Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Thành phố sống tốt trong kỷ nguyên toàn cầu

Thành phố sống tốt trong kỷ nguyên toàn cầu

     Thuật ngữ “Thành phố sống tốt”
Thuật ngữ “Thành phố sống tốt” trước hết là một khái niệm quy chuẩn hàm chứa những giá trị của nó. Vì thế, mỗi người chúng ta cần phải xây dựng quan điểm riêng về “thành phố sống tốt” và sau đó cùng nhau bàn luận…
Thành phố sống tốt bao gồm các thành tố, đó là:
– Sự phát triển của cá nhân, trong đó gồm các khía cạnh của cuộc sống tốt trực tiếp liên quan đến việc đầu tư vào con người như: giáo dục, sức khỏe và sinh kế
– Môi trường sống tốt: tương tự như thành tố bền vững về môi trường trong quan điểm phát triển chủ đạo hiện nay
– Đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng: Thuật ngữ “Đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng” (Habermas 1987) được sử dụng để ám chỉ không gian đời sống hàng ngày (lifespaces) của con người (Friedmann 1988), trong đó cuộc sống của các cư dân có mối liên hệ với nhau, cùng tham gia vào các tập quán, hoạt động văn hóa và hình thành các mối liên kết xã hội và bản sắc.

—————————————————————————————————

    “Thành phố sống tốt” là gì? Tại sao chúng ta cần quan tâm đến điều kiện sống tốt của các thành phố trong kỷ nguyên toàn cầu và phải bắt đầu từ đâu để xây dựng các thành phố có điều kiện sống tốt hơn? Một số điểm chính về quan điểm xây dựng thành phố sống tốt sẽ được khơi nguồn dưới đây.

    Quan điểm về thành phố sống tốt ở thời điểm hiện tại không hề mang tính không tưởng. Đúng hơn là, từ chiều hướng hoàn toàn đối lập, quan điểm về thành phố sống tốt mang tính thực tiễn, thiên về kinh tế và “ Phát triển”. Trong những năm gần đây, cơ sở của quan điểm này là sự đề cao luận điểm “chính sách công theo chủ nghĩa tự do mới” (“neoliberal public policy”), với đặc trưng là chủ nghĩa tư bản toàn cầu sẽ sản sinh ra thành phố sống tốt thông qua việc giảm thiểu bộ máy quản lý của chính phủ và hệ thống quản trị minh bạch (trans-parent governance). Điều đó cũng có nghĩa là học thuyết thành phố sống tốt đương đại hiện đang được quảng bá ở châu Á, Phi và Mỹ La tinh. Học thuyết này tập trung vào các khía cạnh vật chất của cuộc sống con người, mà những khía cạnh vật chất này chỉ có được tốt nhất thông qua thị trường. Học thuyết này xem nhẹ tầm quan trọng của các quan hệ xã hội và yếu tố văn hóa trong đời sống đô thị.

    Quan điểm của tôi là, những ý tưởng về xây dựng đô thị chắc chắn cần phải gắn với cư dân đô thị, những người sống trong thành phố, vừa tham gia hoạt động xã hội đô thị vừa là người tiêu dùng và chúng ta chắc chắn phải hiểu biết tường tận hơn về đời sống thành phố, chứ không nhìn đời sống thành phố chỉ qua sự phát triển cơ sở hạ tầng, các dịch vụ môi trường và tài chính. Những thành tố này là quan trọng song cái nhìn ẩn ý của cách tiếp cận theo thuyết phát triển coi trọng yếu tố kinh tế dường như coi thành phố sống động – với sự tồn tại của nhiều nền văn hóa khác nhau, con người gặp gỡ nhau tình cờ tại các địa điểm công cộng, cuộc sống của đô thị không bị bó buộc bởi các quy chuẩn (unscripted) – hoặc là phi lý, không quan trọng, hoặc sẽ đến “sau” sự phát triển kinh tế của thành phố.

    Hậu quả sâu xa hơn của lối tư duy này là thiếu sự coi trọng những không gian có giá trị quan trọng trong đời sống xã hội đô thị, như quảng trường và công viên công cộng, chợ họp ngoài trời, chợ truyền thống, đường phố và vỉa hè, … Những không gian mà ở đó con người gặp gỡ nhau không phải chỉ để mua bán, mà còn để chào hỏi và chuyện trò với nhau.

    Ý tưởng về đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng như một chiều cạnh của quan niệm về cuộc sống tốt cũng là điều thiết yếu đối với các khái niệm quan trọng về cuộc sống đô thị sôi nổi đầy sức sống. Một trong những khái niệm đó là xã hội dân sự, biểu hiện thông qua sự tồn tại của các tổ chức tự nguyện có mức độ tự quảng cáo, không lệ thuộc vào nhà nước và tư nhân. Rất nhiều hoạt động hàng ngày của xã hội dân sự có thể thấy ở các hình thức hoạt động đoàn thể của các tổ chức cộng đồng, các hiệp hội, tổ chức văn hóa, hay các hoạt động thi đấu thể thao. Phần lớn trong số các hoạt động đó mang tính tự phát, tự nguyện hơn là được lên kế hoạch từ trước.

    Có cách tiếp cận tương tự khi nhận định rằng niềm mong muốn tột bậc về một cuộc sống đô thị của con người có thể được miêu tả chỉ ở một từ: “sự vui vẻ” (conviviality).

    Sự vui vẻ, theo nghĩa rộng, biểu hiện không chỉ dưới dạng các hoạt động vui (chơi) như ca hát nơi công cộng, khiêu vũ, nhảy múa trên các tuyến phố (được định sẵn) mà còn trong hoạt động có tính nghi thức của các nhóm nhỏ và các mối liên kết xã hội trong hoạt động tập thể trang trọng: từ việc dọn dẹp chuồng chăn nuôi, làm sạch khu phố cộng đồng, đến việc không tuân thủ quyền công dân gây trở ngại trên đường phố hay tràn vào vị trí đặt tên lửa.

    Không gian cộng đồng (community space), theo quan niệm của tôi, dành cho các hoạt động chung của cộng đồng, mang tính cộng đồng, chứ không phải cho mục đích của hộ gia đình. Với khái niệm không gian cộng đồng ( civic space), tôi đề cập đến những không gian đô thị mở cho mọi người thuộc tất cả các tầng lớp xã hội, kể cả những người từ nơi khác hay nước khác. Giống như quan niệm về xã hội dân sự, không gian công cộng theo nghĩa này không chịu sự kiểm soát của nhà nước và khu vực tư nhân. Như đã đề cập ở trên, những khu không gian này đang bị quên lãng, coi nhẹ trong chính sách công – về xây dựng thành phố sống tốt – được định hướng bởi quan điểm phát triển coi trọng yếu tố kinh tế.

    Vậy một thành phố có điều kiện sống tốt và vui vẻ là gì theo quan điểm về không gian đô thị? Một số yếu tố được trích dẫn chung nhất là:

  • Có đường dành cho người đi bộ (phố, vỉa hè, ngõ) không bị chiếm giữ do đỗ xe, bởi các cửa hàng kinh doanh, biển quảng cáo hay các công trình công cộng.
  • Có những khu vực được thiết kế cho nhiều mục đích: đường dạo bộ, các cửa hiệu kinh doanh nhỏ phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, điểm đỗ xe buýt, trường học và công viên.
  • Đường phố được thiết kế với hàng cây hay thảm cỏ.
  • Các trung tâm cộng đồng và công cộng mở cửa cho các hoạt động của cộng đồng, các tổ chức cộng đồng và phi chính phủ.
  • Các quảng trường và công viên công cộng với chất lượng cao.
  • Các di tích kiến trúc lịch sử được bảo vệ và được tham quan.
  • Sự thịnh hành và phát triển của kiến trúc bản địa.
  • Các khu phố, vỉa hè với sự đa dạng các cửa hiệu buôn bán các sản phẩm của địa phương.
  • Các khu không gian giải trí cho mọi lứa tuổi

    Nếu chúng ta chấp nhận ý tưởng về đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng vui vẻ như một thành tố quan trọng của quan niệm về một thành phố sống tốt, chúng ta sẽ tiến xa hơn quan điểm phát triển coi trọng yếu tố kinh tế. Chúng ta hãy thực hiện ý tưởng này bằng cách cân nhắc thận trọng hơn việc làm thế nào để đưa ý tưởng xây dựng thành phố sống tốt vào việc hoạch định chính sách.

    Thành phố sống tốt trong kỷ nguyên toàn cầu

    Tại sao việc xây dựng các thành phố có điều kiện sống tốt hơn, đặc biệt ở Châu Á Thái Bình Dương lại cấp thiết? Liệu cuộc sống tốt có thực sự đến sau “sự phát triển” như những người theo quan điểm “phát triển kinh tế trước, chất lượng cuộc sống sau” đã tranh luận không? Chúng ta có nên chờ đợi đến khi xã hội sung túc, giàu có hơn và sau đó thật đơn giản, chỉ cần mua các giá trị, điều kiện sống tốt trên thị trường không?

    Một bối cảnh quan trọng khiến chúng ta quan tâm tới việc xây dựng các thành phố sống tốt là sự quá độ đô thị ở Châu Á Thái Bình Dương đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Với tốc độ đó, những tác động không ngờ của việc xây dựng thành phố và sự bùng nổ kinh tế “thần kỳ” đang đe dọa cuộc sống hàng ngày của con người.

    Quá độ đô thị và câu hỏi về thành phố sống tốt là hia mặt không thể tách rời khỏi quá trình toàn cầu hóa hiện nay, mà chính quá trình này là ngọn nguồn của những dự án đầu tư và thị trường cho sự tăng trưởng công nghiệp đô thị trong nền kinh tế mở ở Châu Á Thái Bình Dương. Trong khi toàn cầu hóa có thể đem đến nhiều lợi ích nhờ vào hiệu quả kinh tế, thông qua cạnh tranh, khà năng tiếp cận rộng lớn tới thông tin, công nghệ và học tập những kinh nghiệm tốt từ bên ngoài, thì chính quá trình này cũng gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự sống tốt ở các đô thị. Những vấn đề này bao gồm cả xu hướng dịch chuyển các ngành công nghiệp ô nhiễm từ các nước giàu đến những nước nghèo hơn và toàn cầu hóa cả quá trình ra quyết định sử dụng đất đô thị bởi các tập đoàn kinh tế, trong đó rất ít lợi ích được dùng để hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống tốt tại các thành phố địa phương, nơi thường không được hưởng những lợi ích từ quá trình này.

    Nói cách khác, tìm kiếm một chiến lược cho việc xây dựng thành phố sống tốt không thể diễn ra trong bối cành quốc gia, mà thay vào đó cần phải được tiến hành trong bối cảnh liên kết giữa toàn cầu và địa phương. Kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay tạo ra những cơ hội tích cực cho sự phối kết hợp giữa toàn cầu và địa phương, song cũng có nhiều khó khắn nảy sinh. Một trong những khó khăn đó là chính sách theo chủ nghĩa tự do – mới (neo-liberal policies), thường giảm thiểu sự tham gia của quần chúng vào lĩnh vực quy hoạch đô thị, đồng thời giảm thiểu tất cả các dạng bao cấp (xem hình 2).

    Trong một kỷ nguyên cạnh tranh gay gắt giữa các thành phố để có được các dự án đầu tư quốc tế, kết quả của việc cắt giảm nguồn lực công dành cho đô thị chính là nhằm tập trung cho các dự án có quy mô rất lớn, mà đặc trung của nó, nói một cách chung nhất, tương phản với đặc trưng hân hoan, vui vẻ của thành phố.

    Các cấu thành trong hình 2, bao gồm những mô hình được trình bày dưới đây đang làm suy yếu và ảnh hưởng đến sự tồn tại của các không gian công cộng và cộng đồng:

  • Tư nhân hóa: bán đất công cho các nhà đầu tư tư nhân
  • Thương mại hóa: cho phép các hoạt động thương mại chiếm đất công hoặc bán đất công cho mục đích thương mại.
  • Những địa danh có tính biểu trưng văn hóa bị thương mại hóa bởi các cửa hiệu kinh doanh dịch vụ có thương hiệu quốc tế như bảng hiệu của hãng McDonald ngay tại một công trình văn hóa.
  • Chính phủ coi nhẹ tầm quan trọng của các không gian công cộng do thiếu ngân sách hoặc ít ưu tiên.
  • Tình trạng xâm chiếm bởi các cá nhân như người vô gia cư hay cửa hàng tư nhân.
  • Cản trở sự tiếp cận của người dân thông qua các dự án thiết kế lại cảnh quan.
  • Đưa những biểu tượng, công trình văn hóa ngoại lai thay thế sản phẩm văn hóa địa phương.
  • Xây dựng các công trình ngăn, che chắn sự tiếp cận lắp đặt hệ thống camera kiểm soát hành vi của con người
  • Không gian công cộng bị cô lập bởi các dự án phát triển tại khu vực xung quanh.

    Những xu hướng nhằm tái cấu trúc không gian đô thị ở kỷ nguyên toàn cầu cùng với sự nổi lên của tầng lớp trung lưu đô thị, bao gồm: xây dựng nhóm tiếp cận riêng biệt, thiếu sự quy chiếu lịch sử hay nguồn gốc địa phương, không gian được cấu trúc với quy mô lớn làm lu mờ giao tiếp của con người, sự lan rộng của các công ty mẹ toàn cầu (global franchise) với sự phân bố địa lý không rõ ràng ( Kuntsles 1993), sự nhấn mạnh đến các dòng người hơn là giao tiếp xạ hội, giám sát và từ chối các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Mỗi một trong những xu hướng nêu trên đều đi ngược lại với ý tưởng xây dựng một thành phố sống tốt, trong đó không có sự phân biệt đối xử về nguồn gốc của cư dân. Thành phố đó chào đón tất cả mọi người đến sống, làm việc, tham gia các hoạt động xã hội một cách tự nguyện.

     Chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

    Chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu để có sự phối hợp tích cực nhằm đạt được mục tiêu thành phố sống tốt? Để thực hiện được điều đó, cần phải có hai cấp độ hành động. Một là ở cấp độ cộng đồng, cấp độ gần gũi trong cuộc sống hàng ngày ngay bên ngoài không gian sống của hộ gia đình. Hai là cấp độ thành phố, trực tiếp liên quan đến vấn đề cư dân thành phố và ngoài thành phố đều được tiếp cận đến các không gian công cộng.

    Ở cấp độ cộng đồng, ý tưởng về “xây dựng nơi ở” là hữu ích. Trọng điểm của ý tưởng này là những địa danh, khu vực đã được xây dựng theo lối kiến trúc bản địa và hiện đang có cư dân sống ở đó. Các khu vực có lối kiến trúc bản địa thường được xây dựng từ các nguyên vật liệu địa phương, nhà ở, đường ngõ và cả cộng đồng được thiết kế và xây dựng với quy mô nhỏ. Việc chú trọng, duy trì những khu vực có lối kiến trúc bản địa giúp người dân nhận thức và cảm nhận được giá trị, bản sắc riêng của cộng đồng, địa phương, nơi họ đang sống. Theo thời gian, những khu vực này se mang dấu ấn kiến trúc riêng có tính lịch sử địa phương.

    Ở cấp độ lớn hơn như cấp độ thành phố, vì quy mô của các dự án thường lớn hơn và mục tiêu thướng hướng đến số đông trong cộng đồng, chính phủ cần đóng vai trò lớn hơn so với dự án ở cấp cộng đồng dân cư. Ở cấp độ đô thị, quan điểm về xây dựng các khu không gian công cộng như trình bày ở trên sẽ gây tiếng vang lớn hơn. Các công viên công cộng, đường phố, đường dành riêng cho người đi bộ trong các khu thương mại là những ví dụ cụ thể.

    Các công trình trong thành phố như các trung tâm biểu diễn văn hóa, triển lãm nghệ thuật, khu liên hiệp thể thao có mục đích cho toàn dân sử dụng cũng được xem như không gian công cộng của thành phố. Khó khăn lớn nhất mà các dự án xây dựng, mở rộng không gian công cộng này gặp phải chính là giá đất cao ở khu vực đô thị. Điều này đã đẩy chính quyền thành phố tới chỗ né tránh cả quyền tự quyết việc sử dụng đất của nhà nước để mở rộng không gian công cộng.

    Trước những thách thức trên, công tác quy hoạch và xây dựng đô thị đang có sự chuyển hướng từ quy hoạch theo mệnh lệnh của chính quyền [mang tính tập trung] đến cách tiếp cận có sự tham gia hướng tới sự trao đổi, bàn bạc của các đối tác trong việc xây dựng, đề xuất chính sách đô thị và công tác quy hoạch. Các khuôn mẫu mới của các tổ chức xã hội dân sự cũng đang xuất hiện và những chuyển biến về chính trị đang xảy ra có tiềm năng dẫn tới quá trình biến đổi từ bên trong về việc xây dựng các không gian đô thị hướng tới thành phố sống tốt và vui vẻ. Một cách để thúc đẩy những sáng kiến này thông qua quá trình quản lý là đưa chính sách hướng tới xây dựng thành phố sống tốt lên một vị trí cao hơn chương trình nghị sự và cam kết có sự đóng góp của cả nguồn lực công và tư cho những sáng kiến đó.

GS. MIKE DOUGLASS
Trung tâm nghiên cứu Toàn cầu hóa Khoa Quy Hoạch Vùng và Đô thị, Đại học Tổng hợp Hawaii, Hoa kỳ

Người dịch: Phùng Thị Tố Hạnh
Nguyễn Thiện Hảo (Nghiên cứu sinh, Đại học Tổng hợp Hawaii, USA)

ĐTPT số 38/2012

 

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …