọng của thành phố cũng đã được nghiên cứu lắp đặt hệ thống quan trắc kết cấu cũng như thu thập các dữ liệu về thời tiết (nhiệt độ, gió) phục vụ công tác quản lý, bảo trì kết cấu công trình. Đến nay đã có 03 cầu được lắp đặt hệ thống này (Thuận Phước, Trần Thị Lý, Ngã ba Huế); đang tiếp tục nghiên cứu lắp đặt hệ thống quan trắc kết cấu cho cầu cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (giai đoạn 2) cũng như hệ thống đo gió cảnh báo tàu thuyền du lịch và phương tiện qua cầu Thuận Phước; với định hướng kết nối dữ liệu tập trung về một trung tâm quản lý, xử lý thay thế cho phương án độc lập, phân tán như hiện nay.

Trên lĩnh vực vận tải, hệ thống giám sát hành trình phương tiện vận tải đã lắp đặt cho tất cả các xe buýt hiện đang vận hành[4] (với hơn 160 xe), xe taxi (hiện nay là 1700 xe) cũng như các xe khách, xe tải, xe container của doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố với mục tiêu 100% phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa sẽ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngoài ra, Sở GTVT cũng đã phối hợp UBND quận Hải Châu triển khai thí điểm thu phí đỗ xe thông minh qua tin nhắn điện thoại kèm công nghệ quản lý, giám sát trên tuyến đường Bạch Đằng; đồng thời thử nghiệm công nghệ bãi đỗ xe tập trung như tại bãi đỗ xe buýt TMF Bùi Dương Lịch.

Một dự án là dự án Phát triển bền vững đã và đang triển khai sẽ cung cấp cho thành phố chương trình ITS nhằm phục vụ việc theo dõi, quản lý hệ thống xe buýt gồm: Hệ thống vé điện tử, Hệ thống tín hiệu ưu tiên, Hệ thống thông tin hành khách thời gian thực, Hệ thống quản lý đội xe, Hệ thống đậu đỗ xe buýt chính xác, Hệ thống tryền dẫn dữ liệu, Hệ thống điều khiển trung tâm, Hệ thống camera quan sát trên đường và trên xe buýt.

Bên cạnh đó, Sở GTVT đang chủ động triển khai phần xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu (database management system) cho lĩnh vực GTVT[5], đảm bảo lưu trữ và khai thác tối đa các dữ liệu thông tin hiện có của 3 bộ phận hợp thành gồm:

– Cơ sở hạ tầng – cả trên và dưới bề mặt (như là hệ thống tín hiệu giao thông, trạm thu phí, các cảm biến thu nhận hình ảnh hoặc dao động);

– Phương tiện – các loại phương tiện, đặc trưng, mức độ sử dụng;

– Người điều khiển phương tiện – các hành vi, thông tin liên quan đến hoạt động di chuyển.

Vừa qua, thành phố cũng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan trực thuộc (Tổng cục Đường bộ, Cục Đăng kiểm) cho phép chia sẻ dữ liệu do Bộ và các cơ quan đang quản lý để thành phố Đà Nẵng khai thác và sử dụng trong công tác quản lý của ngành tại địa phương về lĩnh vực vận tải phương tiện và người lái[6], kết cấu hạ tầng giao thông[7]. Thành phố đồng thời cũng đã chỉ đạo Công an thành phố phối hợp với Sở GTVT trong việc chia sẻ dữ liệu đăng ký phương tiện xe cơ giới, xử lý vi phạm và tai nạn giao thông.

Untitled-2

(Hình ảnh minh họa)

Trên cơ sở các chương trình hợp tác của thành phố với các tập đoàn, doanh nghiệp có thế mạnh trên lĩnh vực hạ tầng, công nghệ thông tin như Viettel, FPT, VNPT, Sở cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị nói trên và một số đơn vị khác[8] để từng bước hoàn thiện hệ thống ITS thành phố như:

– Nghiên cứu hoàn thiện khung kiến trúc ITS của thành phố;

– Xây dựng cổng thông tin giao thông trực tuyến[9];

– Hoàn thiện hệ thống camera quan sát, giám sát trực tuyến trên đường, tại các nút giao thông, các tàu du lịch trên sông.

  1. Một số khó khăn, thách thức trong thời gian đến

 Việc xây dựng và khai thác ITS cũng như xây dựng mô hình thành phố thông minh (Smart City) ở Việt Nam đã được bắt đầu triển khai từ nhiều năm trước đây – được xem như là giải pháp chiến lược để giải quyết các vấn đề phát sinh do sự tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, vấn đề hết sức khó khăn là Việt Nam chưa có nhiều hiểu biết về lĩnh vực này. Do đó việc tìm kiếm các tổ chức, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật để nhanh chóng xây dựng hệ thống ITS là tất yếu. Để triển khai ITS tại Việt Nam trong thời gian tới còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Trước hết phải đưa ra một khung kiến trúc hệ thống cho các thành phần và mối liên kết giữa các thành phần trong ITS[10] để tất cả các địa phương áp dụng thống nhất, tạo hành lang pháp lý trong việc việc quy hoạch, xây dựng ITS trên mạng lưới giao thông trong cả nước. Hiện nay Bộ GTVT đã dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về Khung kiến trúc ITS, tuy nhiên vẫn còn đang trong quá trình thảo luận góp ý, chưa chính thức được ban hành. Ở Đà Nẵng, thành phố đã thống nhất Khung kiến trúc tổng thể về thành phố thông minh. Để đảm bảo sự kết nối tín hiệu và có thể sử dụng dữ liệu chia sẽ giữa các hệ thống rời rạc với nhau (đối với việc xây dựng hệ thống mới) thì cần thiết sớm có khung kiến trúc cơ sở cho ITS của thành phố Đà Nẵng gồm khung kiến trúc vật lý và khung kiến trúc logic.

Vấn đề thứ hai cần tính đến là lựa chọn công nghệ và tiêu chuẩn nào để phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây là một thách thức rất lớn, bởi trình độ, năng lực tiếp nhận cũng như ý thức người tham gia giao thông ở nước ta trong điều kiện nào đó còn hạn chế hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi đó mức độ phát triển của KHCN cũng như ITS diễn ra rất nhanh chóng, các công nghệ rất dễ bị lạc hậu, lỗi thời. Chính vì vậy, lựa chọn công nghệ đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế và đối tượng tham gia giao thông là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần sớm thiết lập và thúc đẩy tiêu chuẩn hóa để cung cấp các yêu cầu thống nhất, vừa tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh vừa thúc đẩy thị trường đầu tư nghiên cứu ITS phát triển.

Untitled-3

Mô hình kiến trúc logic của ITS tại Việt Nam do Bộ GTVT đề xuất

Untitled-4

Mô hình khối kiến trúc vật lý ITS tai Việt Nam do Bộ GTVT đề xuất

Vấn đề thứ ba là cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố. Hiện nay mỗi ngành của Thành phố cùng tham gia xây dựng các hạng mục của Thành phố thông minh (y tế, giáo dục, môi trường, nội vụ, du lịch,…). Do đó phải có một hệ thống thu thập, lưu trữ cơ sở dữ liệu chung với mục đích chia sẻ dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý điều hành chung, đặc biệt là trong việc xây dựng các mô phỏng và dự báo phát triển. Lĩnh vực giao thông rất cần “liên thông” những dữ liệu của các ngành trong quy hoạch luồng tuyến vận tải công cộng, xây dựng các kịch bản phân luồng giao thông, hay trong việc phát triển các dịch vụ công liên quan đến cấp phép, đăng kiểm, xử lý vi phạm,… Trên cơ sở phát triển một mô hình dữ liệu chung, cần thiết lập tiêu chuẩn giao tiếp, tạo khả năng tương tác khi dữ liệu được thu thập và được quản lý bởi hai hoặc nhiều hơn các hệ thống quản lý.

  1. Dự kiến kế hoạch triển khai các thành phần của hệ thống giao thông thông minh trong thời gian trước mắt (đến năm 2020)

Trước mắt, cần tổ chức triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh thành phố Đà Nẵng tại Trung tâm điều hành đèn THGT và VTCC, trong đó từng bước hoàn thiện mạng lưới camera giám sát thông minh, cảm biến lưu lượng giao thông, thiết bị đo tốc độ, thiết bị giám sát hành trình, thiết bị giám sát hoạt động trên xe….; kết nối và giám sát hệ thống vận tải công cộng, kết nối với hệ thống đèn tín hiệu giao thông, điều khiển từ xa đèn tín hiệu giao thông theo lưu lượng thời gian thực, nhận dạng đối tượng, phương tiện, xử lý vi phạm,…, hoàn thiện hệ thống mạng truyền dẫn, kết nối tín hiệu về Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng và phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố.

Modun ITS dùng cho quản lý, điều khiển giao thông ưu tiên triển khai trước, mở rộng dần từ khu vực trung tâm ra dần ngoại vi. Modun ITS dùng cho  quản lý điều hành vận tải (bao gồm vận tải hành khách công cộng) triển khai từng bước phù hợp với chính sách về quản lý thẻ vé, đầu tư và phát triển phương tiện, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ và có xét đến liên thông với các loại hình vận tải công cộng mới trong thời gian đến (BRT, MRT,…) cũng như các lĩnh vực khác (du lịch, thương mại- dịch vụ,…).

Song song với đó, tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn chỉnh hệ cơ sở dữ liệu cũng như hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tạo lập cơ sở dữ liệu ngành giao thông để đóng vai trò là đầu mối tập trung để lưu trữ dữ liệu và vận hành các ứng dụng giao thông thông minh (bao gồm cả CSDL GIS hạ tầng giao thông).

Xây dựng Cổng thông tin giao thông tích hợp GIS, có các chức năng như: thông tin về bãi đỗ xe công cộng, cảnh báo về phân luồng, cảnh báo tắc nghẽn tại tuyến đường đang đi; tập hợp các phản ánh trên tất cả các kênh truyền thông liên quan đến hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, ùn tắc giao thông, vi phạm trật tự an toàn giao thông hoặc tai nạn giao thông để xử lý, cũng như phản hồi đến cộng đồng (tự động hoặc bán tự động).

Đây là những nội dung công việc làm nền tảng quan trọng để triển khai hệ thống ITS phát triển bền vững trong thời gian đến.

  1. Kiến nghị, đề xuất

Việc xây dựng và hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn ITS là hết sức quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện. Trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn có liên quan, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giao thông vận tải thống nhất các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về ITS trong giao thông đô thị, đặc biệt là tiêu chuẩn về hệ thống camera xử lý vi phạm để  đảm bảo cơ sở pháp lý, kỹ thuật, tính tương thích, đồng bộ trong việc triển khai hệ thống ITS trên địa bàn thành phố.

Việc xây dựng đề án ITS của TP. Đà Nẵng là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho định hướng đầu tư và phát triển hệ thông ITS đảm bảo tính đồng bộ, bền vững, có ưu tiên trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Do vậy, thành phố cần sớm có kế hoạch và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai các nội dung công việc liên quan đến ITS trong Đề án Xây dựng thành phố thông minh hơn được UBND thành phố phê duyệt cũng như các Biên bản ghi nhớ ký kết giữa Thành phố với các đối tác (Viettel, FPT,…).

Đồng thời cần hỗ trợ ngành GTVT trong việc xây dựng, trình phê duyệt đề án ITS của TP. Đà Nẵng (theo tinh thần Nghị quyết 102/2017/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án Phát triển VTCC, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân, kiểm soát và điều tiết phương tiện cơ giới vào trung tâm thành phố);

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở GTVT trong thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trên lĩnh vực ITS theo tinh thấn Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ cũng như hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại văn bản số 3575/BTTTT-THH ngày 23/10/2018 hướng dẫn một số nội dung về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước để triển khai Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg

Về cơ chế phối hợp xây dựng, khai thác, chia sẻ dữ liệu quản lý các phương tiện vận tải, Sở Thông tin & Truyền thông  cần nghiên cứu chia sẻ khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung đã được xây dựng (như y bạ điện tử, học bạ điện tử, quản lý nhân khẩu,…) phục vụ việc phát triển hạ tầng, mạng lưới vận tải công cộng và phân luồng giao thông, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng bản đồ số thể hiện tình trạng thực (real time) giao thông trên các tuyến đường và chia sẻ thông tin cho các cơ quan, đơn vị, các đài phát thanh, truyền hình và người tham gia giao thông.

Các Sở chuyên ngành, Công an thành phố cần phối hợp xây dựng và thống nhất quy chế phối hợp, tích hợp, chia sẻ dữ liệu đăng ký phương tiện ô tô, xe máy, xe điện,… với Sở GTVT để phối hợp kiểm soát, quản lý phương tiện, quản lý đậu đỗ./.

 

[1] Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence hay Machine intelligence – AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy (tiếng Anh: machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,….( Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Trí_tuệ_nhân_tạo).
[2] Học máy là một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép các hệ thống “học” tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể. (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Học_máy).
[3] Đường 3 tháng 2, Xô Viết Nghệ Tĩnh, 2 tháng 9, Cách mạng Tháng 8, Nguyễn Hữu Thọ, Phan Đăng Lưu, đường dẫn cầu Tuyên Sơn, Yên Bái, Thái Phiên, Phan Đình Phùng, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Trưng Nữ Vương, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Lý Tự Trọng, Quang Trung, Núi Thành, Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Ông Ích Khiêm, Đống Đa, Hoàng Diệu, Lê Đình Dương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Toản, Triệu Nữ Vương, 30 Tháng 4, Hà Huy Tập, Trần Cao Vân, Duy Tân, Lê Đình Lý.
[4] Thông qua các thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên từng xe buýt, hệ thống thu thập được các thông tin như: vị trí, vận tốc, địa điểm, thời gian dự kiện đến trạm, lộ trình xe theo thời gian thực, cập nhật vị trí hiện tại trên bản đồ và thời gian đến trạm của các xe buýt. Người dân có thể tra cứu hành trình xe buýt trên các website, qua tin nhắn SMS, qua mạng xã hội. Ngoài ra cũng có ứng dụng tra cứu xe buýt Danabus trên điện thoại di động để tạo thuận lợi cho người dân tra cứu thông tin.
[5] Đang triển khai nghiên cứu đề tài Giải pháp tổ chức cơ sở dữ liệu hybrid cho hạ tầng kỹ thuật các công trình giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; tổ chức tích hợp dữ liệu vận tải từ các phần mềm quản lý dữ liệu khác nhau như: phần mềm quản lý hạ tầng giao thông, quản lý hạ tầng thủy nội địa; quản lý và cấp giấy phép lái xe; quản lý đăng kiểm phương tiện xe cơ giới; giám sát phương tiện bằng thiết bị Giám sát hành trình, quản lý, cấp các loại giấy phép phương tiện vận tải lưu thông vào thành phố Đà Nẵng, cấp phép, quản lý xe máy chuyên dùng;…
[6] – Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, biển hiệu, phù hiệu xe ô tô, Giấy phép liên vận; Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý); Thông tin đăng kiểm xe các tỉnh (do Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý);
[7] Dữ liệu về cầu, đường quốc lộ và địa phương trên phần mềm do Tổng Cục Đường bộ Việt Nam quản lý.
[8] Các Công ty như: TheheGeo, Phi Long, Novas, CadPro,…
[9] Mục tiêu cụ thể của Công thông tin giao thông là Cung cấp công cụ quản lý các dữ liệu về hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố; các tiện ích hỗ trợ quá trình tham gia giao thông như: tìm đường theo khoảng cách, tìm đường theo thời gian, tìm đường tránh kẹt xe…; các thông tin về tình trạng giao thông thời gian thực trên địa bàn thành phố; các cảnh báo sự cố giao thông; hình ảnh từ camera giao thông trên địa bàn thành phố; các thông tin về bãi đỗ xe, trạm y tế, nhà vệ sinh công cộng; cung cấp công cụ hỗ trợ hoạch định lộ trình tham gia giao thông cho người dân. Tổng hợp xử lý và cung cấp tình trạng giao thông, các cảnh báo, gợi ý trong việc điều hành giao thông, dựa trên các thông tin thu thập từ các hệ thống camera, hộp đen GPS xe buýt… Cung cấp công cụ tiếp nhận phản ánh giao thông nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông và phát triển văn hóa giao thông trong cộng đồng, trước hết là của người điều khiển phương tiện giao thông.
[10] Bao gồm: Các dịch vụ được dự kiến triển khai cho các hệ thống ứng dụng ITS; Các thành phần tham gia các hệ thống cung cấp dịch vụ ITS; Các luồng thông tin và dữ liệu kết nối các chức năng và các thành phần ITS.

Bùi Hồng Trung

Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Đà Nẵng

Check Also

Capture

NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG HỆ THỐNG GIAO THÔNG THÔNG MINH TRONG QUẢN LÝ GIAO THÔNG ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG

STUDY ON THE APPLICATION OF INTELLIGENT TRANSPORTATION SYSTEM IN MANAGEMENT OF DANANG URBAN TRANSPORT Phan …