Home / QUY HOẠCH / Thành phố ven sông – Đừng để tài nguyên không gian bị “đánh cắp”

Thành phố ven sông – Đừng để tài nguyên không gian bị “đánh cắp”

         Cần phải nhấn mạnh rằng không gian công cộng là một loại tài sản chung quan trọng, làm nền tảng cho các hoạt động kinh tế đô thị. Nó làm nên chất lượng sống, làm nên của cải xã hội khi các hãng, các nhà đầu tư, các nhân tài bị thu hút bởi những thành phố có môi trường công cộng và môi trường thiên nhiên tốt.

         Nếu một thành phố để các tập đoàn, doanh nghiệp, nhóm lợi ích “đi đêm” quy hoạch nhằm chiếm hữu không gian thiên nhiên, không gian mở ven sông trục lợi riêng, đồng nghĩa với thành phố đánh mất tương lai của chính mình, là tước đoạt quyền phát triển của mỗi công dân và con cháu họ.

         Phần lớn các đô thị của Việt Nam đều có dòng sông chảy qua. Dân số tăng lên, đô thị hóa đi cùng với việc khai thác không gian hai ven bờ theo nhiều cách khác nhau mà thiếu một quy hoạch tổng thể.

        Không gian ven sông, ven hồ, ven biển, là không gian tự nhiên, không gian công cộng mà ở đó người dân chưa có tiếng nói quyết định gìn giữ và phát triển.

       Có lẽ, dù muộn chúng ta cũng cần một chính sách đảm bảo cho các không gian ven sông và khu vực công cộng vĩnh viễn thuộc về tài sản chung của cộng đồng…

      Khi nhân loại đã đi qua một thế kỷ đô thị chức năng đầy lý tính của văn minh công nghiệp, các con sông với thành phố xưa cũ lại trở về hồi sinh trong các chủ thuyết đô thị sinh thái.

       Ký ức của những thành phố tràn ngập thiên nhiên lại tràn về mang lại nguồn cảm hứng tươi mới cho đô thị hậu công nghiệp.

Lưu vật của thành phố 

       Chính sách về không gian công cộng cho một thành phố liên quan đến hai cách tiếp cận: một là, sự bắt buộc phải có theo chức năng đô thị (thể hiện ở nguyên tắc cơ bản của quy hoạch hiện đại từ những thập niên 60 thế kỷ XX); và hai, sự thay đổi về văn hóa thị dân được nghiên cứu bởi các nhà nghiên cứu đô thị sau hiện đại (tầm quan trọng của xã hội nhân văn với hình ảnh của con người đô thị cởi mở, sáng tạo hơn, được đề cao thông qua việc thiết lập chuỗi không gian mở, không gian giao tiếp, đối thoại, không gian xanh…).

       Cách tiếp cận thứ hai đang dẫn hướng để các thành phố trở nên thông minh hơn, ứng xử một cách khôn ngoan với môi trường sống trong tương lai, ở đó con người của chủ nghĩa nhân văn và thiên nhiên trở thành yếu tố gốc của phát triển.

       Mặt khác, nhu cầu tinh thần của lớp trẻ đô thị cũng đã được các nghiên cứu mới nhất chỉ ra mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và các cơ hội giao tiếp xã hội do không gian công cộng mang lại.

       Điều này đã ảnh hưởng đến các chính sách phát triển không gian mở, không gian công cộng của các thành phố châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản…

     Việt Nam có thể không cần rập khuôn chính sách của những nước phát triển, nhưng phải coi đó là tầm nhìn tương lai cho phát triển đô thị, nơi mà 70% dân số sẽ cư trú trong 20 năm tới. Việt Nam có truyền thống và thiết chế riêng mang tính đa năng, tính cộng đồng tự quản với các không gian công cộng của làng xưa, phố cũ.

      Nhưng trải qua 70 năm vừa chiến tranh, vừa vươn lên thoát nghèo đã làm cho cả chính quyền và những lớp người “bươn chải” lo thu vén cho cái riêng mà đánh mất khá nhiều giá trị văn minh cộng đồng làng xã, văn minh phố thị.

