Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Đô thị Nam bộ thời khởi lập

Đô thị Nam bộ thời khởi lập

1. Dưới triều Nguyễn. Năm 1808, vua Gia Long nhà Nguyễn đổi trấn Gia Định thành Gia Định Thành, bao gồm 5 trấn: Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (sau chia ra Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường (sau này là Định Tường) và Hà Tiên.

Năm 1834 Vua Minh Mạng đặt ra Nam Kỳ và chia thành 6 tỉnh nên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh. Đó là các tỉnh: Phiên An, năm 1836 đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn), Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa), Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông, Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long), An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc) và Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

sai gon nhà thờ

Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức vào khoảng năm 1820 (Phạm Hoàng Quân dịch, 2019) đã cho biết các trấn thời Nguyễn ở Nam bộ vào đầu thế kỷ XIX đã là những trung tâm kinh tế sầm uất, cùng thành trì là trung tâm hành chính thì nhà cửa phố xá bến chợ luôn được nhắc đến như một thành phần quan trọng của một trấn. Sau đây là vài miêu tả trong phần Thành trì chí.

Trấn Phiên An có Chợ phố Bến trước thành, phố chợ, nhà cửa rất trù mật… tụ tập hàng trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ đi lại san sát (tr.553). Phố Sài Gòn(Chợ Lớn) đường phố lớn, thẳng suốt ba đường giáp đến bến sông…đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái, người Việt và người Trung quốc cùng sinh sống… Hai bên nam – bắc bến sông không thứ gì là không có (tr.559); Ngoài ra còn có các chợ khác cũng nổi tiếng như chợ Khung Dong (chợ cây da còm), chợ Điều Khiển, phố chợ Lịch Tân (chợ Bến Sỏi), chợ Tân Kiểng…

Trấn Biên Hòa có phố lớn Nông Nại -Cù lao Đại Phố, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, chia làm 3 đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội… (tr.568).

Trấn Định Tường có chợ và phố lớn Mỹ Tho, mái ngói cột chạm phủ, đình cao, nha thự rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo(tr.571).

Trấn Vĩnh Thanh có chợ Vĩnh Thanh, chợ Long Hồ phố xá liền nhau hàng hóa cả trăm món, dài đến 5 dặm ghe thuyền đậu suốt bến, miếu thần, đình làng mọc lên, đờn ca náo nhiệt, là chợ phố lớn của trấn. Chợ Sa Đéc: phố chợ nằm dọc theo bờ sông, mái nối mái liền nhau đối nhau san sát như vảy cá… trên bờ dưới sông có hàng trăm thứ hàng hóa tốt đẹp, nhìn ngợp mắt thỏa lòng, quả là chốn phồn hoa(tr.576).

Trấn Hà Tiên: đường sá giao nhau, phố xá nối liền. Người Việt, người Hoa, người Cao Miên, người Chà Và tụ họp chia ở, thuyền biển ghe sông qua lại như mắc cửi, thật là nơi đô hội góc biển vậy(tr.576).

khong-anh-saigon-1955-1

Từ năm 1790, Thành Gia Định từ một trung tâm chính trị mau chóng trở thành thương cảng lớn của ĐàngTrong và trong khu vực Đông Nam Á. Từ năm 1802,Gia Định thành là một đô thị có vai trò sánh ngang Thăng Long và Phú Xuân,nhưng khác với Thăng Long và Phú Xuân có vai trò chủ yếu là trung tâm chính trị, Gia Định thành được nhìn nhận vai trò kinh tế quan trọng (thương nghiệp, thủ công nghiệp) bên cạnh vai trò trung tâm chính trị – văn hóa của Đàng Trong: thành phố này đã hình thành theo quy luật của các đô thị tiền tư bản, tức yếu tố “thị” có trước rồi phát triển thành yếu tố “thành” chứ không phải như các đô thị phong kiến ở đó yếu tố “thành” có trước rồi mở rộng thêm yếu tố “thị” (Cao Tự Thanh chủ biên, 2007, tr.13-15).

2. Sau khi chiếm hết Nam kỳ lục tỉnh (1867), thực dân Pháp xóa bỏ cách phân chia địa giới hành chánh cũ của triều Nguyễn. Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên gọi “hạt” thành “tỉnh” (province) và Nam Kỳ có tất cả 20 tỉnh và 3 thành phố Sài Gòn (cấp 1), Chợ Lớn (cấp 2), thành phố tự trị Cap Saint Jacques.Từ nửa sau thế kỷ XIX, trung tâm các “tỉnh” ở Nam kỳ hình thành những đô thị hành chính, tiêu biểu là “tòa bố” (dinh thự làm việc của chủ tỉnh chef de province).

Hồi ký của Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương 1987 – 1902) đã ghi nhận tính chất thương nghiệp sớm phát triển của Nam kỳ. “Một trong những cơ sở quan trọng nhất trong một làng ở Nam kỳ là cái chợ, ở Nam kỳ chưa có cái chợ nào có mái che trước khi người Pháp đến (tức là nhà lồng chợ)… Làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng vậy. Tuy nhiên đây không chỉ là do mong muốn làm đẹp làng mà người ta xây chợ, cũng không phải do muốn chỗ tốt hơn cho những người bán hàng. Muốn ngồi trong chợ thì phải trả tiền (thuế chợ). Và do chợ An Nam có nhiều người mua bán nên làng thu được từ chợ một khoản thuế lớn”(Paul Doumer, tr.122-123).

chợ bến thành

Về một số đô thị ở Nam kỳ, cũng theo hồi ký của Paul Doumer: Tỉnh lỵ Sa Đéc… trung tâm thành phố rất thú vị với những hoạt động thương mại nhộn nhịp, với những cửa tiệm của người An Nam và người Hoa. Tại đó người ta sản xuất và bán các loại hàng hóa… Tô điểm cho Sa Đéc thêm vẻ duyên dáng và lôi cuốn là các công viên, những cảnh đồng quê quanh thành phố… (Paul Doumer, tr.132). Paul Doumer cũng là người đặt tên thành phố cho một số trung tâm dân cư, lỵ sở của các tỉnh  như các thành phố Mỹ Tho, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Sa Đéc… nhưng ông cho rằng trong thực tế (lúc bấy giờ) chỉ có hai thành phố ở Nam kỳ xứng với tên “thành phố” là Sài Gòn – thành phố hành chính, hàng hải và quân sự, do người Pháp tạo lập; và Chợ Lớn, thành phố thương mại và công nghiệp đã tồn tại từ trước khi người Pháp tới. “Mọi hoạt động của Nam kỳ đều đổ dồn về hai thành phố trung tâm gần như nối liền với nhau này. Mặc dù tách biệt nhau về mặt hành chính, Sài Gòn và Chợ Lớn ngày càng gắn bó với nhau về mặt vật chất và trở thành một thành phố duy nhất” (Paul Doumer, tr.143).

Từ khi khởi lập đến nay, vị trí của các đô thị Nam bộ luôn ở trung tâm của mạng lưới giao thông đường thủy từng khu vực, tận dụng sự thuận tiện của hệ thống sông, kênh rạch, đường biển và chế độ thủy triều… Từ những bến – chợ đã hình thành các cảng thị như Sài Gòn, Cù Lao Phố, Mỹ Tho, Ba Vát (Bến Tre), Hà Tiên…sau này có Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc… Giữa các tỉnh hầu như đều có ranh giới tự nhiên là những giòng sông lớn nhỏ, trên trục lộ chính cứ qua một bến phà (nay là một cây cầu) là vào địa phận một thành phố lớn/trung tâm một tỉnh. Có thể nói tính chất của đô thị Nam bộ là “đô thị sông nước”, người ta biết đến đô thị không chỉ là những thành trì, các công trình hành chính hay tôn giáo mà còn được biết đến vì những cảng thị (sông, biển) nổi tiếng với sự phong phú của hàng hóa, sự giao lưu trao đổi buôn bán trù mật, sự đông đúc đa dạng của cư dân.

bưu điện sài gòn xưa

3Quá trình hình thành các trung tâm hành chánh ở Nam bộ cũng là quá trình đô thị hóa với 2 giai đoạn.

– Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX: hoàn chỉnh các trung tâm chính trị – quân sự có từ trước đó để trở thành các trung tâm hành chính – chính trị trong thời kỳ chính quyền nhà nước đã được thiết lập. Đô thị trung tâm, lớn nhất và quan trọng nhất lúc này là Gia Định thành. Diện mạo các đô thị thời này chưa thoát khỏi cấu trúc đô thị phong kiến, từ các công trình xây dựng đến cấu trúc dân cư và đời sống đô thị.

– Giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX: Các trung tâm hành chính – chính trị của nhà nước phong kiến chuyển biến dần thành các đô thị – thành phố kiểu châu Âu. Bộ máy chính quyền có sự thay đổi cơ cấu, tổ chức… từ đó diện mạo của các đô thị này cũng thay đổi tùy theo việc xác định vị trí chức năng của nó. Từ cảnh quan đô thị đến hạ tầng cơ sở đến  cấu trúc kinh tế, thành phần và nguồn gốc dân cư thay đổi làm cho sinh họat và đời sống đô thị có sự thay đổi rõ rệt, hình thành tầng lớp thị dân (tuy không quá tách biệt nhưng có lối sống tương đối khác biệt so với lối sống nông dân – nông thôn truyền thống). (Nguyễn Thị Hậu, 2010).

H2 SAI GON 1915 zebrastationpolaire.over blog

Một hiện tượng phổ biến tại Nam bộ mà không thấy xuất hiện ở miền Trung hay miền Bắc, đó là ở nhiều tỉnh có huyện “châu thành”, đó là đơn vị hành chính bao gồm hoặc ở sát thị xã trung tâm của tỉnh. Trong quá trình phát triển, huyện Châu Thành là nơi được “đô thị hóa” nhanh nhất. Hiện tượng này phần nào phản ánh sự ảnh hưởng của đô thị với vùng nông thôn.

Trung tâm hành chính ở Nam bộ từ thời Nguyễn đã là những đô thị sầm uất phát triển thương mại. Do vậy quá trình phát triển các đô thị ở Nam bộ có phần khác biệt so với Thăng Long/Hà Nội, Huế hay Phố Hiến, Hội An… Tuy bước đầu hình thành các đô thị này mang tính chất là trung tâm hành chính – quân sự nhưng không thể thiếu yếu tố là kinh tế- yếu tố này trong quá trình phát triển ngày càng nổi bật vì gắn liền với vùng nông sản lớn và có lợi thế về giao thông đường thủy (kinh rạch, sông, biển).

Quy hoạch phát triển “hiện đại hóa” các đô thị ở Nam bộ ngày nay cần chú ý những yếu tố tự nhiên và lịch sử này, đồng thời nhận diện và bảo tồn cáccông trình kiến trúc, công nghiệp và dịch vụ là chứng tích sự hình thành của đô thị.

My-Tho-xua-02

Tài liệu tham khảo

  1. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí. 2019. Phạm Hoàng Quândịch, chú và khảo chứng. Nhà xuất bản tổng hợp TPHCM và Saigonbooks.
  2. Nguyễn Thị Hậu, Lê Thanh Hải. 2010. Đô thị ở Nam bộ thời cận đại. Khảo cổ học bình dân Nam bộ – Việt Nam, từ thực nghiệm đến lý thuyết, nhà xuất bản tổng hợp TP. HCM.
  3. Paul Doumer, Xứ Đông Dương. 2016. Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy dịch. Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính. Nhà xuất bản Thế giới và Alphabooks.
  4. Cao Tự Thanh chủ biên. 2007. Lịch sử Sài Gòn – Gia Định trước 1802, nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn.

Nguyễn Thị Hậu

(Đô thị & Phát triển số 80-81/2020)

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …