Home / QUY HOẠCH / Sự hấp dẫn của Đà Nẵng: Thành phố thứ 3 của Việt Nam

Sự hấp dẫn của Đà Nẵng: Thành phố thứ 3 của Việt Nam

  1. Lai lịch một thành phố

Đà Nẵng từ 1402 về trước là cửa sông cũng là cửa biển của châu Amaravati (tức Quảng Nam của Đại Cồ Việt sau này). Đất này vốn thuộc lãnh thổ nam châu Lý (Ulik) dưới thời vua Jaya Simhavarman III, sử ta gọi là Chế Mân, dâng nhà Trần làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân và vua Trần Anh Tông đổi tên là đất châu Hóa. Tên xưa của Đà Nẵng, gọi theo Chàm ngữ là DANAK có nghĩa là cửa sông tiếp với biển. Từ năm 1470 thuộc chủ quyền nhà Hậu Lê của nước Đại Việt và có tên là Hàn thị nôm na gọi chợ Hàn, cửa khẩu của Hàn thị gọi là Đà Nông hải môn nôm na gọi Cửa Hàn, Hàn cũng là một tên khác theo âm Chàm HANG có nghĩa là dải đất do biển rút cạn để lộ ra.

Thế kỷ XVI, XVII người Bồ Đồ Nha từ Ma Cao dùng thuyền và hoa tiêu người Quảng Châu (Catonais) đến Hội An và Đà Nẵng để truyền giáo và lập thương điếm. Hoa tiêu người Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông dùng giọng Hoa Nam hỏi người Tàu Hoa Nam định cư tại bản địa.

– Đây là đâu?

– Tu Ram!

Đó là âm Hoa Nam của hai tiếng Đà Nẵng đã được người Trung Hoa diễn dịch thành chữ Hán từ ngữ âm Chàm DANAK, cũng như họ đã gọi Hội An xưa là Hoài Phố “Wei fu” là phố trên cửa sông Hoài (Thu Bồn). Lái buôn và người truyền giáo Bồ Đồ Nha đã ký âm theo giọng Hoa Nam của hai tiếng Đà Nẵng trong sổ sách ghi chép của họ dưới dạng TURÃO, TURON, TURAM và người Pháp viết là TOURANE.

Người Pháp đến Đà Nẵng từ thế kỷ thứ XVII. Đó là các nhà truyền giáo. Căn cứ vào các bản tường trình của các thừa sai nói về sự thuận lợi của cửa biển Đà Nẵng (Gibraltar của Đông Nam Á) và sản vật nội địa, thế kỷ XVIII Công ty Đông Ấn của Pháp (Compagnie Francaise des Indes orientales en Indochine) mời phái đại diện đến đặt quan hệ với Chúa Nguyễn ở Đàng Trong  để xin mở thương điếm (comptoir) ở Đà Nẵng. Cuối thế kỷ XVIII Nguyễn Ánh tranh chấp quyền bính với Tây Sơn, cầu viện Pháp bằng hiệp ước Versailles ký ngày 28.11.1787 giữa Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh với đại diện triều Louis XVI, theo đó cửa Đà Nẵng và đất Hàn được nhượng cho Pháp đến buôn bán và truyền đạo Thiên Chúa. Hiệp ước Versailles ký ngày 28.11.1787 không được thực thi dưới triều Gia Long, Minh Mạng.

– Năm 1825, đại tá hải quân Bougainville đi tàu Thétis đến Đà Nẵng yêu cầu triều đình Huế mở cửa Đà Nẵng buôn bán với Pháp và các nước.

– Năm 1831, Thuyền trưởng Laplace đi tàu Favorite đến Đà Nẵng với cùng yêu sách.

– Năm 1843, Lévêque đi tàu Héroiine đến Đà Nẵng với cùng yêu sách.

– Năm 1845, Cécille đi tàu Alemène đến Đà Nẵng với cùng yêu sách.

– Ngày 15.4.1847, đô đốc Lapiere điều khiển hai tàu chiến Gloire và Capricieuse nã pháo đánh đắm nhiều thuyền của triều đình Thiệu Trị.

– Năm 1856, Montigny cầm đầu một phái bộ tới Đà Nẵng xin thông thương.

– Ngày 1.9.1858, Rigault de Genouilly chỉ huy hạm đội liên quân Pháp – Tây Ban Nha thực sự khai hỏa xâm chiếm Đà Nẵng.

– Ngày 17.12.1858, Leheur de Ville-sur-Arc lái tàu Catinat đến lại Đà Nẵng thị uy.

Bằng điều ước ký kết tại Sài Gòn ngày 5.6.1862, cửa khẩu Đà Nẵng được chính thức, trên văn bản, mở ra cho người Pháp đến buôn bán. Sau đó, dưới áp lực quân sự của Pháp tại cửa Thuận An, triều đình Huế lại ký hiệp ước 25.8.1883, mở rộng cửa Đà Nẵng thông thương với các nước ngoại dương, trong đó nước Pháp là chính. Từ 1883 – 1885, người Pháp chưa có căn cứ quân sự và trú sứ chính thức tại Đà Nẵng, những thuyền chiến của họ thường xuyên đi lại ngoài biển Tiên Sa và thả neo đậu trong Vũng Thùng.

Ngày 1.1.1886, cây gỗ gác ngang đường nước cửa vào Đà Nẵng được phá bỏ và người Pháp bắt đầu thiết lập một bến tàu. Hải quân làm việc trong nhà trạm, bưu chính, và điện báo đặt trong một ngôi chùa, giao thông vận tải cũng làm việc tạm thời trong một ngôi chùa khác. Người điều khiển bến cảng cư trú trong một nhà tranh sơ sài. Đà Nẵng lúc này, dù là một cảng khẩu thương mại, nhưng về tổ chức hành chính còn thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nên ở đây chỉ có một chức quan trông coi duy nhất là Quan Hải Phòng đóng tại Nha Hải Phòng, nay chính là địa điểm trường Thọ Nhân tức trường Trần Hưng Đạo đường Trưng Nữ Vương hiện giờ. Những người Pháp dân sự làm nghề buôn ở trong các nhà tranh, còn binh đội Pháp thì sống dồn trong các lều trại. Một ít người Hoa có gia đình riêng xây bằng gạch đá, vào thời này, những người dân đầu tiên của Đà Nẵng đã mang rương hòm theo chân người Pháp ra sinh sống lập phố ở Tiên Sa. Người ta chờ đợi người Pháp thiết lập một bãi chứa than để xuất cảng ở đây. Nơi tàu đậu là mũi Hòn Mồ Côi (Parile de I’Orphelin) cũng gọi là Đảo quan sát (llot de I’observatoire). Một con đường dài hơn 2km được đắp nối liền với thành phố do Rouseau đứng thầu và khai thác.

Ngày 3.10.1888, Đồng Khánh ký dụ nhường Đà Nẵng cho Pháp làm nhượng địa, đồng thời với thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Mảnh đất nhượng địa được mở rộng với sắc dụ của Thành Thái đề ngày 15.1.1901 tổng số có 19 xã thôn như sau: Phước Ninh, Nam Dương, Xuân Đán, Hà Khê, An Khê, Cổ Mân, Hải Châu, Phước Tường, Liên Trì, Thạc Gián, Thạch Thang, Nại Hiên, Thanh Khê Đông, Bình Thuận, Hóa Quê, Mân Quang, An Hải, Phú Lộc.

Người Pháp bắt đầu đuổi mồ mả, dân cư để thiết lập các cơ sở hành chánh, thương mại. Gia phả tộc Nguyễn Thanh ở Nại Hiên viết năm Giáp Thìn 1904 triều Thành Thái có đoạn:“Kiến Phước năm đầu, nước Pháp đến xâm chiếm, kế đến Hàm Nghi, Đồng Khánh, rồi Thành Thái năm thứ II, nước Pháp xin đất 8 thôn xã Đà Nẵng làm nhượng địa, xây dựng lâu đài, dời mồ mả” (Kiến Phước nguyên niên, Pháp quốc đầu lai xâm chiếm, kế nhi Hàm Nghi, Đồng Khánh cập Thành Thái nhị niên, y quốc khất Đà Nẵng nhượng địa bát xã thôn, thiết lập lâu đài, cúc sức thiên di phần mộ).

Do sắc dụ của Đồng Khánh ngày 3.10.1888 và sắc dụ của Thành Thái ngày 15.1.1901 ký Đà Nẵng làm nhượng địa, ngày 7.12.1911 toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định gộp 19 xã thôn cắt từ các tổng Bình Thới, Thanh Châu, An Hòa thuộc huyện Hòa Vang và hai tổng An Lưu, Thanh Quýt thuộc phủ Điện Bàn nhập thành một tổng duy nhất gọi là Tổng Đà Nẵng (Canton de Danang). Đứng đầu Tổng Đà Nẵng là một Chánh tổng do Đốc lý (Résident – Maire) bổ nhiệm. Hội đồng thành phố Đà Nẵng gồm 5 thành viên người Pháp (thương gia hoặc kiều dân Pháp) không nằm trong ngạch viên chức Bảo hộ, Do Khâm sứ Trung kỳ chỉ định cùng hai thành viên người Việt (không nằm trong ngạch hành chính của Nam triều) do các ban hương chức của các xã thôn có phần đất nằm trong khu vực nhượng địa đề cử ra. Hội đồng thành phố Đà Nẵng (Commission municipale de Danang) do một viên chức đứng đầu, viên chức này do Khâm sứ Trung kỳ đề nghị và toàn quyền Đông Dương phong chức gọi là Quyền cai trị nhượng địa Pháp ở Đà Nẵng (Administrateur provisoire de la concession francaise de Tourane). Các thành viên hội đồng tự nguyện không hưởng lương. Cứ 3 năm bầu lại một lần. Hội đồng tự chọn ra một phó hội đồng và một ký lục. Hội đồng nhóm họp 4 kỳ thường lệ vào các tháng 2, 5, 8, 11 mỗi năm, do Chánh hội đồng triệu tập, lệnh triệu tập phải được Khâm sứ Trung kỳ chuẩn thuận, và cũng có thể nhóm họp bất thường để bàn xét những vấn đề quyết định do viên chức cai trị cấp cao này triệu tập.

2.Đà Nẵng trong mắt người Anh

Năm 1997, Hongkong đã trả lại cho Trung Quốc. Điều này làm nhớ lại nước Anh đã muốn chọn Đà Nẵng và Cù Lao Chàm trước Hongkong khá lâu. Theo Học giả Nguyễn Văn Xuân: Người Anh của công ty Đông Ấn đến Hội An năm 1613. Sự giao thiệp thất bại. Sau đó ra Bắc, người Anh vẫn chưa thành công và trở lại xứ Đàng Trong 1695. Người mãi biên là Bowyer điều tra về các điều kiện thương mại và đưa một số yêu cầu trong đó xin đất lập phố buôn và một đảo để sửa chữa tàu thuyền, nếu hai bên thỏa thuận các điều khoản hợp tác, có thể bộ mặt Đại Việt có nhiều thay đổi về mặt biển, bấy giờ người Anh đã thay Hà Lan làm chúa tể năm châu. Nhưng cuộc hợp thương thất bại.

Năm 1793, ba chiến hạm lớn của Đặc sứ đặc mệnh toàn quyền Anh quốc, Macartnay, bỏ neo tại cảng Đà Nẵng 24.5.1793 và nhổ neo 17.6.1793.

Đây là lần viếng thăm đặc biệt quan trọng của một nhân vật Anh cao cấp, chủ yếu để sang thương thuyết với Trung Quốc, nhưng đã ghé lại Đà Nẵng (Toron). Nếu chỉ ghé năm mười ngày thì không có vấn đề gì lớn, nhưng phái đoàn Anh rõ ràng có ý định sâu xa vững chắc đặt mối quan hệ với Việt Nam lâu dài. Trước khi tới đây, họ đã tới đảo Côn Lôn (17.5.1793) nơi người Anh từng chiếm cứ rồi phải rút bỏ đi. Khi đến Đà Nẵng, việc quan trọng nhất của phái bộ Anh là cử phái đoàn đi quan sát Cù Lao Chàm và có tường trình kỹ về đảo này. Người Anh biết rõ Nguyễn Ánh đã đưa Hoàng tử Cảnh sang Pháp điều đình về việc giao Cù Lao Chàm cho Pháp, nếu nước này giúp tàu bè quân đội nước này đánh bại Tây Sơn. Họ cũng biết thêm một điều rất lạ mà cho tới nay chúng ta không ai nghĩ tới: Nếu người Pháp chiếm được Cù Lao Chàm, một khi gió tây nam nổi dậy họ sẽ không được che chở (vì không có núi che chắn), họ sẽ phải tổ chức cơ sở thứ hai trên bán đảo cạnh đấy, nơi bờ biển có rất nhiều cảng và những con sông thuyền bè qua lại. Người Anh cũng nghiên cứu về công cuộc mậu dịch ở cảng Đà Nẵng và Hội An trước khi nội chiến kéo dài vài chục năm giữa Nguyễn và Tây Sơn làm tan rã mọi công cuộc thương mại phồn thịnh.

Có thể từ trước tới thời kỳ này có nhiều người tài giỏi viết về Đà Nẵng, nhưng chỉ là những mảng rời rạc. Kể cả tài liệu viết về Hội An phồn thịnh cũng thế. Còn bản tường trình của phái bộ sứ đoàn của Macartnay thì gần như bao gồm đủ phương diện, không kể nhậu nhẹt, chính trị, nông, công, thương mà còn cả nghệ thuật rất sinh động, ngắn gọn, chính xác, hấp dẫn. Hàng bán của Anh quốc cũng hiện diện rõ mặt nơi đây. Như nhà công quán Tây Sơn đón tiếp sứ bộ thì trang trí bên trong bằng những màn vải sản xuất ở các xí nghiệp nước Anh. Các lính hầu của quân trấn thủ đều mặc áo bằng dạ đỏ sẫm hẳn nhiên cũng do Anh quốc sản xuất,… Người Bồ Đào Nha ở Ma Cao đã mua hàng Anh bán “xôn” ở Quảng Châu đem sang xứ này bán lãi rất nhiều dù chính quyền địa phương làm tình làm tội đủ điều.

Ý đồ “mua chuộc” hay chiếm lấy Đà Nẵng bằng một Hiệp ước cấp quốc gia lộ rõ trong ý định của phái đoàn. Bằng cứ đầu tiên là họ gọi ngay Đà Nẵng bằng tên Tân – Gilbraltar. Gilbraltar là một eo biển giữa Y Pha Nho và Maroc, nối liền Địa Trung Hải với Đại Tây Dương bị Anh chiếm từ 1704, trở thành căn cứ hải quân lừng lẫy của Anh. Ngoài cứ điểm quân sự, người Anh còn muốn dùng nơi này để sửa chữa tàu thuyền và là nơi quá cảnh (Singapore vào tay Anh 1819 nghĩa là sau vụ này đến mấy chục năm).

Nhưng vì chưa biết ai sẽ là chủ thật sự đất nước, sứ bộ Anh không thể ký kết hiệp ước phiêu lưu nên đành phải lên đường sang Trung Quốc để thực hiện sứ mạng.

Cũng cần nói thêm người Anh đã thấy rõ tầm quan trọng của vị trí Đà Nẵng đối với khắp khu vực biển Đông bao gồm từ Nhật Bản tới Đông Nam Á ngày nay.

Cái tên Tân – Gibraltar mệnh danh cho Đà Nẵng đã được các văn sĩ người Anh nhắc nhở nhiều lần. Cũng như thế, người Anh còn trở đi, trở lại để quan hệ mưu toan đặt vùng đất này trong ảnh hưởng Anh quốc.

Năm 1804, đại diện cao cấp của công ty Anh quốc đóng tại Quảng Châu. Ông Roberts được phái sang thương thuyết với vua Gia Long sau khi nhà vua thống nhất ba kỳ. Roberts đã hết sức hoạt động để được nhà vua nhận lời nhưng đại diện Anh vẫn thất bại. Cả những lễ vật có giá trị lớn cũng bị trả lại rốt cuộc không có đặc ân nào về thương mãi dành cho người Anh cả. Đặc phái viên Anh tự cảm thấy bị sỉ nhục nên đã viết cho nhà vua một bức thư phiền trách tính quá tự tôn hoàng đế. Người Anh cắt đứt hẳn mối quan hệ với Gia Long.

Sau khi nhà vua băng hà, vào những năm 1821 – 1822, người Anh lại muốn mở mối quan hệ ngoại giao và thương mãi với tân quân Minh Mạng. Lần này, thế lực của cận thần người Pháp không còn mạnh mẽ sâu sắc bên cạnh vị trí tiên đế, đã từng dèm pha một cách nồng nhiệt người Anh đến độ họ phải rút lui. Anh đưa ra một nhân vật tiếng tăm khác, ông John Crawfurd sang Huế để dâng lễ vật và xin bệ kiến. Nhưng đặc phái viên này cũng không gặp may hơn Roberts. Bây giờ không phải là chuyện đồn đại về sự xâm chiếm của đế quốc Anh trên thế giới xa xôi mà nó hiện diện ngay sát nách Việt Nam nơi phương Bắc: Đó là việc người Anh đặt bàn tay lông lá lên nước Miến Điện. Sự kiện lịch sử này đã làm rung động Minh Mạng. Nhà vua sau đó cũng không chịu nhận quốc thư và những tặng phẩm của hoàng đế Pháp, vua Louis XVIII gởi ngày 17.2.1824 do Bougain – Ville đệ trình. Ông này đến Đà Nẵng năm 1825 và cũng không được Hoàng đế đón nhận và đành quay thuyền trở lại Pháp.

Anh quốc không quan hệ được với Đà Nẵng nên không có chỗ đứng để xây dựng một căn cứ dễ bề tiếp xúc với Quảng Châu và các quốc gia khác. Ở Quảng Châu họ tiến hành việc buôn bán mà đặc biệt là các loại ma túy. Chiến tranh nha phiến nổ ra từ 1839 và kết thúc 1842. Hiệp ước Nam Kinh đã giúp họ chiếm được Hongkong. Hongkong là hòn đảo nằm trong vịnh Quảng Châu và đến năm 1884, một hiệp ước Trung Quốc và Anh quốc được ký kết là nước Anh phải trao hòn đảo này cho Trung quốc vào năm 1997.

Ba lần Anh đặt vấn đề Đà Nẵng – Cù Lao Chàm trước Hongkong và đều không thành. Nhưng Anh chưa chịu rút lui hẳn. Sau khi quân Pháp bắn phá toàn hạm đội tàu đồng của ta ở vịnh Đà Nẵng 1847 (vua Thiệu Trị có lẽ bị xúc động mạnh liệt và mất vào năm ấy) người Anh liền lợi dụng thời cơ để đặt lại vấn đề Đà Nẵng.

Ngày nay ta thử đặt câu hỏi giá như các vua nhà Nguyễn chấp nhận các đề nghị của người Anh để biến khu vực này thành cơ sở thương mại vào những năm 1804 hoặc 1821 – 1822 thì liệu đất nước ta có một số mệnh khác như thế nào?

  1. Đà Nẵng – Một trong những thành phố lớn toàn xứ Đông Dương

Đất nước bị mất chủ quyền với hiệp ước 1884. Sự thật, ngay sau hiệp ước Quý Mùi (25.8.1883), Pierre Loti, nhà văn Pháp và đang là sĩ quan hải quân, dẫn mấy người lính vào tiếp thu trong tay viên trấn thủ Hải Phòng nha Đà Nẵng, nơi mà trong trận trước bao nhiêu đại đội hùng binh đã thất bại.

Nhưng quy chế nhượng địa chỉ thực sự có sơ sở pháp lý ngày 3.10.1888 do Toàn quyền Đông Pháp là Richaud thâu nhận vào, năm cắt nhượng là Đồng Khánh thứ 3 (1888).

Cũng sau đó, có nhiều bàn cãi. Toàn quyền Pháp đã trắng trợn can thiệp nên có sắc dụ sau đây do Đồng Khánh ký (1.10.1888), Toàn quyền Đông Pháp ký (3.10.1888).

Nguyên văn dịch ra tiếng Việt:

– Chiếu điều khoản của hòa ước ngày 6.6.1884, chế định ranh giới cảng khai thông và các nhượng địa Pháp tại Trung và Bắc kỳ sẽ được kiến lập trong hội nghị về sau.

– Chiếu đề nghị của Viện Cơ mật và sau khi thỏa hiệp với quan toàn quyền Đông Pháp.

Nay ra dụ:

Điều I: Lãnh thổ các đô thị Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng sẽ lập thành nhượng địa Pháp và toàn quyền sở hữu sẽ hoàn toàn giành cho Chính phủ Pháp. Chính phủ Đại Nam khước từ mọi quyền lợi trên các lãnh thổ ấy.

Điều II: (Nói việc xác định dứt khoát quyền sở hữu của người Pháp ở Bắc và Trung kỳ).

Điều III: (Nói việc phân chia ranh giới).

Đà Nẵng theo sử ta ghi ranh giới từ cầu Thương Chính đến trụ sở viên Châu sứ – địa phận Thạch Thang, tích làm đất nhượng địa. Như thế chỉ bao gồm 5 xã Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên, nghĩa là khoảng Trẹm xuống công ty xăng dầu KV5 bây giờ, còn bề rộng bao quát đường Ông Ích Khiêm hiện nay, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh 19.7.1888. Toàn quyền Piquet ký nghị định ngày 24.5.1888, Pháp chỉ chiếm hữu, quản lý, cai trị 10.000 ha (20.000 mẫu ta) của nhượng địa Đà Nẵng.

Đầu năm 1889, Công sứ Pháp Villard và Tuần vũ Quảng Nam Nguyễn Đình Khiêm thực hiện đo đạc, cắt xén. Nhưng rồi Pháp trở chứng, năm 1901 (Thành Thái thứ 13) lại đòi triều đình Huế cắt xén thêm các xã Xuân Đán, Thạc Gián, Liên Trì, Bình Thuận, An Khê, Xuân Hà, An Khê Đông, Hà Khê (thuộc Hòa Vang) tất cả là 13 xã bên tả ngạn và 6 xã thuộc hữu ngạn: Mỹ Khê, An Hải, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Mân Quang, Vĩnh Yên (thuộc Điện Phước huyện, phủ Điện Bàn) tất cả 19 xã làm nhượng địa. Như thế, Đà Nẵng bao gồm một khu vực rộng lớn, từ sông Hàn, qua Thanh Khê, qua vùng sân bay đến Liên Trì. Nhưng chưa phải người Pháp chịu dừng lại.

Thành phố mở ra, ngày 24.1.1901 Toàn quyền Beau đã ký luật đặt tên cho 13 con đường. Việc buôn bán nhanh chóng với phần đáng kể từ Hội An ra. Sự phồn thịnh, sinh động người ta thấy ngay từ buổi đầu; tàu thủy chạy bằng hơi nước đã trở nên phổ biến.

Ở Trung kỳ, Đà Nẵng là đô thành (Ville) duy nhất còn Thanh Hóa, Vinh – Bến Thủy, Huế, Quy Nhơn và Đà Lạt là thị xã. Về hành chính trên hết có viên chúa xứ thị trưởng (Résident maire), chữ Hán là Đà xứ Đại thần còn dân ta gọi là Xã Tây, có toàn quyền về cai trị, giữ an ninh địa phương với sự giúp đỡ của quân đội (có bộ binh và pháo binh người Âu – Đội lính khố xanh người bản xứ – cảnh sát, mật thám, công an).

Nhân dân đô thị gồm người Âu, Hoa kiều và một ít Ấn kiều, dân các xứ đạo, thị dân hay các làng xã người Việt. Sự tổ chức làng xã vẫn giữ nguyên nề nếp tự trị, tín ngưỡng. Trường học được mở, cả công và tư.

Bộ máy điều hành cai trị, kinh tế, giáo dục đóng tại Đà Nẵng khá phức tạp vì ngoài các cơ sở địa phương, Đà Nẵng còn có nhiều cơ sở cấp Trung kỳ. Quan thuế, bưu chính, y tế, thú y, phòng thương mại và canh nông. Về đường sắt đã có một ga lớn. Về hàng hải có những phân cục của hãng Messa geries – Marintimes và Chageurs Resunis…

Về văn hóa, người Pháp phần lớn là thương gia, nhà trồng trọt đã tìm kiếm, khai quật và tạo dựng được Musée Parmentier nay là Cổ viện Chàm, năm 1916.

Bên lề thành phố còn có khu nghỉ mát Bà Nà.

Đến thập niên 30 thì Đà Nẵng có đủ bộ mặt của một thành phố xứng đáng với tên ấy. Thế giới biết tới khá nhiều, giao thiệp khá rộng.

Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3, bộ mặt thành phố không thay đổi chỉ thay đổi quan cai trị.

Sau đó, tháng 8, cách mạng Việt Nam thay đổi hẳn guồng máy cai trị. Đà Nẵng mang tên mới, Thái Phiên, một thời gian.

Bấy giờ bộ mặt thành phố đã xuống cấp nhiều vì lý do chiến tranh. Các cơ sở do người Pháp lập nên bị ảnh hưởng sâu sắc từ chính biến tháng 3 (Nhật đảo chính Pháp, lập Chính phủ Bảo Đại, Trần Trọng Kim làm Thủ tướng). Việt Nam cũng đang chuẩn bị kháng chiến nên thành phố cũng nặng về tổ chức lực lượng chờ thời cơ.

Rồi Pháp tấn công, 1946 đại bộ phận thành phố rút về thôn quê. Sự lãnh đạo thành phố chỉ tiến hành trong bí mật.

Pháp trở lại vẫn giữ nguyên hệ thống cai trị cũ, chỉ nặng về phần quân sự để bảo vệ thành phố vừa tiếp cứu các tiền đồn hẻo lánh.

Năm 1954 – 1975 sau kháng chiến I, thành phố thay đổi đời sống kinh tế chưa có lối thoát. Từ năm 1965, khi Mỹ đổ bộ vào thì bộ mặt của thành phố có nhiều thay đổi, không kể bộ máy chiến tranh cồng kềnh phức tạp, đa dạng với các dịch vụ mới lạ do người tứ xứ mang lại. Thành phố luôn luôn lên cơn sốt.

Sau năm 1975, lần đầu tiên thành phố không trực thuộc Trung ương mà thuộc Quảng Nam với tên gọi là Quảng Nam – Đà Nẵng.

Ngày 01.01.1997, Quảng Nam – Đà Nẵng được tách ra thành hai đơn vị hành chính, thành phố Đà Nẵng chính thức trở lại trực thuộc Trung ương – và là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất ở miền Trung.

Qua phần tóm lược một giai đoạn của lịch sử chúng ta có thể thấy rằng:

-Từ thế kỷ XVI, các chúa Nguyễn đã sớm nhìn nhận Đà Nẵng là đơn vị “trực thuộc Trung ương” khi giao trách nhiệm trấn nhậm Đà Nẵng cho những thế tử chuẩn bị thừa kế nghiệp Chúa.

-Bộ máy cai trị của Pháp cũng công nhận Đà Nẵng (Tourane) là một trong những thành phố lớn toàn xứ Đông Dương năm 1888 và ngay từ buổi đầu Đà Nẵng đã “trực thuộc Trung ương” khi Pháp giao Phủ Toàn quyền Đông Dương quản lý trực tiếp thành phố này.

    -Cách mạng tháng Tám thành công, trong hệ thống hành chính của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là hai đơn vị cùng đẳng cấp, cùng “trực thuộc Trung ương” thông qua Ủy ban hành chính Trung bộ.

    -Trong kháng chiến chống Mỹ, Đà Nẵng “trực thuộc Trung ương” của chính quyền Sài Gòn.

Cả Ta lẫn Tây, từ năm 1888 đến 1975, trải qua bao thăng trầm với chính trị xã hội, Đà Nẵng vẫn được nhìn nhận là một đô thị quan trọng, là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Điều đó không ngẫu nhiên, không ngẫu hứng, mà là tất yếu khách quan của quy luật đô thị hóa, là khoa học. Chính vì vậy, ngày 3.8.1995 làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt vấn đề nâng cấp cho thành phố Đà Nẵng. Và ngày 17.8.1995, trong thông báo kết luận, Thủ tướng xác định: “Nếu Đà Nẵng được chấp nhận là thành phố loại I, thì sẽ làm hạt nhân cho vùng kinh tế trọng điểm Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của bản thân thành phố, của vùng và của cả nước. Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội để có quyết định cuối cùng”.

Đây là một trong những nhìn nhận lớn nhất cho Đà Nẵng để bước vào thế kỷ 21. Dẫu nhiều việc cần phải làm, phải phấn đấu để Đà Nẵng vươn lên thành phố loại I, thành phố hạt nhân khu vực miền Trung. Rồi phải có cơ sở hạ tầng loại I, thị dân loại I và tất nhiên phải có cán bộ quản lý đô thị loại I. Nhìn vào thật đầy gian khó. Nhưng điều quan trọng hơn lúc nào hết là Đà Nẵng được đặt vận mệnh của mình trong tháng 8 là: Đà Nẵng đã được nhìn nhận đúng tầm vóc, được giao sứ mệnh cao cả, được đặt trên con tàu hướng về tương lai, góp phần xứng đáng trong công cuộc xây dựng đổi mới của đất nước.

  1. Sự hấp dẫn là cứ điểm

Đà Nẵng với những thuận lợi về địa lý, nhân văn, giao thông, vận tải, phát triển kinh tế – xã hội. Đó là nơi đất liền và núi giáp với biển đã để lại đó một vũng sâu, khá kín, tạo cảng biển thuận lợi bậc nhất nhì của cả nước nếu tính trên mặt bằng tự nhiên và nhất nước nếu tính trên mặt bằng hậu xứ.

Điểm giữa ấy lại còn là mối nối giữa đường bộ, đường sắt với đường biển (biển ở đây mang tính “mặt tiền” về tiếp xúc quốc tế), rồi với đường bay trong và ngoài nước. Tất cả những gì mang tính thương mại, trao đổi, giao lưu từ miền Bắc vào, đa số thông qua đó, rồi cũng từ đó vào Nam sau khi đã chạy dọc suốt miền Trung.

Với Tây Nguyên, chỉ có Đà Nẵng mới có một nội lực chuyển tất cả những nhu cầu của miền núi ra biển, thông qua một bàn đạp tiện lợi nhiều bề, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang không có cảng lớn, Quy Nhơn vẫn là một cảng nhỏ, Dung Quất, cảng biển từ Huế đến Vinh đều không đạt yêu cầu kinh tế – thương mại quốc tế. Dù mai sau có cảng mới tầm cỡ nào đi nữa (như Dung Quất, Văn Phong, Chu Lai, Chân Mây) thì Đà Nẵng vẫn giữ vai trò quan trọng nhất của mình mà cả nước giao cho.

Đà Nẵng là điểm cuối của cả một khu vực bát ngát. Không phải chỉ có Tây Nguyên đằng sau lưng, mà còn có cả Đông Dương theo nghĩa hẹp (thuộc 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam) và theo cả nghĩa rộng (bao trùm cả phần Bắc Thái Lan và Miến Điện). Trong các xu thế phát triển liên vùng, Bắc và Trung Đông Dương là một miệng phễu rất to lớn, đưa mọi tài nguyên, sản phẩm dịch vụ, về cái đáy (đang phát triển) là Đà Nẵng. Xu hướng phát triển đó không phải chỉ một chiều. Mà chiều ngược lại cũng không nhỏ: cả biển Đông và quốc gia bao lơn của nó, Philippines, Indonesia, Đông Malaysia, Brunei, Úc, New Zealand… cũng nằm ở thế miệng phễu để rót về cái đáy Đà Nẵng. Những miệng phễu to lớn khác, những đòn bẩy mạnh mẽ khác, vẫn còn đi tìm cái đáy, cái điểm tựa này. Đó là cái phễu Viễn Đông, với Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong, Hàn Quốc, Nhật, Nga đều vào đây, kể cả Canada, Hoa Kỳ… Họ dừng lại ở đây rồi đi tiếp về Nam, tự nhiên Đà Nẵng lại là một gạch nối giữa Nam Á với biển Đông.

Tiềm năng đa dạng của Đà Nẵng và hậu xứ to rộng chung quanh, từ biển cả đến cao nguyên, từ bao lơn Thái Bình Dương đến đất liền Đông Á. Điều kiện tự nhiên, yếu tố xã hội cũng như sự khẳng định của lịch sử hơn một trăm năm qua từ lâu đã đặt thành phố Đà Nẵng vào vị trí quan trọng, vượt khỏi khuôn khổ chức năng của đô thị trung tâm. Nói cách khác, Đà Nẵng được trao sứ mệnh “đầu tàu” của khu vực miền Trung trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

 Ông IChiKaWa, cố vấn của Vụ Đầu tư nước ngoài của Nhật thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cử đến Việt Nam. Qua thời gian tìm hiểu để đầu tư vào Việt Nam thì Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được các nhà đầu tư chọn làm trung tâm và tiếp theo đó, vùng đầu tư thứ 3 đang được nhắm đến là Đà Nẵng của Miền Trung. Ông đã chỉ ra rằng: “Khi mà đường hầm xuyên núi Hải Vân hoàn thành được đưa vào khai thác, thì sự hấp dẫn từ rầy về sau của Đà Nẵng chính là cứ điểm lưu thông hàng hóa”. Và Hành lang Đông Tây có chiều dài tất cả 1.450km nối  liền 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma sẽ hoạt động hết cơ năng vào những năm tới. Cửa ngõ phía Đông của con đường này là Đà Nẵng có cảng biển nước sâu lớn nhất miền Trung. AFTA (Hiệp định mậu dịch tự do của các nước ASEAN) nhằm đến việc gỡ bỏ hàng rào quan thuế ở các nước Đông Nam Á được thực hiện từ năm 2006 trở đi cũng ủng hộ cho tính ưu việt của Đà Nẵng. Từ sự bùng nổ của ngoại thương, đầu tư vượt ra ngoài biên giới của các nước trong khu vực người ta kỳ vọng Đà Nẵng sẽ phát triển lớn để trở thành một cảng xuất khẩu lớn các hàng hóa của vùng lục địa phía trong…

Đầu tháng 7.1996, Viện Chiến lược Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo định hướng quy hoạch phát triển kinh tế 4 tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Tại đây, chúng ta cũng không khỏi ngạc nhiên sự nhận định trong báo cáo của ông Itaru Mae, trưởng đoàn nghiên cứu của JICA tại Việt Nam đã đưa ra 5 mục tiêu cần phải đạt được trong các dự án về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật góp phần kiến giải trong việc rút ngắn những khoảng cách để phát triển kinh tế giữa các vùng và các miền như sau:

Mục tiêu thứ nhất là phối hợp khả năng phát triển của các tỉnh, tạo mối liên kết giữa các vùng nông thôn và thành thị để thực hiện tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội gồm các vấn đề: Hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tuyến đường cao tốc số 1 chạy dọc các tỉnh duyên hải miền Trung và các đường quốc lộ khác như đường 9, đường 49, đường 14B, và đường 24, xây dựng đường hầm Tunel xuyên qua đèo Hải Vân. Quy hoạch sử dụng đất hợp lý, tạo một trục phát triển công nghiệp Đà Nẵng – Quảng Ngãi và tuyến hành lang thương mại Đông Hà – Huế.

Mục tiêu thứ hai là thiết lập một tuyến hành lang thương mại quốc tế mới nối liền miền Trung với các nước láng giềng như Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Bắc Campuchia và biến miền Trung thành một đầu mối giao thông, một trung tâm chế biến thương mại ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Để thực hiện mục tiêu này, trước hết là nâng cấp quốc lộ 9 và quốc lộ 1 nhằm nối mạng với các tuyến đường nội địa và với các cảng biển nước sâu như Dung Quất, Chân Mây để cho vùng Mekong lớn (Great Mekong Subregion – GMS) có thể trở thành cửa biển mở ra Thái Bình Dương. Kế đến là thành lập các khu thương mại tự do dọc theo tuyến hành lang, một trong số đó ở ngay gần kề cảng biển mới thuộc địa phận miền Trung. Xây dựng hệ thống quản lý theo thể chế quốc tế cho các quốc gia liên doanh.

Mục tiêu thứ ba là tăng tốc phát triển kinh tế vùng bằng cách chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đặc biệt chú ý hơn nữa đến cơ cấu ngành trong khi phải cố gắng nâng cao năng suất ngành nông nghiệp, điều đó giúp thực hiện phát triển cân đối hợp lý giữa các khu vực thành thị và nông thôn. Trước tiên là hình thành các khu công nghiệp từ Đà Nẵng đến Dung Quất theo hướng sản xuất sản phẩm xuất khẩu có khả năng cạnh tranh quốc tế, khuyến khích phát triển công nghiệp du lịch ở hành lang Huế – Đà Nẵng nhằm sử dụng tốt nhất các di tích văn hóa lịch sử và tự nhiên. Nâng cao năng suất nông nghiệp đặc biệt là vùng cao, bằng việc cung cấp cho các vùng này cơ hội hợp lý tiếp cận thị trường và dịch vụ xã hội, giúp đỡ đồng bào dân tộc quản lý và đa dạng hóa sản xuất cây công nghiệp và cây lương thực.

Mục tiêu thứ tư là mở rộng hệ thống thể chế và hành chính hiện hành ở miền Trung nhằm khuyến khích và chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế hướng thị nói chung và tiến hành thực hiện có hiệu quả và hợp lý các dự án và chương trình phát triển. Trước hết là tăng cường năng lực cho chính quyền các địa phương trong việc điều hành và thực hiện các chương trình và dự án phát triển thông qua toàn bộ các chu trình từ kế hoạch thực hiện, bảo hành và hoàn thiện chức năng phối hợp với chính phủ và hợp tác liên cơ quan, kết hợp, hợp tác liên tỉnh. Tạo môi trường thu hút vốn đầu tư bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và vốn đầu tư địa phương, vào các ngành khác nhau ở miền Trung, đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc phát triển cơ sở này, thiết lập cơ chế tài chính hợp lý cùng với chính phủ tiến hành phân bổ trách nhiệm giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương, quan tâm nhiều hơn nữa tới những quy chế và hướng dẫn của các cơ quan tài trợ đa phương và song phương trong trường hợp các cơ quan này cùng viện trợ.

Mục tiêu cuối cùng là tiến hành công cuộc phục hồi miền Trung từ một khu vực dễ bị thiên tai thành vùng có môi trường bền vững và an toàn trong một môi trường có nhiều điều kiện tự nhiên không thuận lợi so với hai đầu đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, trước hết phải tiến hành các phương án như kìm chế lũ ở các lưu vực, các con sông đổ vào miền Trung, xây dựng các đập đa dụng, cải tạo hệ thống thoát nước cho các đô thị. Kế đến là cải thiện môi trường cho dân cư khu vực đô thị bằng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị như đường sá, cấp thoát nước, rác thải, nhà ở,… để khu vực đô thị có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa các hoạt động kinh tế cùng các khu vực ven đô có khả năng thu hút vốn đầu tư, hoàn thiện các dịch vụ y tế và giáo dục, nâng cao mức sống mọi mặt cho nhân dân.

Sau cuộc Hội thảo đầu tháng 7.1996, của Viện Chiến lược Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển kinh tế 4 tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi”.  Thì vào ngày 26.8.1996, Ngài Katsunary Suzuki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, đã đến Đà Nẵng.  Trong cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo, trí thức, doanh nghiệp có lời phát biểu: “Để hướng tới thế kỷ 21, tôi dám khẳng định rằng, miền Trung là khu vực có vai trò then chốt trong quá trình đưa đất nước Việt Nam vào thế ổn định và phát triển… Sự phát triển của miền Trung mà Quảng Nam – Đà Nẵng là trọng điểm, không nằm ngoài ý đồ phát triển Việt Nam một cách toàn diện. Trong thế chiến lược của khu vực Đông Dương thì miền Trung nằm ở vị trí cực kỳ quan trọng vì từ đây có thể dễ dàng thiết lập một mạng lưới quan hệ với Lào, Thái, Campuchia. Đây chính là một khu vực có tiềm năng phát triển to lớn lâu dài. Tôi hy vọng miền Trung sẽ là một đòn bẩy cho sự phát triển toàn khu vực Đông Nam Á mà vai trò quan trọng chính là Đà Nẵng”…

Vì vậy, khi Đảng và Chính phủ quyết định chọn Dung Quất để xây dựng nhà máy lọc dầu số một và số hai là một quyết định táo bạo, sáng suốt, đặt viên gạch nền cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Liên Chiểu (Đà Nẵng) – Dung Quất (Quảng Ngãi) – Chu Lai (Quảng Nam) đều nằm trong tổng thể phát triển của cả nước.

Nói về thời cơ thì thời cơ đã đến rồi. Vậy cái còn lại là những điều cần suy nghĩ?

Tài nguyên và tiềm năng của miền Trung phải nói là rất lớn và rất phong phú song chưa được khai thác đúng và khai thác có hiệu quả. Điều cảm nhận của tôi với hơn 20 năm trực tiếp trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc trên diễn đàn của tạp chí chuyên đề Đô thị và Phát triển nhìn nhận miền Trung thật sự chưa có một chiến lược quy hoạch phát triển tổng thể. Nếu có thì chỉ có riêng ở từng địa phương, cộng các quy hoạch phát triển của các địa phương lại thì điều dễ nhận thấy là sự dàn trải đều, chồng chéo. Thậm chí dẫm chân lên nhau. Có ý kiến cho rằng ta còn nghèo vì vậy có gì cứ bày ra, bày hết ra, phía đối tác chọn được nơi nào tốt nơi đó. Điều này tạo ra một ảo tưởng phát triển và thiếu một tầm nhìn xa. Phát triển phải có trọng điểm. Liên Chiểu – Dung Quất – Chu Lai là một trọng điểm. Không nhất thiết nơi nào cũng phải có cảng, sân bay… dẫn đến sự đầu tư thiếu tập trung và hiệu quả thấp. Phải tính đến sự phát triển đồng bộ và liên hoàn giữa các vùng mới tạo được tổng lực để phát triển, ta chưa tạo được thế và cho đến bây giờ gần hai thập kỷ của thế kỷ 21 vẫn còn khá nhiều lúng túng trong định hướng phát triển.

Miền Trung nói chung và Quảng Nam – Đà Nẵng – hạt nhân phát triển – nói riêng tiềm năng rất lớn song vẫn chưa tạo được lực hấp dẫn trong hợp tác đầu tư phát triển. Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố then chốt quy hoạch vùng tổng thể chưa được chú trọng, chưa tạo dựng được sự hợp tác có hiệu quả. Công tâm mà nói thực trạng hiện nay theo cái nhìn của tôi là mức sống của người dân vẫn còn thấp và nghèo. Khoảng cách so với hai đầu vẫn còn xa. Vì vậy nhìn ở góc độ nào cũng phải đặt vấn đề rút ngắn khoảng cách, tạo nên sự phát triển tương đối đồng bộ và thúc đẩy lẫn nhau.

Tương lai Quảng Nam – Đà Nẵng là tương lai của một vùng kinh tế mở ra biển Đông. Và dù nhìn ở góc độ nào Đà Nẵng cũng có một hấp lực lớn và thuận lợi nhất trong việc hòa nhập vào mạng đường Liên Á. Đường 14 B thông đến Tây Nguyên và rút ngắn khoảng cách đáng kể nhất trong tiến trình liên kết hợp tác và phát triển. Khu công nghiệp phức hợp Dung Quất không chỉ mở hướng phát triển khu công nghiệp lớn Kỳ Hà – Chu Lai mà còn là yếu tố động lực để khẳng định Đà Nẵng có vị trí hạt nhân trong sự phát triển của toàn khu vực.

– Còn bây giờ, vấn đề đặt ra để thật sự là hợp tác phát triển bền vững của Vùng.

– Chắc có lẽ phải nghĩ đến các nhà Quản trị điều hành…

  1. Đô thị của những hy vọng lớn cho chuỗi phát triển vùng

Kể từ thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng ngày càng thay thế dần vị trí cửa khẩu Hội An và xác định rõ cảng biển và đầu mối giao thông chiến lược nổi bật của mình vào thời Pháp thuộc. Sự xuất hiện đầu mối tuyến xe lửa toàn miền Trung rồi căn cứ hải quân, sân bay (thành lập vào năm 1940) nhấn mạnh vị trí giao thông, căn cứ chiến lược vào lõi kinh tế – kỹ thuật của thành phố này. Và từ ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng là một trong những địa phương có kinh tế phát triển lớn tại khu vực. GDDP tăng trưởng trung bình 10%/năm. Quy mô GRDP năm 2016 theo giá 2010 là 53.900 tỷ đồng, tăng gấp 6,2 lần so với năm 1997; GRDP bình quân/người xấp xỉ 3.000 USD, đây là mức thu nhập xếp hạng thứ 07 trong cả nước. Giải quyết việc làm bình quân 27.630 lao động/năm; mức thu ngân sách hiện nay vào khoảng 25,9 nghìn tỷ đồng, cao nhất toàn vùng duyên hải miền Trung và được xếp hạng 09 trong cả nước.

Hiện nay, tỷ trọng GRDP của Đà Nẵng so với cả nước chiếm 1,55% (trong khi của Quảng Nam đã là 1,62% và Quảng Ngãi 1,3%). Nếu xếp thứ tự trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm thì Đà Nẵng chỉ xếp thứ 02 và trong 14 tỉnh duyên hải miền trung thì xếp thứ 04.

Nghị quyết 33 của Bộ chính trị đã chỉ rõ: Đà Nẵng là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố cũng đề ra mục tiêu: Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố có môi trường sống lý tưởng, mang giá trị nhân văn, hạnh phúc cho con người. Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu duy nhất là không chỉ sánh mình với các địa phương trong cả nước mà còn hướng đến ngang hàng với các thành phố trên thế giới nhằm khẳng định vị thế và tầm vóc của thành phố.

 Trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng được xác định là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây với điểm kết thúc là cụm cảng Tiên Sa – Liên Chiểu. Nằm ngay trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế, Đà Nẵng có một vị trí đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững. Với cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, với nguồn nhân lực dồi dào – môi trường kinh doanh thuận lợi cùng những cơ chế chính sách ưu đãi thông thoáng đã giúp cho Đà Nẵng trở thành một điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước.

Năm 1997 sau khi chia tách đơn vị hành chính, Đà Nẵng có diện tích đất khu vực nội thành từ khoảng 5.600 ha tăng lên đến hơn 21.000 ha năm 2016. Dân số từ 672.468 người vào năm 1997 đã lên đến 1.004.000 người vào năm 2016. Là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước đạt 87,4% nhưng thực chất là kết quả của quá trình xác lập địa giới hành chính, không phải là của luồng di cư nông thôn.

Với tổng diện tích 128.543 ha, bao gồm 6 quận nội thành và 2 huyện Hòa Vang, Hoàng Sa ( trong đó diện tích đất liền là 98.043 ha, phần diện tích quần đảo Hoàng Sa là 30.500 ha). Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt 7 phân khu: Khu vực đô thị cũ có diện tích khoảng 3.263,92 ha; khu ven biển Tây Bắc diện tích khoảng 3.647,12 ha; khu vực ven biển phía Đông diện tích khoảng 3.330,81 ha; khu vực phía Tây diện tích khoảng 13.605,89 ha; khu vực Bán đảo Sơn Trà diện tích khoảng 4.383,39 ha; khu vực phía Nam diện tích khoảng 9.075,76 ha và khu vực đồi núi phía Tây và huyện đảo Hoàng Sa diện tích khoảng 91.181 ha.

Đến nay, các phân khu phía Đông, Nam, Tây Bắc đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hình thành các khu dân cư mới làm thay đổi diện mạo đô thị của thành phố. Các khu vực ven đô thị và nông thôn đã phát triển theo hướng đô thị hóa có tỷ lệ cao như các xã: Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Liên…. Khu vực đô thị cũ tập trung ở các quận: Hải Châu, Thanh Khê và một phần Sơn Trà, Cẩm Lệ đang tiếp tục được cải tạo chỉnh trang, nâng cấp.

Đà Nẵng có trục đường Bắc Nam quốc lộ 1A (đường xe lửa xuyên Việt) nay có thêm đường Trường Sơn ở phía Tây, Tuyến đường ven biển phía Đông. Sân bay quy mô quốc tế được nâng cấp, dự tính đến năm 2020 đón 13 triệu lượt khách/năm, năm 2030 là 28 triệu lượt khách/năm, tạo thành những tuyến giao thông hàng đầu theo chiều dọc. Với 7 cây cầu bắc qua bờ Đông sông Hàn, Đường 14 (tiến sâu về phía Tây nối kết đường Trường Sơn) tạo thành những trục  giao thông theo chiều ngang… hoàn thiện cảng Tiên Sa giai đoạn 2 với 1.770m cầu bến có khả năng tiếp nhận hàng tổng hợp với trọng tải đến 70.000 DWT, tàu container 4.000 Teus, tàu khách loại lớn đến 150.000 GRT đảm bảo năng lực tiếp nhận hàng hóa qua cảng lên đến 12 triệu tấn/năm. Như vậy, việc vận chuyển qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây qua cảng Tiên Sa sẽ rút ngắn được hành trình vận chuyển, giảm chi phí giao dịch đồng thời nâng cao được năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu sang các vùng và các nước trong khu vực, tăng cường thêm cảng Liên Chiểu, mở rộng các khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Cầm, Khu Công nghệ cao, hầm Hải Vân (rút ngắn khoảng cách với Huế), khu nghỉ mát Bà Nà ở vùng núi phía Tây, dần hình thành phức hợp công viên tự nhiên Ngũ Hành Sơn, dải bờ biển du lịch phía Đông… Lõi kinh doanh trung tâm đang hình thành với sự phát triển của nhà cao tầng, trung tâm thương mại – dịch vụ, sinh hoạt văn hóa – xã hội đã tạo cho Đà Nẵng dáng dấp một trung tâm kinh tế lớn nhất miền Trung, một siêu đô thị – đa trung tâm và không ít học giả nước ngoài đã chọn nghiên cứu Đà Nẵng như một thành phố tiêu biểu, mạnh dạn tự lực phát triển sau đổi mới.

 Cuối năm 2008, trong một cuộc Hội thảo Quốc tế về đô thị Đông Nam Á ở TP.HCM, Giáo sư Christian Taillard cho rằng: Từ một thành phố quy hoạch xây dựng theo tuyến tính về giao thông (sông Hàn và sân bay) từ thời Pháp thuộc cho đến chiến tranh chống Mỹ, rồi bước vào thời kỳ phát triển sau chiến tranh, Đà Nẵng đã phát triển theo hướng một siêu đô thị – đa trung tâm. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa Đà Nẵng chỉ mới diễn ra ở các trục giao thông chính và các khu đô thị, khu công nghiệp mới, chứ chưa tác động bao nhiêu đến cơ cấu thôn làng ở các lõi giữa. Cho nên cảnh quan đô thị Đà Nẵng ngày nay là một sự đan xen hai yếu tố đô thị và nông thôn. Đây có lẽ là hình mẫu chung cho nhiều thành phố đang phát triển nhanh ở một đất nước có 70% dân số nông thôn như nước ta.

Vào giai đoạn đất nước chuyển mình đô thị hóa nhanh chóng, Đà Nẵng là thành phố mạnh dạn đi đầu trong việc thể nghiệm một phong cách phát triển đô thị kiểu mới, vừa dung hòa được phát triển kiểu kinh tế thị trường, vừa tạo được sự đồng thuận xã hội, từng bước tiến lên từ một đất nước còn kém phát triển.

 Bà Kathrin Moore (từng là trưởng nhóm quy hoạch SOM (Mỹ) thiết kế khu đô thị mới Nam Sài Gòn vào những năm 1990) và Ngô Viết Nam Sơn (Tiến sĩ kiến trúc hành nghề giảng dạy ở Bắc Mỹ) qua những hội thảo đã cùng trao đổi kinh nghiệm xây dựng đô thị, trình bày kinh nghiệm xây dựng trên thế giới, tìm ra giải pháp để gắn kết công tác quy hoạch, xây dựng đô thị hiện đại phù hợp với điều kiện khí hậu, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam. Sau đó, họ đã tham gia phương án góp ý quy hoạch Đà Nẵng theo hướng mới.

Bàn bạc về các dự án lớn đang triển khai ở Đà Nẵng, họ thực sự e ngại về nạn giao đất cho các công ty khai thác “resort” bít kín bãi biển, rừng dương trên các đồi cát ven biển đang biến mất, tác động không mấy thuận lợi lên môi trường rất nhạy cảm của vịnh biển khi phương án xây dựng của Hàn Quốc xuất hiện… Đáng ra các chuyên gia môi trường và kiến trúc – quy hoạch phải sớm mạnh dạn tham mưu lãnh đạo thành phố về các mặt này.

Đà Nẵng ngày càng được xác định như một trung tâm dịch vụ – Khoa học – Kỹ thuật – Tài chính cho toàn khu vực miền Trung. Tuy thế, trong công tác yểm trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay là trung chuyển hàng hóa và nhất là du lịch, thành phố Đà Nẵng chưa được trang bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng. Thành phố nên tập trung đẩy mạnh ưu thế dịch vụ – kỹ thuật hơn là chạy theo mốt thời thượng trước mắt là lập các khu du lịch riêng cho mình.

Nhiều người cho rằng vị trí Đà Nẵng không mấy thuận lợi cho du lịch (nhiều ngày hứng gió bão mạnh trong năm). Nạn môi trường tự nhiên bị phá hủy và bê tông hóa làm thành phố nóng hơn vào mùa nắng, lạnh hơn vào mùa đông. Dư luận lâu nay vẫn còn xôn xao về những bất cập trong việc chia lô bán sạch đất bãi biển, việc chiếm dụng các rẻo đất triền núi Sơn Trà xây các khu gọi là “resort” rất lôm côm…

Theo KTS Nguyễn Hữu Thái: Tôi từng trú ngụ mấy năm ở bang Florida, nổi tiếng về du lịch bãi biển ở Mỹ, tại đó người ta không bao giờ giao đất nằm sát biển cho tư nhân khai thác xây dựng khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí. Bãi biển là không gian vui chơi giải trí mà toàn cộng đồng phải được ưu tiên sử dụng. Ngoài vai trò cảng biển trung chuyển lớn, TP. Đà Nẵng nên mở thêm khu bến thuyền. Thành phố lâu nay đã chủ trương đúng khi khuyến khích xây dựng văn phòng, khách sạn quy mô lớn, nhưng nên kết hợp với sinh hoạt trung tâm hội nghị phục vụ họp mặt nghề nghiệp, đại hội chuyên đề (convention), hội thảo quốc tế, kết hợp vui chơi giải trí dành cho gia đình người dự họp như thường thấy ở phương Tây.

     Ông cũng nhận định thêm rằng: Thời đại công nghệ 4.0 đang được coi là nền tảng để xây dựng lên những thành phố kết nối, nơi có các tòa nhà thông minh, mọi quy trình sẽ được điều khiển từ xa hoặc tự động hóa mà không cần đến sự can thiệp của con người. Khu kinh tế tự do Songdo, Incheon của Hàn Quốc, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Shah Alam (Malaysia), Florida và New York (Mỹ) là các ví dụ điển hình về thành phố thông minh với khả năng áp dụng công nghệ vào quản lý và sinh hoạt. Tại Việt Nam, Đà Nẵng nên quyết tâm xây dựng mô hình công nghệ cao này.

Giáo sư đại học Harvard là Michael Porter luôn nhắc ta rằng: muốn cạnh tranh thành công thì phải tạo được sự khác biệt. Về mặt năng lực cạnh tranh đô thị, Đà Nẵng có thể tận dụng các lợi thế so sánh sau:

– Hậu phát: là đô thị phát triển nên có thể rút ra các bài học, kinh nghiệm, biết tăng cường các thế mạnh và loại bỏ các sai lầm của các thành phố khác.

– Địa lý: do vị trí trung tâm giữa Nam – Bắc Việt Nam, gần Tây Nguyên, ở điểm cuối hành lang Đông Tây của tiểu vùng Mekong.

– Nguồn vốn trí tuệ và xã hội: nguồn nhân lực được đào tạo khá lớn, khoa học công nghệ phát triển, nào công viên phần mềm, khu đô thị công nghệ cao FPT, trung tâm công nghệ sinh học, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu.

– Trị lý đô thị (urban governance): với một chính quyền chủ trương cách tân, chịu lắng nghe ý kiến nhân dân và tư vấn khoa học – kỹ thuật.

     Cuối cùng là nhận định của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính rằng: Đà Nẵng đã đạt được sự mở mang đủ tầm và đủ sức đón tương lai. Đã đến lúc phải đặt trọng tâm vào phát triển theo chiều sâu, tức là bắt tay vào cải tạo và chỉnh trang khu trung tâm, các khu phố cũ; kiện toàn kiến trúc và cảnh quan những con đường và những khu phố mới, cải thiện và vun đắp hình ảnh chung đô thị.  Sao cho chừng mực trong việc sử dụng tài nguyên đất, cảnh sắc thiên nhiên chớ quá vung tay, biết để phần và dành dụm cho con cháu. Đà Nẵng đang sở hữu một giang sơn đủ cho một quốc gia. Đà Nẵng đang là chủ một Việt Nam thu nhỏ, chớ nên vội vã và vắt kiệt vùng đất ven biển, hãy để cho Sơn Trà là một quỹ dự trữ, hãy đắn đo khi chiếm lĩnh những khoảng không gian giữa thành phố và vùng rừng núi…

Nếu biết gìn giữ và nâng niu. Đà Nẵng sẽ là mảnh đất hứa, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị toàn cầu kết nối với đô thị các nước thậm chí còn nhiều hơn với đô thị trong nước…

Nhìn chung, trong chiến lược phát triển Đà Nẵng là một thành phố năng động – đang ở trên tuyến đầu phát triển, Đà Nẵng luôn được xác định như cái lõi hỗ trợ cho sự phát triển toàn miền Trung. Nhìn về toàn cảnh phát triển khu vực Đông Á mở ra Thái Bình Dương thì Đà Nẵng là nhịp cầu kết nối trục phát triển Việt Nam từ Hà Nội – Hải Phòng đến TP.HCM – Cần Thơ, là cửa ngõ mở ra Biển Đông của đường Đông Tây Xuyên Á.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, người ta cũng nhận thấy rằng Đà Nẵng đang chệch hướng và thiếu tầm kiểm soát trong quy hoạch phát triển bền vững. Qũy đất để thiết chế đời sống văn hóa xã hội đang dần cạn kiệt. Tài nguyên, môi trường sinh thái lạm dụng chiếm hữu, khai thác đang gióng lên hồi chuông báo động.

 Liệu các nhà quản lý, quy hoạch có cảnh tỉnh?

Mong rằng khi xác định lại hướng quy hoạch xây dựng mới cho thành phố, chúng ta sớm rút tỉa những bài học kinh nghiệm ở các đô thị khác trên thế giới, phát triển Đà Nẵng theo chiều hướng kinh tế – nhân văn tích cực.

Kết luận

Tự mình, Đà Nẵng khó bắt lên được, dù với bao nhiêu thuận lợi về đất đai, về con người. Với đòn bẩy của cả miền Trung, sự thành công sẽ được đảm bảo hơn. Với đòn bẩy của cả nước, hiệu quả sẽ được nâng cao. Với đòn bẩy hiện đại hơn của khu vực và thế giới sự thành công sẽ to lớn hơn, chắc chắn hơn.

Trong cuộc hành trình của thế kỷ 21 và của cả thiên niên thứ ba. Đà Nẵng sẽ vì cả nước và cùng cả nước tiến lên cùng cơ sở của một thành phố lớn, của một đô thị công nghiệp từng mang tính hiện đại trong đầu thế kỷ 20. Một thành phố hấp dẫn thứ 3 của Việt Nam. Một thành phố tạo dựng cho chuỗi phát triển kinh tế Vùng.

Nguyễn Cửu Loan

Tổng Thư ký Hội QHPTĐT. Đà Nẵng

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …