Sự phát triển bền vững và biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Phát triển bền vững là định hướng phát triển và kỳ vọng của mỗi quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có đất nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều vấn đề về môi trường đã nảy sinh, cần được khắc phục để đô thị Việt Nam có thể phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Phát triển bền vững được cấu thành bởi 3 thành phần: Phát triển bền vững về kinh tế, phát triển bền vững về xã hội và phát triển bền vững về môi trường; Phát triển bền vững quốc gia phải dựa trên phát triển bền vững của các địa phương, các đô thị, các khu công nghiệp cũng như các vùng nông thôn. Trong đó, phát triển đô thị bền vững có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của quốc gia, bởi vì dân số đô thị ngày càng chiếm tỷ lệ cao, các hoạt động kinh tế – xã hội ngày càng tập trung trong các đô thị và đã đóng góp đáng kể vào GDP nước nhà. Tuy nhiên, cùng với những đóng góp tích cực, mức tiêu thụ năng lượng của các đô thị có thể chiếm tới 3/4 tổng năng lượng tiêu thụ của quốc gia. Các vấn đề môi trường bức xúc của quốc gia cũng thường xảy ra ở khu vực đô thị.
Ở đây chúng tôi chỉ bàn đến các thách thức hay các yếu kém về mặt môi trường cần được khắc phục trong việc phát triển đô thị Việt Nam bền vững và sự phát triển ấy cần thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Trước hết cần tìm hiểu thế nào là một đô thị phát triển bền vững về mặt môi trường.
Có thể nêu ra đây 5 tiêu chí cơ bản để đánh giá phát triển bền vững như sau:
– Đô thị đã sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường: Tạo được cân bằng các hệ sinh thái đô thị, giữ được sự phát triển dân số không vượt quá khả năng đáp ứng (sức chịu tải) của tài nguyên và môi trường.
– Hoạt động của đô thị tiêu thụ tài nguyên và năng lượng hợp lý, thải ra chất thải ít nhất, các chất thải dược tái chế, tái sử dụng tối đa, không gay ra áp lực ô nhiễm môi trường đối với bản thân đô thị và vùng nông thôn xung quanh.
– Phát triển giao thông đô thị bền vững: Rất thuận lợi đi lại cho người dân, phát triển giao thông công cộng, an toàn giao thông cao, sử dụng phương tiện giao thông phát thải khí ô nhiễm thấp.
– Hạ tầng kỹ thuật đô thị hoàn thiện và hiện đại, đặc biệt là hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, thỏa mãn nhu cầu cấp nước sạch cho mọi người dân đô thị, đô thị không bị úng ngập, 100% nước thải được xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra nguồn nước.
– Đô thị là một đô thị “xanh”, đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của đô thị xanh, như là tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị trên đầu người phải đảm bảo cây xanh hấp thụ 100% lượng khí CO2 do hoạt động của đô thị sinh ra, trong đô thị có nhiều không gian xanh thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, dạo chơi của nhân dân đô thị, môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất đều trong sạch, mọi người dân đô thị đều có nếp sống thân thiện đối với môi trường.
Trên thế giới đã có hàng chục đô thị được công nhận là đô thị phát triển bền vững về môi trường – đô thị “xanh”, như là Singapore, Bắc Hải (TQ) ở Châu Á, Freiburg (Cộng hòa liên bang Đức) ở Châu Âu, Porland, San Francisco (Mỹ), Uritiba (Brasil) ở Châu Mỹ.
So với các tiêu chí đô thị bền vững nêu trên thì hầu hết các đô thị nước ta còn lâu mới đạt được.
Đô thị hóa ở nước ta nhanh nhưng thiếu bền vững về mặt môi trường.
Có thể nêu ra một số vấn đề phát triển đô thị thiếu bền vững ở nước ta như sau:
Phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị chậm hơn so với sự gia tăng dân số và mở rộng không gian đô thị.
Tốc độ phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị hiện nay chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tăng dân số đô thị và tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông. Diện tích đất giao thông đô thị không đủ, mạng lưới đường giao thông phân bố không đồng đều, không bảo đảm chất lượng. Tại Hà Nội diện tích đất giao thông chỉ chiếm khoảng 7,8% tại thành phố Hồ Chí Minh diện tích đất giao thông khoảng 7,5%, mật độ đường đạt 3,88 km/km2. Trong khi đó ở nhiều thành phố tiên tiến trên thế giới, tỷ lệ diện tích giao thông chiếm tới 15 – 18%. Phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị nước ta lại tăng trưởng rất nhanh, như là số xe máy ở Hà Nội năm 1996 mới có khoảng 600.000 xe, đến năm 2007 đã tăng tới 2 triệu xe.
Hệ thống cấp nước, thoát nước ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng cũng tương tự như ở nhiều đô thị khác trong cả nước, đều là hệ thống chắp vá giữa khu cũ và khu mới, giữa lạc hậu và hiện đại, chất lượng nước cấp chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Tỷ lệ số dân đô thị được cấp nước sạch còn thấp, khoảng 50 – 80%. Chưa có hệ thống thoát nước thải riêng với nước mưa. Từ 90 – 100% nước thải đô thị chỉ được xử lý sơ bộ rồi đổ thải thẳng vào sông, hồ gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước mặt.
Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn ở hầu hết các đô thị còn yếu kém, chưa đạt yêu cầu.
Dân nghèo đô thị rất thiếu nhà ở, dù là nhà ở với chất lượng rất thấp. Họ khó có thể tiếp cận được với các dịch vụ môi trường đô thị, khoảng cách về mức sống giàu và nghèo trong đô thị cũng như sự chênh lệch về mức sống giữa đô thị và nông thôn ngày càng lớn.
Đô thị hóa làng xã thành phường và mở rộng không gian đô thị còn nặng tính chủ quan.
Đô thị hóa chủ yếu vẫn là biến đổi nông thôn thành đô thị. Đô thị hóa đúng quy luật là do động lực phát triển kinh tế đô thị làm chuyển đổi nhà ở kinh tế nông nghiệp của làng xã sang kinh tế phi nông nghiệp. Nhưng thực tế, khi quyết định đô thị hóa từ làng xã thành phường, thường không dựa trên sự xem xét động lực phát triển kinh tế phi nông nghiệp của làng xã xem nó đã nảy sinh hay chưa. Và ta cũng chưa xem xét đầy đủ đến tác động môi trường trong quy hoạch sử dụng đất, trong việc tổ chức không gian đô thị và trong thiết kế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị mới…
Trong nhiều trường hợp, việc quyết định làng xã thành phường chỉ vì mục đích tăng số dân đô thị, để đô thị được nâng cấp hoặc với mục đích lấy đất của làng xã để phát triển các công trình đô thị.
Trong quá trình đô thị hóa làng, xã thành phường thường chỉ chú trọng xây dựng đô thị mới trên các khoảnh đất canh tác của làng, xã mà rất ít quan tâm đến việc, quy hoạch cải tạo khu dân cư làng, xã cũ, đặc biệt là không có sự liên thông, hòa nhập về quy hoạch giao thông, quy hoạch hệ thống cấp nước, điện và hệ thống dịch vụ đô thị, giữa khu đô thị mới và khu dân cư làng, xã cũ. Đây đang là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự suy thoái môi trường đô thị.
Một số quy hoạch phát triển công nghiệp trong vùng đô thị không phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường đô thị.
Phát triển công nghiệp và phát triển đô thị gắn bó với nhau như hình với bóng. Đô thị hóa và mở rộng đô thị đã làm cho nhiều nhà máy và các khu công nghiệp trước đây nằm ở ngoại ô thành phố, nay đã lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc, dân cư bám sát hàng rào nhà máy và các nguồn thải ô nhiễm của công nghiệp đã tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Quy hoạch bố trí các khu công nghiệp mới, các nhà máy xí nghiệp mới ở nhiều đô thị cũng chưa xem xét đầy đủ đến yêu cầu bảo vệ môi trường đối với đô thị.
Phát triển đô thị và xóa đói giảm nghèo còn bất cập.
Hầu hết ở các đô thị lớn ở Việt Nam còn tồn tại các khu “nhà ổ chuột”, “xóm lều”, “xóm bụi”, “xóm dân vạn đò”. Các dân cư nghèo này rất ít được tiếp cận với dịch vụ môi trường đô thị. Việc xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ các khu nhà ổ chuột này vô cùng khó khăn, khi mà quản lý đô thị ở nước ta còn chưa khắc phục được yếu kém, sự phát triển đô thị và phát triển các khu công nghiệp chủ yếu lấy vào đất nông nghiệp, không ít người nông dân đã bị bần cùng hóa.
Môi trường nước, môi trường không khí và chất thải rắn ở các đô thị nước ta đang bị ô nhiễm, có nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Môi trường nước ở đô thị nước ta đã bị ô nhiễm trầm trọng và còn tiếp diễn 10 – 15 năm nữa.
Nguồn nước thải từ sinh hoạt, dịch vụ và sản xuất vẫn chưa được xử lý và ngày càng gia tăng, đã vượt quá khả năng tự làm sạch của tất cả các sông, hồ xung quanh. Nước thải từ sinh hoạt đô thị là nguyên nhân chính (chiếm tỷ lệ tới 80%) gây ra ô nhiễm các chất hữu cơ đối với môi trường nước mặt ở đô thị. Hầu như chỉ ở các đô thị lớn mới có một vài trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Vì vậy dự báo tình trạng ô nhiễm nước mặt ở các đô thị còn tiếp diễn đến 10 – 15 năm nữa.
Tình trạng ngập úng đô thị trong mùa mưa chưa thể khắc phục được nhanh.
Có thể nêu ra hai nguyên nhân chủ quan gây ra úng ngập: một là trong thời gian dài trước đây ở nhiều đô thị đã chuyển đổi nhiều đất cây xanh, đất nông nghiệp thành đất ở, đã lấp nhiều ao, hồ để xây dựng công trình, làm mất cân bằng tích chứa nước, bê tông hóa gần hầu hết diện tích mặt đất đô thị, làm giảm khả năng thấm tiêu nước mưa. Nguyên nhân thứ 2 là hệ thống thoát nước của đô thị quá thấp, kém cả về mạng lưới cống thoát, cả về tiết diện dòng chảy.
Nguồn nước cấp cho đô thị ngày càng khan hiếm, tỷ lệ dân số được cấp nước ở đô thị còn thấp, chất lượng nước cấp chưa đảm bảo.
Tỷ lệ dân số được cấp nước bằng hệ thống cấp nước máy ở các đô thị đặc biệt đạt 80 – 90%, ở các đô thị loại I, II mới đạt 60 – 80%, ở đô thị loại III mới đạt 40 – 50%. Lượng nước cấp cũng chỉ đạt khoảng 50 – 60% nhu cầu lượng nước cần thiết tính theo đầu người dân được cấp nước, chất lượng nước cất chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.
Quản lý chất thải rắn đô thị bất cập đang là một thách thức lớn đối với đô thị hóa.
Tốc độ tăng chất thải rắn không chỉ vì dân số đô thị tăng lên, sản xuất, dịch vụ tăng lên, mà còn vì mức sống đô thị tăng. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị nước ta năm 2003 khoảng 6 triệu tấn/năm, năm 2006 khoảng 7,5 triệu tấn/ năm, ước tính đến năm 2010 lên tới trên 10 triệu tấn và đến năm 2020 có thể đạt tới trên 20 triệu tấn/ năm. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở nước ta hầu như chưa được phân loại từ nguồn, việc tái chế, tái sử dụng chất thải còn manh mún, phần lớn thải bỏ chủ yếu bằng chôn lấp ở các bãi chôn lộ thiên không đúng kỹ thuật vệ sinh và tiềm ẩn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ô nhiễm môi trường không khí đô thị ngày càng tăng.
Môi trường không khí đô thị hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề về bụi TSP và bụi PM10, nồng đọ bụi trung bình gấp 1,5 – 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Ô nhiễm các khí độc hại SO2, NO2, CO,Pb, CnHn còn có tính cục bộ, chủ yếu xảy ra ở các nút giao thông lớn hoặc bên cạnh các cơ sở sản xuất có đốt than dầu.
Môi trường không khí đô thị nước ta hiện nay đang chịu hai áp lực nguồn thải ô nhiễm rất lớn, đó là phương tiện giao thông vận tải cơ khí phát triển rất nhanh và hoạt động xây dựng sửa chữa công trình trong đô thị thiếu quản lý chặt chẽ. Tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị còn nhỏ bé so với yêu cầu của một đô thị xanh.
Cây xanh trong đô thị không những có tác dụng hấp thụ khí CO2, hấp thụ nhiệt, lọc bụi, điều hòa vi khí hậu, mà còn là diện tích thấm nước, cung cấp cho nguồn nước ngầm, giảm úng ngập đô thị. Nhưng tỷ lệ diện tích cây xanh ở các đô thị của nước ta còn rất bé so với yêu cầu của một đô thị xanh. Tại Hà Nội (cũ), chỉ tiêu cây xanh chỉ đạt là 4,6m2/người, TP. Hồ Chí Minh, Huế là 3,3m2/ người, Đà Nẵng 3,5m2, Hạ Long là 1,5m2/ người… Trong khi đó ở các nước phát triển Paris (Pháp) là 10m2/ người, Moskva (Nga) là 26m2/ người, Washington (Mỹ) là 40m2/ người…
Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu
Loài người đang đứng trước một thách thức vô cùng to lớn, đó là sự biến đổi khí hậu. Nguyên nhân gây biến đổi khí hậu chính là do phát thải khí nhà kính (90% là do con người gây ra, trong đó 60% là do dân đô thị và 10% là do thiên nhiên) đã làm cho nhiệt độ trái đất ấm lên, làm tan băng ở Bắc cực và Nam cực, mực nước biển dâng lên, làm tăng cường độ và tần suất bão tố, hạn hán, lũ lụt, tính bất thường của thời tiết diễn ra khốc liệt, khó lường trước được.
Hệ thống đô thị ở nước ta lại tập trung ở vùng ven biển, nên rất dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy phát triển bền vững đô thị ở nước ta không thể không xem xét đến sự thích ứng với biến đổi khí hậu, làm sao để có thể “sống chung với biến đổi khí hậu”, tương tự như nhân dân ta ở vùng đồng bằng sông Cửu Long “sống chung với lũ”. Theo kết quả dự báo của Bộ TN & MT được công bố gần đây thì so với trị số trung bình thời kỳ 1980 – 1999:
– Về nhiệt độ không khí: Theo kịch bản cao (phát thải khí nhà kính cao) đến năm 2100 nhiệt độ có thể tăng thêm 3,1 – 3,60C ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tăng 2,1 – 2,60C ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Theo kịch bản trung bình (phát thải khí nhà kính trung bình), các trị số tương ứng lần lượt là 2,4 – 2,80C và 1,6 – 2,00C.
– Về lượng mưa: Theo kịch bản cao đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa/ năm có thể tăng khoảng 9 – 10% ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, 4 – 5% ở Nam Trung Bộ và 2% ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Theo kịch bản trung bình các trị số tương ứng lần lượt là 7 – 8% và 2 – 3%.
– Về mực nước biển dâng: Theo kịch bản cao mực nước biển trung bình có thể dâng lên 30 – 33cm vào năm 2050 và 74 – 100cm vào năm 2100.
Những biến đổi khí hậu trên sẽ gây ra các tác động cụ thể như thế nào đối với đô thị và phải làm gì để thích ứng với biến đổi khí hậu đều là những vấn đề cần tập trung nghiên cứu và tìm ra giải pháp thích ứng.
Hiện nay một số tổ chức trên thế giới đang tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và ứng dụng. Chiến lược và quy hoạch phát triển đô thị có tính đàn hồi, có khả năng phục hồi nhanh năng lực khi bị tác động (Urban Resilience Plans and Strategies) để thích ứng với biến đổi khí hậu, như là xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước có tính đàn hồi; thích ứng với mực nước biển dâng lên, thích ứng với lũ lụt và các rủi ro biến đổi khí hậu gây ra đối với đô thị; Thiết kế xây dựng các nhà cửa đô thị có tính đàn hồi để thích ứng với biến đổi khí hậu; Quy hoạch đô thị liên kết với vùng nông thôn xung quanh sao cho thích ứng với trường hợp nếu vùng nông thôn xung quanh sao cho thích ứng với trường hợp nếu vùng nông thôn xung quanh bị tác động của biến đổi khí hậu tàn phá, dân cư nông thôn không thể sống được thì di chuyển vào đô thị, hoặc ngược lại thì đô thị sẽ chuyển vào vùng nông thôn xung quanh, kể cả trường hợp lũ lụt bất thường. Vấn đề khoa học ở đây là các giải pháp và hành động như thế nào để cải thiện tính đàn hồi của hệ thống đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu cho đô thị như thế nào là có hiệu quả.
Bên cạnh các nghiên cứu có tính chiến lược đó, ở nhiều nước đã tiến hành nghiên cứu các giải pháp cụ thể để thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giải quyết các vấn đề sau:- Nước biển dâng sẽ gây ngập nước đối với các đô thị ở vùng đồng bằng thấp ven biển, hệ thống cống thoát nước của các đô thị này sẽ thấp hơn mực nước biển, do đó nước thải sẽ không tự chảy ra biển được.
– Nước biển dâng sẽ tăng áp lực nước mặn, cùng với sự suy thoái rừng đầu nguồn và phát triển xây dựng các nhà máy thủy điện sẽ làm giảm áp lực của nước ngọt, do đó vùng bị mặn hóa sẽ lấn sâu vào đất liền (đối với cả nước dưới đất và nước mặt), hậu quả là các đô thị sẽ thiếu nguồn nước ngọt.
– Thời tiết biến đổi thất thường, lượng mưa có thể tập trung vào một thời gian ngắn trong năm sẽ gây ra lũ lụt nghiêm trọng đối với đô thị, và mùa khô, hạn hán có thể kéo dài hơn sẽ gây ra nạn khan hiếm nước ngọt cho đô thị.
– Biến đổi khí hậu sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, có thể phát sinh các bệnh dịch mới lạ, đặc biệt là đối với cộng đồng ở các đô thị, vì mật độ dân cư ở đây rất đông đúc.
– Học tập và phổ biến kinh nghiệm xây dựng đê đập ven biển và nhà thuyền của Hà Lan, kinh nghiệm xây dựng các vật chắn để hạn chế bờ biển lùi ở Thame của Anh, kinh nghiệm về hệ thống cảnh báo và di tản dân sớm đối với bão lốc, gió xoáy xảy ra của Bangladesh…
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng
Số 24 ĐT&PT