      Người đô thị hôm nay hầu như không có cơ hội được sống với tự nhiên, giao tiếp, gắn bó với nhau từ các không gian công cộng, là nơi (chủ yếu) hình thành “con người – xã hội đô thị”.

      Cần phải nhấn mạnh rằng không gian công cộng là một loại tài sản chung quan trọng, làm nền tảng cho các hoạt động kinh tế đô thị.

      Nó làm nên chất lượng sống, làm nên của cải xã hội khi các hãng, các nhà đầu tư, các nhân tài bị thu hút bởi những thành phố có môi trường công cộng và môi trường thiên nhiên tốt.

     Những chuyển đổi về nhận thức và chính sách cho không gian công cộng chắc chắn là một trong những cách thức đi lên những nấc thang chất lượng sống, tạo ra sức hấp dẫn, và thậm chí nó như khí thở, cơm ăn nước uống của một thành phố.

Khởi đầu bằng bảo tồn không gian ven sông

      Theo lý thuyết “Hình ảnh đô thị” của Kevin Lynch (nhà đô thị học), hình ảnh của một đô thị do đường viền (edge) của nó đem lại.

     Trong hầu hết các thành phố nổi tiếng thế giới, đường viền được những dòng sông mang đến, nó thể hiện rõ nét nhất mối liên hệ giữa đô thị với môi trường thiên nhiên bao chứa.

      Vẻ đẹp vĩnh cửu của London, Paris, Rome, Budapest… đều gắn với những dòng sông lớn, phản ảnh kết quả của sự tương tác ngàn năm giữa thành phố và các dòng sông mẹ trải qua nền văn minh nông nghiệp dài dằng dặc của loài người (nền văn minh Lưỡng Hà bên sông Euphrates và Tigris, Ai Cập sông Nile, sông Hằng với nền văn minh Ấn Độ, sông Hoàng Hà với văn minh Trung Hoa).

      Nó làm nên ký ức nhân loại về quê hương, nơi cư trú và các hệ sinh thái thiêng liêng, làm nên tâm thức người.

      Chính vì vậy, mọi lý thuyết quy hoạch đô thị đều thiết lập cho được sự cân bằng (nội tại) giữa yếu tố nhân tạo do con người làm ra với yếu tố tự nhiên, trước hết là sự ứng xử với những con sông chảy qua thành phố.

       Dù là thành phố hai bên sông hay bên một bờ sông, hình ảnh của nó chủ yếu vẫn do quan hệ này mang lại.

       Khi nhân loại đã đi qua một thế kỷ đô thị chức năng đầy lý tính của văn minh công nghiệp, các con sông với thành phố xưa cũ trở về hồi sinh trong các chủ thuyết đô thị sinh thái, chủ nghĩa đô thị mới của thế kỷ XXI, như một cách hiểu về “tính truyền thống mới” mà đại diện là hình ảnh các không gian mở ven sông, biển, không gian công cộng.

      Ký ức của những thành phố tràn ngập thiên nhiên lại tràn về mang lại nguồn cảm hứng tươi mới cho đô thị hậu công nghiệp.

      Ký ức như tự nó đã có cách riêng giúp loài người luôn ghi nhớ sự khôn ngoan để trường tồn.

      Ba nhà tư tưởng có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng khi họ cung cấp các cách nhìn đối với việc kiến tạo không gian công cộng, không gian mở cho đời sống thiết yếu của cư dân đô thị.

      Hannah Arendt (1906 – 1975) cho rằng khu vực công cộng là không gian mà cuộc sống không bị chi phối bởi những ràng buộc, đối lập với cuộc sống của cá nhân.

      Lớn lao hơn, khu vực công cộng duy trì được một không gian mở cho giải trí, giao tiếp để dân cư có thể gặp gỡ trao đổi những quan điểm và thông tin đa dạng, điều này là rất quan trọng đối với một xã hội của kinh tế hậu hiện đại.

       Juergen Habermas (nhà triết học đương đại Đức, sinh 1929) đánh giá cao sự chuyển đổi về mặt cấu trúc chức năng của các khu vực công cộng.

        Là không gian mở, gần gũi với thiên nhiên để cộng đồng có thể được đưa ra các ý kiến khác biệt và trao đổi như một không gian dân sự đô thị.

         Henri Lefebvre (1901 – 1991), được coi là lý thuyết gia đô thị của thế kỷ XX đã đề cập trực tiếp vấn đề không gian công cộng đô thị như một quyền của cư dân. Nó là không gian chung, không gian tự nhiên mà ở đó người dân có quyền đưa ra ý kiến quyết định gìn giữ và phát triển cho lợi ích chung.

          Và đặc biệt hơn, ông khẳng định sự phát triển của nó không nằm trong giới hạn quản lý của nền kinh tế tư nhân và của nhà nước, nó là tài sản chung của thành phố.

Không gian tự do, dân chủ

         Như vậy, các không gian mở ven sông là không gian chung của cư dân đô thị gắn với sự tồn tại của một xã hội tự do và dân chủ.

        Nó chịu sự quản lý của cộng đồng và cần tạo điều kiện cho sự tham gia của tất cả công dân vào công tác quy hoạch và quản lý khai thác sử dụng cho lợi ích chung.

          Đây là những nhân tố quan trọng trong việc hoạch định các chính sách về không gian mở ven sông, ven biển và khu vực công cộng trong suốt nửa sau thế kỷ XX cho đến nay, nhất là khi nhân loại bước sang cư trú chủ yếu ở đô thị tính từ 2008.

          Nếu một thành phố để các tập đoàn, doanh nghiệp, nhóm lợi ích “đi đêm” quy hoạch nhằm chiếm hữu không gian thiên nhiên, không gian mở ven sông trục lợi riêng, đồng nghĩa với thành phố đánh mất tương lai của chính mình, là tước đoạt quyền phát triển của mỗi công dân và con cháu họ.

Tầm nhìn chính sách của chính quyền

        Chính sách đảm bảo cho các không gian ven sông và khu vực công cộng vĩnh viễn thuộc về tài sản chung của thành phố cần được thiết lập chặt chẽ.

          Khi ứng xử vấn đề này, cần đưa ra các đối thoại chung của cộng đồng dân cư dựa trên thuyết phục và đàm phán giữa các bên liên quan.

Mô hình "Đại lộ ven sông Sài Gòn"
Mô hình “Đại lộ ven sông Sài Gòn”

Các chính sách về bảo tồn không gian ven sông, ven biển và không gian xanh, không gian giao tiếp cộng đồng thường là sáng kiến của các thành phố chứ không phải của quốc gia.

        Chính vì vậy, nó không mang tính pháp lý cao và thường thông qua bằng một kế hoạch hành động, một tuyên bố chung của thành phố sau khi lấy ý kiến đại chúng.

         Các chính sách này đều coi trọng sự tham gia của cộng đồng và dựa trên lợi ích chung, kể cả việc phân bổ lại nguồn lực, kỹ thuật và dịch vụ công ích.

          Ở châu Âu, chính sách về không gian công cộng bắt đầu từ các nguyên tắc quy hoạch và kế hoạch hành động.

          Có những bài học thành công từ TP. Barcelona (Tây Ban Nha) khi chính sách phát triển đô thị đi từ ý tưởng của KTS.

         Juan Basquet tạo ra một vành đai xanh bao bọc thành phố mẹ, gồm các quảng trường, nút lập thể, không gian mở, công viên, rừng đô thị… để cản sức ép các dự án phát triển chạy vào trung tâm cũ.

           Sách lược này tạo ra cơ hội cho hàng loạt các dự án phát triển đô thị mới hưởng lợi từ không gian của vành đai xanh.

          Thành phố Lyon của Pháp có thành công khác khi tạo chính sách thu hút rất nhiều các nhà quy hoạch và đầu tư công nước ngoài.

           Cuối những năm 1980, thành phố này đã hoạch định chính sách về không gian công cộng cho toàn thành phố.

           Trước đó, việc quản lý không gian công cộng được phân chia giữa các ngành dịch vụ kỹ thuật (cấp thoát nước, bờ sông, đường phố, không gian xanh…) và do đó bị coi là một yếu tố gây nhiều cản trở cho quản lý thành phố.

          Kết quả là không thể có được một tầm nhìn toàn cục, không thể có một dự án chung về các không gian công cộng.

        Do vậy Văn phòng quản lý không gian công cộng được thành lập gom từ các ngành dịch vụ khác nhau để điều phối và tạo ra một tầm nhìn và chiến lược chung.

         Trọng tâm là việc tái sử dụng các khu vực ven sông (Lyon là nơi giao nhau của hai con sông lớn Rhone và Saone).

          Khu vực dành cho xe hơi được giải tỏa nhằm tạo ra một không gian cho loại hình giao thông bộ gọi là “di chuyển mềm”: đi bộ, đi xe đạp và trượt băng.

           Chính sách này cũng quan tâm tới các khu vực ngoại vi của thành phố nhằm tránh sự phân biệt giữa một khu vực trung tâm hấp dẫn và các khu ngoại vi nghèo nàn.

          Để hình ảnh đó trở thành hiện thực, các chính sách phát triển phải sử dụng quy hoạch chiến lược được tích hợp với bảo tồn không gian tự nhiên, không gian công cộng, coi đó là động lực kinh tế chủ yếu của thành phố.

           Tầm nhìn cho công cuộc hết sức gian nan này có thể gói gọn trong hai vấn đề cốt tử dành cho các đô thị gắn với sông nước hiện nay ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… : bảo vệ môi trường thiên nhiên – bảo tồn không gian ven sông và dòng sông, bờ biển như tài sản chung vô giá của thành phố; thiết lập không gian mở, không gian giao tiếp, vui chơi giải trí ven sông, ven biển và các không gian công cộng như một chiến lược tạo nên tính hấp dẫn và chất lượng sống của cư dân cũng như nền kinh tế đô thị.

           Quan trọng hơn cho con người văn hóa của Việt Nam, đó là con đường mà các đô thị đương đại hình thành ký ức tương lai, hình ảnh quê hương trong lòng con trẻ.

Bảo tồn không gian mở ven sông, biển làm động lực phát triển

         Không dễ tìm định nghĩa chính thức về không gian công cộng trong các tiêu chuẩn quy phạm hay tiêu chí đô thị hiện nay ở Việt Nam.

            Đáng tiếc hơn, không gian công cộng của các thành phố đang bị lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng cho các bất động sản thương mại tràn lan mà không hành lang pháp lý nào bảo vệ. Sự xuống cấp của các thành phố bắt nguồn từ đây.

          Theo nghĩa rộng nhất, Bộ Xây dựng coi không gian công cộng là mọi không gian do nhà nước quản lý, bao gồm: đường phố, vỉa hè, bờ sông, bờ đê, hay bãi đổ rác, công trình công cộng, tượng đài.

          Nhưng bằng mắt thường cũng nhận thấy, rất nhiều loại không gian chung như đồi núi, hồ, bờ sông hay bờ biển trong các dự án đô thị mới, nghỉ dưỡng lại coi như thuộc chủ đầu tư.

           Họ có thể toàn quyền cấm dân cư sử dụng, toàn quyền khai thác như của riêng.

          Chưa hết, với tầm nhìn ngắn hạn hay của nhóm lợi ích chi phối, các không gian ven sông, ven biển, trung tâm lịch sử vô giá được các chính quyền thành phố cấp cho tư nhân xây chung cư cao tới 60-70 tầng dày đặc, hoặc xây các khu nghỉ dưỡng chạy dài hết mặt biển, mặt sông.

          Viễn cảnh đô thị sinh thái xanh, đô thị thông minh – nơi con người được hưởng thụ ưu đãi thiên nhiên ban tặng, nơi có các nguồn tài nguyên được quy hoạch sử dụng lâu bền cho người dân, nơi các giá trị sinh thái nhân văn, lịch sử cần được bảo tồn để phát triển bền vững đang dần lùi xa.

           Liệu có kế sách nào cho tương lai chung đô thị Việt Nam khi nghe tiếng kêu cứu của các không gian công cộng?

PGS.TS. KTS Nguyễn Hồng Thục

ĐTPT/ số 68-69

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …