Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Hiện nay, Đà Nẵng hiện đang được xây dựng và phát triển hướng đến các mục tiêu là (1) trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; (2) đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; (3) một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Với tổng diện tích 128.543 ha, bao gồm 6 quận nội thành và 2 huyện Hòa Vang, Hoàng Sa (trong đó diện tích đất liền là 98.043 ha, phần diện tích quần đảo Hoàng Sa là 30.500 ha).
Trong bối cảnh đó, bài viết đề xuất các định hướng chiến lược phát triển không gian đô thị thành phố Đà Nẵng một cách hài hòa giữa việc phát triển tiềm năng đô thị của thành phố, với việc bảo tồn giá trị di sản quy hoạch kiến trúc và môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Từ cơ sở các định hướng chiến lược đó, bài viết bàn về tầm nhìn hướng đến tương lai cho một số khu đô thị tiềm năng tại Đà Nẵng.
I. Định hướng chiến lược phát triển không gian đô thị thành phố Đà Nẵng
Định hướng chiến lược này bao gồm 8 trọng tâm: 1. Phát triển vai trò lãnh đạo của Đà Nẵng – Đô thị hạt nhân trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; 2. Bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển – sông – núi cho Đà Nẵng; 3. Phát triển Đà Nẵng theo hướng bền vững, với quy hoạch xanh và kiến trúc xanh; 4. Phát triển Đà Nẵng thành đô thị văn minh hiện đại, đại biểu cho phát triển đô thị Việt trong thế kỷ 21; 5. Phát triển Đà Nẵng thành đô thị đáng sống (livable city) hàng đầu tầm quốc gia và quốc tế; 6. Phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị thông minh (smart city); 7. Phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị toàn cầu (global city); 8. Phát triển Đà Nẵng trở thành thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo.
1. Phát triển vai trò lãnh đạo của Đà Nẵng – Đô thị hạt nhân trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung
Trong vài thập niên vừa qua, Đà Nẵng là một trong những đô thị phát triển nhanh chóng hàng đầu trên cả nước. Dù hiện nay chỉ mới là một trong ba đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương (Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) và là đô thị lớn thứ tư của Việt Nam, nhưng nếu có một chiến lược phát triển phù hợp, thì thành phố Đà Nẵng có thể sẽ trở thành đô thị hạt nhân của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh đối với cả khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, chuỗi đô thị động lực chính cho Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cho toàn vùng duyên hải miền Trung bao gồm Huế – Đà Nẵng – Chu Lai Kỳ Hà – Dung Quất (Vạn Tường) – Quy Nhơn, trong đó thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân.
Khi Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành một Vùng đô thị có tầm ảnh hưỡng quốc gia tương đương Vùng Đô thị thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Thủ đô Hà Nội, thì lúc đó vị trí và vai trò của Đà Nẵng sẽ được nâng cao, có thể trở thành đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương của Việt Nam, như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đà Nẵng cần hướng đến tầm nhìn xa, tận dụng được sức mạnh liên kết Vùng, vừa giúp Đà Nẵng phát triển, vừa giúp Vùng Đô thị miền Trung phát triển, có thể sánh vai với Vùng Thủ đô Hà Nội và với Vùng Đô thị thành phố Hồ Chí Minh.
Mỗi tỉnh thành của miền Trung (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình,…) và Đà Nẵng đều có điểm mạnh và yếu riêng, nhưng nếu có thể tập hợp các điểm mạnh và yếu đó trong một tổng thể chung thì có thể bổ sung nhau, hỗ trợ và hợp tác cùng phát triển.
Từ đó, về mặt giao thông vùng, chính quyền vùng đô thị sẽ phát triển mạng giao thông chiến lược nối kết, bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, đường hàng không kết nối với nhau và với hệ thống giao thông quốc gia, quốc tế.
Về mặt kinh tế, chính quyền vùng đô thị sẽ đưa ra kế hoạch phân công và hợp tác để cùng phát triển hài hòa, cạnh tranh lành mạnh trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là về mặt du lịch, giáo dục, công nông ngư nghiệp, và dịch vụ thương mại…
Đà Nẵng nên vận động để được Trung ương giao trách nhiệm “đại diện Trung ương” trong việc lãnh đạo chính quyền Vùng Đô thị, chủ động hơn trong việc giúp điều phối và phân bổ ngân sách trung ương cho các dự án kết nối vùng đô thị và các dự án hợp tác vùng đô thị. Điều đó sẽ giúp cho hiệu quả kinh tế xã hội của các dự án được nâng cao đáng kể hơn nhiều so với hiện nay, đối với Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung, và với các tỉnh thành trong Vùng nói riêng.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, sự cạnh tranh giữa các vùng đô thị quốc tế nổi bật hơn lên so với cạnh tranh giữa các đô thị đơn lẽ. Do đó, để Đà Nẵng nhanh chóng trở thành đô thị toàn cầu, Đà Nẵng cần phát triển vị thế đô thị hạt nhân của mình trong quá trình phát huy ưu thể của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trong mối tương quan hội nhập lẫn cạnh tranh với các vùng đô thị quốc gia và quốc tế, như Vùng Đô thị thành phố Hồ Chí Minh, Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Đô thị Băng Cốc, Vùng Đô thị Thượng Hải, Vùng Đô thị Manila,…
Đà Nẵng nên thắt chặt mối quan hệ hợp tác, kết nghĩa thành phố với Singapo, và nghiên cứu học hỏi một cách chọn lọc mô hình phát triển của đảo quốc này, vì có nhiều điểm tương đồng với Đà Nẵng.
2. Bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của Đô thị Biển – Sông – Núi cho Đà Nẵng
Bản sắc của thành phố Đà Nẵng phát triển với đặc trưng của Đô thị Biển – Sông
– Núi. Đây là lợi thế hiếm có của Đà Nẵng so với các đô thị trên thế giới.
Phát triển đồng bộ đô thị xanh tương lai với bao cảnh sông hồ, núi đồi, biển khơi, và với bản sắc văn minh hiện đại, đặc trưng cho đô thị Việt Nam phát triển trong thế kỷ 21. Trong đó, tận dụng các lợi thế về biển Đông (bãi biển đẹp hàng đầu thế giới, với 2 trục ven biển: Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn và Nguyễn Tất Thành gắn với vịnh Đà Nẵng), sông Hàn (đóng vai trò trục giao thông và cảnh quan với bản sắc đô thị sông nước), sông Cu Đê và các ngọn núi đẹp nhất Đà Nẵng bao gồm cụm núi Ngũ Hành Sơn, Bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Bà Nà, Phước Tường.
3. Phát triển Đà Nẵng theo hướng bền vững, với quy hoạch xanh và kiến trúc xanh
Phát triển theo hướng quy hoạch xanh và kiến trúc xanh, trong đó không những quy hoạch tổng thể toàn thành phố, mà cả quy hoạch chi tiết của từng dự án cần được phát triển trên tiêu chí gắn bó với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, và thân thiện với môi trường.
Lợi thế về tài nguyên và bao cảnh thiên nhiên giúp Đà Nẵng dễ dàng hơn trong việc phát triển theo hướng quy hoạch xanh và kiến trúc xanh.
4. Phát triển Đà Nẵng thành đô thị văn minh hiện đại, đại biểu cho phát triển đô thị Việt trong thế kỷ 21
Việc Đà Nẵng không có nhiều công trình lịch sử còn tồn tại cho đến ngày nay, tuy là một thiếu sót về mặt văn hóa, nhưng lại là một lợi thế so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cho việc phát triển Đà Nẵng như một đô thị mới cao tầng, văn minh, hiện đại.
Bên cạnh việc giáo dục người dân quen dần với phong cách và nếp sống văn minh hiện đại, công tác quy hoạch đô thị cũng rất quan trọng, trong đó áp lực lớn hiện nay tập trung vào quy hoạch cao tầng và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.
5. Phát triển Đà Nẵng thành đô thị đáng sống (Livable City) hàng đầu tầm quốc gia và quốc tế
Đà Nẵng cần tạo lập một môi trường an cư lạc nghiệp, trở nên đô thị đáng sống – sống tốt tiêu chuẩn quốc tế, đem lại cơ hội sống và làm việc hấp dẫn hàng đầu châu Á, thu hút cư dân từ các tỉnh thành trên toàn quốc cũng như từ các nước tiên tiến trên thế giới đến định cư hoặc tạm trú dài hạn.
6. Phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị thông minh (Smart City)
Phát triển theo hướng đô thị thông minh (Smart City) là một xu hướng toàn cầu hiện nay, trong đó Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong việc tận dụng lợi thế của người đi sau, tiếp thu chọn lọc các bài học kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trên thế giới, để ứng dụng vào công tác quản lý và phục vụ đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.
7. Phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị toàn cầu (Global City)
Đà Nẵng có tiềm năng lớn trong việc phát triển thành đô thị toàn cầu với chức năng kinh tế tài chính tầm cỡ quốc tế.
Để thu hút các cơ quan tài chính và dịch vụ thương mại của những nước tiên tiến trên thế giới đến mở văn phòng đại diện hoặc cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng, giống như Hồng Kông và Singapo, ngoài việc tạo ra môi trường làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế, cần lưu tâm giáo dục phổ cập tiếng Anh miễn phí cho mọi người dân Đà Nẵng, hướng đến việc thiết lập hệ thống thông tin chỉ dẫn song ngữ.
Hướng đến vị thế đô thị toàn cầu, Đà Nẵng cần phát huy bản sắc riêng của mình, thông qua việc xây dựng vai trò các khu đô thị với bản sắc riêng và hoạt động kinh tế đặc thù, như khu đô thị sân bay quanh sân bay Đà Nẵng, khu đô thị biển quanh cảng biển và dọc theo các khu du lịch biển, khu đô thị sông nước ở hai bên sông Hàn, khu đô thị đại học gắn liền với các khu đại học và khu công nghệ cao,…
8. Phát triển Đà Nẵng trở thành thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo
Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi so với các đô thị trên cả nước, trong việc phát triển thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo.
Đà Nẵng nên có chính sách đặc biệt ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong giúp phát triển khu đô thị sáng tạo tại các vùng đất còn kém phát triển (như khu vực phía Tây Nam, phía Tây, và phía Bắc Đà Nẵng), sao cho các doanh nghiệp sáng tạo sẽ là nhân tố quan trọng giúp hình thành động lực phát triển cho các khu vực này. Các chính sách ưu đãi này có thể bao gồm:
- Ưu đãi về đất đai, thuế và nhà ở;
- Dịch vụ hành chính công nhanh chóng, thuận lợi;
- Chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực;
- Chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp “đầu đàn”.
II. Một số khu đô thị tiềm năng của Đà Nẵng
1. Khu đô thị du lịch biển và giao thương hàng hải
Đà Nẵng cần phát huy tiềm lực của một đô thị biển – với một trong những cảng biển quan trọng nhất trên toàn quốc, vịnh Đà Nẵng, và những bãi biển đẹp nổi tiếng. Khu du lịch biển từ Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn kéo dài từ Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn hiện nay cần được điều chỉnh quy hoạch để không bỏ phí tiềm năng phát triển lớn của khu vực.
Khu đô thị quanh vịnh Đà Nẵng, hiện nay chưa được quy hoạch, đầu tư, và khai thác đúng tầm, trong khi có thể phát triển thành khu đô thị biển độc đáo, với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc, tạo nên điểm nhấn cho Đà Nẵng về du lịch, thu hút các dòng vốn đầu tư tạo sức lan tỏa chung.
Cần cẩn trọng với các đề xuất lấn biển hoặc xây dựng đảo nhân tạo trong vịnh Đà Nẵng, không nên vội vã quyết định khi chưa có nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đến toàn khu vực.
Khu đô thị cảng: Cảng Đà Nẵng, bao gồm các khu bến cảng Tiên Sa, Sơn Trà (Thọ Quang) và Liên Chiểu, đóng vai trò cảng cửa ngõ quốc tế trong khu vực miền Trung, là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực. Việc phát triển cảng cần được tính toán hài hòa với khu đô thị cảng để tạo được tác động kinh tế xã hội tốt nhất.
2. Khu đô thị ven sông
Việc quy hoạch khu vực 2 bên bờ sông Hàn và sông Cu Đê không những cần tạo cơ hội phát triển khu vực ven sông và các điểm nhấn cảnh quan đô thị, phát triển dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính, giải trí và phát triển chuỗi du lịch đường sông, mà còn phải giúp tạo lập phát triển kết nối về phía các khu trung tâm đô thị, và về phía biển.
Khu đô thị hai bên sông Hàn cần được nâng tầm cao hơn trong một đồ án nghiên cứu chính thức, phát triển toàn diện hơn theo chiều rộng và chiều sâu, không chỉ bám sát mặt tiền sông, mà bỏ quên cơ hội phát triển cho các khu vực bên trong không có mặt tiền sông.
Khu cảng cá Thọ Quang: Đà Nẵng là một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng nghề cá được đầu tư đồng bộ nhất của miền Trung, đặc biệt là khu cảng cá Thọ Quang với chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang; khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang 58 ha, với các doanh nghiệp chế biến thủy sản nội địa và xuất khẩu; khu dịch vụ hậu cần gồm khu chợ tạp, khu đóng sửa tàu thuyền, khu sản xuất nước đá, khu bến thuyền trú bão…
3. Khu đô thị đồi núi
Trong điều kiện một phần lớn diện tích Đà Nẵng nằm trên địa thế đồi núi, cần có định hướng phát triển quy hoạch cho các khu vực đồi núi và khu lân cận xung quanh, bao gồm khu vực núi Ngũ Hành Sơn (linh địa mang tính biểu tượng), núi Sơn Trà (còn có tên là núi Tiên Sa) trên Bán đảo Sơn Trà , núi Thần Tài, và khu vực phía Tây Đà Nẵng. Quy hoạch khu vực đồi núi khác với quy hoạch vùng đồng bằng, trong đó cần chọn vị trí phát triển dự án sao cho thuận tiện về giao thông, xây dựng hạ tầng và công trình tận dụng được địa thế đất dốc, và tầm nhìn cảnh quan ra xung quanh.
4. Khu đô thị sân bay Đà Nẵng
Khu đô thị sân bay Đà Nẵng có thể hình thành từ việc quy hoạch lại khu vực bán kính 1-2 km quanh sân bay, trong đó:
- Hoàn chỉnh tuyến đường vành đai sân bay để vừa chuẩn bị tốt cho nhu cầu giao thông phù hợp để gia tăng tối đa khả năng nâng cấp sân bay mà không bị hạn chế bởi giao thông kết nối, vừa tạo giá trị cho quỹ đất khu vực vành đai này để phát triển dịch vụ logistic, thương mại,…
- Tổ chức quy hoạch chiều cao và quy hoạch không gian cây xanh cách ly và đô thị ven sân bay, đặc biệt là ở hai đầu sân bay, để đảm bảo phát triển đô thị hài hòa với phát triển sân bay một cách bền vững, có thể phát triển đô thị sân bay tương lai với tiêu chuẩn môi trường đô thị phù hợp.
- Xem xét khả năng mở tuyến đường đô thị kết nối đông tây ngầm dưới đường băng sân bay để giảm ách tắc giao thông và tạo sự thuận tiện đi lại khu vực trung tâm hiện hữu với khu phía Tây sân bay. Kết nối này này cũng giúp cho việc nâng công suất sân bay được dễ dàng sau này, với nhà ga hành khách tập trung về một phía và phối hợp tốt với khu trung tâm và khu dịch vụ thương mại phía Đông theo mô hình đô thị sân bay tiên tiến của thể giới.
- Tổ chức lại quy hoạch sử dụng đất và kết nối trong đường vành đai, lẫn hai bên đường vành đai, với các chức năng phục vụ sân bay, logistics, dịch vụ, thương mại,… để nơi đây không chỉ là một cơ sở giao thông hàng không, mà còn có thể trở thành một khu vực kinh tế quan trọng của thành phố Đà Nẵng.
5. Khu đô thị đại học
Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng theo quy hoạch; rà soát, sắp xếp và di chuyển các trường cao đẳng, đại học trong nội đô ra khu vực quy hoạch, Đà Nẵng nên tận dụng lợi thế xây dựng đô thị đại học – công nghệ và công nghiệp, kết nối hoạt động nghiên cứu thực hành và giảng dạy của các trường đại học đẳng cấp quốc tế trong tương lai; phát triển công nông – lâm – ngư nghiệp thông qua việc nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ cao và tiên tiến của thế kỷ 21 với các khu đô thị sang tạo, để tạo nên tiềm lực kinh tế mạnh trong khu vực. Các cụm đô thị đại học, khu công nghiệp, và khu công nghệ cao, do đó, cần được quy hoạch trong mối tương quan không chỉ về không gian, mà còn về giao thông, và hoạt động phối hợp…
TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn
ĐT&PT số 74 – 75/2018