Home / QUY HOẠCH / Thông báo kết luận Hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị Đà Nẵng”

Thông báo kết luận Hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị Đà Nẵng”

Ngày 11/9/2018, KTS Phan Đức Hải – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Thành Phố Đà Nẵng đã ký ban hành Thông cáo Kết luận số: 011 /TB. HQH  gửi Lãnh đạo thành phố, các Sở ban ngành thành phố, các báo đài Trung ương và địa phương trên địa bàn thành phố về việc  “Định hướng quy hoạch phát triển các khu vực trung tâm đô thị Đà Nẵng”. Toàn văn Thông cáo Kết luận như sau:

Ngày 08/9/2018, tại thành phố Đà Nẵng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi Hội thảo khoa học: “Định hướng quy hoạch phát triển các khu vực trung tâm đô thị Đà Nẵng”. Tham dự Hội thảo có trên 120 đại biểu, đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, các Hiệp hội, nghề nghiệp Trung ương và Lãnh đạo tại thành phố Đà Nẵng, các Chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, các Sở ban ngành, quận huyện, các Hiệp hội và các Hội nghề nghiệp tại thành phố Đà Nẵng, các báo, đài Trung ương và địa phương.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng phát triển đô thị, tìm kiếm những giải pháp và đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu xem xét các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện khuyến khích thu hút đầu tư, định hướng quản lý toàn bộ, nhất quán và khoa học nhằm kiểm soát hữu hiệu quá trình phát triển đô thị Đà Nẵng.

Theo đó, nội dung trọng tâm của hội thảo được bàn đến là: (1) Kiểm soát quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch (Bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết) (2) Kiểm soát phát triển dân số theo quy hoạch (3) Kiểm soát sử dụng đất xây dựng đô thị (4) Kiểm soát về không gian kiến trúc, cảnh quan (5) Kiểm soát phát triển hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Từ đó, định hướng đến phân vùng phát triển không gian. Trên cơ sở nghiên cứu sẽ đề xuất các đô thị vệ tinh như: Đô thị biển Đông, Đô thị ven biển Tây Bắc, Đô thị phía Nam, Khu đô thị đồi núi, khu đô thị sân bay Đà Nẵng, Khu đô thị đại học, trong đó cần thiết phân định rõ ràng các trung tâm đô thị vệ tinh sẽ tạo cho thành phố có thêm những cơ sở pháp lý và khoa học để phát triển hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, thành phố thông minh, với nhiều tiện ích cao, có bản sắc, một trung tâm kinh tế, xã hội lớn của Miền Trung… theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 10/10/2003 của Bộ Chính trị.

Hội thảo nhận được 24 bài tham luận đầy tâm huyết của các nhà chuyên môn với những chủ đề như: Khắc phục những hạn chế để phát triển đô thị với một tầm nhìn chiến lược – bền vững; Định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP. Đà Nẵng; Hướng đến điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Những hệ lụy – tồn tại – bất cập đối với các định hướng phát triển theo các quy hoạch được phê duyệt tại thành phố Đà Nẵng; Tầm nhìn quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng; Định hướng quy hoạch các trung tâm đô thị thành phố Đà Nẵng; Định hướng quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng; Định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị Đà Nẵng; Quy hoạch các trung tâm đô thị Đà Nẵng; Các giải pháp thích ứng với thành phố 3 triệu dân; Đà Nẵng với cấu trúc đô thị đa trung tâm, đô thị biển quan trọng của Việt Nam mang tầm vóc khu vực ASEAN và Quốc tế; Khát vọng Đà Nẵng ngang tầm đô thị Châu Á: Không thể và có thể; Phát triển hạ tầng kỹ thuật gắn kết với quá trình xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng; Phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững – Góc nhìn từ quy hoạch và quản lý không gian ngầm đô thị; Giải pháp đường trên cao cảng Tiên Sa – đường Ngô Quyền; Những chủ trương và giải pháp để đảm bảo lộ trình Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” đến năm 2020; Giải pháp nâng cao chất lượng kiến trúc trung tâm đô thị; Quy hoạch hệ thống không gian xanh Đà Nẵng: Một tiếp cận của cảnh quan sinh thái; Hướng tới xây dựng Đà Nẵng thành đô thị tăng trưởng xanh – phát triển bền vững; Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm dưới góc nhìn Đà Nẵng phát triển và hội nhập; Quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế các khu vực ven biển Đà Nẵng; Thực trạng về việc sử dụng bản đồ trong quy hoạch và quản lý đô thị tại TP. Đà Nẵng trong thời gian qua; Bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc và không gian văn hóa đình làng tại các làng cổ ven Đà Nẵng khi quá trình đô thị hóa đang dần hình thành; Sự hấp dẫn  Đà Nẵng: Thành phố thứ 3 của Việt Nam.

Tại Hội thảo nội dung trọng tâm được bàn đến là đề cao việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; nhu cầu tiếp cận các mô hình liên kết vùng đô thị để nâng cao cạnh tranh, đô thị có mật độ cao gắn kết giao thông công cộng, đô thị xanh, đô thị nông nghiệp, đô thị sân bay…Việc tổ chức đô thị có sự hòa nhập, tăng cường tính kết nối giữa không gian kiến trúc và không gian xanh, tạo nên sự phong phú về hình thái không gian cảnh quan đô thị. Việc tổ chức giao thông đang đối mặt với nguy cơ ùn tắc giao thông, không gian cảnh quan đô thị chưa tạo điểm nhấn đô thị và tạo lập bản sắc của một đô thị biển. Ô nhiễm môi trường từ nước thải, rác thải, khói bụi đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một số đồ án quy hoạch có nguy cơ đánh mất giá trị văn hóa đặc trưng, hủy hoại môi trường sinh thái và phá vỡ cấu trúc cảnh quan tự nhiên.

Cùng quan điểm này, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay việc đánh giá mức sống, điều kiện sống không chỉ đơn thuần là tăng diện tích nhà ở mà phải được đánh giá bằng tiêu chí môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Hơn 20 năm trước, từ một đô thị nhỏ bé, diện tích khoảng 5.600 ha, đến nay, không gian đô thị Đà Nẵng đã mở rộng lên tới gần 20.000 ha, tức gấp hơn 3 lần so với đô thị cũ; tuy nhiên, vấn đề quy hoạch và phát triển không gian đô thị Đà Nẵng cũng tồn tại nhiều bất hợp lý. Khai thác quỹ đất quá mức, nặng về tư duy chia lô bán nền dẫn đến việc quy hoạch đô thị theo kiểu nhà ống, không gian đô thị rời rạc, ô nhiễm… Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất mong muốn Đà Nẵng với cấu trúc đô thị đa trung tâm, đô thị biển quan trọng của Việt Nam mang tầm vóc khu vực ASEAN và Quốc tế; Khát vọng Đà Nẵng ngang tầm đô thị Châu Á: Không thể và có thể. Nhưng để đạt được ý tưởng đó, cũng có ý kiến cho rằng có nên di dời sân bay để lấy đất phát triển khu vực trung tâm quốc tế trong tương lai, tuy nhiên ý kiến này không nhận được sự đồng thuận tại Hội thảo vì nếu Đà Nẵng không có sân bay thì vai trò Đà Nẵng sẽ không còn là động lực phát triển, không còn thành phố hiện đại, tiện ích. Về vấn đề này, Hội thảo không sẽ không bàn đến câu chuyện di dời sân bay, điều quan trọng nhất hiện nay cho đến hết tầm nhìn năm 2050 và  kể cả trong tương lai có thay đổi hay điều chỉnh như thế nào thì Đà Nẵng cũng phải cần có sân bay.

Một số kiến nghị và kết luận của hội thảo:

1. Đà Nẵng cần đặt trọng tâm vai trò kiểm soát trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

2. Thời gian qua đô thị phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng tỷ lệ lớn đất đai dành cho chức năng ở, trong bối cảnh Đà Nẵng hạn chế về quỹ đất tự nhiên nên cần có chiến lược phát triển không gian đô thị tốt hơn nữa để đảm bảo sử dụng đất lâu dài, hiệu quả nhất. Do vậy, cần tiến hành rà soát lại các đô thị cũ, không đảm bảo điều kiện về hạ tầng thiết yếu để có các giải pháp tái thiết hữu hiệu vừa đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số vừa đáp ứng được văn minh, hiện đại và thông thoáng. Đồng thời, xem xét có lộ trình mở rộng đô thị trong các giai đoạn tiếp theo.

3. Sự phát triển quá nhanh về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có nhiều thay đổi. Các khu vực trước đó được xác định thuộc ngoại vi như các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt,… nay bị bao vây bởi các khu vực phát triển đô thị mới. Yêu cầu đặt ra là Đà Nẵng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại và điều chỉnh cấu trúc, đồng thời điều chỉnh các chỉ tiêu đô thị cơ bản liên quan đến quy mô dân số, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu của cư dân Thành phố cũng như lượng dân số không chính thức đang ngày càng gia tăng mà chủ yếu là khách du lịch.

4. Bản sắc của thành phố Đà Nẵng phát triển với đặc trưng của Đô thị Biển – Sông, Núi. Đây là lợi thế hiếm có của Đà Nẵng so với các đô thị trên thế giới. Vì vậy, thành phố cần phát triển đồng bộ đô thị xanh trong tương lai gắn liền với cảnh sông hồ, núi đồi, biển khơi, và với bản sắc văn minh hiện đại, đặc trưng cho đô thị Việt Nam phát triển trong thế kỷ 21. Trong đó, tận dụng các lợi thế về biển Đông (bãi biển đẹp hàng đầu thế giới, với 2 trục ven biển: Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn và Nguyễn Tất Thành gắn với vịnh Đà Nẵng), sông Hàn (đóng vai trò trục giao thông và cảnh quan với bản sắc đô thị sông nước), sông Cu Đê và các ngọn núi đẹp nhất Đà Nẵng bao gồm cụm núi Ngũ Hành Sơn, Bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Bà Nà, Phước Tường. Và điều quan trọng nhất là cần quan tâm bảo vệ cánh rừng đặc dụng Sơn Trà, bởi nơi đây là lá phổi xanh của thành phố. Nếu phát triển kinh tế cần phải cân nhắc, thận trọng. Vấn đề thứ hai biển và vịnh Đà Nẵng được đánh giá là đẹp nhất với địa hình và địa thế và là mặt tiền hướng ra biển Đông. Vì vậy, không chấp nhận những đề xuất lấp biển để xây dựng khu đô thị hay bất cứ hình thức nào.

5. Về vấn đề của một vài ý kiến có nên di dời sân bay để lấy quỹ đất xây dựng khu đô thị đa trung tâm mang tầm vóc quốc tế không nằm trong chủ đề trọng tâm của Hội thảo hôm nay. Hội thảo cũng sẽ tiếp thu và xem đây là ý tưởng được ghi nhận tại hội thảo. Vấn đề hiện nay và lâu dài đối với Đà Nẵng là cần phải có sân bay. Vì đây là sự hấp dẫn của thành phố hạt nhân, động lực trong tương lai, là điểm đến của các nhà đầu tư và khách du lịch. Nếu có ý tưởng di dời thì đứng ở tầm nhìn chiến lược  đó không phải là một đề xuất tốt.

6. Đà Nẵng nên hướng tới đô thị tăng trưởng xanh, kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên làm ý tưởng chính để tổ chức không gian đô thị. Từ đó hình thành một cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị có bản sắc.

Hiện nay, thành phố không có công viên, chỉ tiêu cây xanh/ người là rất thấp. Vì vậy, thành phố cần định hướng (chí ít là trong tầm nhìn đến 2050) cần dành lại toàn bộ khu vực giới hạn từ đường 2/9 đến bờ sông Hàn và từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến cầu Tuyên Sơn để xây dựng công viên trung tâm thành phố.

7. Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị: Trong quá trình nghiên cứu, lập các quy hoạch chi tiết sau khi quy hoạch chung 2003 được duyệt đã không có sự tham gia của chuyên gia về tổ chức giao thông đô thị. Mạng lưới giao thông từ đường chính khu vực đến các đường phố, đường nội bộ đều được xác định một cách chủ quan, thiếu cơ sở. Đặc biệt là không hề có nghiên cứu, đề xuất nào về giao thông công cộng. Chính vì vậy, đến nay việc triển khai thực hiện các dự án về giao thông công cộng gặp không ít khó khăn, trở ngại, tốc độ phát triển loại hình này là quá chậm và một tất yếu không thể tránh khỏi là ùn tắc giao thông. Để đối phó với tình trạng này, thành phố đã và sẽ đầu tư xây dựng các hầm chui tại các nút giao cắt. Giải pháp này, chỉ là giải pháp tình thế, không phù hợp về lâu dài và không bền vững. Nguyên nhân chính của tình trạng ùn tắc chính là do phương tiện cá nhân (bao gồm cả ô tô) liên tục gia tăng một cách thiếu kiểm soát và giao thông công cộng là giải pháp tất yếu của các đô thị phát triển. Để đạt tới mục tiêu này, đề nghị thành phố Đà Nẵng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ càng sớm càng tốt với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao độ.

8. Về Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. các chuyên gia tại hội thảo thống nhất và đề xuất Thành phố nên xác định mục tiêu với tầm nhìn là “ Thành phố Thịnh vượng – Thông minh – Tiện ích – Có bản sắc và bền vững”

Trên đây là báo cáo kết luận của hội thảo và được đánh giá cao với nhiều nội dung phong phú. Sau cuộc Hội thảo nhiều phóng viên báo đài tham dự hoặc không có phóng viên tham dự đã đưa tin về hội thảo này. Tuy nhiên, có một số phóng viên của các báo đã không tham dự hết cuộc hội thảo, không nghe được kết luận của chủ trì hội thảo. Từ đó thiếu nhận định và hiểu biết của vấn đề hội thảo, thiếu kiến thức, tầm nhìn về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc đô thị nên không đưa đúng toàn bộ trọng tâm nội dung của hội thảo mà dựa vào một ý tưởng của một tác giả để rồi truyền thông mang tính suy diễn với những tít bài phản cảm, gây những tranh cãi trong dư luận dẫn đến sai lệch về những nội dung đã được thảo luận tại  Hội thảo, làm mất niềm tin trong xã hội và uy tín của tổ chức xã hội nghề nghiệp do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành Đà Nẵng tổ chức.

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng xin được thông cáo kết luận của cuộc hội thảo để Lãnh đạo thành phố, Sở ban ngành thành phố và các báo đài được rõ.

Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …